Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

XU THẾ TIẾP CẬN THỜI ĐẠI TRONG CẢI CÁCH GIÁO DỤC CỦA NHẬT BẢN DƯỚI THỜI MINH TRỊ - KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM



Nguyễn San Hà[1]
Tóm tắt:
Cuộc Minh Trị duy tân diễn ra cách đây đã 145 năm (1868 – 2013), nhưng những thành tựu mà sự nghiệp duy tân ấy để lại cho Tổ quốc và dân  tộc Nhật Bản thì luôn tồn tại mãi mãi. Không chỉ diễn ra  và gây ảnh hưởng vào thời kỳ cận đại, nội dung cải cách giáo dục dưới thời Minh Trị (1872 – 1912) vốn được chính phủ thời bấy giời đặc biệt quan tâm và quyết lòng theo đuổi đã có một sức lan  tỏa sâu rộng vào các  nước khu vực. Nhận thấy toàn bộ cuộc cải cách giáo dục đó, mang đậm tính thời đại của nó và giúp nước Nhật thoát khỏi nguy cơ trở thành nô lệ của các  thế lực  phương Tây lúc bấy giờ. Tác giả mong muốn qua bài viết này, sẽ làm rõ xu thế tiếp cận  thời đại được thể hiện trong  cuộc cải cách giáo dục thời Minh Trị và từ đó rút ra kinh nghiệm cho sự nghiệp cải cách  giáo dục của Việt Nam trong hiện tại.
The tendency toward the advance of Japan’s Educational Reform during Meiji period – Experience for Vietnam
Summary
The Meiji Restoration was happening 145 years ago (1868-2013), however, the achievement from this innovation task was still inherited by the Country and Japanese nation forever. Not only happened and exert it’s influence in contemporary age, Educational Reform contents during Meiji period (1872-1912), which was also being pay great attention and determined by provisional government, had created wide and deep pervasion to the neighbor countries.
Because of realizing the entire Educational Reform together with its great breakthroughs, which had help Japan back from the brink of becoming the colony of Western powers at that time; the author hope this article will bring out the tendency which toward the advance of Japan’s Educational Reform during Meiji period and learn the experience for Vietnam Educational Reform in present.

I.ĐẶT VẤN ĐỀ
Sau khi nước Nhật hoàn thành công cuộc “Tôn vương đảo Mạc”, chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của 700 năm của chế độ Bakufu và 265 năm cầm quyền của dòng họ Tokugawa, đất nước này đã bước vào thời kỳ  Minh Trị Duy tân 1868 – 1912. Trong những nội dung cải cách  to lớn của chính phủ Minh Trị thực hiện thì cải cách giáo dục có một ý nghĩa đặc biệt. Vì nhờ nó mà mọi yêu cầu cấp thiết cho con đường hiện đại hóa đất nước từng bước hoàn thành. Công cuộc giáo dục thời bấy giờ, đã được chính phủ mới từng bước thực hiện một cách thận trọng, có định hướng. Tác giả nhận thấy, chính việc xây dựng thành công một nền giáo dục mang tính thời đại đã thực sự góp phần to lớn đưa nước Nhật đi đến “Phú quốc cường binh”. Vậy tính thời đại trong cải cách giáo dục của Nhật Bản thời kỳ Minh Trị là gì ? đặc điểm đó có thể giúp gì cho công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam hiện nay ? tất cả chính là nội dung mà bài viết muốn gửi đến hội thảo.
II.NỘI DUNG
1.Bối cảnh nước Nhật thời cận đại và sự ra  đời của chính quyền Minh Trị
Vào thế kỷ XVIII, sau khi đã xây dựng được những chính phủ tư sản thông qua các cuộc cách mạng to lớn làm chấn động hệ thống phong kiến ở châu Âu. Chủ nghĩa tư bản (CNTB) lại tiến thêm một bước bằng việc lần lượt thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp thời cận đại, mang đến nhiều thành tựu to lớn cho các quốc gia phương Tây. Cũng từ đó,  các nước phương Tây tiêu biểu như Hàn Lan, Anh, Pháp, Mỹ …tìm mọi cách không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình lên các khu vực khác. Như V.I. Lênin từng chỉ rõ “Điều quan trọng là chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại và phát triển, nếu không thường xuyên mở rộng phạm vi thống trị của nó, không khai phá những xứ sở mới mà không lôi cuốn các xứ sở cũ không phải tư bản chủ nghĩa vào cơn lốc kinh tế thế giới”. Cho nên, khi phương  thức sản xuất CNTB đã có chỗ đứng ở Tây Âu, thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu và nhân công rẻ mạt ở các quốc gia Á – Phi và Mỹ latinh là cần thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, Nhật Bản cũng nằm trong vị trí chiến lược về địa chính trị - địa kinh tế mà nhiều thế lực phương Tây  khao khát.
Trong khi đó, chế độ Mạc phủ Tokugawa nắm thực quyền tại Nhật đang trượt dài theo sự suy sụp chung của chế độ phong kiến đương thời ở châu Á, thể hiện ở một số điểm tiêu biểu sau:
thứ nhất, nền kinh tế phong kiến – võ sĩ sụp đổ ở nông thôn và sự nổi dậy của nông dân ở khắp nơi. Do Ruộng đất  ở trong tay của các Daimyo phong kiến. Nông dân Nhật phụ thuộc ngày càng nhiều vào những người này và hằng năm phải nộp tô thuế 50% - 60% sản phẩm của họ. Bên cạnh đó, Tình trạng hữu bại, tham nhũng, hối lội ngày càng tăng trong bộ máy của Bakufu cũng như ở các Han đã làm cho mâu thuẫn giữa lực lượng thống trị và bị trị ngày càng không thể xoa dịu. Hệ quả là đã có 1192 cuộc đấu tranh của nông dân xảy ra trong khoảng 67 năm ngay trước khi Minh Trị Duy tân.
Thứ hai, yếu tố TBCN bắt đầu xuất hiện và mâu thuẫn với lực lượng thống trị trong xã hội Nhật Bản. Vào thời kỳ cận đại, lực lượng samurai ngày càng suy đồi và mất đi vị thế trong xã hội. Do bổng lộc của giới võ sĩ ngày càng bị thấp đi trong khi mức sống chung của xã hội ngày càng phát triển. Đến đầu Tk XIX, có khoảng 2 triệu võ sĩ bậc thấp, phải sống trong cảnh nghèo túng, nợ nần. Bên cạnh đó thì việc “thương mại hóa” tước hiệu võ sĩ cũng diễn ra phổ biến. Các điều trên đã gây một tâm lý bất mãn trong đẳng cấp võ sĩ vốn là chỗ dựa của chính quyền Tokugawa Bakufu. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của đẳng cấp công thương nghiệp cùng với nền kinh tế hàng hóa và nền sản xuất mang tính chuyên môn cao đã làm cho nảy sinh mầm móng TBCN trong lòng xã hội phong kiến Nhật. Nhưng chính quyền Bakufu đã dùng nhiều biện pháp để kiểm soát hoạt động của công thương nghiệp. Đối với thương nhân  thì chính quyền Bakufu tiến hành kiểm soát gắt gao hoạt động cũng như thu nhập của họ, thậm trí còn sử dụng quyền lực của mình để tước đoạt tài sản của họ, nhằm hạn chế thế lực của tư bản thương nhân và tư bản cho vay nặng lãi. Tất cả điều trên, làm tầng lớp thương nhân ngày càng chán ghét chế độ Bakufu.
Thứ ba, trong đối ngoại chính quyền Tokugawa đã buộc phải mở cửa đón nhận sự xâm nhập của các thế lực phương Tây, bằng các hiệp ước bất bình đẳng. Sau một thời gian dài thực hiện chính sách “tỏa quốc”, nhiều lần các phái đoàn phương Tây đến Nhật đòi chính quyền Bakufu “mở cửa”, nhưng điều bị chính quyền Mạc phủ cự tuyệt. Đến 7/1853, Mỹ phái một hạm đội gồm 4 tàu hải quân do Đô đốc Mathew Perry chỉ huy tiến lên vịnh Edo để đòi Nhật Bản mở cửa thông thương. Trước áp lực tàu chiến hiện đại của Mỹ, gần một năm sau 31/3/1854, chính quyền Bakufu buộc phải ký hiệp ước Kanagawa với Mỹ. Trên cơ sở đó, chính quyền Tokugawa buộc phải ký các hiệp ước về cơ bản giống như vậy với Nga (8/1858), Anh (8/1858), Pháp (10/1858)… Việc các hiệp ước bất bình đẳng được ký kết với các cường quốc phương Tây, đánh đấu thời kỳ “mở cửa” của Nhật Bản sau hơn 2 thế kỷ đóng cửa. Tuy đã nhận thức được mối đe dọa mất nước, nhưng Bakufu vẫn không đưa ra được những giải pháp có hiệu quả để phong ngừa điều đó. Cuối cùng chính quyền Bakufu phải đưa vấn đề đó lên hỏi ý kiến của Thiên hoàng và các Daimyo.
Trước những khó khăn trên, chính quyền Tokugawa trở nên bất lực trong việc điều hòa các mâu thuẫn trong và ngoài nước Nhật. Cùng lúc đó, trên toàn đất nước dấy lên phong trào đòi trả lại quyền lực cho Thiên hoàng. Việc lật đổ chính quyền Tokugawa Bakufu được thực hiện dưới khẩu hiệu “Tôn vương đảo Mạc” thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, đứng đầu là các chí sĩ yêu nước. Sau khi cuộc chiến tranh Mậu Thìn (1868-1869) kết thúc, đánh bại hoàn toàn chính quyền Mạc phủ, tháng 7/1868, chính phủ mới đổi tên Edo thành Tokyo, xác định là thủ đô của Nhật Bản. Ngày 8/9/1868, Thiên hoàng đổi niên hiệu là Mâygi (Meijji – Minh Trị, có nghĩa là cai trị sáng suốt). Sự kiện trên đã đánh dấu một nước Nhật mới ra đời, và bắt đầu công cuộc canh tân đất nước theo hướng tư bản hóa tiến đến “phú quốc cường binh”. Tất cả đã được thể hiện trong tuyên bố của Thiên hoàng vào ngày 06/04/1868, bản thảo do Iwakura Tomoni, Fukuoka Kotei và Kido Koin soạn thảo có 5 điểm quan trọng làm căn cứ cho nền chính trị  của  chính quyền mới:
1. Mở Hội nghị rộng rãi, mọi công việc đều theo công luận  mà quyết định.
2.Trên dưới đồng  lòng, ra  sức  sửa sang việc nước.
3.Từ công khanh đến dân  thường đều vui vẻ, hết lòng vì công việc.
4.Bỏ hết thói hư, tật xấu để gắng Duy tân  cải cách tự  cường hợp với đạo trời đất.
5.Học hỏi tri thức  trên thế giới làm cho nước nhà lớn  mạnh.[2]
Với 5 điểm lớn trong tuyên bố trên của Thiên hoàng, thì giáo dục cũng được nhấn mạnh và cho thấy nó là một trong những nội dung mà chính phủ mới quyết lòng theo đuổi. Thực chất, điều đó đã nói lên tinh thần muốn học tập kinh nghiệm và những thành tựu khoa học của thế giới văn minh phương Tây (vốn là những kẻ thù buộc nước Nhật phải mở cửa chia quyền lợi cho chúng). Vì người Nhật hiểu rằng: Nhật Bản chỉ mới ở vào giai đoạn “bán văn minh”, và họ còn cần phải học hỏi nhiều ở sự tiến bộ của phương Tây nếu như nhân dân Nhật Bản không muốn mất nước như viễn cảnh một số nước khác ở châu Á.
2.Tính thời đại trong cải cách giáo dục dưới thời Minh Trị (1868 – 1912)
2.1 Sơ  lược quá trình tiến hành cải cách  giáo dục thời Minh Trị
 Điểm cần lưu ý là cuộc cải cách giáo dục dưới thời Minh Trị được thực hiện đồng thời với một số cải  cách về chính trị, xã hội, văn hóa, quân sự…Và thực sự bắt đầu vào 7/1871, khi chính phủ ban hành lệnh “phế  Han lập Ken” (bỏ phiên lập huyện), thì không lâu sau đó Bộ giáo dục (Monbusho) được thành lập, tháng 11 cùng năm thành lập Văn phòng điều tra học đường và có sự giúp đỡ của một số vị giáo sư nước ngoài như:Verkbeck (Hà Lan) và David Muray (Mỹ). Một tháng sau cử một phái đoàn sứ giả do Iwakura dẫn đầu đi sang 12 nước châu Âu học tập. Từ 1868 – 1871 nhiều trường học theo hướng hiện đại được thiết lập trong cả nước. Song song đó, hai trung tâm đại học là Kyoto và Tokyo cũng được thiết lập nhằm mục đích đào tạo nhân tài cung cấp cho sự nghiệp đất nước. Đến 3/8/1782, Bộ giáo dục ban hành “Học chế” gồm 213 điều để xác định và thống nhất xu hướng phát triển giáo dục của mình. Nền giáo dục Nhật Bản dưới thời  Minh Trị trải qua các giai đoạn như sau:
Từ 1872 đến 1885: là giai đoạn chính phủ bắt đầu du nhập các mô hình giáo dục của phương Tây và từng bước áp dụng vào nước Nhật. Với việc thông qua “Học chế” tiến bộ đoạn tuyệt với nền giáo dục Nho học, thể hiện ở những nội dung  chính như: Nhà trường dành cho tất cả mọi người và kiến thức dựa vào Âu – Mỹ; Đào tạo con người làm giàu cho Tổ quốc và bảo vệ đất nước; Xây dựng nhiều trường học và mở rộng các trường cao đẳng và chuyên nghiệp…Nên ngay từ đầu chính quyền Minh Trị đã bỏ rất nhiều tiền để đầu tư cho giáo dục (ước tính  khoảng 14% ngân sách quốc gia) để  mời các học giả  và chuyên gia Âu – Mỹ[3]. Nhiệm vụ trọng tâm  trong giai  đoạn này là chính phủ Minh Trị tiến xây dựng hệ thống trường học theo mô hình hiện đại. Cụ thể là chỉ trong vòng 7 năm (1872 -1878), Nhật Bản  đã xây dựng được 26.584 trường các loại, đạt tỷ lệ 50%  so với kế hoạch của Học chế đề ra[4]. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đẩy mạnh việc mời các giáo sư  ở nước ngoài đến Nhật để  giảng dạy và làm cố vấn khoa  học chuyên ngành  cho công cuộc Minh Trị.
Từ 1885 đến 1912: được xem là giai đoạn hoàn thiện hệ thống giáo dục hiện đại của nước  Nhật thời cận đại. Trong thời gian này, nền giáo dục đất nước do Bộ trưởng giáo dục Mori Arinori chỉ đạo. Quan niệm về nền giáo dục mới của  ông gồm những nội dung chính  sau: một là giáo dục để tiến đến việc làm giàu và củng cố nước nhà, hai giáo dục sẽ làm biến đổi ý thức cũ và ba giáo dục góp phần vào bảo tồn truyền thống quốc gia.[5] Trên cơ sở đó, Mori đã ban hành một loạt nhiều bộ luật giáo dục như: Luật Đại học hoàng gia (3/1886); Luật trường Tiểu học, luật trường Trung học, luật trường Sư  phạm (4/1886) được gọi chung là luật trường học (Gakkoirei). Điều đó đã đặt nền tản  cho việc khẳng  định nền giáo dục mới  được quản lý trên cơ  sở một hệ thống  pháp luật thống nhất và dân chủ tồn tại đến trước chiến tranh thế  giới thứ hai. Giai đoạn này, giáo dục tiểu học theo luật mới ban  hành 1886 đã được  chia lại thành 2 bậc gồm: 4  năm bậc thấp và 4 năm bậc cao (trong đó, 4 năm tiểu  học bậc thấp là giáo dục nghĩa vụ). Hệ thống trường trung học cũng được đi vào hoàn thiện với hai loại là trung học sơ  cấp và trung học cao cấp. Sau khi đã tốt  nghiệp trung học cao cấp (được thiết lập ở  tỉnh hay thành phố) thì học sinh có thể  vào học ở Đại học hoàng gia. Đến năm 1900, lệnh bãi bỏ học phí ở các  trường tiểu học công lập  được thực hiện đã kích thích tỷ lệ trẻ em đến trường đạt  gần 100% vào cuối thời Minh Trị. Song song đó, sau khi Bộ trường Mori bị ám  sát (11/2/1889), thì nền giáo dục Nhật Bản tiếp tục hoàn thiện với việc đẩy mạnh nội dung giáo dục truyền thống trong học đường, góp phần củng cố  và phát huy bản  sắc văn hóa  của dân tộc.
2.2 Cải  cách giáo  dục thời kỳ Minh Trị mang đậm tính thời đại
Như trên đã trình bày, lịch sử  Nhật Bản  đầu thời kỳ cận đại đã phải  đối  mặt với  một loạt vấn  đề cần phải giải  quyết vì có  ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Nên ngay khi chính quyền do Minh Trị thiên hoàng đứng đầu được  thành lập  đã xem việc phải làm sao bắt văn minh các nước phương Tây  là một mục đích quan trọng phải tiến đến. Nền giáo  dục được thiết  lập dưới thời Minh Trị duy tân dĩ nhiên cũng phải  nhằm phục vụ mục tiêu chính trị trên của  chính  phủ mới. Do đó mà nền giáo dục mới “phải hoàn thành nhiệm vụ cụ thể, học tập văn minh phương  Tây , kỹ thuật  khoa học sản xuất và quản lý kinh tế  để hội nhập kinh tế thế giới”[6]. Và để thực hiện được nội dung đó, chính  phủ Minh Trị đã xây dựng một nền giáo  dục mang đậm tính  thời đại thể  hiện ở  một số  nội dung cụ thể  sau:
Thứ nhất, xây dựng một nền giáo  dục mang tính  bình đẳng và toàn dân tiến bộ. Xã hội nước Nhật cuối thời kỳ Edo đã dựa trên nền tảng truyền thống võ sĩ đạo trọng cả võ và học thực, họ nhận định rằng: không thể để cho sự ngu dốt làm bại hoại uy danh của samurai. Do đó, nền giáo dục cuối thời Edo cũng có nhiều điểm tiến bộ như: ước tính có tới  11.302 trường học các loại được  thiết  lập ở Nhật Bản vì vậy đã có tới  50% nam giới và 15% nữ giới biết đọc, biết viết[7], một điều mà các nước theo Nho giáo trong khu vực ít    được. Ở tại nước này cũng đã sớm tạo lập một số nhóm học thuật theo tư tưởng tiến bộ mà nổi lên là phái  Lan học (học tập khoa  học tiến  bộ thông qua Hà Lan). Theo tác giả, chính  đặc điểm này là một bước chuẩn bị đắc lực, để chính  phủ Minh Trị dễ dàng du nhập các kiến thức khoa học phương Tây vào nước  Nhật. Cũng từ đó mà tư tưởng “Thoát Á” của Fukuzawa Yukichi phát triển với khẳng định: “Sự thức tỉnh tinh thần sẽ làm cho nhân dân cả  nước ta hứng khởi tiến tới văn minh. Sự thức tỉnh này khiến chúng ta không thõa mãn với văn minh của mình mà nhiệt tâm hướng tới văn minh phương Tây. Do vậy, giờ đây, chúng ta đặt mục tiêu là nâng tầm văn minh Nhật Bản lên ngang bằng với nền văn  minh phương Tây, và có thể vượt lên trên nền văn minh phương Tây. Vì nền văn  minh phương Tây vẫn đang tiến triển hàng ngày, hàng tháng nên chúng ta, những người Nhật Bản, cần phải không ngừng nổ lực tiếp theo nhịp tiến của văn minh phương Tây”[8]. Và dĩ nhiên để thực  hiện được  nội dung trên thì chí có một nền giáo dục mang tính  toàn dân và bình đẳng mới đáp ứng được khát vọng của các nhà thực học Nhật Bản thời cận đại. Và điều đó đã được  chính phủ của Ito Hirobumi (1841 -1909) củng cố và  khẳng định thêm: Để cho nước Nhật bước lên con đường giàu có cường thịnh, trước hết cần phải gợi mở trong đông đảo quốc dân những kiến thức và những kỹ năng tốt đẹp, để từ đó bước vào lĩnh vực văn minh khai hóa[9]. Tất cả điều đó,  được  thể hiện ở việc từng bước  xóa bỏ hoàn toàn hệ  thống  trường học phân  biệt đẳng cấp cũ dưới thời Edo, và không ngừng thiết lập một hệ thống trường học cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân  tham gia. Bên cạnh đó, thì tính bình đẳng còn được biểu hiện ở tỷ lệ nữ sinh Nhật  Bản đến trường ngày càng tăng lên: Năm 1875 (đời Minh Trị thứ 8), nữ sinh các  trường  phổ thông cơ sở đã chiếm 18,6% trong tổng số nữ của  cả nước. Đến  năm 1900 (Minh Trị 30), số nữ đã lên đến 90%[10]. Ở điểm này, chính nhiều nước phương Tây còn phải khen ngợi nền giáo dục xứ sở mặt trời mọc này.
Thứ hai, nền giáo dục Nhật Bản đã đẩy mạnh việc xây dựng nội dung học tập  khoa học, kỹ thuật hiện đại của  phương Tây bằng mọi hình thức để nhanh chóng  hội nhập vào văn  minh thế giới. Do những thất bại của chính quyền Tokugawa trong việc ngăn cản các  thế  lực phương Tây đòi Nhật Bản “mở cửa”. Người Nhật đã nhận thấy mình đã thua phương  Tây vì quốc  gia chỉ đang ở vào giai đoạn “bán văn  minh”. Nên tác phẩm “Khuyến học”, Fukuzawa Yukichi đã chỉ ra: “đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thức này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các  bạn thua thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây”[11]. Từ quan điểm đó, chính phủ Minh Trị các giai đoạn khác nhau điều dồn sức cho việc học tập kiến thức khoa  học kỹ thuật phương  Tây. Thể  hiện cụ thể    một số  hành động như: đẩy  mạnh việc thuê mướn các giáo sư, chuyên  gia nước ngoài đến Nhật để  giải  dạy và làm cố vấn: theo thống kê kinh phí 1873, thì Bộ giáo dục đã dùng đến 200.072 ngàn Yên (chiếm  14,50%) để thuê các giáo sự  nước ngoài; đẩy mạnh đưa du học sinh sang  các nước phương Tây để học tập: ước tính khoảng có 373 sinh viên được  đi du học (năm 1873), trong đó có  250  sinh viên được Chính  phủ cấp học  bổng, tiêu tốn  của chính phủ 148.248 ngàn Yên (chiếm 10,70%) chí phí  của Bộ giáo dục[12]. Bên cạnh đó, chính phủ Minh Trị cũng coi trọng việc dịch thuật và hiệu đính các tài liệu  khoa học kỹ thuật từ nước ngoài để nhân  dân có  thể  tiếp cận thành tựu văn minh thế giới.  Song song đó là nền giáo dục tiên tiến  trong nước cũng được  hình thành, nguồn nhân  lực được đưa  đi  du học ở  các nước  chính là nhân tố quan trọng góp phần xây  dựng nền giáo dục mới trong nước sau khi hoàn tất chương  trình du học về. Tất cả đã chứng minh cho quyết  tâm muốn học tập và đuổi kịp tri thức  phương  Tây của  chính phủ mới, vì nó có một vai  trò lớn như  Yukichi đã nhận định: “một mặt phải dè chừng sức mạnh khủng khiếp của nền kỹ nghệ Tây phương, mặt khác có nhiều điểm đáng để chúng ta học hỏi ở văn minh phương Tây. Tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích, so sánh kịp thời  tình hình trong và ngoài nước, chính là điểm phải tiếp tục nổ lực, nếu không chúng ta sẽ trở thành nô lệ”[13]
Thứ ba, tính thời đại của nền giáo dục Minh Trị còn được thể hiện ở  chỗ nó biết chọn lọc cái hay của thời đại để du nhập và không làm tổn hại  đển cái truyền thống vốn  có của dân tộc Nhật Bản. Như đã trình bày ở các phần trên, trước sự  cần thiết phải du nhập mô hình trường học và học tập các kiến thức của nền văn minh phương Tây (trong đó có cả  những nước đã buộc Nhật Bản “mở cửa”). Nhưng  đất nước này, đã không tiếp thu các  tri thức khoa học của phương  Tây một cách mù quáng, làm ảnh hưởng  đến những giá trị tốt đẹp của  dân tộc xứ sở Phù Tan. Họ đã có  sự  chọn lọc một cách kĩ lưỡng và yếu tốt tốt dân tộc vẫn là gốc để lựa chọn. Khi đánh giá việc du nhập các mô hình giáo dục phương Tây vào nước  này, đã có  ý kiến nhận định rằng: “Hệ thống giáo dục dưới thời Minh Trị nó không hoàn toàn theo khuôn mẫu của bất kỳ nước nào, mà nó chọn lọc từ hệ thống giáo dục của nhiều nước để đưa vào phù hợp với hoàn cảnh Nhật Bản[14]. Vì rõ ràng, vào giai đoạn hình thành nền giáo dục mới,  thì nước  Nhật dựa hoàn toàn vào mô hình giáo dục Pháp để  hình thành các khu vực đại học, như sao đó đã có  sự điều chỉnh và đi đến thiết lập mô hình của giáo dục theo Mỹ. Ngay đến việc mời các giáo  sư tham gia  giảng  dạy, họ vẫn có  sự lựa chọn điểm mạnh của  từng quốc  gia để học tập được hết sự  tinh túy. Bên cạnh đó, từ rất sớm người Nhật cũng không chấp nhận việc cứ phải  đổ  nhiều kinh phí vào việc mời giáo sư nước ngoài và cho sinh viên đi du học. Thể  hiện rõ nhất  chính là quan điểm của Fukuzawa Yukichi trong “khuyến học”: Chúng ta không thể thuê vĩnh viễn người phương Tây làm thay chúng ta. Chúng ta ra sức học tập họ, nhưng không nên  quá sùng bái, tôn thờ họ”[15] hay “Mọi thứ của cải, mọi đồng ngoại tệ nước Nhật Bản tích cóp được, lại cứ phải đem dâng cho  nước ngoài hết, như thế có khác nào “ky cóp cho cọp nó xơi””[16]. Từ tinh thần đó, số lượng sinh viên ra nước ngoài du học được  giảm  dần, do các thế hệ du học sinh thời kỳ đầu quay về  phục vụ lại cho Tổ quốc, và đồng thời là số lượng giáo sư  nước  ngoài cũng được cắt giảm. Đến năm 1879, Viện học sĩ Tokyo (Viện học sĩ Nhật Bản) được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới về quản lý khoa học, giáo dục Nhật Bản theo phương pháp hiện đại. Bên cạnh đó, tất cả các truyền thống của đất nước này điều được bảo lưu và lồng ghép vào môn học Tu thân rất  được coi trọng trong nhà trường. Nên đến tận ngày hôm nay, đặc điểm “ham hiểu biết, thích  học hỏi, và biết học những gì có ích cho mình để trả lời những câu  hỏi lịch sử đặt ra đối với dân  tộc  Nhật”[17] dường như vẫn còn tồn  tại trong tính cách của người Nhật hiện đại.
Tất cả các đặc điểm trình bày trên  đã thể hiện rõ công cuộc cải  cách  giáo dục của Nhật Bản thời kỳ Minh Trị duy tân đã mang đậm tính thời đại, từ đó giúp nước Nhật thoát  khỏi sự phụ thuộc vào hệ tư  tưởng  Nho giáo lỗi thời, thoát khỏi nguy cơ  trở thành một quốc gia bị nô lệ vào các thế  lực  thực  dân phương Tây. Đặc biệt, chính việc trả  lời được câu hỏi thời đại,  nước Nhật trở thành nước duy nhất trong khu vực  châu Á tiến vào thế giới văn  minh của nhân loại  và quỹ đạo của CNTB đầu thế kỷ XX.
3.Vài kinh nghiệm cho cải cách giáo dục ở Việt Nam
Dù cuộc công cuộc Minh Trị duy tân đã diễn ra cách ngày nay 145 năm và đã từng làm cho nhiều chí sĩ yêu nước ở  Việt Nam và một số  nước trong khu vực ngưỡng mộ. Nhưng khi đứng ở  thế kỷ XXI của chúng ta, tác giả thấy rằng công cuộc cải  cách giáo dục dưới  thời Minh Trị vẫn còn nhiều giá trị đáng  được phải  tiếp tục học tập.
Thứ nhất, nước Nhật dưới  thời Minh Trị thực hiện thành công công cuộc cải cách giáo dục của  mình chính là nhờ vào việc họ xác định và đưa ra được câu trả  lời của thời đại. Như Fukuzawa Yukichi đã nhận định: Trong khung cảnh mới mẻ và đầy khí thế của văn minh, trong khi chúng ta bàn về giáo dục, họ lại chỉ nói về đạo Khổng. Nói về giáo dục ở trường lớp, họ chỉ giảng về các khái niệm "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí" [tư tưởng của Mạnh Tử]. Trong khi dạy cho học trò căm ghét sự phô trương, chính họ lại thể hiện sự thiếu hiểu biết về các chân lý và nguyên tắc”[18] và từ đó  chỉ  ra chỗ sai lầm trong biện pháp ngăn chặn kẻ thù của một số nước trong khu vực đó là: “Họ quyết liệt tìm cách tránh nền văn minh này bằng cách đóng kín tất cả các cửa thông khí trong phòng. Không có không khí, họ sẽ ngạt thở đến chết”[19]. Nên người Nhật đã xác định cải cách giáo dục là một nội dung cần thiết phải được  quan tâm và thực hiện triệt để những nội dung đã đề ra, vì chỉ có nó  mới giúp được  nền chính trị mới đạt được  các thành tựu to lớn trên nhiều mặt. Quan trọng hơn là ở  đây, chính  phủ Minh Trị đã nhận ra vai trò của yếu tố con người được  trang bị tri thức  văn minh đối với  công cuộc tiến đến “phú  quốc cường binh” của nước  Nhật Bản. Và khi hiểu được điều đó, chúng  ta mới thấy rằng: chính nguồn lực  con người có  tri thức thông qua nền giáo  dục hiện đại (thiên về ứng dụng, thực dụng) đã giúp một đất nước vốn  nghèo nàn về tài nguyên, thiên nhiên có thể vươn lên thành một cường  quốc trong một thời gian mà đối với các nước Tây Âu phải mất đến 200 năm.
Thứ hai, nền giáo dục mà người Nhật Bản theo đuổi  suốt  thời cận đại là nền giáo dục tiên  tiến, mang đậm tính  thời đại, thể hiện rõ ưu thế của khoa  học kỹ thuật trên thế giới. Khi hiểu được điều đó, nhân dân dưới sự chỉ  đạo của chính  phủ đã không ngần ngại học tập tiếp  thu các thành tựu đó  bằng mọi cách và quyết liệt. Với câu nói: cho dù phải  mặc  áo vá, phải  ăn gạo hẩm cơm độn, phải chịu nóng, chịu rét cũng vẫn học được”[20] của Yukichi đã thể hiện ý chí quyết tâm của nhân dân Nhật thời bấy giời đối  với việc học tập tiến bộ của nhân loại. Như vậy, trong mọi công cuộc cải cách giáo dục, chúng ta  cũng cần phải đi đến chọn lựa những thành tựu tiêu biểu của nhân  loại để học tập. Và khi đã xác định được nó  thật sự tiên tiến  và cần thiết  cho Tổ  quốc, thì toàn dân và chính phủ không có gì phải lo ngại trong việc tiếp  thu nó, xóa bỏ đi những cái chỉ còn là tàn tích đối với thời đại.
Thứ ba, trong cải  cách giáo dục chúng ta cũng cần phải chú  ý  đến việc duy trì truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Chính  người Nhật đã là chiếc gương  cho các dân tộc  khác  trong khu vực nhìn vào khi họ học tập  tri thức của phương  Tây nhưng vẫn giữ được  tinh thần đạo đức của phương Đông. Điều đó được thể hiện cụ thể trong môn học tu thân (tương  đương Đạo đức) được chú trọng vì theo quan niệm của  giáo dục Nhật Bản thì việc rèn luyện đạo đức không thể tách rời với việc tiếp thu tri thức được. Điều đó, cũng đã gợi lên một bài học rằng, chúng  ta không nên quá  ôm đồm kiến thức để rồi quên đi hay xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cánh cho học sinh trong thế  kỷ khoa học phát triển như vũ bão. Suy cho đến cùng, bản sắc văn hóa  dân tộc vẫn phải là gốc để chúng ta  chọn lựa tri thức cho phù hợp với yêu cầu của dân tộc.
III.KẾT LUẬN
Qua tất cả  phần trình bày ở trên, tác giả  muốn gửi đến hội thảo nhân kỷ niệm 40 năm  quan hệ Việt – Nhật, một thông điệp rằng: cái tinh thần ham học hỏi, thật sự cầu thị của nhân dân Nhật Bản trong thời kỳ cải cách giáo dục do chính phủ Minh Trị thực hiện vẫn còn nhiều giá trị thời đại mà các  dân tộc trong khu vực cần phải  tăng cường học tập và rút kinh nghiệm. Nói như  vậy, không có nghĩa là chúng ta luôn luôn đề cao nước ngoài mà phải giống như người Nhật luôn đề cao dân tộc, đề cao và giải quyết  cho bằng được yêu cầu của thời đại đặt  ra  cho Tổ quốc. Hồ chủ tịch cũng đã từng nhấn mạnh vai trò của công cuộc giáo dục và đào tạo con người Việt Nam trong bức thư đầy tâm quyết của  Người gửi  cho học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945: “Non sông Việt Nam có  trở  nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt  Nam có bước đến  đài vinh quang để sánh  vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính  là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[21]. Tất cả cho thấy như có sự tương đồng trong cả hai dân tộc Việt – Nhật ở chỗ điều nhìn nhận “giáo dục là quốc  sách hàng đầu”. Rất mong rằng: Việt Nam và Nhật Bản  sẽ tổ chức nhiều cuộc  hội thảo, tọa đàm khoa học để nhân  dân hai nước hiểu biết nền giáo dục của  nhau hơn và Việt Nam có thể chủ động học tập những tiến bộ từ nền giáo dục Nhật Bản. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn  Hồng (1994), Lịch sử giáo dục thời Minh Trị Duy tân, NXB Giáo dục, HN.
2. Nguyễn Quốc Hùng chủ biên (2012), Lịch sử Nhật Bản, NXB Thế giới, HN.
3. Đặng Xuân Khánh, Cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời kỳ Minh Trị, trích Phong trào cải cách ở một số nước Đông Á giữa Tk XIX – đầu Tk XX, Vũ Dương Ninh (chủ biên), NXB ĐHQG, HN.
4. Fukuzawa Yukichi (2012), Khuyến học – hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản, Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Dân Trí
5. Fukuzawa Yukichi, Thoát Á Luận – 16/3/1885,http://www.nhatban.net/news/index.php?page=article&storyid=289
6. Hồ Chí  Minh (2000), Hồ Chí  Minh toàn tập, tập 4, NXB CTQG, HN.


Tham luận Hội thảo khoa học Quốc tế Việt - Nhật 2013 "Quan hệ hợp tác Việt – Nhật và vấn đề giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực” tổ chức vào 19/10/2013 tại ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM (HUFLIT)


[1] GV trường THCS Võ Trường Toản – Q1 TP.HCM
[2] Nguyễn Văn  Hồng (1994), Lịch sử giáo dục thời Minh Trị Duy tân, NXB Giáo dục, HN, tr16.
[3] Nguyễn Văn  Hồng (1994), Lịch sử giáo dục thời Minh Trị Duy tân, NXB Giáo dục, HN, tr33.
[4] Đặng Xuân Khánh, Cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời kỳ Minh Trị, trích Phong trào cải cách ở một số nước Đông Á giữa Tk XIX – đầu Tk XX, Vũ Dương Ninh (chủ biên), NXB ĐHQG HN, tr 174 -175.
[5] Đặng Xuân Khánh, sđd, tr 182.
[6] Nguyễn Văn  Hồng (1994), Lịch sử giáo dục thời Minh Trị Duy tân, NXB Giáo dục, HN, tr13.
[7] Nguyễn Quốc Hùng chủ biên (2012), Lịch sử Nhật Bản, NXB Thế giới, HN, tr233.
[8] Fukuzawa Yukichi (1986), Khái lược văn minh luận, Iwanami Shoten, Tokyo, tr 10-11.
[9] Đặng Xuân Khánh, Cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời kỳ Minh Trị, trích Phong trào cải cách ở một số nước Đông Á giữa Tk XIX – đầu Tk XX, Vũ Dương Ninh (chủ biên), NXB ĐHQG HN, tr167.
[10] Nguyễn Văn  Hồng (1994), Lịch sử giáo dục thời Minh Trị Duy tân, NXB Giáo dục, HN, tr35.
[11] Fukuzawa Yukichi (2012), Khuyến học – hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản, Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Dân Trí, tr155.
[12] Đặng Xuân Khánh, sđd, tr 176.
[13] Fukuzawa Yukichi (2012), Khuyến học – hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản, Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Dân Trí, tr182.
[14] Đặng Xuân Khánh, Cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời kỳ Minh Trị, trích Phong trào cải cách ở một số nước Đông Á giữa Tk XIX – đầu Tk XX, Vũ Dương Ninh (chủ biên), NXB ĐHQG HN, tr177.
[15] Fukuzawa Yukichi (2012), Khuyến học – hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản, Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Dân Trí, tr153.
[16] Fukuzawa Yukichi (2012), Khuyến học – hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản, Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Dân Trí, tr154.
[17] Nguyễn Văn  Hồng (1994), Lịch sử giáo dục thời Minh Trị Duy tân, NXB Giáo dục, HN, tr5.
[18] Fukuzawa Yukichi, Thoát Á Luận – 16/3/1885,http://www.nhatban.net/news/index.php?page=article&storyid=289
[19] Fukuzawa Yukichi, Thoát Á Luận – 16/3/1885,http://www.nhatban.net/news/index.php?page=article&storyid=289
[20] Fukuzawa Yukichi (2012), Khuyến học – hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản, Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Dân Trí, tr 157.
[21] Hồ Chí  Minh (2000), Hồ Chí  Minh toàn tập, tập 4, NXB CTQG, HN, tr 41.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét