QUAN HỆ VIỆT –
PHÁP NHÌN TỪ CUỘC ĐẤU TRANH ĐÒI THẢ TỰ DO CHO PHAN CHÂU TRINH CỦA HỘI
LIÊN MINH NHÂN QUYỀN PHÁP
NGUYỄN SAN HÀ[1]
TÓM TẮT:
Bằng những tài liệu hiện có phản
ánh quá trình hoạt động cách mạng không mệt mỏi của cụ Phan Châu
Trinh, tác giả mong muốn trong khuôn khổ bài viết, có thể giới thiệu
một cách sinh động quá trình đấu tranh quyết liệt của những người
Pháp tiến bộ (thuộc Hội Liên minh nhân quyền) với chính quyền thực
dân Pháp và bọn tay sai Nam triều, trong việc đòi thả nhà cách mạng
yêu nước Phan Châu Trinh sau sự kiện chống xu thuế ở Trung kỳ 1908. Qua
đó, dưới góc nhìn về quan hệ Việt – Pháp, tất cả chúng ta thấy
được tình cảm và tấm chân tình của những người bạn Pháp yêu chuộng
hòa bình dành cho đất nước Việt Nam, và nó góp phần nào đó vào
việc xây dựng cơ sở cho một mối quan hệ hữu nghị Việt – Pháp trong
tương lai.
Tên đề tài tiếng Anh:
Vietnam
– France relationship from the Human Rights Coalition’s struggle for releasing
Phan Châu Trinh
Summary:
Through
many reference material about Phan Châu Trinh’s Past uninterrupted
revolutionary activities, the authors would like to, within the framwork of
this article, present lively the desperate resistance history of the
Progressive Frenches ( the Human Rights Coalition) with the French Colonial
Government and Viet Nam myrmidon.
Through
the demand for releasing the Patriot - revolutionary Phan Châu Trinh after opposing
Tax adjustment in Central Vietnam in 1908 - by the standpoint view about Vietnam – France
Relation, we can see the friendship of Frenches who love peace for Vietnam; and
that can contribute to build bases for a firm relationship Vietnam – France in
future.
I.ĐẶT VẤN ĐỀ
Phan Châu Trinh (1872 - 1926), là một
nhà cách mạng tiêu biểu cho con đường “ỷ Pháp cầu tiến bộ” theo cách chủ động,
bằng phong trào Duy tân ở Trung kỳ. Nhờ tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ
lúc bấy giờ trong tân thư, tân sách, cụ Phan đã kiên định đấu tranh vì mục đích
dân chủ, dân quyền của dân tộc. Nhờ nội dung đấu tranh có yếu tố tiến bộ và trực
diện vào chính quyền thực dân cùng tay sai, dẫn đến cụ đã được sự ủng hộ của
các văn thân sĩ phu và đặc biệt là những ngươi Pháp tiến bộ trong Hội Liên minh
nhân quyền Pháp biết đến. Sau sự kiện chống sưu thuế ở Trung kỳ (1908), cụ Phan
Châu Trinh cùng các đồng chí của mình bị bắt và bị giao cho chính quyền An Nam
phán xét.
Ngay lúc đó, những thành viên trong chi
nhánh Hội Liên minh Nhân quyền ở Việt Nam đã ra sức đấu tranh và đòi nhà cầm
quyền Pháp phải thả Phan Châu Trinh. Quá trình đó, được các người Pháp tiến bộ
tiến hành một cách tích cực và liên tục một cách trực diện vào chính quyền thực
dân tại Đông Dương. Nên cuối cùng, cụ Phan Châu Trinh đã được tha và đi sang
Pháp. Nhận thấy, những hoạt động tích cực của Hội Liên minh Nhân quyền có một ý
nghĩa quan trọng đối với lịch sử dân tộc nói chung và quan hệ Việt – Pháp nói riêng.
Nên tác giả, mong muốn thông qua những tài liệu đã được công bố, để cung cấp đến
ngươi đọc bức tranh sinh động và phân tích mới về sự kiện hiếm thấy trong lịch
sử cận đại Việt Nam. Qua đó, rút ra những đề nghị với mong muốn tiếp tục phát
huy mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và nước Cộng hòa Pháp trong hiện tại và
tương lai.
II.NỘI DUNG
2.1 Cuộc vận động Duy tân và phong trào chống thuế ở
Trung Kỳ, những nguyên nhân khiến Phan Châu Trinh bị bắt
Phan
Châu Trinh hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh năm 1872, (Nhâm Thân, Tự Đức
năm thứ 25) ở làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam, nay là thôn Tây Lộc,
xã Tam Lộc, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Và chính ông là người đã khởi xướng
cuộc vận động Duy tân trong nước vào đầu thế kỉ XX, với cuộc vận động này ông
mong muốn sẽ giành lại độc lập cho dân tộc. Cùng với Phan Bội Châu, ông cũng
được xem là đại diện tiêu biểu cho con đường cứu nước theo xu hướng dân chủ tư
sản đầu thế kỉ XX.
Nếu
như con đường cứu nước của Phan Bội Châu theo xu hướng bạo động, thì con đường
của Phan Châu Trinh là “bất bạo động”, “ỷ Pháp cầu tiến bộ” bằng một loạt các
cuộc vận động trong phong trào của ông như lập các hãng buôn, phong trào bài trừ mê
tín dị đoan, phong trào phê phán hũ nho, hủ tục, phong trào cắt tóc ngắn…Con đường
cứu nước này của Phan Châu Trinh theo xu hướng “khai hóa”, “mở mang dân trí” làm phương
châm căn bản. Về mặt chính trị, nó chủ trương những cuộc cải cách, trước hết là
trong bộ máy cơ quan cũ đã mục nát đến tận gốc. Để tiến hành sự thay đổi đó cần
dựa vào sự giúp đỡ của chính phủ Pháp, coi họ như kẻ trọng tài vô tư, nhờ họ
giúp cho để dần dần giành lại độc lập dân tộc.[3]
Để
đẩy mạnh tư tưởng chống hủ nho, bảo thủ, lạc hậu, mê tín dị đoan, để đề cao tư
tưởng dân quyền, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng… đã khơi dậy
trước hết ở Quảng Nam một cuộc vận động Duy Tân khá sôi nổi.
Cái
mới cuộc vận động Duy Tân ở Trung Kỳ là ngoài hình thức mở trường học như Đông
Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, ở đây mở rộng phong trào lập các hãng buôn, phong
trào bài trừ mê tín dị đoan, phong trào phê phán hũ nho, hủ tục, phong trào cắt
tóc ngắn… Tất cả những phong trào này đều có tính chất quần chúng, được sự ủng
hộ của đông đảo quần chúng. Đây là phong trào vận động cải cách văn hóa tư
tưởng, tuy có lúc, có nơi, biện pháp của nó có phần quá khích, nhưng nó thấm
đượm tinh thần yêu nước, tinh thần dân chủ, kỳ vọng ở tương lai tươi sáng của
đất nước.
Cuộc
vận động cải cách ở Quảng Nam diễn ra trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã
hội…; bao gồm những hoạt động rất đa dạng, từ việc lập hội buôn bán, hội canh
nông, mở trường học, đến việc vận động bài trừ phong tục tập quán hủ bại,
truyền bá những tư tưởng về tự cường, về dân chủ, vận động đời sống mới như cắt
tóc nhắn, mặc áo ngắn…
Thông qua những chủ trương trên và thông
qua hoạt động cụ thể của cuộc vận động Duy Tân, ta có thể thấy được tư tưởng
dân chủ tư sản thể hiện qua phong trào mà Phan Châu Trinh đã khởi xướng chứa đựng
những vấn đề cụ thể như sau:
* Về chính trị:
- Lên án chế độ phong kiến quan liêu thối
nát, cổ động, khuyến khích, tuyên truyền giác ngộ quần chúng về tư tưởng dân chủ
dân quyền tư sản, tuyên truyền thể chế dân chủ tư sản.
- Lên án vua quan phong kiến tham tàn thối
nát, ca ngợi dân chủ dân quyền.
- Điểm đặc biệt, Phan Châu Trinh hết sức
chống đối chế độ nhân trị mà tượng trưng là chế độ quân chủ thời ông.
- Phong trào duy tân chủ trương thiết lập
chế độ dân chủ pháp trị với tam quyền phân lập theo kiểu tây phương, được phân
định rõ ràng bằng hiến pháp. Hiến pháp do Quốc hội soạn, quốc hội do dân chúng
tự do bầu ra. Nền dân chủ có tính cách pháp trị rõ ràng và bình đẳng.
* Về kinh tế:
- Về phương diện kinh tế, ngay từ đầu thế
kỉ XX, phong trào Duy tân kêu gọi trấn hưng kinh tế, mở mang kỹ nghệ, phát triển
thương mại, nghĩa là khuyến khích đường lối kinh tế tự do. Phong trào Duy tân
chủ trương mở mang kinh tế, khuyến khích những sinh hoạt mới mẻ, như lập “nông
hội”, và “thương hội”, do những nhân sĩ địa phương đứng ra điều hành.
