Nguyễn San Hà[1]
Trong
cuộc sống ngày nay ở các đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh, học sinh phổ thông thường
phải dành hết thời gian cho công việc học tập ở trường và ngoài trường. Thời
gian còn lại của học sinh phổ thông sau giờ học là rất ít và phải hoàn thành tiếp
các công việc sinh hoạt thường nhật, nên các em không có thời gian để vui chơi
với bạn bè, sinh hoạt lành mạnh, thường chỉ còn thời gian với phim ảnh và trò
chơi điện tử, lên mạng Internet…Nếu nhìn nhận một cách sâu sắc, thì chính một
ngày sinh hoạt vô vị như thế của các học sinh phổ thông cũng góp phần không nhỏ
vào việc tạo ra tâm lý thích bạo lực hay nhanh chóng trở thành đối tượng của bạo
lực học đường. Bài viết này muốn trình bày một số ý kiến của tác giả về tác hại
thiếu sự vui chơi lành mạnh đã khiến cho nhiều học sinh trở thành nạn nhân hay
chính là người gây nên bạo lực học đường.
1.Trước
khi đi vào nội dung chính, tác giả thấy cũng cần thiết phải đề cập đến khái niệm
“bạo lực học đường”. Theo nghiên cứu
của Th.s Đỗ Thị Nga thì “bạo lực học đường”
là những hành vi cố ý, sử dụng vũ lực hoặc quyền lực của học sinh hoặc giáo
viên đối với những học sinh, giáo viên hoặc những người khác và ngược lại. Đó
có thể là những hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về
tình dục, bạo lực ngôn ngữ, những bắt ép về tài chính hoặc những hành vi khác
có thể gây ra những tổn thương về mặt tinh thần hoặc thể xác của người bị hại[2]”, bên cạnh đó, cũng đưa ra một số quan
niệm của các học giả phương Tây về thuật ngữ “Bắt nạt học đường” [3]
có một số trường hợp xem là đồng nhất với “bạo
lực học đường”. Như vậy, dù là “bạo lực
học đường” hoặc “bắt nạt học đường”
đều cho ta thấy được những hành vi tiêu cực nhằm làm tổn thương đến một đối tượng
về nhiều mặt (vật chất, tinh thần, sức khỏe) mà không có sự giới hạn về người
gây ra yếu tố bạo lực này (có thể là một hoặc nhiều học sinh). Một điểm cũng vô
cùng quan trọng đã được các nhà tâm lý học nghiên cứu và kết luận rằng: một học
sinh có thể vừa là nạn nhân, vừa là người gây ra “bạo lực học đường”[4].
2.Thực
trạng vui chơi của học sinh ở trường phổ thông là đáng báo động.
Bởi vì hiện này, ở tại các đô thị lớn của các nước như TP. Hồ Chí Minh, các bậc
phụ huynh thường chọn lựa bằng mọi cách cho con em mình học tập các lớp có bán
trú để yên tâm công tác, nên thường từ 7 giờ sáng đến hơn 5 giờ chiều là các em
phải tham gia học tập tại trường theo thời khóa biểu chính khóa. Sau thời gian
học bán trú, họ lại tiếp tục định hướng hoặc bắt buộc tham gia các lớp học
ngoài giờ chính khóa ở khắp nơi và thời gian có thể đến 9 giờ mới kết thúc. Nên
có thể thấy rằng, ngoài thời gian học tập ra các em chỉ còn khoảng thời gian
vui chơi, giải trí rất ít dao động sau 9 giờ đến tốt đa hơn 11 giờ, mà còn rất
nhiều việc phải làm (ăn uống, giải trí, sinh hoạt cùng gia đình, làm bài tập,
chuẩn bị bài….)[5]. Một
bài báo trên mạng, đã dẫn một câu chuyện điển hình về thời gian học tập sau khi
được học chính khóa tại trường của một em học sinh:
“Tôi vẫn nhớ như in 2 đoạn hội
thoại giữa tôi với 1 học sinh mình kèm và với phụ huynh em đó:
- Em làm bài tập về nhà chưa?
- Dạ chưa.
- Em chưa làm vì không biết làm hay lười không làm?
- Dạ, em biết làm nhưng em không có thời gian.
- Vậy em ở nhà làm gì mà không có thời gian?
- Dạ em học buổi sáng trên trường, chiều học tăng
tiết ở trường, tối về em học thêm Anh văn và học kèm. Học xong, em còn học
bài cho ngày hôm sau nên em không đủ thời gian làm bài tập.”[6]
Sau đó người thầy
dạy kèm trao đổi với phụ huynh của em thì được trả lời rằng “Biết làm sao được thưa thầy. Học tăng tiết (phụ đạo) ở trường thì
không thể giảm được, có nhiều lý do khó nói lắm thầy ơi. Cháu đi học về hay nói
lại là không hiểu bài, nên muốn con vững kiến thức nên phải cho học kèm buổi tối.
Nhiều khi thấy tội con nhưng cũng không biết làm sao hết.....”[7].
Qua đó cho thấy các em học sinh ngày nay, đặc biệt tại các thành phố lớn gần
như không có thời gian giải trí, vui chơi và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Vì nếu
như ngày thường phải đi học lu bù như thế, thì đến thứ 7 và chủ nhật thay vì
các em được nghỉ ngơi “lấy lại sức khỏe”. Nhưng ngược lại hoàn toàn, có thể thời
gian nghỉ ngơi đó được xếp kín lịch để học bồi dưỡng thêm. Nên chắc chắn rằng
việc các em có thể giải trí hay vui chơi chỉ có thể thông qua các phương tiện
như: xem truyền hình như phim ảnh, ca nhạc hay lao vào các trò chơi điện tử,
facebook...[8]
3.Với một khoảng thời gian vui chơi, giải
trí như trên của các em học sinh tại các thành phố lớn sẽ là nguy cơ dẫn đến bạo
lực học đường.
Theo tác giả nhận định thì với một chuỗi công việc học tập với cường độ cao như
trên của học sinh và việc chỉ còn chọn lựa làm bạn với máy tính, trò chơi điện
tử, facebook hay phim ảnh trên truyền hình là một nguy cơ khó lường dẫn đến bạo
lực học đường vì:
Thứ nhất, việc học tập với
một cường độ cao và việc học khi vượt quá thời gian cho phép sẽ tạo cho các em
một tâm lý chán nản việc học. Việc tiếp thu kiến thức khi đó chỉ mang tính ép
buộc, thiếu khoa học và dễ dẫn đến các căn bệnh về tâm lý nếu được thực hiện
liên tục trong một thời gian dài. Từ đó có thể khiến các em trở nên “hung bạo”
với người khác; hoặc luôn “co mình” lại với người khác. Tất cả điều đó đều dễ dẫn
đến việc: 1) là các em sẽ trở thành kẻ gây bạo lực trong lớp học, ngoài xã hội.
2) là các em dễ trở thành đề tài cho các học sinh khác gây bạo lực về tinh thần
(như nói xấu, trêu chọc, bị tẩy chay…) hoặc về sức khỏe (bị đánh, đấm, đá,
tát,…). Một giáo viên THCS đã thừa nhận rằng: “Thật khó để những học sinh suốt ngày
dán mắt vào màn hình vi tính chơi game có được những kỹ năng sống như các em học
sinh thường xuyên chơi những trò chơi dân gian như: đánh cờ, chơi ô ăn quan hay
vẽ tranh. Bởi các em không có điều kiện để thể hiện tư duy và cách ứng xử với
tình huống thật. Chính vì thế, để hạn chế những tác dụng và hệ lụy của các trò
chơi công nghệ, mang lại tính giáo dục sâu sắc đối với học sinh thì các trường
học nên cố gắng tổ chức lại các trò chơi dân gian trong nhà trường nhiều hơn nữa.
Từ đó sẽ tạo sự sảng khoái cho học sinh và giúp các em hiểu hơn về nét văn hóa
của dân tộc”[9]
Thứ hai, chính vì thời
gian học tập quá lớn trong ngày đã dẫn đến các em không còn thời gian để tham
gia việc vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng mà chỉ còn chỗ dựa vui vẻ bên
máy vi tính (các trò chơi điện tử mang tính bạo lực, web đen, facebook…) và xem
truyền hình (phim ảnh, ca nhạc mang nội dung bạo lực) và được diễn ra thường
xuyên cũng dễ dẫn đến việc các em trở thành đối tượng gây bạo lực hay mang các
bệnh về tâm lý khiến cho các bạn xung quanh gây bạo lực với mình (chủ yếu vì lý
do nó khác người). Có nhận định cho rằng, hành vi bạo lực được học từ phim ảnh
và trò chơi bạo lực cũng dẫn đến “kết quả
so sánh giữa mức độ thường xuyên xem phim bạo lực và chơi trò chơi điện tử bạo
lực giữa các nhóm học sinh cho thấy, nhóm học sinh gây bạo lực và nhóm học sinh
vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của bạo lực có mực độ xem phim bạo lực và chơi
trò chơi điện tử thường xuyên hơn nhóm học sinh không liên quan đến bạo lực và
nhóm học sinh là nạn nhân”[10]
hay “Khi học sinh thường xuyên xem phim bạo
lực và chơi trò chơi điện tử bạo lực, trẻ sẽ tập nhiễm hành vi bạo lực, dần vô
cảm với cảm giác của người khác và cảm thấy mạnh mẽ khi làm người khác đau đớn,
chính vì vậy mà trẻ càng thể hiện hành vi bạo lực ngoài đời thường”[11]
Thứ ba, một vấn đề cũng
cần phải đề cập là nếu các em có khoảng thời gian quá dài ở trường mà môi trường
lại không bảo đảm sự an toàn[12]
cũng dễ dẫn đến nạn “bạo lực học đường”. Theo TS Đỗ Ngọc Khanh cho biết khi đề
cập đến bạo lực do yếu tố “Học tập từ quan sát trong môi trường học tập” thì “gây hấn là kết quả của sự bắt chước các
hành vi bạo lực, bởi vì các em tin rằng đó là cách tốt để giải quyết các vấn đề
khó khăn của bản thân” và theo tác giả “Nếu bố mẹ, thầy cô giáo tỏ ra hung hãn
thì trẻ sẽ mau chóng bắt chước và thấy hành vi đó là bình thường”[13]
hay theo Kassen và các cộng sự (2004) trong nghiên cứu của mình đã đưa ra kết
luận rằng: “môi trường trường học có môi
tương quan có ý nghĩa với mức độ thay đổi hành vi bạo lực, cụ thể là càng ít sự
lộn xộn trong trường học và học sinh càng tập trung vào việc học tập thì mức độ
bạo lực trong trường học càng giảm. Tương tự như vậy, mức độ nhận được sự quan
tâm của người lớn xung quanh đúng mức khi có hiện tượng bạo lực, cũng có tương
quan với mức độ bạo lực”[14].
Qua tất cả nội
dung trình bày trên, chúng ta thấy được rằng: việc đổi mới giáo dục trong thời
gian tới là rất cần và thiết thực cho các thế hệ học sinh, để có một môi trường
học tập thân thiện và tích cực hơn. Nhưng bên cạnh, việc định hướng nội dung,
chương trình theo hướng hiện đại, gắn khoa học với nhà trường, thì một tiêu chí
cũng không kém phần quan trọng là phải dành nhiều thời gian cho học sinh được
vui chơi, giải trí và sinh hoạt cộng đồng. Chúng ta sẽ không có được một thế hệ
trẻ phát triển và năng động khi hôm này chúng phải học quá nhiều từ sáng cho đến
chiều tối. Chúng ta sẽ không có một thế hệ biết linh động và sáng tạo thực sự
khi thời gian đi học của chúng chiếm hơn 2/3 thời gian trong ngày và ngoài sách
vở chúng chỉ còn làm bạn cùng máy tính và truyền hình với đầy những nội dung bạo
lực, nguy hiểm đến nhân loại…Thiết nghĩ vấn đề này, trong tương lai cần phải được
các nhà tâm lý học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn bằng các phương pháp khoa học
chuyên ngành để có thể đưa ra những kết luận sát đáng hơn bài viết hôm nay. Giúp
cho Bộ Giáo dục & Đào tạo có những định hướng đúng đắn trong đợt thay đổi
chương trình, sách giáo khoa sắp đến.
THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO "Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường ở trường phổ thông" tại Viện nghiên cứu Giáo Dục - ĐH SP.TPHCM, 24/12/2014
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Thị Hoa, Thực trạng tham gia của học sinh trung học phổ thông vào hành vi bạo lực
học đường, trích Tạp chí Tâm Lý Học, số 11 – 11/2014, HN.
2.Đỗ Ngọc Khanh, Một
số yếu tố chi phối bạo lực học đường nhìn từ góc độ hành vi, trích Tạp chí
Tâm Lý Học, số 11 – 11/2014, HN.
3.Đỗ Thị Nga, Bạo
lực học đường và hậu quả đối với nạn nhân bị bạo lực học đường, trích Tạp
chí Tâm Lý Học, số 11 – 11/2014, HN.
4.Học sinh Việt Nam hầu như không có thời gian chơi
và tự học- nguồn http://www.tinmoi.vn/hoc-sinh-vn-hau-nhu-khong-co-thoi-gian-choi-va-tu-hoc-011045225.html
5.Cảnh báo từ khảo sát bất ngờ của một thầy giáo –
nguồn
6.Sự thiếu hụt văn hóa dân gian của trẻ em ở đô thị
- nguồn
[1] GV – THCS Võ Trường Toản
[2]
Đỗ Thị Nga, Bạo lực học đường
và hậu quả đối với nạn nhân bị bạo lực học đường, trích Tạp chí Tâm lý học, số
11 – tháng 11/2014, tr 85.
[3] Theo Dan Olweus coi: bắt nạt
trong trường học như một “hành vi tiêu cực được lặp đi lặp lại, có ý định xấu của
một hoặc nhiều học sinh nhằm trực tiếp chống lại một học sinh, người có khó
khăn trong việc tự bảo vệ bản thân”.
Còn theo Milton Keynes (1989) coi: “Bắt nạt là một
hành động lặp đi lặp lại một cách hiếu chiến để cố ý làm tổ thương về tinh thần
hoặc thể xác cho người khác. Bắt nạt là đặc trưng của một cá nhân hành xử theo
một cách nào đó để đạt được quyền lực trên người khác”.
[4]Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-
ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc
học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo
thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh
nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường
thì có một trường có học sinh đánh nhau ... Bạo lực học đường đã trở thành mối
quan tâm của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã
hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.
[5] Theo một nghiên cứu cho biêt, ở
tuổi teen ,học (chính khóa, kèm, nhóm, tự học) chiếm tới 10,5 giờ/ngày, kế đến
là giải trí (hơn 4 giờ/ngày). Ngày hè, do không học chính khóa nên teen tăng thời
gian vui chơi giải trí lên 6 giờ/ngày và ngủ nhiều hơn. http://gamek.vn/game-online/tuoi-teen-do-thi-chi-hoc-tivi-choi-game-va-internet-20140917150201917.chn
[8] Máy vi tính được học sinh dùng để
chơi game nhiều hơn là phục vụ việc học (34% so với 30%). Điện thoại di động
ngoài việc nghe - gọi cũng được teen sử dụng chủ yếu để chơi game (43%) chứ
không phải phục vụ việc học (2%).
[10] Đỗ Ngọc Khanh, Một số yếu tố chi
phối bạo lực học đường nhìn từ góc độ hành vi, trích Tạp chí Tâm lý học, số 11
– tháng 11/2014, tr 45.
[11]
Đỗ Ngọc Khanh, Một số yếu tố
chi phối bạo lực học đường nhìn từ góc độ hành vi, trích Tạp chí Tâm lý học, số
11 – tháng 11/2014, tr 45.
[12] Có thể do cách quản lý học sinh
còn chưa nghiêm, hoặc có nhiều đối tượng bất hảo còn theo học trong trường, có
sự kỳ thị và phân biệt của giáo viên đối với học sinh,…
[13] Đỗ Ngọc Khanh, Một số yếu tố chi
phối bạo lực học đường nhìn từ góc độ hành vi, trích Tạp chí Tâm lý học, số 11
– tháng 11/2014, tr 44.
[14] Dẫn theo Đỗ Ngọc Khanh, Một số yếu
tố chi phối bạo lực học đường nhìn từ góc độ hành vi, trích Tạp chí Tâm lý học,
số 11 – tháng 11/2014, tr 44.
À há, bài viết của hắn đây ư, (như lai thần chưởng nhớ hôn con), hihi
Trả lờiXóa