Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

MÔN LỊCH SỬ VÀ VIỆC DẠY HỌC TÍCH HỢP TRONG TƯƠNG LAI


Nguyễn San Hà[1]
Trong Nghị quyết 29-NQ/TW ra ngày 04/11/2013 về việc đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục và đào tạo Việt Nam, trong đó đã đề ra quan điểm mới trong nền giáo dục tương lai là: “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Điều đó, có thể thấy rằng nền giáo dục Việt Nam trong tương lai phải là một nền giáo dục thực học và đảm bảo yếu tố kiến thức trong nhà trường phải có sự liên hệ được với thực tiễn cuộc sống.
Nhưng xu thế phát triển của khoa học ngày nay là tiếp tục phân hoá sâu, song song với tích hợp liên môn, liên ngành càng rộng, chính vì thế việc giảng dạy các môn khoa học trong nhà trường phải phản ánh sự phát triển hiện đại của khoa học, không thể giảng dạy các khoa học như là các lĩnh vực tri thức riêng rẽ. Trong đó, thực trạng dạy và học môn lịch sử theo phương pháp cũ trong chương trình hiện hành đã thực sự bộc lộ nhiều hạn chế, khiến cho cả người dạy và người học điều bị động. Đặc biệt, là đối với người học thì thường có cảm giác chán nản, tiết học khô cứng và áp đặt, bài học chỉ toàn chữ và những con số xa lạ, nhưng có đi học là phải học bài nên học sinh chỉ còn cách “học thuộc lòng” để trả bài. Người giáo viên bộ môn này trong những năm gần đây cũng tích cực đổi mới theo các tinh thần chung của Bộ Giáo dục & đào tạo, nhưng chương trình chưa có sự thay đổi mạnh, cách kiểm tra đánh giá theo lối cũ vẫn còn tạo thành rào cản cho mọi hình thức đổi mới trong phương pháp…
Trên tinh thần tiếp thu những quan điểm đổi mới căn bản và toàn diện của Nghị quyết 29 – NQ/TW tại Hội nghị Trung Ương 8 khóa XI, theo tôi môn lịch sử trong tương lai nên mạnh dạng thay đổi về nội dung trình bày để phù hợp với việc triển khai dạy học tích hợp, để tạo nên một bước ngoặt mới, làm thay đổi tư duy học sử và giúp học sinh thuận tiện hơn trong việc lĩnh hội tri thức lịch sử. Muốn làm được công việc trên thì theo tôi, chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc một số vấn đề cơ bản sau:
1.Việc biên soạn chương trình chuẩn kiến thức, kỹ năng và sách giáo khoa trong tương lai có thể thiết kế theo định hướng dạy học tích hợp. Bởi vì đây là một hình thức tổ quá trình dạy học phù hợp với xu thế thời đại và thích hợp với việc đổi mới dạy và học sử ở Việt Nam.
Hiện nay theo Tài liệu bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên của Bộ giáo dục, thì  dạy học tích hợp (dạy học theo hướng tích hợp) được hiểu là “quá trình dạy học mà ở đó các nội dung, hoạt động dạy kiến thức, kỹ năng, thái độ được tích hợp với nhau trong cùng một nội dung và hoạt động dạy học để hình thành và phát triển năng lực thực hiện hoạt động cho người học; tạo ra mối liên kết giữa các môn học và tri thức, giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo và tính tích cực học tập[2]. Hoặc dạy học tích hợp còn được hiểu là “quá trình dạy học sao cho trong đó toàn bộ các hoạt động học tập góp phần hình thành ở HS những năng lực rõ ràng, có dự tính trước những điều cần thiết cho HS, nhằm phục vu các quá trình học tập tiếp theo và chuẩn bị cho HS bước vào cuộc sống lao động. Mục tiêu cơ bản của tư tưởng sư phạm tích hợp là nâng cao chất lượng giáo dục HS phù hợp với các mục tiêu giáo dục toàn diện của nhà trường[3].
Qua những trình bày trên ta thấy được cần phải mạnh dạng đưa dạy học tích hợp vào nhà trường phổ thông vì:
Thứ nhất, để việc học ở nhà trường vẫn tiếp tục có ý nghĩa đối với học sinh, việc dạy học cần được đổi mới, không chỉ là dạy kiến thức mà cần phải dạy các kĩ năng; không chỉ là học kiến thức khoa học của một môn mà cần dạy trong sự tích hợp với nhiều môn học khác nhau...Bởi vì hiện này đối với nên giáo dục phổ thông ở Việt Nam không có thêm quỷ thời gian và kinh phí, cũng như nhân  sự để có thể đưa thêm nhiều môn khoa học khác vào giảng dạy. Nên có thể thấy rằng: xu thế dạy học tích hợp nhiều môn hay việc tích hợp dạy học với các nội dung giáo dục khác trong nhà trường phổ thông là cần thiết và quan trọng. Điều đó còn góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của nhà trường phổ thông.
Thứ hai, do bản chất của mối liên hệ giữa các tri thức khoa học. Các nhà khoa học đã cho thấy khoa học chuyển từ phân tích cấu trúc lên tổng hợp hệ thống làm xuất hiện các liên ngành. Vì vậy, xu thế dạy học trong nhà trường phải làm sao cho tri thức của học sinh xác thực và toàn diện. Quá trình dạy học phải làm sao liên kết, tổng hợp hóa các tri thức, đồng thời thay thế “tư duy cơ giới cổ điển” bằng “tư duy hệ thống”. Tránh lối dạy các khái niệm rời rạc để học sinh không rơi vào nguy cơ “suy luận khép kín” và hình thành những con người “mù chức năng”[4]
Thứ ba, dạy học tích hợp còn góp phần giảm tải học tập cho học sinh. Việc giảm tải cho học sinh thông qua việc dạy học tích hợp chính là giúp phát triển các năng lực, đặc biệt là trí tưởng tượng khoa học và năng lực tư duy của học sinh, vì nó luôn tạo ra các tình huống để học sinh vận dụng kiến thức trong các tình huống gần với cuộc sống. Nên nó đã làm giảm sự trùng lặp các nội dung dạy học giữa các môn học, góp phần giảm tải nội dung học tập. Bên cạnh đó, việc tạo ra được sự hứng thú học tập thông qua việc học sinh chủ động giải quyết các tình huống học tập do quá trình dạy học tích hợp mang đến. Việc tích hợp nội dung cần học với các kiến thức có liên quan của các môn khác hay với các nội dung có tính thời sự, thực tế một cách hợp lý sẽ giúp cho các em dễ thấy hiểu, tăng sự kích thích, tạo tâm lý nhẹ nhàng khi học tập cũng có thể xem là một cách làm “hạ nhiệt”, “giảm căng thẳng” việc học tập của học sinh vốn được xem là nặng nền.
2.Đứng từ góc độ là một người tham gia trực tiếp dạy học lịch sử tôi nhận thấy môn học này có nhiều ưu thế và phù hợp để triển khai việc dạy học theo hướng tích hợp.
Thứ nhất, trong quá trình hình thành và vận động của các sự vật, hiện tượng, chân lý…đều tạo nên một lịch sử riêng của mỗi vấn đề, nên có thể thấy rằng môn lịch sử đều có thể tận dụng sự giao thoa này để tích hợp nội dung giảng dạy, bổ sung làm rõ thêm kiến thức của các môn học, các vấn đề cần giáo dục trong nhà trường phổ thông. Ví dụ: lịch sử phát triển của ngành toán học, vật lý học, sinh học, hóa học trong vấn đề các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật của nhân loại; vấn đề lịch sử nguồn gốc loài người gắn với thuyết tiến hóa của Đắc-uyn,....
Thứ hai, thực tế giảng dạy đã cho chúng ta thấy rằng việc học tập những kiến thức mang tính đặc thù của bộ môn khoa học, mà thiếu đi sự dẫn chứng, liên hệ với các lĩnh vực khoa học khác có liên quan sẽ làm cho việc truyền đạt kiến thức của giáo viên cũng như việc lĩnh hội tri thức của học sinh sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Ví dụ như dạy bài  “đoàn kết, tương trợ” trong môn giáo dục công dân 7, sẽ thật là khó lĩnh hội kiến thức khi người giáo viên chỉ đưa ra những khái niệm chung chung, thiếu sự liên hệ với lịch sử để chỉ ra cho các em thấy rằng: nhờ đoàn kết trong lịch sử mà nhân dân ta đã tạo ra được một sức mạnh to lớn để vượt qua được mọi khó khăn do kẻ thù mạng lại, và đoàn kết, tương trợ là một tuyền thống quý báu của dân tộc.
Thứ ba, trong phương pháp dạy học tích hợp đã có đưa ra các hình thức tổ chức quá trình dạy học theo các hướng cụ thể, mà chương trình và sách giáo khoa lịch sử trong tương lai có thể vận dụng vận dụng 2 dạng tích hợp cơ bản, mỗi một dạng lại đưa ra 2 cách thức tích hợp được thể hiện như sau:
-Dạng tích hợp thứ nhất: đưa ra những ứng dụng chung cho nhiều môn học. Các thời điểm thực hiện có thể:
+Cách 1: Những ứng dụng chung cho nhiều môn học được thực hiện ở cuối năm học hay cuối cấp học trong một bài học hoặc một bài tập tích hợp. Phù hợp cho việc soạn các bài ôn tập chương, ôn tập các phần lịch sử thế giới và dân tộc, tiết bài tập lịch sử…
+Cách 2: Những ứng dụng chung cho nhiều môn học được thực hiện tương đối đều đặn trong suốt năm học, trong các tình huống thích hợp. Điều này có thể vận dụng để gắn một nội khoa học khác vào một bài lịch sử cụ thể để làm rõ thêm, bổ trợ kiến thức cho những kiến thức cơ bản của bài, trong suốt quá trình học.
-Dạng tích hợp thứ hai: phối hợp các quá trình học tập của nhiều môn học khác nhau. Dạng tích hợp thứ hai thường dẫn đến phải phối hợp quá trình dạy học của các môn học. Ở dạng tích hợp này nhằm hợp nhất hai hay nhiều môn học thành một môn học duy nhất. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu xây dựng chương trình và tài liệu học tập phù hợp, thường phức tạp.
+Cách 1: phối hợp quá trình học tập những môn học khác nhau bằng đề tài tích hợp. Chương trình và sách giáo khoa lịch sử cấp III có thể xây dựng theo các đề tài tích hợp này để giảm tải áp lực môn học tăng thêm độ phong phú cho bài học.
+Cách 2: phối hợp quá trình học tập những môn học khác nhau bằng tình huống tích hợp, theo đó các môn học được tích hợp xung quanh những mục tiêu chung. Cách thức này được xem là phương pháp điển hình của dạy học tích hợp bởi vì: dạng tích hợp này dạy cho HS giải quyết những tình huống phức tạp, vận dụng nhiều môn học. Tích hợp được nhiều kiến thức và kĩ năng của các môn học để đạt được mục tiêu tích cực cho những môn học đó. Ví dụ: khi dạy lịch sử các cuộc chiến tranh thế giới ta có thể vận dụng kiến thức về hệ quả của cuộc chiến tranh để tạo ra một tình huống cho học sinh giải quyết đó là “vấn đề gìn giữ hòa bình thế giới” phải giải quyết như thế nào ?...
3. Nhưng khi thực hiện việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa lịch sử  theo hướng tích hợp trong tương lai, cũng như việc ứng dụng biên soạn các bài dạy lịch sử bằng phương pháp dạy học tích cực hiện nay cũng cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong giáo dục lịch sử như:
-Về mặt sư phạm:
+Không làm thay đổi tính cách đặc trưng của môn học.
+Khai thác nội dung cần tích hợp một cách có chọn lọc, có tính hệ thống, đặc trưng.
+Bảo bảo tính vừa sức.
-Về mặt  chuyên môn:
+Dạy học tích hợp không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn các phương pháp truyền thống của giáo pháp bộ môn, vì thiết nghĩa việc dạy học lịch sử sẽ không còn nguyên giá trị khi thiếu đi những phần tường thuật, phân tích hay xây dựng biểu tượng lịch sử của người giáo viên, đặc biệt là giọng nói, lời giảng truyền cảm xúc của người hướng dẫn các em thực hiện quá trình dạy học hiện đại.
+Dạy học tích hợp nhưng phải đảm bảo học sinh có thể lĩnh hội được sản phẩm cuối cùng của tiết học, khóa học là những tri thức lịch sử cơ bản và trọng tâm. Tri thức đó phải là một sản phẩm đảm bảo yêu cầu bộ môn, mang tính khoa học, tính sư phạm. Tránh việc nhồi nhét kiến thức theo một sự biến tướng thiếu định hướng của giáo viên.
4.Quan những phần trình bày cụ thể trên tác giả muốn thông qua hội thảo, đề xuất một số vấn đề cần thiết làm trong thời gian tới:
Thứ nhất, Bộ giáo dục, các viện nghiên cứu và các cơ quan có liên quan cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện nội dung, tài liệu về dạy học tích hợp và nhanh chóng phổ biến đến với giáo viên các cấp để có thể nắm bắt và từng bước thực hiện. Vì theo tác giả các tài liệu trình bày một cách cụ thể về phương pháp dạy học theo hướng tích hợp hiện này còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ hai, việc muốn vận dụng tốt được các phương pháp dạy hiện đại trên thế giới trong đó có dạy học tích hợp cần phải có một sự chuẩn bị chu đáo từ khâu làm chương trình, biên soạn sách giáo khoa, sách hướng dẫn giáo viên, các tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên và  các cán bộ quản lý. Tránh để trường hợp người giáo viên hiểu một cách qua loa, đại khái thiếu hụt về mặt lý luận nên không thể linh động trong việc vận dụng vào từng môi trường giáo dục, học sinh khác nhau.
Thứ ba, thiết nghĩ việc đổi mới về phương pháp chỉ thực sự có kết quả khi khâu dạy và học đã hiện đại thì khâu đánh giá kiểm tra chất lượng học tập của học sinh và trình độ của giáo viên cũng cần phải theo xu hướng đổi mới, cần tránh chuyện “bình mới nhưng rượu cũ” trong các lần cải cách ở tương lai. Song song đó, cũng cần phải tạo ra một cơ chế thông thoáng từ cấp quản lý đến người giáo viên để họ có thể toàn tâm toàn ý mà tiếp tục phục vụ và cống hiến cho ngành giáo dục.
THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO "DẠY HỌC TÍCH HỢP VÀ DẠY HỌC PHÂN HOÁ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG - GIẢI PHÁP ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA PHỔ THÔNG SAU 2015"  vào 5/12/2014 - tại Viện nghiên cứu Giáo dục - ĐH SP TP.HCM
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Giáo dục & Đào tạo, 2013, Tài liệu bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, NXB Giáo dục & NXB ĐHSP, HN.
2.Nguyễn Hữu Châu,2005, Những vấn đề cơ bản về chương trình và quá trình dạy học, NXB Giáo dục, HN.



[1] GV trường THCS Võ Trường Toản – Q1 TP. HCM
[2] Trần Trung, 2013, Xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng tích hợp, trích từ Tài liệu bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, NXB Giáo dục & NXB ĐHSP, HN, tr 61.
[3] Trần Trung, 2013, Xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng tích hợp, trích từ Tài liệu bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, NXB Giáo dục & NXB ĐHSP, HN, tr 63.
[4] Tức là những người đã lĩnh hội kiến thức nhưng không có khả năng sử dụng các kiến thức đó hàng ngày. 

1 nhận xét:

  1. The Wizard of Oz (video game) - Dr. McD
    A Wizard of Oz is a 제천 출장마사지 1995 태백 출장마사지 action platform game by Sega of America for the Sega Genesis. It 안산 출장마사지 was 하남 출장마사지 released for 계룡 출장안마 the PlayStation Portable in 1991 and

    Trả lờiXóa