- Phong trào Duy tân ở Quảng Nam có ba thương hội quan trọng: đó là
các thương hội Phong Thủ, Thăng Bình và Hội An. Những tổ chức kinh tế trên đây
so với ngày nay rất tầm thường, nhưng so với thời buổi kinh tế lạc hậu lúc bấy
giờ thì đó là một sáng kiến đặc biệt hiếm có, đặt nền móng cho sự phát triển
ngành công nghệ và thương mại để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
* Về văn hóa, giáo dục: Tuyên truyền nền
học thuật tiên tiến. Mở các trường dạy tất cả các ngành khoa học tự nhiên, khoa
học xã hội, dạy chữ Quốc Ngữ, chữ Pháp… Đó là một nền học thuật khoa học, mang
tính chất dân tộc, dân chủ; lên án, bài trừ phong kiến và cường quyền,áp bức,
nghèo nàn, lạc hậu; chấn hưng dân khí, mở mang dân trí, hậu dân sinh.
Cuộc
vận động Duy tân với nội dung như trên rõ ràng là không hề đả kích đến cách cai
trị của chính phủ thuộc địa của Pháp tại Việt Nam nhưng theo báo cáo của Công sứ Pháp lên tòa Khâm sứ Trung Kỳ thì sự
phát triển của công cuộc Duy Tân là hiểm họa lớn. Ông ta cho rằng các trường học
trở thành những trung tâm tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước; các hội buôn, công
ty hiệp thương, thương quán trở thành những nơi hội họp và quyên góp tiền cho
các hoạt động yêu nước; Các nhà cải cách như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng,
Trần Quý Cáp... tiếp xúc mật thiết với quần chúng bằng các buổi diễn thuyết và
thảo luận công khai, hình thành nên phong trào cắt tóc, mặc quần áo ngắn và “cải
lương hương tục”, giảm cúng bái rượu chè trong nông thôn..., đồng thời đả kích,
đưa những tên tay sai tham quan như Trần Văn Thông, Tri phủ Thăng Bình lên mặt
báo ở Hà Nội và Hải Phòng… Trong báo cáo của mình, Công sứ Charles tại Quảng
Nam còn kết luận: “Theo ý tôi thì cuộc vận động của họ không chỉ xuất phát từ ý đồ tha
thiết đem hệ thống cai trị Pháp thay cho hệ thống cai trị An Nam, cũng không phải
do muốn bức xúc thay đổi các phong tục tập quán của xã hội Việt Nam. Chính là một
cuộc chiến đấu chống lại ảnh hưởng và quyền lực của nước Pháp mà họ phát động
và khi họ tấn công vào quan lại thì họ không chỉ nhằm vào những kẻ tham nhũng
mà họ nhằm vào những kẻ phục vụ nước Pháp là chính... Tôi nhấn mạnh quan điểm nầy
dựa vào những điều trông thấy hàng ngày, dựa vào sự hiểu biết của tôi về tính
cách của Phan Châu Trinh, kẻ lãnh đạo ngầm của phong trào nầy; đó là một người
thông minh, có bản lĩnh nhưng là một người cuồng tín, nuôi lòng thù hận sâu sắc
đối với chúng ta”. [4]
Mặc dù biết rõ mục đích của cuộc vận động Duy tân
là như thế nào rồi nhưng Pháp vẫn chưa đủ lý lẽ để bắt Phan Châu Trinh và những
nhà yêu nước khác. Thế nhưng
ảnh hưởng của phong trào mà Phan Châu Trinh là quá lớn, nhất là đối với Trung
Kỳ, nơi mà người dân chịu nhiều sự áp bức bóc lột, đời sống vô cùng khó khăn.
Và đặc biệt là tư tưởng về “dân quyền” trong cuộc vận động Duy tân này lớn tới
nổi đã làm dấy lên phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908. Chính sự bùng nổ
của phong trào chống thuế là cái cớ và là nguyên
nhân trực tiếp để thực dân Pháp bắt giam Phan Châu Trinh. Quả thực, sự bùng
nổ của phong trào chống thuế nằm ngoài sự tính toán của Phan Châu Trinh bởi vì
xuyên suốt chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh là “bất bạo động” vì ông cho
rằng “bạo động tắc tử”.
Năm 1908,
phong trào quần chúng chống thuế đã bùng
phát ở Quảng Nam rồi lan nhanh đến nhiều nơi Trung Kỳ, khiến cho thực dân Pháp hoảng
hốt đối phó và tăng cường đàn áp, đánh phá các cơ sở Duy Tân, bắt bớ hàng loạt
nhà yêu nước, trong đó có Phan Châu Trinh, với tội danh chủ mưu. Trước sự đốc
thúc của viên Toàn quyền, tháng 11/1907, Thống sứ Bắc Kỳ cho đóng cửa Đông Kinh
Nghĩa Thục và tiếp đó đã tiến hành bắt Phan Châu Trinh vào sáng ngày 31/3/1908 ở
phố Hàng Gai (Hà Nội) theo lời khai của ông ta với chính quyền thực dân sau
này. Quá trình bắt và dẫn độ Phan Châu Trinh về Huế xét xử diễn ra rất nhanh.
Ngày 2/4/1908, thanh tra Gauthier giải Phan Châu Trinh xuống Hải Phòng, ngày
4/4/1908 đến Huế theo đường thủy và ông bị giam giữ tại nhà lao Hộ Thành, chân
xiềng tay trói, cổ mang gông cùm như tử tù. Mặc dù chủ động trong việc theo
dõi, tiến hành bắt, điều tra và lấy khẩu cung Phan Châu Trinh nhưng tòa Khâm sứ
không có quyền xét xử, bởi lý do Phan Châu Trinh là nhân vật rất nổi tiếng ở
Trung Kỳ, vụ án của Phan Châu Trinh lại thuộc Nam án cho nên thực dân Pháp
không thể tham xử mà giao cho Hội đồng Cơ mật Triều đình Huế thực hiện nhiệm vụ
này.
2.2
Quá trình đấu tranh của Liên minh nhân quyền Pháp đòi thả Phan Châu
Trinh
Liên
minh nhân quyền Pháp tên đầy đủ là “Liên minh vì nhân quyền và quyền công dân”,
ra đời vào tháng 2 năm 1898 do Thượng nghị sĩ Ludovic Trarieux, cựu bộ trưởng Bộ
Tư pháp thành lập. Ngày 4/6/1898, thông qua chương trình điều lệ, một tháng sau
tuyên bố thành lập. Liên minh phát triển rất mạnh, năm 1901 có 25.000 hội viên,
năm 1902 lên đến 40.000 hội viên. Liên minh có một bộ máy điều hành lớn, gồm
nhiều chuyên gia có năng lực để nghiên cứu kỹ các vấn đề được đề xuất nhằm can
thiệp đúng và đưa lại kết quả, có ảnh hưởng rất lớn đến Bộ Tư pháp và Tòa án các
cấp.
Do
phát hiện nhiều độc đoán và bất công ở Việt Nam nên Liên minh đã lập ra các chi
nhánh tại Sài Gòn (1902), Hà Nội (1903), Hải Phòng (1905), hoạt động mạnh nhất ở
Hà Nội và Babut là thành viên hoạt động tích cực nhất trong chi nhánh Liên minh
tại đây. Thành viên Liên minh tại Việt Nam phần lớn là viên chức ở các cơ quan
kỹ thuật, giáo viên, một số luật gia đặc biệt như luật sư Gounelle ở Hà Nội, luật
sư Paul Monin ở Sài Gòn và hầu hết thành viên trong Liên minh là người Pháp.
Vai trò của các chi nhánh Liên minh nhân quyền
Pháp tại Việt Nam là phát hiện vấn đề, đề xuất yêu cầu, tác động tại chỗ, đồng
thời thu gom tài liệu lập hồ sơ để giúp ủy ban Trung ương của Liên minhh tại Pháp
can thiệp có kết quả, và trong số các hoạt động can thiệp của Liên minh thì việc
đòi thả Phan Châu Trinh là một trong những hoạt động tiêu biểu.
Việc
bắt Phan Châu Trinh tại Hà Nội với cái cớ là chủ mưu cuộc bạo động chống thuế của
nhân dân các tỉnh Trung Kỳ đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ với những
người yêu nước Việt Nam và kể cả đối với những người Pháp tiến bộ. Họ đánh giá
cao vai trò của ông trong cuộc vận động Duy tân, trong cách ông đối thoại với
chính phủ thuộc địa Pháp nhằm sửa đổi hệ thống cai trị và đem lại một số quyền
tự do, dân chủ cho người dân. Các hoạt động giải cứu ông được diễn ra từ khi ông
bị bắt đến khi ông bị đày ra Côn Đảo.
Ngay
tại Thái Bình, tuy không diễn ra phong trào chống thuế nhưng 182 người đã ký tên
vào bức thư gửi tới Chính phủ Pháp đề nghị thả Phan Châu Trinh, và ngay trong bức
thư, họ đã dùng những lý lẽ đanh thép để phản đối: “Trung Kỳ là đất được bảo hộ và
Chính phủ bảo hộ muốn đưa dân chúng tôi lên đường tiến bộ và coi chúng tôi như
được tự do. Như vậy theo lẽ công bằng thì Trung Kỳ phải được theo luật pháp
đang thực thi tại Pháp như luật quốc tế bảo đảm cho dân được hưởng tự do bình
đẳng bác ái... Sự việc đó làm chúng tôi có cảm tưởng là Chính phủ không ưa
những người yêu thích tự do và chỉ muốn đất nước chúng tôi kiệt quệ đi.”[5]
Nhưng
cho dù có phản đối kịch liệt đến đâu thì việc đòi thả Phan Châu Trinh của những
người Việt Nam yêu nước cuối cùng sẽ bị đàn áp và bóp ghẹt bằng gươm súng và
lao tù của thực dân Pháp. Thế nhưng hy vọng giải cứu Phan Châu Trinh vẫn chưa bị
dập tắt, vẫn còn đó những người Pháp tiến bộ, Liên minh nhân quyền Pháp tại Việt
Nam, họ cùng với những người Việt Nam yêu nước khác đòi thả Phan Châu Trinh bằng
các hoạt động giải cứu mạnh mẽ, kéo dài và có hiệu lực hơn.
Và
có thể nói sự tham gia của Liên minh nhân quyền Pháp trong vấn đề giải cứu Phan
Châu Trinh sẽ mang tính hiệu quả cao hơn. Thứ nhất họ nằm ngoài phạm vi kiểm soát
của Chính phủ thuộc địa, thứ hai họ được hậu thuẫn ở Pháp với Liên minh nhân
quyền và Đảng Xã hội Pháp, có tiếng nói ngay trong Quốc hội Pháp. Đặc biệt hơn,
ngay tại Việt Nam họ có quan hệ mật thiết với một số báo chí Pháp có quyền viết
tự do và một số người trong bộ máy thuộc địa có khả năng đối thoại trực tiếp với
những nhân vật chóp bu.
Trước
khi xảy ra vụ bắt Phan Châu Trinh, Trung ương Liên minh nhân quyền tại Pháp đã
được thông tin nhiều về tình hình ở thuộc địa, chủ tịch Liên minh, ông Francis
de Pressensé đã sớm khẳng định nghĩa vụ của Liên minh đối với thuộc địa. Vụ bắt
và xử Phan Châu Trinh cùng với các hành động đàn áp đã làm dấy lên làn sóng phẫn
nộ trong Liên minh nhân quyền và dư luận cánh tả Pháp.
Những
hành động của Liên minh nhân quyền Pháp tại Việt Nam đòi thả Phan Châu Trinh có
thể nói là rất tích cực. Ngay sau khi biết tin Phan Châu Trinh bị bắt, nhà báo
Babut, thành viên của Liên minh tại Hà Nội đã viết một bài báo để tố cáo ngay hành
động này của Pháp: “Cộng tác viên và bạn chúng ta, Phan Châu Trinh, mới vừa bị bắt. Các nhà
lãnh đạo Đông Dương của chúng ta muốn bắt chúng ta quay lại thời kỳ ghê gớm của
những bức thư có dấu chăng? Nhưng họ phải biết không ai để họ làm vậy.”[6]
Tiếp
đó chi nhánh Liên minh tại Hà Nội đã điện và báo cáo với Ủy ban Trung ương Hội
tại Pháp để xin phép hành động. Đến ngày 29/5/1908, chủ tịch Lafeuille và Babut
viết thư khiếu nại với Toàn quyền và trực tiếp chất vấn Michel - Tổng chưởng lý
Đông Dương. Trong thư, chủ tịch Lafeuille đã đưa ra những lập luận hợp lý để họ
có thể can thiệp vào vụ án của Phan Châu Trinh một cách danh chính ngôn thuận hơn:
“Nếu
người bản xứ nầy quả thực đã phạm tội xúi giục làm loạn thì tòa án của thuộc
địa có đủ thẩm quyền để trừng trị ông ta. Cho nên điều đáng nghi vấn là tại sao
ông ta lại được trao cho tòa án bản xứ bao gồm những kẻ có thâm thù cá nhân với
ông ta. Do đó mà bản án chỉ có thể như nó đã được tuyên ra mà thôi.”[7]
Nhưng
báo cáo của Tổng chưởng lý Michel thì ông ta nói rằng “chủ sự Tư pháp Đông Dương
chỉ có quyền về tư pháp bản xứ Bắc Kỳ mà thôi, không có quyền kiểm soát việc
thi hành pháp lý của bản xứ ở Trung Kỳ... Do đó trước đây và hiện nay cũng thế,
ta không có quyền can thiệp, dù chỉ là để hỏi lý do kết án Phan Châu Trinh.”[8]
Nói như thế nhưng Tổng chưởng lý Michel quên một điều rằng Phan Châu Trinh bị bắt
ngay tại Bắc Kỳ chứ không phải tại Trung Kỳ, và để hợp thức hóa cái điều mà ông
ta nói ở trên thì sau khi bị bắt, cụ Phan bị dẫn độ ra Huế để bị kết án theo luật
Nam triều với tội “mưu đại nghịch” theo điều 223 - Bộ luật Gia Long
và quyết định “trảm quyết” (chém ngay) Phan Châu Trinh. Nhưng do các hoạt động trước đó của Liên minh nhân quyền
thì án trảm quyết được hạ xuống thành “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá
bất nguyên” ( chém nhưng giam lại, đầy xa ba ngàn dặm, gặp dịp ân xá cũng không
cho về).[9]
Ngay sau đó, ông bị đày đi Côn Đảo.
Và
để vạch rõ âm mưu thâm độc này của chính phủ thuộc địa và tiếp tục vận động đòi
tha Phan Châu Trinh thì cuối năm 1908, Babut về Pháp tác động dư luận tại đây,
chuẩn bị hồ sơ cho Moutet diễn thuyết và đăng lên tập san Liên minh đầu năm
1909 với tựa “Lạm quyền, bất công và tội
ác ở Đông Dương”.
Sau
bài diễn thuyết trên thì đến ngày 1/4/1909, Francis de Pressensé chất vấn Bộ
trưởng Thuộc địa Lacroix về vấn đề Phan Châu Trinh và các vấn đề bất công ở Đông
Dương. Lacroix hứa là Klobukowski sẽ giải quyết. Babut liền vận động
Klobukowski sắp sang làm Toàn quyền. Đến ngày 27/10/1909, Étiolles thay mặt Liên
minh tại Hà Nội viết thư cho Toàn quyền nhắc lại yêu cầu thả Phan Châu Trinh.
Trong
thời gian ở Pháp, Babut vận động được Klobukowski đồng tình và Bộ trưởng thuộc địa
đã nhất trí việc ân xá Phan Châu Trinh, Babut đã trở lại Việt Nam để giúp Toàn
quyền Đông Dương trong việc vượt qua các cản trở từ phía cánh thực dân cực đoan
ở Đông Dương. Đến ngày 18/11/1909, ông viết thư ra Côn Đảo cho Phan Châu Trinh
để báo là có khả năng ông sẽ được tha.
Và
rồi thì những hoạt động tích cực của Liên minh nhân quyền cuối cùng đã được đền
đáp. Đầu mùa hè năm 1910, Thống đốc Nam Kỳ theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương
ra Côn Đảo để thẩm vấn riêng Phan Châu Trinh. Nội dung cuộc trả lời thẩm vấn của
Phan Châu Trinh có thể xem như là bản chính kiến của ông là không phản đối nước
Pháp mà chỉ phản đối chính sách đãi ngược người Việt Nam. Theo ông, sẵn có nước
Pháp thì Việt Nam nên theo học Pháp, chuyên dụng tâm về mặt khai trí, trị sinh
các việc thực dụng. Dân trí đã mở, trình độ ngày một cao tức là cái nền độc lập
ngày sau ở đấy. Đến tháng 8/1910, ông đươc đưa về đất liền và giam lỏng tại Mỹ
Tho, nhưng tại đây ông viết thư đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Đảo chứ nhất
định không ở lại đây. Vào khoảng tháng 3/1911, Phan Châu Trinh cùng con trai là Phan Châu Dật được sang Pháp theo đoàn giáo dục
Đông Dương sang Pháp để giảng dạy tiếng Trung.
2.3 Hành
động đòi thả Phan Châu Trinh của Hội Liên minh nhân quyền Pháp – Nhìn từ góc độ
quan hệ Việt – Pháp
Cuộc
vận động đòi thả Phan Châu Trinh của Hội Liên minh nhân quyền Pháp rõ ràng là
một hành động tích cực, thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình, vì sự phát
triển của một xứ thuộc địa. Tên tuổi cũng như hành động của những nhân vật
người Pháp như: Babut, Lafeuille, Francis de Pressensé… không thể làm cho người
Việt Nam chúng ta sau này không khỏi phải ngưỡng mộ. Dù nhìn về tổng thể thì
quan hệ giữa Việt – Pháp từ 1897 – 1945 là mối quan hệ giữa một nước thuộc địa
với nước chính quốc vốn không bình đẳng. Như qua cuộc vận động đòi thả Phan
Châu Trinh của Hội Liên minh Nhân quyền làm cho chúng ta thấy được một số điểm
cần lưu ý như sau:
Thứ nhất, như nhận định của một số nhà nghiên cứu, chính những hoạt
động đòi Duy tân đất nước đã thực sự bắt kịp với xu thế tiến bộ của thế giới
lúc bấy giờ. Vì nước Pháp từ sau 1789 khi nhà ngục Baxti bị phá bỏ, nền quân
chủ chuyên chế từng bước bị phá tan, thì song song đó nước Pháp đã đưa ra khẩu
hiệu tiến bộ của thời đại là “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” làm ảnh hưởng đến tư
tưởng của các nhà cách mạng trên khắp thế giới. Trong quá trình hoạt động cách
mạng của mình, cụ Phan Châu Trinh cũng đã nhận thấy rằng cần phải “ỷ Pháp cầu
tiến bộ”, bằng phương pháp chủ động, không trông chờ vào sự ban ơn, bố thí văn
minh của chính quyền thực dân. Nên cụ Phan đã đẩy mạnh công cuộc: chấn dân khí,
khai dân trí và hậu dân sinh. Trong quá trình hoạt động theo tôn chỉ trên của
mình, cụ đã gây được tiến vang để Hội Liên minh Nhân quyền Pháp biết đến: “May mắn
là Phan Châu Trinh, vì lá thư gửi toàn quyền Beau trước đó hai năm đã làm cho
giới người Pháp tiến bộ chú ý”[10].
Như vậy rõ là, các hoạt động của cụ Phan vào đầu thế kỷ XX, đã gắn kết vấn đề
nhân quyền và dân quyền ở Việt Nam với cuộc đấu tranh vì tiến bộ của Hội Liên
minh Nhân quyền Pháp, để chuẩn bị tiến đến độc lập của dân tộc.
Thứ hai, các hoạt động tích cực đòi thả cụ Phan Châu Trinh của các
nhân vật thuộc Hội Liên minh Nhân quyền ở Pháp và Việt đã chứng minh rằng,
trong lúc thực dân Pháp đang ra sức khai thác thuộc địa tại Việt Nam, thì vẫn
có nhiều người Pháp và các tổ chức phi chính phủ tại Pháp luôn đấu tranh cho
hòa bình, cũng như quyền con người ở các xứ thuộc địa. Quá trình thực hiện việc
đòi thả tự do cho cụ Phan của các thành viên người Pháp đã cho thấy, việc làm
đó xuất phát từ một tinh thần vì tiến bộ, nó diễn ra liên tục và quyết liệt lại
trực tiếp góp phần vạch ra những hành động dối trá của bọn thực dân và tay sai.
Qua thư từ của Hội Nhân quyền cùng với một số cá nhân tích cực như Babut đã gây
cho bọn quan chức “bảo hộ” và được “bảo hộ” nhiều khó khăn nhất định. Nên cuối
cùng chúng buộc phải nhượng bộ bằng việc lấy chính kiến của Phan Châu Trinh ở
Côn đảo và đưa ông về Mỹ Tho, rồi chấp nhận cho ông sang Pháp (do muốn cách ly
cụ khỏi quần chúng An Nam). Có thể, chính những hoạt động của những người Pháp
tiến bộ trên, cùng với mục đích tốt đẹp mà họ muốn xứ thuộc địa Đông Dương
(trong đó có Việt Nam) phải được thừa hướng, đã mở ra một viễn cảnh quan hệ
Việt – Pháp trong tươi lai vô cùng tốt đẹp khi thời cơ đến. Hình ảnh tương trợ
cho Phan Châu Trinh không chỉ dừng lại ở thời gian này mà còn được tiếp tục
trong quá trình hoạt động của cụ Phan tại Pháp. Và dường như đây là những điều
mà chính quyền thực dân tại Đông Dương không thể ngờ được trong quá trình chúng
“khai hóa văn minh” ở Việt Nam.
Thứ ba, trên cơ sở quan hệ thân mật từ trước, rất có thể những hành
động tiến bộ của Hội Liên minh Nhân quyền Pháp đối với Phan Châu Trinh đã khiến
cho chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đang sôi sục lòng yêu nước quyết định đi
Pháp để tìm đường cứu nước, bên cạnh việc Người muốn tìm hiểu xem: đằng sau
những chữ Tự do – bình đẳng – bác ái là gì ? Dĩ nhiên những thông tin đó, không
khó đến được với Tất Thành trong những lần giao tiếp với cụ Phan (hoặc các văn
thân sĩ phu tiến bộ lúc bấy giờ). Tác giả thấy rằng, vấn đề này cần phải được
tiếp tục nghiên cứu trong tương lai để góp phần đánh giá đúng sự kiện trên.
Như
vậy qua ba vấn đề tác giả nghiên cứu nếu ra, đã cho thấy những hành động đấu
tranh của Hội Liên minh Nhân quyền đòi thả Phan Châu Trinh là một việc làm của
những người Pháp tiến bộ và cần thiết phải làm rõ thêm để phát triển mối quan
hệ Việt – Pháp trong hiện tại và tương lai.
III. KẾT LUẬN
Qua
những trình bày và phân tích ở trên, chúng ta thấy được bên cạnh việc tồn tại
mối quan hệ mang tính phụ thuộc, cưỡng chế của thực dân đã mang lại trong suốt
hơn 80 Việt Nam bị Pháp thuộc. Tính trong nhân dân hai nước, cũng như các tổ chức
phi chính phủ vì lợi ích của nhân loại cũng tồn tại một tình cảm quan hệ hữu
nghị tiến bộ. Cần phải nhận thức rõ được những điều đó, chúng ta mới có thể đi
đến những đánh giá khách quan hơn, tích cực hơn vai trò của nước Pháp trong
tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Qua
bài viết, các tác giả muốn đưa ra một cái nhìn mới, về quan hệ Việt – Pháp
trong một sự kiện đặc biệt của lịch sử dân tộc thời kỳ hiện đại mà đến nay hình
như chưa được nhiều sự quan tâm và đánh giá đúng vị trí của nó. Chúng tôi cũng muốn
thông qua Hội thảo để đưa ra một số đề nghị như sau:
Thứ
nhất, cần tăng cường tìm hiểu và nghiên
cứu về quan hệ Việt – Pháp hơn trong tương lại. Có thể thông qua các Hội thảo
khoa học, tọa đàm trao đổi cũng như những công trình nghiên cứu nghiêm túc mang
tính khoa học.
Thứ
hai, cần tiếp tục đánh giá những điểm
tích cực của người Pháp trong quá trình họ hoạt động ở Việt Nam thời kỳ cận
đại, để qua đó, đưa vào sách giáo khoa; tài liệu tham khảo của ngành giáo dục.
Nhằm cung cấp một cách khách quan hơn, tích cực hơn mối quan hệ Việt – Pháp
cũng như những đóng góp của các nhà khoa học người Pháp.
Thứ
ba, chúng ta cũng nên tiếp tục nghiên
cứu về mối quan hệ giữa Phan Châu Trinh đã ảnh hưởng theo hướng tích cực đến
chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc như thế nào ? cũng như những
chỉ dẫn của cụ Phan đối với Nguyễn Ái Quốc trên đất Pháp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Lê
Thị Kinh (2001), Phan Châu Trinh qua những
tài liệu mới - Quyển 1 tập 1, NXB Đà Nẵng.
2.Huỳnh
Lý (1993), Phan Châu Trinh – thân thế và
sự nghiệp, NXB Đà Nẵng.
3.Chương Thâu (1997), Đông Kinh Nghĩa Thục
và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX, NXB -VHTT, Hà Nội.
4.Thu
Trang (2000), Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911 – 1925, NXB Văn
nghệ TP.HCM.
5.
Chương Thâu, Đinh Xuân Lâm (2012), Phong
trào yêu nước cách mạng đầu thế kỷ XX – nhân vật và sự kiện, NXB Lao động.
6.
Viện sử học, Lịch sử Việt Nam 1897-1918, NXB
Khoa học Xã hội.
THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ
"40
NĂM THIẾT LẬP QUAN HỆ VIỆT – PHÁP (1973 – 2013)"
ĐH KHOA HỌC HUẾ - 2013
[1] GV – trường THCS Võ Trường
Toản, Quận 1 TP.Hồ Chí Minh.
[2] GV – trường THCS Cầu Kiệu,
Quận Phú Nhuận TP.Hồ Chí Minh.
[3] Chương Thâu (1997), Đông Kinh Nghĩa Thục
và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX, NXB -VHTT, Hà Nội, tr 36.
[4] Lê Thị Kinh (2001), Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới -
Quyển 1 tập 1, NXB Đà Nẵng, tr 48.
[9] Huỳnh Lý (1992), Phan Châu Trinh – thân thế và sự nghiệp,
NXB Đà Nẵng. tr 74.
[10] Thu Trang (2000), Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp
1911 – 1925, NXB Văn nghệ TP.HCM, tr32.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét