Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018


NHÌN LẠI HAI XU HƯỚNG TRONG PHONG TRÀO DUY TÂN
Ở VIỆT NAM ĐẦU TK XX – KINH NGHIỆM CHO HIỆN TẠI

Nguyễn San Hà[1]


I.ĐẶT VẤN ĐỀ

Trước sự thắng thế của thế lực Chủ nghĩa tư bản vào cuối thế kỷ XIX, các quốc gia ở châu Á lần lượt trở thành các nước thuộc địa, nữa thuộc địa trước lực lượng thực dân Phương Tây hùng mạnh. Sự thất bại của các quốc gia châu Á vào cuối thế kỷ XIX phản ánh sự lạc hậu và yếu kém của một thiết chế chính trị, một phương thức sản xuất được gọi là “phong kiến”. Trật tự quan hệ giữa các nước theo quan niệm “Trung Hoa là trung tâm của đất trời” đã bị phá vỡ, con người ở các quốc gia bị đô hộ nhận ra rằng tri thức phương Tây mới là thứ tạo ra sức mạnh làm họ thất bại. Xuất phát từ suy nghĩ trên, một lực lượng nho sĩ cấp tiến đã vấn thân vào con đường Duy tân với mong muốn cứu nhân dân trong nước thoát khỏi cảnh u tối và nô lệ. Nhưng con đường Duy tân  đó tại Việt Nam không diễn ra một cách dễ dàng mà luôn phải bị thử thách của thời cuộc. Trong khuôn khổ của bài viết, tác giả mong muốn khắc họa lại sự phong phú của hai xung hướng trong phong trào Duy tân và chỉ ra những kinh nghiệm cho hiện tại có thể tiếp tục học tập để không ngừng đưa đất nước đi lên theo kịp bước tiến của thời đại.

II.NỘI DUNG

1.Tại sao phải tiến hành Duy Tân đất nước ?

Sự thất bại của triều Nguyễn trong cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX đã cho thấy những giá trị tư tưởng và lối sống vốn có của dân tộc Việt Nam suốt hơn một nghìn năm dưới chế độ phong kiến đã không còn phù hợp với thời đại, thể hiện qua sự khủng hoảng của quan hệ Nho giáo, Nho học và Nho sĩ. Ý thức hệ Nho giáo vốn đặt nặng những trật tự lỗi thời cổ hữu như: trọng nông khinh thương, trọng vương khinh bá...trở thành rào cản cho sự phát triển. Trí thức Nho học thì đặt nặng sự “lào chương trích cú”, đặt nặng thi văn cổ phủ mà thiếu tính khoa học dễ làm cho con người đi đến chỗ bế tắc trước các câu hỏi của thời đại. Hai thứ trên đè nặng lên những người Nho sĩ vốn lấy nghiệp “bút nghiêng” là hướng tiến, ngày càng sa sút trước thời cuộc. Từ khi Pháp thiết lập nền “bảo hộ” lần hồi họ sống trong nghèo khổ và tự đóng khung mình trong cái tư duy “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu đọc thư cao”[2] làm cho họ xa rời thực tế rồi trở nên “tài bất đắc trí”. Thực tế trên, tạo ra một viễn cảnh cho các trí thức phong kiến đương thời một câu hỏi lớn: Phải làm gì để cứu dân tộc ? trong khi sở học vốn có thì không thể dùng được.

Thế rồi các sách “Tân thư” bằng tiếng Hán đã được đưa vào Việt Nam, loại sách này làm các nhà trí thức phong kiến “vỡ bùng” đầu óc ra khi thấy rằng: tri thức khoa học và lý luận của Phương Tây thật sự là hữu dụng cho việc cải thiện tình hình tại xứ thuộc địa Đông Dương (dĩ nhiên có cả Việt Nam), đặc biệt hơn là nó đã có sự ví dụ ngày càng tinh tế tại Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm... các khái niệm hiện đại như: Quốc dân, dân chủ dân quyền, tự trị, kinh bang tế thế... cứ lần lượt tràn vào đầu các nhà nho cấp tiến làm cho họ tươi trẻ hơn và quyết liệt hơn trong việc cổ súy cho con đường Duy tân để thay đổi căn bản hơn quốc dân, dân tộc. Họ hy vọng một ngày nào đó, họ sẽ giành được những thứ quyền hành mới mà dưới thời kỳ các ông vua bà hoàng chưa từng được nhắc đến.

Đặc điểm lớn của tình hình Việt Nam trong vấn đề ra đời phong trào Duy tân cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX chỉnh là ở chỗ các trí thức phong kiến cấp tiến phải từ mài mò, vừa học, vừa vận động, vừa thực hành và vừa đấu tranh. Trong đó sự đấu tranh với lối tư duy cũ, quan niệm lạc hậu so với sự đàn áp, ngăn cản của chính quyền thực dân bảo hộ Pháp  trong nước điều khó khăn và nguy hiểm như nhau. Đó là chưa kể đến việc các nhà Duy tân còn gặp phải rào cản về ngôn ngữ[3] và sự thiếu thực tế trong điều kiện Việt Nam, cũng ít nhiều làm lệch đi những giá trị vốn có của hệ thống tri thức khoa học và lý luận phương Tây khi được vận động trong nước.

Tuy vậy, các tri thức khoa học của phương Tây đã thực sự giúp cho các nhà Duy tân trả lời được vấn đề “Tại sao Việt Nam thua Pháp ?”; “Tại sao Nhật Bản không bị nô dịch ?”... để từ đó hình thành nên phong trào Duy tân phát triển mạnh nhất vào đầu thế kỷ XX. Cũng xuất phát từ những đặc điểm hình thành phong trào Duy tân tại Việt Nam, nên từ rất sớm đã hình thành nên hai xu hướng Duy tân khác nhau, những đều do những nhà yêu nước lỗi lạc một thời dẫn dắt.

2. Tại sao “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” trong tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh lại là Duy tân ?

Cụ Phan Châu Trinh vốn là một nhà trí thức phong kiến điển hình cho lực lượng tham gia vào trường quy, làm quan cho triều đình nhà Nguyễn vốn chỉ còn hư danh. Nên ông đã từng nhận xét về bản thân mình rằng: “Vì tôi từ nhỏ đến lớn, từ khi vào học cho đến khi thi đậu, làm quan, không có ai biết mình, mà cũng không có lúc nào đắc chí. Ấy là nhỏ ở nhà, nói ra những lời bi thời mẫn thế, anh em cho là ngu cuồng, hơi lớn đi học làm văn bi thời mẫn thế, thầy học cho là ngu cuồng. Đến khi thi đậu ra làm quan, thường thốt ra những lời than bi thời mẫn thế, quan bộ trưởng và các bạn làm quan cho là cuồng ngu hoặc hỏi cớ sao lại ngu cuồng như thế, mà tôi cũng không tự biết, chỉ cười và vui vẻ nhận lấy”[4]. Rồi đến khi ông đọc được các sách tân văn, tân thư thì đã cho rằng: “Đây chính là thời hữu dụng của kẻ ngu cuồng. Ta đem cái chí cuồng ngu của ta, thi hành kiến thức ngu cuồng của ta, chưa hẳn không ít có ích cho quốc dân”[5].

Cũng chính từ lúc được tiếp thu tân thư, tân văn cụ Phan Châu Trinh đã hình thành con đường Duy tân và kiên trì bảo vệ quan điểm của mình là chưa đặt việc khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc thành nhiệm vụ trước mắt mặc dù ông đau xót trước cảnh người Pháp ngược đãi người Việt Nam, mặc dù ông than cùng thân sĩ : “Trường thử bách niên cam thóa mạ; Bất tri hà nhật xuất lao lưng?” (Nghĩa: Cứ cam chịu mãi người mắng nhiếc; Biết tới ngày nào thoát cũi lòng?). Chẳng những thế, ông còn phản đối việc dùng vũ lực (tức bạo động) để giành lại độc lập quốc gia bởi vì, theo ông, chủ trương trên tuy được nhiều người hửng ứng nhưng khó có thể giành được kết quả như mọi người mong muốn. Vì điều đó chỉ làm tiêu tốn thêm xương máu của dân mà thôi, bởi cốt yếu là quốc dân ta còn nhiều hạn chế. Dùng vũ lực khi còn đang yếu tất phải cậy nhờ ngoại viện (cầu cứu nước ngoài), điều đó thật là sai lầm nếu có thành công đi chăng  nữa cũng chỉ là cảnh thay thầy đổi chủ. Vì vậy một phương châm hành động của ông là “Bất bạo động, bạo động tắc tử, bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu!”. Điểm sâu sắc trong lý luận cách mạng của cụ Phan Châu Trinh chính là ở chỗ chỉ ra được các điều hữu lậu trong tư tưởng và tập quán ứng xử của người Việt, đó chính là: “Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó có sẵn ở quốc dân, trong não mọi người. Mỗi cái nhân thời thế, địa vị của nó mà phát hiện, rồi trong khi phát hiện lại điều chỉnh đi tới cực đoan, lại khi đã tới cực đoan, mỗi cái đều giữ lý do, chuyên cậy vào tập quán, lợi hại đều bị che lấp không thấy”[6]. Ông chỉ ra đó chính là chỗ dựa cho sự ủng hộ chủ trương dùng vũ lực - bạo động. Nên cụ Phan Châu Trinh cho rằng nhiệm vụ cấp bách bấy giờ phải là :

- Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường trong dân, làm cho mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nộc độc chuyên chế, một chứng bệnh bất trị tồn tại lâu đời trong xã hội.

- Khai dân trí: mở mang trí não cho dân, bỏ lối học tầm chương trích cú chạy theo khoa cử cũ, bài trừ hủ tục, xa hoa phí phạm tiền của, mở trường học mới dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, tuyên truyền lối sông tiết kiệm, văn minh…

- Hậu dân sinh: chăm lo đời sống cho dân, bằng cách phát triển kinh tế của đất nước, chỉ con đường làm ăn cho dân như khẩn hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa…

Để thực hiện những nhiệm vụ chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh, trong điều kiện sự thống trị của Pháp vẫn được thừa nhận, chính quyền thuộc địa vẫn tồn tại, tất nhiên là Phan Chu Trinh phải yêu cầu chính quyền thuộc địa sửa đổi chính sách cai trị, làm cho nó có thể giúp nhân dân Việt Nam từng bước tiến đến văn minh. “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” phương châm ấy của Phan Chu Trinh hoàn toàn không có nghĩa là một sự thỏa hiệp vô điều kiện, sự chấp nhận một chính sách cai trị chỉ có lợi riêng cho nước Pháp và làm suy yếu Việt Nam. Tuy ‘ỷ Pháp cầu tiến bộ”, Phan Chu Trinh không thụ động ngồi chờ lòng hảo tâm của nhà cầm quyền. Ông đề cao phương châm “Tự lực khai hóa”, tức là vận động những người cùng chí hướng với mình, đi vào dân chúng dùng lối thuyết khẩu vô băng - diễn thuyết – thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền, vận động mở trường học theo lối mới, lập hội buôn, hội nông…

Ngẫm lại các thư từ của cụ Phan Châu Trinh gửi cho chính quyền thực dân Pháp ta thấy rõ được quan điểm trên như: 

Về Báo chí và diễn thuyết (bản 2) cụ thẳng thắng góp ý: “tôi xin Ngài cho phép ra các tờ báo làm kim chỉ nam hướng dẫn cho dân chúng lớp dưới. Bằng cách ấy, các từng lớp thượng lưu cũng được mở rộng tầm nghe, thấy, điều đó sẽ giúp các quan chức cai trị xứ này dễ dàng hơn”“Nếu được như vậy những tờ báo này sẽ ấn định phương hướng cho sự giáo dục học đường và có thể sửa chữa phong tục, tập quán của người An Nam” từ đó “Trẻ em sẽ có nhà trường để học, người có học sẽ có sách báo để đọc; còm đám người dốt nát thì hiện chưa có cách gì (trong lúc này) để mở mang trí tuệ cho họ. Cho đến nay, đám người này thường hay gây lộn xôn và luôn luôn bị lừa gạt, cho nên, tôi xin cho lập các trụ sở diễn thuyết để dạy cho họ con đường ngay thẳng và cách thức trực tiếp cư xử cũng như sự hiểu biết điều hay, dở. Làm như thế cũng là tạo sự thuận lợi cho việc cai trị xứ sở”[7].

Về các điều luật và việc thành lập tòa án bổ sung (bản 3) cụ nêu lên rằng: “Luật pháp là việc hệ trọng hàng đầu trong một xứ và nếu không thấm nhuần tinh thần công lý thì những tổn hại sẽ lại càng tăng. Trí khôn của dân chúng mỗi ngày mỗi phát triển thêm, mà cứ áp dụng luật cũ không thích hợp, đó là cái tệ nghiêm trọng nhất”“Cách thức cai trị mỗi ngày mỗi đổi khác, nếu cứ áp dụng luật cũ là không theo kịp thời thế”,  “dùng luật cũ thì có khác nào chắp thêm cánh cho hổ, và dân chúng không còn sức kham nổi tình trạng đó”. Rồi cụ Phan “đề nghị Ngài Bộ trưởng, vốn đã biểu lộ ý định tiến hành những cải cách ở Đông Dương, cho cải tổ lại luật pháp, lập các tòa án bổ sung và phân quyền; các quan chức ngạch hành chính lo việc cai trị, quan chức ngạch tư pháp coi xử việc pháp luật. Làm như vậy, những thiệt hại mà dân chúng phải gánh chịu sẽ ngày càng bớt đi”[8].

Về việc đóng cửa các trường học (bản 5) thời chống thuế ở Trung Kỳ, cụ Phan kiến nghị: “trả lại cho dân chúng các trường học do họ đã lập nên và cho phép họ lập thêm các trường khác, để mỗi làng có một trường (vì mỗi tổng chỉ có một trường thì không đủ)”[9] và trong một cuộc phỏng vấn khác cụ nêu rõ lập trường rằng: “Nhưng người bản xứ là những kẻ đầu tiên đòi hỏi phải có nền giáo dục hiện đại và chuyên sâu. Nếu có được những trường chuyên nghiệp như châu Âu, và nếu muốn trở thành quan thì không những phải tốt nghiệp ở các trường đó mà còn phải học đầy đủ các môn học cần thiết thì số viên chức bản xử sẽ có học thức hơn và ít hơn. Người ta sẽ không còn thấy ở Đông Dương số người bản xứ chỉ bằng mà không có chỗ làm, và đó là những mầm móng của sự bất mãn”[10]

Bao nhiêu đó cũng đủ để thấy được một nhà yêu nước nồng nhiệt, kiên trì và thẳng thắng bảo vệ quan điểm của mình về con đường “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” của cụ Phan Châu Trinh. Dù có thể nào thì con người này vẫn là một điểm sáng cho việc đấu tranh ôn hòa, nhưng kiên định không sợ cái chết, vì theo ông con đường này nếu có bại thì chết cũng chỉ một mình mình thôi! Có lẽ thể mà tại sao ngay đầu thế kỷ XX những việc làm của Phan Châu Trinh đã lan truyền đến cả tổ chức Nhân quyền của Pháp tiến hành can thiệp để giúp ông thoát được bản án của quan lại Nam triều.

3. Tại sao bạo động chống Pháp cũng của cụ Phan Bội Châu cũng nằm trong phong trào Duy Tân ?

Cụ Phan Bội Châu (1867-1940) hiệu là Sào Nam cũng vốn là người theo đường khoa cử của trí thức phong kiến, sẵn tài nên chỉ mới 16 tuổi đã đỗ đầu xứ (được gọi là Đầu xứ San). Ông vốn rất muốn sớm tham gia chống Pháp cùng với các sĩ phu đương thời, nhưng vì cảnh gia đình nên đành nuốt hận mà bày tỏ nổi lòng trong tác phẩm “Bình Tây thu Bắc”. Cũng có lúc ông từng đồng mưu với các hào kiệt như như Phan Bá Ngọc, Vương Thúc Quý, Trần Hải, Hà Văn Mỹ... có hơn 20 người đánh cướp thành Nghệ An vào ngày 14/7/1901 (lễ Quốc khánh Pháp), việc bại lộ, nghiệp lớn không thành, ông nhờ sự giúp đỡ của Tổng đốc Nghệ An lúc đó là Đào Tấn mới khỏi họa duyệt thân.

Nhưng cũng từ việc thất bại ở Nghệ An, cụ Phan đã về cùng cụ Đặng Thái Thân mưu bàn 3 việc lớn như:

Thứ nhất, “Liên kết với dư đảng cũ Cần Vương còn lưu lại và các trai tráng ở chốn sơn lâm, xướng khởi nghĩa quân, mục đích chuyên ở nơi đánh giặc, mà thủ đoạn thứ nhất bằng cách bạo động.

Thứ hai, Ủng phù một vị minh chủ kén chọn trong hoàng thân lập ra, âm kết với những hữu học ở đương triều làm người nội viện, với cử hợp cả trung nghĩa Nam Bắc tính cách đòng thời đại cử.

Thứ ba, Y hai kế hoạch trên mà cầu có ngoại viện. Muốn có ngoại viện ắt phải có một phen xuất dương cầu ngoại viện[11]

Qua đó ta thấy được con đường cứu nước của cụ Phan Bội Châu chủ yếu nổi lên các vấn đề như: lực lượng làm cách mạng không gì ngoài những người tham gia Cần Vương sau khi thất bại còn lại, cốt vì họ là lực lượng thể hiện tinh thần yêu nước lúc bấy giờ, phần là họ có thể đi theo con đường bạo lực cách mạng – vũ trang của cụ. Kế đến là việc trong cậy vào sự ủng hộ của một minh quân thuộc hoàng gia vì nghĩa xướng việc chống Pháp và liên kết chặt chẽ với sự ủng hộ của một thế lực ngoại viện (nước ngoài) để vũ trang đuổi Pháp. Tất cả chủ trương trên đã thực sự được thực hành khi cụ Phan Bội Châu cùng với các đồng chí thành lập một đảng bí mật (sau gọi là Hội Duy tân)  và thông qua phương lược cứu nước (1904)[12], suy tôn ngài Kỳ Ngoại hầu Cường Để làm minh chủ. Qua đó có thể thấy cụ Phan Bội Châu đã tiếp thu các tri thức khoa học và lý luận của phương Tây qua tân thư, tân văn và xác định chiến  lược của Duy tân hội là dùng vũ trang bạo lực giành chính quyền, sau khi độc lập hướng đến thể chế quân chủ lập hiến[13].

Do chủ trương ngoại viện nên ông kêu gọi sự xuất dương cầu viện, điểm nổi bật ở cụ Phan Bội Châu là ông đã nhận ra cái thế yếu của nước Trung Hoa vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Nên khác với các văn thân sĩ phu Cần Vương vẫn còn nuôi ảo vọng cạnh nhờ “thiên triền”, ông lại hướng đến nước Nhật vốn “đồng chủng, đồng văn” xong đã Minh Trị duy tân thành công, làm nức lòng các nho sĩ cấp tiến đang tìm đường cậy nhờ uy thế mà giành lấy độc lập.  Thế nhưng khi tiến hành xuất dương “cầu viện” và đặc biệt sau những lần tiếp xúc với các nhân vật chủ chốt của lực lượng Duy tân ở Trung Quốc và Nhật Bản như: Lương Khải Siêu, Okuma Shigenoba và thủ tướng Nhật Inukai Tsuyoshi thì kế sách cầu viện Nhật giúp Việt Nam giành độc lập coi như tan vỡ. Nhưng cái tài của cụ Phan Bội Châu là tinh thần không chịu khuất phục hoàng cảnh, khi thấy  được khả năng cầu viện không thể thực hiện thì cụ lập tức chuyển hướng sang “cầu học”  với hy vọng những du học sinh sau khi Đông Du học tập sẽ về giành lại được độc lập như người Nhật đã thử nghiệm.

Các tác phẩm như: Khuyết quốc dân tư trợ du học văn (1905), Hải ngoại huyết thư và Tân Việt Nam (1906) do cụ Phan viết chỉ với một mục tiêu cốt yếu là kêu gọi toàn thể quốc dân trên ý thức hệ mới hợp lực, đoàn kết lương giáo, các hạng thứ dân cùng nhau đứng lên chống Pháp. Ông cũng thông qua đó bước đầu thể hiện cái nhìn canh tân hơn về phụ nữ khi nhận định rằng: “trong một nước nếu không có phụ nữ yêu nước thì nước ấy sẽ làm đầy tớ cho người ta thôi”[14]. Bên cạnh việc đề cao liên minh quốc dân trong nước, cụ Phan còn thúc đẩy việc liên minh quốc tế và minh chứng đầu tiên là lập Hội Đông Á đồng minh và Điền - Quế - Việt liên minh để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè Nhật bản tiến bộ.

Đến 1909, khi Nhật – Pháp tư thông với nhau thì chính phủ Nhật Bản ra lệnh trục xuất tất cả những du học sinh Đông Du cầu học về nước, cụ Phan Bội Châu và Cường Để cũng phải ngậm đắng nuốt cay mà rời nơi họ vẫn tưởng “đồng chủ đồng văn thì sẽ ra sức tương trợ”. Song con đường cách mạng của cụ Phan Bội Châu vẫn tiếp tục và nhạy bén trước những vận hội mới của cách mạng thế giới.

Có thể thấy, khác với cụ Phan Châu Trinh chủ trương “ỷ Pháp cầu tiến bộ”; thì cụ Phan Bội Châu cũng mưu cầu một sự tiến bộ không im lặng mà bạo động, nhưng vẫn là muốn mở mang học thức cho dân Nam, xóa đi các tư tưởng hữu lậu đã ăn sâu vào tư duy người Việt bằng con đường học tập văn minh phương Tây thông qua Nhật Bản. Dù hạn chế có thể thấy được xong, cụ Phan Bội Châu vẫn là một vị “thiên sứ của cách mạng Việt Nam”, trong việc không ngừng thử sai tìm ra con đường cứu nước.

III.KẾT LUẬN

Qua việc tìm hiểu nội dung cơ bản của hai xu hướng khác nhau trong phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX của hai nhà trí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, tác giả thấy rằng hơn trăm năm quan các hạn chế và bài học kinh nghiệm từ phong trào này vẫn còn nhiều giá trị mang tính thời sự cần phải tiếp tục nêu lên.

Thứ nhất, Duy tân tức là đổi mới để bắt kịp với xu thế phát triển của toàn cầu, để đuổi kịp với sự văn minh của các cường quốc. Nên con đường Duy tân của hai cụ Phan dù có khác nhau về phương pháp, hình thức hoạt động, song về mặt nội dung thì không có sự thay đổi. Nên cần phải thấy rằng: Tại Việt Nam trước sự can trở của cả hệ ý thức phong kiến cũ và chính quyền đô hộ Pháp, bằng những cách khác nhau các nhà Duy tân Việt Nam vẫn phát triển được lý luận của mình và để lại những di sản đáng nể cho hậu thế học hỏi. Việc làm của các cụ đã phần nào dọn đường cho những tư tưởng tiến bộ trong tiến trình lịch sử dễ dàng hơn khi truyền bá vào Việt Nam. Dĩ nhiên đến nay hôm nay, khi khoa học kỹ thuật và công nghệ không ngừng phát triển như vũ bão, thì yêu cầu người dân phải nhận thức được cần phải đổi mới và cải thiện những tập tính hữu lậu của một nước nông nghiệp là một điều cần thiết và phải tiếp tục nghiên cứu.

Thứ hai, Qua nghiên cứu về quá trình hoạt động cách mạng của hai xu hướng Duy tân tại Việt Nam ta cũng có thể nhận thấy  được những kinh nghiệm trong đổi mới như: 1. Giáo dục – văn hóa phải là trận tuyến quyết liệt để loại bỏ những tư tưởng cổ hữu (khai dân trí, Đông Du cầu học, phát triển trường Đông Kinh Nghĩa Thục); 2 Kinh tế là việc phải có sự cải thiện mang tính bước đột phá “học người để làm mạnh ta” (lập các hội buôn, các công ty Liên Thành, Minh Tân khách sạn,  kêu gọi công tác kinh tài); 3. Cố mà tranh đấu vì những điều tiến bộ với nhà cầm quyền – vì chỉ khi nhận ra được sự tiến bộ thì đổi mới hay cải cách mới được sự ủng hộ của toàn thể quốc dân (Phan Châu Trinh liên tục viết các thư từ, và điều trần với chính phủ Pháp). Đây có thể gọi là “3 nên”.

Thứ ba, Kinh nghiệm từ hai cụ Phan và các nho sĩ cấp tiến trong phong trào Duy tân cũng cho thấy phải thật sự bình tỉnh để đổi mới, phải thật sự né tránh các hạn chế như: 1. Quá lý tưởng thành công của người rồi áp dụng thiếu sáng tạo ở ta (bộc lộ ngày sau những thất bại của phong trào Duy tân); 2. Cầu học phải là thực học và đặt nặng tầm nguyên tránh lối để qua trung gian, thiếu suy xét mà ôm về làm chuyện “nửa nạt nửa mỡ”. Đó có thể xem là “2 không”.

Vận dụng tốt “3 nên và 2 không” cùng với việc nghiên cứu một cách bài bản các kinh nghiệm Duy tân ở nước bạn, có thể là một công thức vàng cho mội sự canh tân để phát triển của dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Phan Bội Châu, Phan Bội Châu Toàn tập, tập 2 và 6, NXB Thuận Hóa, 2001.
2.Phan Châu Trinh, Phan Châu  Trinh Toàn tập, tập 2 và 3, NXB Đà Nẵng, 2005.
3.Viện sử học, Lịch sử Việt Nam tập 7 (1897-1918), NXB KHXH, HN, 2013.
4.Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới, tập 1 và 2, NXB Đà Nẵng, 2001 và 2003.
5.Chương Thâu, Nghiên cứu Phan Bội Châu, NXB CTQG, HN, 2004.

Trích tham luận tại kỷ yếu Hội thảo khoa học: "Tác động của phong trào Duy Tân trong lịch sử và những gợi mở cho công cuộc đổi mới đất nước hiện nay" tr305-313



[1] Giáo viên - Trường THCS Võ Trường Toản Q1, TP. Hồ Chí Minh.
[2] Ý ám chỉ thái độ: xem các nghề trong thiên hạ điều là thấp kém, chỉ có người tinh thôn nho học (đọc sách thánh hiền) mới là nghề cao quý trong xã hội.
[3] Thường các nhà Duy Tân chưa có sự chuẩn bị tốt về mặt ngoại ngữ, phải thông qua sách dịch của các nhà Duy Tân Nhật Bản và Trung Quốc bằng tiếng Hán.
[4]Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 3, NXB Đà Nẵng, 2005, tr 71-72.
[5]Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 3, NXB Đà Nẵng, 2005, tr 72.
[6] Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 3, NXB Đà Nẵng, 2005, tr 57-58
[7] Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2005, tr 119
[8] Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2005, tr 120
[9] Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2005, tr 122-123
[10] Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2005, tr 126
[11] Phan Bội Châu, Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, NXB Thuận Hóa, Huế, 1990, tr 60.
[12] Viện sử học, Lịch sử Việt Nam tập 7 (1897-1918), NXB KHXH, 2013, HN, tr 254.
[13] Ý này về sau thể hiện cụ thể hơn trong tác phẩm Việt Nam vong quốc sử khảo (1907) có nêu: “phàm nhân dân nước ta không cứ sang hèn, giàu nghèo đều có quyền bỏ phiếu bầu cử. Trên vua nên để hay nên truất, dưới là quan nên thăng hay nên giáng, đều có quyền quyết đoán cả. Những vua tệ, quan hư không hợp với công đạo thì hội nghị viện, dân ta hỏi nhau, công nghị được quyền khiển trách và trừng phạt”, trích Phan Bội Châu toàn tập, tập 2, NXB Thuận Hóa, 2001, tr 256.
[14] Thơ văn Đông Kinh Nghĩa thục, NXB Văn hóa, HN, 1997, tr 127.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét