Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA HỒ CHÍ MINH



                                                                                                      Nguyễn San Hà
I.                   Đặt vấn đề:
Ngày 5/6/1911, người thanh niên tên Văn Ba đã xuống tàu Amiran Latúsơ Tơrêvin rời bến cảng Nhà Rồng đi Mácxây. Sự kiện đó, đánh dấu bước khởi đầu con đường bôn ba trời Tây của Người, nhằm tìm hiểu văn hóa thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước. Nhận thấy cần phải tiếp cận và tìm ra những yếu tố quan trọng đã tác động đến toàn bộ hành trình tìm đường cứu nước của Người, từ lúc còn ở trong nước rồi khi Người đến với chủ nghĩa cộng sản. Nội dung của bài viết xin đề cập đến những yếu tố mà tác giả thấy có tác động lớn lao đến người thanh niên Nguyễn  Tất Thành  hay Nguyễn Ái Quốc trên con đường tìm kiếm phương pháp giải phóng  dân  tộc mình.
II.               Nội dung:
1.      Quá trình ở quê hương đến khi tìm đường ra nước ngoài:
1.1   Tác động từ quê hương và gia đình:
Nguyễn Sinh Cung, tên thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh ngày 19/5/1890, tại làng Hoàng Trù là quê ngoại của Bác, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cách đó 2 km là làng Kim Liên vốn  là quê nội của Bác. Đặc điểm chung cả quê nội và ngoại của Nguyễn Sinh Cung là những vùng đất xấu, người dân nghèo, thời tiết “nắng lên là hạn, mưa to mấy ngày là lụt”; nhưng con người ở đây thì cần mẫn, chăm chỉ lao động, bên cạnh làm ruộng còn phải làm thêm nhiều nghề khác; nên hai làng Hoàng Trù và Kim Liên còn là “đất hát phường vải”[1]. Nơi đây cũng là đất của nhiều sĩ phu văn thân từng tham gia chống Pháp như: Vương Thúc Mậu, Nguyễn Sinh Quyến, Hoàng Xuân Hành; Hoàng Phan Thái,…
Xuất thân từ trong gia đình khoa bảng, thân phụ của Người là ông Nguyễn Sinh Sắc (sinh năm 1862 – sau lấy tên là Nguyễn Sinh Huy) cũng đỗ phó bảng vào kỳ thi hội năm Tân Sửu đời Thành Thái 13 (tức năm 1901)[2]. Nhưng ông lại thích sống thanh bạch, không thích cậy quyền. Do đó, ông thường dạy các con khi ấy là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành (theo tục làm lễ vào làng, các con trai được đổi tên khác): “Vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng” (nghĩa là: đừng lấy phong cách  nhà quan làm phong cách nhà ta); không được xa rời lao động chân tay[3]. Năm 1906, ông được bổ nhiệm làm thừa biện bộ Lễ, vẫn nói thường nói với các học trò: “Quan trường thị nô lệ trung thị nô lệ, hựu nô lệ” (nghĩa là: làm quan là nô lệ trong đám nô lệ, lại càng nô lệ hơn)[4].
Không dừng lại ở đó, Cụ Sinh Sắc rất quan tâm đến việc học và chọn thầy cho con mình. Chính vì lẻ đó, nên Bác thường được theo học chữ Hán với nhiều nhà nho có tiếng trong vùng như: Vương Thúc Quý, Trần Thân vốn là những người thanh bạch, khảng khái, trọng nghĩa khinh tài. Đặc biệt là thầy Quý “không hề ngần ngại dạy cho học trò tư tưởng yêu nước thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời”[5].
Bên cạnh đó, thân phụ của Người thường hay dẫn các con đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ để có thể hiểu biết thêm về tình cảnh đất nước. Chính nhờ vậy, mà cậu Thành đã thấu hiểu được tình cảnh của nhân dân trong nước dưới thời Pháp thuộc. Nguyễn Sinh Cung cũng thấy ở Huế có nhiều lớp người, những người Pháp thống trị nghênh ngang, hách dịch và tàn ác; những ông quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm, hài nhung, mũ cánh chuồn, nhưng khúm núm rụt rè; còn phần đông người lao động thì chịu chung số phận đau khổ và tủi nhục. Qua các chuyến đi, còn giúp Người tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước. Tiêu biểu trong đó có cụ Phan Bội Châu, thường đến nhà trao đổi về thời cuộc. Mỗi khi uống say, cụ Phan thường ngâm 2 câu thơ:
“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch,
Lập thân tối hạ thị văn chương”.
Nghĩ là:
“Mỗi bữa (ăn) không quên ghi sử sách,
Lập thân hèn nhất ấy (là) văn chương”.
Câu thơ đã có  tác động nhiều đến Nguyễn Tất Thành và góp phần định chí hướng cho người thiếu niên sớm có hoài bão lớn[6].
Như vậy, điểm qua những nét chính về quê hương và gia đình của Bác Hồ, ta thấy được ngay từ thời thơ ấu cho đến lúc niên thiếu, Người đã được tiếp thu những tinh hoa của vùng đất anh hùng xứ Nghệ An. Cũng như những đức tính của người cha đầy tinh thần yêu nước và có mối quan hệ rất rộng với nhiều văn thân sĩ phu yêu nước miền Trung. Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên vào lúc thực dân Pháp đang thực hiện công cuộc “khai hóa”  bằng phương pháp “vắt sữa” xứ thuộc địa, đẩy; triều đình phong kiến đã mất đi vai trò quản lý đất nước, nên những tác động trên đã hình thành nên trong người một lòng yêu quê hương đất nước cùng với những tư tưởng tiến về: cái học, cái tình và nhận thức sơ lược về vận mệnh của nước nhà.
1.2   Tác động trong quá trình học tập ở các trường Pháp – bản xứ:
Sau đó, ông nghè Nguyễn Quý Song góp ý, ông Sắc cho con theo học trường tiểu học Vinh (từ tháng 9/1905 – 4/1906), tại đây Nguyễn Tất Thành đã chú ý đến ba từ  tiếng Pháp được sơn vào gỗ và gắn trên bảng đen chính là: Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Qua tìm hiểu Thành đã biết được đó là khẩu hiệu của cuộc Đại cách mạng tư sản Pháp 1789 và có ý định “tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”[7].
Đến cuối tháng 4/1906, Thành theo cha vào Huế và được học  dự bị tại trường tiểu học Pháp – Việt Đông Ba, niên khóa 1906 -1907 và tiếp theo học lớp sơ đẳng vào năm 1907 – 1908 với tên là Nguyễn Sinh Côn[8]. Đến tháng 4/1908, lúc Thành học gần cuối lớp sơ đẳng, thì kinh thành Huế xôn xao, náo động về sự kiện: bị mất mùa liên tiếp ba năm, nông dân sáu huyện của tỉnh Thừa Thiên kéo nhau rầm rập về kinh thàn. Bà con vây quanh tòa Khâm sứ  ở cầu Tràng Tiền để dòi giảm sưu, giảm thuế. Nguyễn Tất Thành đã tham gia những cuộc biểu tình này, khởi đầu cho cuộc tranh đấu suốt đời Người vì quyền lợi của nhân dân lao động. Vì những hoạt động yêu nước, tham gia cuộc đấu tranh của nông dân, Nguyễn Tất Thành bị thực dân Pháp để ý theo dõi. Bon quan cai trị thực dân khiển trách Nguyễn Sinh Huy về việc con trai phát ngôn bài Pháp.[9]
Năm 1908 – 1909, Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành chuyển sang học trường Quốc học Huế. Vốn là một trường lập ra nhằm mục đích đào tạo một lớp công chức mới, nên các thầy giáo ở đây có cả người Pháp và người Việt. Trong số những thầy giáo người Việt, cũng có những người yêu nước, có ý thức giáo dục học trò không quên giang sơn, Tổ quốc, như thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Miến,…Qua những giờ học của thầy Miến, cậu học trò Thành được học hỏi nhiều về những thành tựu dân chủ và dân minh của phương Tây, kích  thích được lòng hiểu biết  của học sinh.
Năm Thành vào trường Quốc học, cũng là năm mà sách Tân thư của Trung Quốc được lưu hành ở nhiều nơi, đặc biệt là trong giới sĩ phu yêu nước. Những tư tưởng cải cách của Khang – Lương đã thức tỉnh những người có chút ít kiến thức. Đất Thừa Thiên khi ấy cũng đang dấy lên phong trào đòi cải cách thông qua nhiều hình thức vận động. Nguyễn Tất Thành đã tham gia vào phong trào cắt tóc ngắn[10].
Tháng 5/1909, ông Sinh Huy nhận chức tri huyện Bình Khê, nên đến cuối năm học Thành cũng phải vào Bình Định. Giai đoạn này, ông Huy hiểu khả năng và chí hướng người con trai thứ của mình, nên đã tạo điều kiện cho học tiếp tại trường Tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn với thầy Phạm Ngọc Thọ. Nhưng đến tháng 1/1910, Thành được tin thân phụ bị “triệt hồi” chức tri huyện Bình Khê và bị gọi về kinh. Trước biến cố mới của gia đình, sau khi hoàn tất chương trình tiểu học vào 6/1910, Thành “không theo cha trở về Huế mà quyết định đi tiếp xuống phía Nam”[11].
Qua những năm tháng học ở các trường Pháp – Việt, Nguyễn Tất Thành đã được tiếp cận với những tư tưởng và thành tựu mới của nền văn mình phương Tây. Cũng trong giai đoạn này, 1908 – 1909, đế quốc Nhật đã cấu kết với Pháp lần lượt trục xuất các thanh niên và cụ Phan Bội Châu, Cường Để ra khỏi nước Nhật, đánh dấu chấm hết của phong trào Đông Du; phong trào chống thuế ở Trung kỳ (1908) có Người tham gia cũng bị Pháp đàn áp dã man. Tất cả những biến cố của đất nước đó: đã giúp Nguyễn Tất Thành nhận ra được những sai lầm cũng như hạn chế các phong trào yêu nước giai đoạn này. Từ đó, thôi thúc người thanh niên đầy nhiệt quyết này chia tay gia đình để tìm đường sang phương Tây.
1.3   Những tác động trong thời gian tìm đường ra nước ngoài:
Trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành dừng chân lại Phan Thiết vào cuối tháng 8/1910. Nhờ người quen với thân phụ, anh được giới thiệu làm trợ giáo môn thể dục tại trường Dục Thanh, đúng vào dịp trường mới khai giảng. Trường được đặt trong khuôn viên nhà cụ Nguyễn Thông (là một nhà nho yêu nước), do ông Nguyễn Quỳnh Anh (con trai cụ Thông) làm hiệu trưởng. Thầy Thành được giao làm trợ giáo môn thể dục và đảm nhận các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.
Ngoài giờ lên lớp, thầy Thanh rất say mê đọc sách. Đặc biệt trong khu vườn của gia đình cụ Nguyễn Thông, có một ngôi nhà được đặt tên là Ngọa du sào (nghĩa là: nơi đọc sách mà như được du ngoạn trong thế giới hiểu biết)[12]. Tại đây thầy đã tìm được nhiều sách Tân thư dịch ra chữ Hán nên được tiếp cận với tư tưởng của Lư Thoa (J.J Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), Phục Nhĩ Thái (Fr. Voltaire),…những văn hào Pháp khởi xướng thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái,…Ngoài ra thầy còn tiếp xúc với các ngư dân ở bến cá Cồn Chà để học hỏi về: cách định hướng đi biển, chống say sóng, nhận biết các dấu hiệu báo bão…
Đầu tháng 2/1911, thầy Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Anh ở tạm tại trụ sở các chi nhánh của Liên Thành công ty đặt  tại Sài Gòn, như số 3, đường Tổng đốc Phương (nay là số 5, đường Châu Văn Liêm); nhà 128, Khánh Hội[13],…tại đây, anh thường đi vào các xóm thợ nghèo, làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi. ở đâu anh cũng thấy nhân dân lao động bị đọa đày, khổ nhục. Nguyễn Tất Thành cũng hay đến những cửa hàng ở gần cảng Sài Gòn, nơi chuyên nhận giặt là quần áo cho các thủy thủ trên tàu Pháp, để tìm cách xin việc làm trên tàu, thực hiện ước mơ có những chuyến đi xa.
Năm 1911, tại bến cảng Sài Gòn, có một chiếc tàu lớn của hảng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis) đậu gần cột cờ Thủ Ngữ, nổi lên dòng chữ Amiran Latúsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville). Tàu này cập bến Sài Gòn ngày 17/5/1911 sau  đó đi Hải Phòng, đến 2/6/1911, tàu trở lại cảng Sài Gòn. Đến ngày 3/6/1911, nhờ một người thủy thủ, Nguyễn Tất Thành khi này với tên Văn Ba lên tàu gặp thuyền trưởng Maixen (Maisen) xin làm phụ bếp và được nhận. Đến 5/6/1911, con tàu rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille), mang theo một người thanh niên yêu nước đang muốn tìm hiểu thế giới phương Tây.
Qua những sự khiện được trình bày trên, ta thấy được bằng một lòng yêu nước và quyết tâm tìm một chân lý để giải phóng dân tộc, mà lúc đây mục đích chính là “Tây du”, Nguyễn Tất Thành đã thực hiện quyết tâm của mình bằng việc không ngừng tìm hiểu những kiến thức cần thiết để chuẩn bị cho chuyến đi xa đầy gian khổ của mình. Bên cạnh đó, giai đoạn này, Nguyễn Tất Thành đã được tiếp cận thêm về những tư tưởng tiến bộ của các nhà triết học cách mạng Pháp tạo cơ sở dễ dàng thấu hiểu được các cuộc cách mạng và nhà nước ở các nước phương Tây sau này.
2.      Quá trình đến với chủ nghĩa Mác – Lênin
2.1   Những nhận thức về số phận người lao động trên thế giới:
Với chân phụ bếp trên tàu, anh Ba phải làm việc rất vất vả từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối. Thế nhưng mỗi tháng, bọn chủ trả cho anh được 45 phrăng là hạng tiền công rẻ mạt[14]. Nhưng bằng một thái độ thân mật, lễ độ, anh được nhiều người trên tàu yêu mên, trong đó có hai người lính Pháp  được giải ngũ  từ Đông Dương về còn trẻ. Quan hệ với hai người linh Pháp đã nảy sinh trong anh nhận xét: cũng có những người Pháp tốt[15].
6/7/1911, tàu cập bến Mácxây là một trung tâm đầu mối giao thông quan trọng của Pháp với các nước; cũng là trung tâm công nghiệp lớn của Pháp. Tại đây, Người ngạc nhiên khi thấy ở Pháp cũng có người nghèo như bên nước mình, có gái điếm đến làm tiền trên tàu[16]. Rồi Người tự hỏi: “sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi khai hóa chúng ta ?”. Sau đó, anh đã viết thư gửi Tổng thống và Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp, ký tến Nguyễn Tất Thành, xin được vào học trường Thuộc địa (15/9/1911), nhưng không được chấp nhận.
Không dừng lại ở Pháp, năm 1912, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni đi vòng quanh châu Phi, đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông… Đến đâu anh cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Rồi Thành liên tưởng một cách tự nhiên đến số phận của người dân Việt Nam, đồng bào khốn khổ của anh: họ cũng là nạn nhân của sự hung ác, vô nhân đạo do bọn thực dân da trắng gây nên. Những sự việc như vậy diễn ra khắp nơi trên đường anh đi qua, tạo nên ở anh mối đồng cảm sâu sắc với số phận chung của nhân dân các nước thuộc địa.
Nguyễn Tất Thành theo con tàu tiếp tục đi qua Máctiních (Martinique) (Trung Mỹ), Urugoay và áchentina (Nam Mỹ) và dừng lại ở nước Mỹ cuối năm 1912. Tại đây, anh có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trong lịch sử. Anh vừa đi làm thuê để kiếm sống vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ. Anh đã đến thăm quận Brúclin (Brooklin) của thành phố Niu Oóc (New York). Anh đi xe điện ngầm đến khu Háclem (Harlem) để tìm hiểu đời sống và cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của những người da đen.
Khoảng giữa năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo con tàu rời Mỹ trở về Lơ Havơrơ đi Anh. Đến nước Anh, để kiếm tiền sinh sống, anh nhận cào tuyết cho một trường học, rồi làm thợ đốt lò. Công việc hết sức nặng nhọc, nhưng sau mỗi ngày anh đều tranh thủ thời gian học tiếng Anh. Cuối năm 1913, sau hai tuần nghỉ việc vì bị cảm, Nguyễn Tất Thành đến làm thuê ở khách sạn Cáclơtơn (Carlton) ở London. Tại đây Người được đầu bếp Excôpphiê (Escoffier) là một người Pháp, có tư tưởng tiến bộ rất cảm mến. vì cảm mến Người. Ông đầu bếp chuyển anh vào chỗ làm bánh, tiền lương cao hơn và nhất là có nhiều thời giờ hơn để học tiến Anh[17].
Như vậy trong quá trình đi nhiều nước ở các châu Âu, Phi, Mỹ, Nguyễn Tất Thành đã thêm thấu hiểu được đời sống của nhân dân lao động thế giới trước sự bóc lột của chủ nghĩa tử bản. Đặc biệt Người đã đồng cảm với nổi thống khổ của nhân dân các nước thuộc địa. Đồng thời, Người cũng nhận biết: Đằng sau khẩu hiệu "cộng hòa dân chủ" của giai cấp tư sản Mỹ là những thủ đoạn bóc lột nhân dân lao động rất tàn bạo. Anh cảm thông sâu sắc với đời sống của người dân lao động da đen và rất căm giận bọn phân biệt chủng tộc, hành hình người da đen một cách man rợ, mà sau này anh đã viết lại trong bài báo Hành hình kiểu Linsơ.
Cần nhận thấy rằng, sự kiện Nguyễn Tất Thành làm việc ở khách sạn Cáclơtơn (Carlton) ở London, nước Anh đã cho chúng ta thấy, mục đích của Người là tìm đường cứu nước chứ không phải là tìm đường mưu sinh. Vì nếu, để kiếm tiền và cải thiện cuộc sống Nguyễn Tất Thành đã có thể dừng chân tại Anh với đồng lương khá cao.
2.2   Những yếu tố tác động trong giai đoạn hoạt động tại Pháp:
Tháng 8/1914, Đệ nhất thế chiến bùng nổ, Nguyễn Tất  Thành đã viết thư cho Phan Châu Trinh lên án thảm họa chiến tranh. Nhưng vào giai đoạn 9/1914, Phan Văn Tường và Phan Châu Trinh đều bị nhà cầu quyền Pháp bắt ( vì nghi ngờ có mật giao với kẻ thù của Pháp – tức Đức). Nên việc liên lạc qua lại giữa Thành và Cụ Phan bị gián đoạn.
Trong lúc này ở Anh, Thành lao động, học tập và tham gia Hội những người lao động hải ngoại ở Luân Đôn. Đây là tổ chức bí mật của những người lao động châu Á, có xu hướng tiến bộ, ủng hộ phong trào đấu tranh yêu nước ở các xứ thuộc địa. Anh theo dõi tình hình chiến sự hằng ngày. Rất tiếc là báo chí Anh đưa tin rất ít về thuộc địa, đặc biệt là tin tức Đông Dương.
Những năm tháng ở Anh, Nguyễn Tất Thành đã tích lũy được thêm những hiểu biết về chế độ chính trị xã hội tư bản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa của một nước tư bản chủ nghĩa sớm phát triển, nhất là trang bị cho mình một trình độ kiến thức khá vững vàng về tiếng Anh – một công cụ giao tiếp rất quan trọng trong sinh hoạt và đấu tranh chính trị[18].
Nhưng ở nước Anh, rất cách biệt với tình hình trong nước; không có liên hệ với đời sống của đồng bào mình nơi đất khách quê người; xa những nhà yêu nước lưu vong; khó khăn trong việc đi sâu tìm hiểu kẻ thù trực tiếp áp bức, bóc lột dân tộc mình để có thể lựa con đường cứu nước đúng đắn mà anh từng mong muốn. Từ những nhận định đó, từ cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp  và cư trú ở Paris. Trong giai đoạn đầu khi chưa có giấy tờ hợp pháp, Người được các đồng chí trong Ban đón tiếp những người lao động nhập cư của Đảng Xã hội Pháp đón tiếp, nhưng phải sống ẩn náu, hạn chế đi lại một thời gian đợi có giấy tờ hợp pháp. Cũng trong giai đoạn ở Pháp, Người phải liên tiếp thay đổi chỗ ở nhhiều lần.
Tình hình Đảng Xã hội Pháp giai đoạn Đệ nhất thế chiến  khá phức tạp, do có nhiều quan điểm đối lập cùng tồn tại trong nội bộ Đảng. Đặc  biệt là bọn chủ nghĩa cơ hội lại chiếm đa số trong Đảng. Nguyễn Tất Thành sau một thời gian làm quen với xã hội Paris cũng đã nhanh chóng đến được với phái tả của cách màn Pháp, và không lâu sau đóm gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một chính Đảng duy nhất của nước Pháp bênh vực các dân tộc thuộc địa. Trong khi đó, số người Việt Nam ở Pháp lên đến hàng vạn. Nhưng đến năm 1918, người Việt Nam ở Pháp chưa được tổ chức lại[19].
Trong quá trình tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Tất Thành đã có những hoạt động chính trị to lớn đấu tranh trước quân thù như: việc Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thay mặt cho “nhóm người yêu nước An Nam”, cùng thảo ra Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị với tên ký bên dưới là Nguyễn Ái Quốc[20]; tiến hành viết những bài báo đầu tiên chống chủ nghĩa thực dân theo xu hướng XHCN: “vấn đề dân bản xứ” đăng trên báo L’ Humannité ngày 2/8/1919, “Đông Dương và Triều Tiên” đăng trên báo Le Populaire ngày 4/9/1919,…
Trước tình hình phức tạp của phong trào cách mạng thế giới và sự chia rẻ trong nội bộ Đảng Xã hội Pháp về việc tiếp tục theo Quốc tế II hay là gia nhập Quốc tế III, thì ngày 15/6/1920, L.O Phrốtxa cùng với Casanh đại diên cho Đảng Xã hội đến Mátxcơva tham khảo ý kiến Lênin và dự Đại hội II của Quốc tế III. Lập tức trên báo L’ Humannité số ngày 16 và 17/7/1920, đăng “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Với đầu đề có tên thuộc địa, lập tức tác động đến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc, lúc này luôn khao khát tìm một “cái Quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa ?”[21].
Tác phẩn Luận cương của Lênin đã làm cho Nguyễn Ái Quốc vô cùng vui mừng, tin tưởng đến rơi lệ, Người hô to: “Hỡi đồng bào bị đòa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[22]. Từ đó, người đứng hẳn về lập trường của những người chủ trương gia nhập Quốc tế III trong Đảng Xã hội Pháp. Cuối tháng 12/1920, Người được cử đi dự Đại Hội Đảng Xã hội lần thứ XVIII họp tại Tours. Ngày 26/12/1920, trong phiên họp buổi chiều Nguyễn Ái Quốc đọc phát biểu rồi sau đó bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III.
Tóm lại, qua những hoạt động sôi nổi trong phong trào vô sản Pháp của Nguyễn Tất Thành và sau đó là Nguyễn Ái Quốc đã cho thấy đây là thời gian có nhiều tác động nhất đến việc xác định con đường giải phóng dân tộc của Người.
Thứ nhất, sự im lặng của Hội nghị Vécxây đã đánh dấu sự đoạn tuyệt trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Mình về việc muốn giải phóng dân tộc phải dựa vào một nước đế quốc khác, đặc biệt Người nhận biết rõ hơn “đề nghị 14 điều” của Wilson là trò lừa bịp. Sự kiện đưa yêu sách còn là “đấu hiệu của một bước chuyển biến lịch sử của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam từ nay gắn liền với tên tuổi nguyễn Ái Quốc…”[23].
Thứ hai, Qua các bài báo của Người viết trong giai đoạn trước khi đọc Luận cương của Lênin đã cho thấy, tư tưởng đấu tranh trực diện với chủ nghĩa thực dân theo kiểu mới – thông qua các phương tiện thông tin, đặc biệt nội dung các bài báo còn cho thấy Nguyễn Ái Quốc là một nhà yêu nước tiến bộ, hết sức căm thù chủ nghĩa thực dân, chưa ai tỏ thái độ đấu tranh gay gắt, dứt khoát với chủ nghĩa thực dân như thế.
Thứ ba, bằng việc đọc Luận cương của Lênin, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra được con đường đi đến giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ thực dân; chính bằng hành động bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III tại Đại Hội Đảng Xã hội Pháp và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp (1920), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã thực sự chuyển từ một người theo chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản.
III.            Kết luận:
Qua việc tìm hiểu hành trình tìm đường cứu  nước của Nguyễn Tất Thành khi còn ở trong nước  cho đến Nguyễn Ái Quốc khi bôn ba hải ngoại. Với sự kiện đọc được  Luận cương của Lênin và bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, người thanh niên yêu nước ra đi năm 1911 đã tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn. Điều đó, cho thấy Nguyễn Ái  Quốc – Hồ Chí Minh đã có một cách tiếp cận và đi đến những quyết định quan trọng là do:
Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đi sâu vào đời sống  của giai cấp vô sản, thấu hiểu và đồng cảm với những sự khổ đau của họ. Từ đó, hình thành nên tư  tưởng  liên minh quốc tế, các dân tộc bị áp bức.
Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tiếp cận và đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, bằng con đường thực tiễn trải nghiệm và kiểm nghiệm lại với lý luận. Đây là một đặc điểm quan trọng tác động đến  hành trình cứu nước của Người.
Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tuy có những cách tiếp cận và phương pháp khác với các nhà yêu nước tiền bối trong quá trình tìm đường cứu nước. Nhưng người và các vị lãnh tụ cách mạng tiền bối đều có một điểm chung giữa họ, là “sự ngưỡng mộ một thần tượng và lòng tin chắc vào một mẫu hình thành công đã có”[24].




TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Hồ Chí Minh (1970), Mãi Mãi Đi Theo Con Đường Của Lê – Nin Vĩ Đại, NXB Sự thật, HN.
2.      Hà Minh Hồng, “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: cách tiếp cận của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”, trích Kỷ yếu Hội thảo khoa học Kỷ niệm 150 năm Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản, tháng 2/1998, DDHQG TP. HCM – trường ĐH KHXHNV, TP.HCM.
3.      Nguyễn Tấn Hưng (2007), “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin và ảnh hưởng của nó đối với sự hình thành tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam”, trích Tạp chí Triết học, số 9 (196).
4.      Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập VIII 1919 – 1930, NXB KHXH, HN.
5.      Song Thành – chủ biên (2010), Hồ Chí Minh tiểu sử, NXB CTQG, HN.


[1] Song Thành – Chủ biên (2010), Hồ Chí Minh tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia, HN, tr 22.
[2] Song Thành, sđd, tr 32.
[3] Song Thành, sđd, tr 34.
[4] Song Thành, sđd, tr 41.
[5] Song Thành, sđd, tr 34.
[6] Song Thành, sđd, tr 35.
[7] Song Thành, sđd, tr 40 – 41.
[8] Song Thành, sđd, tr 42.
[9] Song Thành, sđd, tr  46.
[10] Song Thành, sđd, tr 45.
[11] Song Thành, sđd, tr 47.
[12] Song Thành, sđd, tr 49.
[13] Song Thành, sđd, tr 50.
[14] Song Thành, sđd, tr 55.
[15] Song Thành, sđd, tr 55.
[16] Song Thành, sđd, tr 56.
[17] Song Thành, sđd, tr 63.
[18] Song Thành, sđd, tr 65.
[19] Song Thành, sđd, tr 70.
[20] Song Thành, sđd, tr 74
[21] Hồ Chí Minh (1970), Mãi mãi đi theo con đường của Lênin vĩ đại, NXB Sự thật, HN, tr 55.
[22] Hồ Chí Minh, sđd, tr 55 – 56.
[23] Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam , tập VIII 1919 – 1930, NXB KHXH, HN, tr 409.
[24] Hà Minh Hồng, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: cách tiếp cận của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trích Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 150 năm Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản”, tháng 2/1998, DDHQG TP. HCM – trường ĐH KHXHNV, tr 106.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

YẾU TỐ LUÂN THƯỜNG TÁC ĐỘNG ĐẾN TƯ TƯỞNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC CỦA HỒ QUÝ LY



NGUYỄN SAN HÀ[1]
Tóm tắt:
       Hồ Quý Ly được xem là một nhà cải cách lớn trong lịch sử dân tộc. Đặc biệt, nội dung cải cách giáo dục là một điểm nhấn mang tính tích cực và tiến bộ về cách nhìn mới trong tư tưởng luân thường Nho giáo của Hồ QuýLy. Vậy điểm mới và tích cực trong cải cách giáo dục do ông tạo nên được thể hiện như thế nào ? đó chính là nội dung của tác giả muốn gửi đến bạn đọc, góp phần làm rõ thêm sự tiến bộ của nhân vật Hồ Quý Ly.

Moral Principles, the factor influence on Ho Quy Ly’s
Innovate Education Thought
Sunmary:
 Hồ Quý Ly is considered a great Reformer in National History. Especially, education substance reform is one positive and breakthrough highlight about new standpoint view in Ho Quy Ly’s Confucianism Moral Principles Thought.
So, How is the advance and constructive point in his education substance reform represented? That is the main matter ,the author want to display with the Readers, which will can help to bring out more about the innovation thought of Ho Quy Ly.


I.ĐẶT VẤN ĐỀ
Công cuộc cải cách to lớn của Hồ Quý Ly  diễn ra vào cuối thế  kỷ XIV đến  những năm đầu XV, mang nhiều nội dung  tiến bộ và  táo bạo, đôi khi có những nội dung thể hiện tầm nhìn vượt qua cả thời đại của ông. Trong đó, nội dung cải cách giáo dục là một điểm nhấn quan trọng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và phân tích. Với khuôn khổ của bài viết này, tôi muốn gửi đến người đọc, một cách lý giải mới của tác giả khi đặt toàn bộ nội dung cải cách văn hóa, giáo dục của Hồ Quý Ly trong lăng kính bị yếu tố luân thường của Nho giáo tác động đến. Để mong muốn góp thêm vào những đánh giá về sự tích cực, tiến bộ của nội dung cải cách văn hóa, giáo dục do Hồ Quý Ly chủ xướng.
II.NỘI DUNG
Trước khi bắt đầu đi vào nội dung, chúng ta cần đề cập đến thuật ngữ, theo PGS.TS Doãn Chính thì “luân thường”“Quan hệ giữa người với người trong xã hội phong kiến gọi là nhân luân. Các bậc vua chúa, giai cấp quý tộc và các nhà Nho trong xã hội phong kiến gọi trật tự, thứ bậc và quan hệ  giữa vua và tôi, cha và con, chồng và vợ, anh và em, và bạn bè là “ngũ luân”; đồng thời cho rằng ngũ luân là biểu hiện của lý trời trong đời sống xã hội con người, là đạo lý vĩnh hằng, không thể biến đổi, cho nên gọi là luân thường”[3]; hay theo GS Đào Duy Anh thì “luân thường” được hiểu đơn giản là “phép tắc chính thường của loài người nên theo”[4]. Như vậy, điểm quan trọng thuật ngữ  luân thường của Nho giáo là tính trật tự, thứ  bậc trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội và con người phải làm theo như là một lẻ tự nhiên sẵn có của xã hội.
Sau khi đã làm rõ được nội dung của thuật ngữ luân thường, chúng ta bắt đầu đi vào tìm hiểu các yếu tố trên tác động vào nội dung cải cách của Hồ Quý Ly như thế nào ?
2.1 Cuộc khủng hoảng của vương triều Trần và sự xuất hiện của Hồ Quý Ly
Vương triều Trần vào  khoảng giữa sau thế kỷ XIV, đã lâm vào cuộc khủng hoảng khá trầm trọng trên nhiều mặt.
Thứ nhất, là các tầng lớp quý tộc cầm quyền bắt đầu lao vào các cuộc vui chơi trụy lạc, không còn quan tâm đến đời sống của nhân dân. Đặc biệt từ vua Dụ Tông (1341 – 1369) thì tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn nên Đại Việt sử ký toàn thư phải ghi nhận rằng: “Vua vốn tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, phòng bị việc võ, sửa sang việc văn, man di đều thần phục cả. Đời Thiệu Phong, công việc chính trị tốt: từ  năm Đại Trị về sau, chơi bời quà độ, cơ  nghiệp nhà Trần từ đấy suy vi”[5] do vua cứ mặc sức xây dựng cung điện, đào hồ nuôi hải sản, cá lạ; xung quanh vua bấy giờ chỉ còn toàn một lũ gian thần xu nịnh và thao túng cấp dưới. Nên việc Chu Văn An (chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám) dâng sớ  chém 7 tên nịnh thần là một động thái yêu nước, song không được Dụ Tông phê chuẩn. Bên cạnh đó, các cuộc thanh trừ trong hoàng toàn tộc diễn ra ngày càng  ác liệt mà nổi tiêu biểu là sự kiện loạn Dương Nhật Lễ (6.1369 – 10.1370) làm triều đình  ngày càng suy yếu.
Thứ hai, vương triều Trần càng  lúc càng không thể tự giải quyết được các khó khăn của đất nước như trước được. Hai vua Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông đã từng có quan điểm điển chế, hành pháp của Đại Việt thời Trần đã có thể cai trị đất nước không cần phải thay đổi vì “Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam Bắc khác nhau, nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng ( hay bạch diện thư sinh -TG) tìm đường tiến thân thì sinh loạn ngay”[6]. Song cái thời “Chính sự buổi đầu đời Khái Thái” mà Nghệ Tông muốn khôi phục không thể thành hiện thực. Giai đoạn này, không còn hình ảnh vua quan triều Trần ra đấp đê, nên liên tiếp nhiều năm hạn hán, lũ lụt, đói kém đè lên đầu người dân. Trên cơ sở đó, nhiều nơi người dân đã nổi dậy làm trộm cướp, khiến triều đình phải vất vả mà đối phó. Theo một thống kê của  Viện sử học thì: Nếu như từ năm 1225, khi triều Trần lên nắm chính quyền đến năm 1343, trong khoảng 118 năm ấy chỉ xảy ra có một cuộc làm phản của Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang vào năm 1280, thì từ 1343 – 1400, trong vòng 57 năm đã có tới 8 cuộc nổi dậy của dân chúng mà sử chép là giặc cướp[7]. Sự  bế tắc trong việc giải  quyết các vấn đề quốc gia của triều đình còn thể hiện ở việc mỗi khi cần lương thực để đánh giặc, điều phải lệnh kêu gọi quân lính, nhà giàu và người dân quyên góp thóc để đổi lấy tước vị.  
Thứ ba, bất lực với tình hình trong nước vương triều Trần cũng gặp phải khó khăn trước sự nguy hiếp của ngoại bang từ phía bắc và nam. Trong thời gian nửa cuối thế kỷ XIV, triều Minh ở  Trung Quốc liên tục đưa ra những yêu sách nhằm xúc tiến cho một cuộc xâm lược Đại Việt. Như năm 1384, quân Minh đóng tại Lâm An đòi ta phải cung cấp lương thực, sang năm sau thì đòi phải đưa sang 20 nhà sư rồi năm kế tiếp lại đòi ta giao các giống cây như cau, vải, mít, nhãn…nhiều lần khác, nhà Minh đòi ta phải cung cấp khối lượng lớn gồm 5 vạn quân, 50 con voi, 50 vạn học lương lấy cớ là gạo lương không đủ nhưng thực chất là để bắt người nước ta[8]. Do chưa thể ổn định được tình hình đất nước, nên triều Trần phải đáp ứng những yêu cầu trên. Trong khi đó, ở  phía nam quân Chiêm Thành cũng liên tiếp tấn công lãnh thổ Đại Việt. Cũng theo Viện sử học thì: trong khoảng 30 năm cuối thế kỷ XIV, Chiêm Thành đã 16 lần tấn công Đại Việt, trong đó có 2 lần tiến thẳng vào Thăng Long đốt phá kinh thành, cướp bóc của cải và 1 lần đến Quảng Oai uy hiếp kinh thành[9]. Mãi đến năm 1390, sau khi Thượng tướng Trần Khát Chân lấy đầu của vua Chế Bồng Nga thì vấn đề Chiêm Thành mới tạm lắng xuống.
Như vậy, với những thực trạng trên rõ ràng vương triều Trần đang trượt dài trên con đường sụp đổ, đòi hỏi cần phải thay thế mô hình nhà nước phong kiến quân chủ tông tộc bằng một hình thức nhà nước phong kiến quản lý theo cách mới. Trong lúc đó thì Lê Quý Ly đã xuất vì những lợi thế của riêng mình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Quý Ly tên tự là Lý Nguyên, suy tính tổ trước là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang, đời Hậu Hán thời Ngũ Quý sang làm thái thú Diễn Châu. Sau đó, làm nhà ở hương Bào Đột châu này rồi làm trại chủ. Đến đời Lý, lấy công chúa Nguyệt Đích sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Đến đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Thanh Hóa, làm con nuôi tuyên úy Lê Huấn, từ đấy mới đổi thành họ Lê”[10].
Ông đối với triều Trần có mối quan hệ mật  thiết do có 2 cô đều lấy vua Trần: một bà là mẹ của Trần Nghệ Tông, một bà là mẹ của Trần Duệ Tông. Bản thân cũng được  vua Nghệ Tông gả người em gái là công chúa Huy Ninh (mới mất chồng). Trước tình cảnh triều chính nghiêng ngửa chẳng còn ai đáng tài, nên đối với vua Nghệ Tông: “chỉ có Hồ Quý Ly là người không phải tông thất, nhưng có năng  lực văn võ, hăm hở hành động với ý chí mạnh mẽ hơn hẳn vương hầu quý tộc đương thời”[11]. Do đó nên con đường quan lộ của  Quý Lý ngày càng thuận lợi: vào 1371, từ chứ Chi hậu tứ cục chánh chưởng được thăng lên Khu mật viện đại sứ; không lâu được phong Trung Tuyên quốc thượng hầu; đến năm 1379, giữ chức Tiểu tư không và Nguyên nhung hành hải Tây đô thống chế; năm  1387, được phong Đổng Bình chương sự (tương đương  tể tướng) và đến 1395 đã giữ chức Nhập nội phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự (tức tể tướng)…cho thấy dưới triều Trần Nghệ Tông đã thực sự có sự ưu ái nhất định đối với Quý Ly. Và dựa vào sự ưu ái trên, mà giai đoạn này, một số biện pháp cải cách tư tưởng giáo dục chủ đạo trong sự nghiệp còn lại của ông đã được  thực  hiện.
2.2 Hồ Quý Ly xây dựng “chính danh” để chuẩn bị cho việc cải cách
Với một tình hình hổn loạn của vương triều Trần được diễn ra ở trên, đã minh chứng cho sự cáo chung của họ Trần đã gần kề. Trong triều đình phong kiến ở Đại Việt lúc này, chỉ còn có một nhân vật sáng giá là Hồ Quý Ly  đang được sự  ủng hộ của thượng hoàng Trần Nghệ Tông (ngày càng rõ hơn sau cái chết của vua Duệ Tông lúc bình Chiêm). Nên Quý Ly đã tranh thủ các điều kiện thuận lợi đang có để xây dựng cho mình một sự “chính danh” trong triều đình, trước bao sự dòm ngó của các quý tộc họ Trần.
Đầu tiên bằng quyền lực đang có của  mình ông đã tiến cử các nhân vật như Phạm Cự Luận giỏi về mưu lược làm Đô sứ; Nguyễn Đa Phương thì làm tướng quân. Rồi tiến  xa hơn trong việc đề nghị thượng hoàng Nghệ Tông phế vua Trần Phế  Đế (sau bị thắt cổ chết); một số tướng lĩnh bị thanh trừ vì có ý đồ chống lại ông (cũng như các chính sách của ông) như Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Lê Lặc, Lê Á vào khoảng tháng 12 năm 1388. Và đặc biệt vào 11 năm sau, trong khi các nội dung cải  cách đang diễn ra  thì  một số quý tộc khác  của họ Trần tìm cách diệt trừ Quý  Ly để gìn giữ triều đình cho dòng họ. Nhưng việc không thành, Trần Khát Chân (được xem là người đứng đầu) cùng 370 người có liên quan bị xử tử, gia sản bị tịch thu toàn bộ. Đây được xem là một sự kiện thanh trừ lớn trước khi Quý Ly chính  thức bước lên  ngôi vua vào ngày 28 tháng 2  năm 1400, lập ra triều  Hồ (1400 – 1407).
Khi xâu chuỗi các sự kiện trên lại theo một tiến trình lịch sử  cụ thể, chúng ta thấy rằng việc Hồ Quý Ly củng cố và xây dựng địa vị đến đỉnh cao cửu  ngũ chính là quá trình ông tạo sự chính danh cho mình. Một điều dễ thấy, các chính sách cải cách  của  họ Hồ vốn gây nên “chính sự phiền hà”, làm ảnh không nhỏ đến quyền lợi, địa vị  đang có được của các quý tộc  cao  cấp của họ Trần, nên họ sẽ bằng mọi cách ngăn cản và phá hoại. Ở vào tình thế như thế đòi hỏi Hồ Quý Ly phải có sự chính danh. Vì theo Khổng Tử nhận định rằng: “Danh bất chính tắt ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành – nghĩa là: danh không chính thì nói  không xuôi, nói không xuôi thì  việc không thành”[12]. Cái danh mà Quý Ly cần ấy, càng ngày phải to hơn khi mà các nội dung đưa ra ngày càng táo bạo và đi đến việc ông phải tiến hành “thoán đoạt” ngôi vua, để tiện bề  thực thi.
Cơ sở của nhận định trên, chính là việc Hồ Quý Ly cũng vốn là người xuất thân từ  trong lực lượng Nho gia – Bạch diện thư sinh (theo cách  nói của  vua Trần Minh Tông) mà ra. Nên cái thuyết chính danh và tin vào thiên mệnh (ý trời) của Khổng Tử, chắc hẳn ông đã nằm lòng, và có thể dưới  cái óc nhìn có phê phán của mình Quý Ly đã nhận ra thánh nhân cũng không ủng hộ việc duy trì sự trung quân thái quá trái luân thường như triều Trần bấy giờ. Khổng Tử từng nói: “Duy mệnh bất du thường, đạo thiện tắc đắc chi, bất thiện tắc thất chi hỹ - nghĩa là: mệnh trời không nhất  định, thiện thì được, bất thiện thì mất”[13] hay “Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ; dân tâm vô thường, duy huệ chi hoài. Vi thiện bất đồng,  đồng quy vu trị; vi ác bất đồng, đồng quy vu loạn, nhĩ kỳ giới tai – nghĩa là: ông trời không thân riêng ai, chỉ có đức là trời giúp; lòng dân không có thường, chỉ có ơn là mếm. Làm điều lành cũng không giống nhau, nhưng kết  quả là trị; làm điều ác cũng không giống nhau, nhưng kết quả là loạn, người phải lấy làm răng vậy”[14]. Một người coi trọng thiên lý, luân thường như Khổng Tử cũng đã nhìn được  ngôi báo chỉ vững bền  khi mà vua đó hành thiện, thương dân và biết cai trị giải quyết các khó khăn của quốc gia.
Một điểm khác cũng khá quan trọng là Hồ Quý Lý đã nhận ra việc đề cao giáo dục khoa  cử và trọng dụng kẻ sĩ chính là cách giải quyết được được bế tắc của vương triều Trần. Vì Khổng Tử nhận định rằng: “Hiếu nhân bất hiếu học, kỳ tế giã ngu: hiếu trí bất hiếu học, kỳ tế giã đãng: hiếu tín bất hiếu học, kỳ tế giã tặc: hiếu trực bất hiếu học, kỳ tế  giã giảo, hiếu dũng bất hiếu học, kỳ tế giã loạn: hiếu cương bất hiếu học, kỳ tế giã cuồng – nghĩa là: muốn nhân mà không học thì bị cái che mờ làm ngu; muốn trí mà không muốn học, thì bị cái che mờ là cao kỳ thái quá; muốn tính mà không muốn học, thì bị cái che mờ là hại nghĩa; muốn trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh; muốn dũng mà không muốn học thì bị cái che mờ là loạn; muốn cương mà không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo khinh suất”[15] hoặc ngài đánh giá cao việc dùng người tài nên nói rằng: “Tiên hữu tư, xá tiểu quá, cử hiền tài – nghĩa là: việc  để hữu tư xét trước, xá lỗi nhỏ, cất nhắc người giỏi”[16].
Nên từ  rất sớm Hồ Quý Ly đã chú trọng đến việc tuyển chọn nhân tài thể hiện ngay trong những nội dung cải cách giáo dục như: tăng cường đội ngũ quan lại được  tuyển chọn bằng  các kỳ thi Thái học sinh. Trong khoa thi 2.1393, lấy đỗ 30 người; 8.1400, tổ chức thi lấy đỗ 20 người, trong đó có cả Nguyễn Trãi và đặc biệt là 12.1401, Hồ Hán Thương đã cho Nguyễn Phi Khanh (cha Nguyễn Trãi) làm Hàn Lâm học sinh, người vốn bị nhà Trần từ chối trọng dụng vì  xuất thân thấp hèn; hay việc triều Hồ cũng trọng dụng lại các nhân vật của triều trước như: Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Huy Chu và Phạm Cự Luận. Những công việc này của Hồ Quý Ly là đã  hợp với tự nhiên và ý trời vì đất nước muốn giải quyết được  khó khăn phải dựa vào một triều đình phong kiến quân chủ quan liêu xuất thân từ khoa bảng. Nên tác giả Hồ Danh Phiệt đã có lý khi nhận định rằng: “Từ khống chế đến thủ tiêu bộ máy nhà nước quý  tộc Trần, Hồ Quý Ly không đi theo vết xe đổ của nhà Trần. Ông duy trì bộ máy nhà nước quân chủ trung ương tập quyền nhưng không tạo dựng một tầng lớp vương hầu quý tộc theo phương châm “Tôn tử duy thành” như vương triều Trần đã làm”[17].
Và trong cuộc cải cách của mình, Quý Ly đã nhanh chóng đi đến việc hoàn thiện chế độ khoa cử. Theo Đại Việt sử ký toàn thư có ghi nhận: “Xuống chiếu định cách thức thi cử nhân, dùng thể văn bốn kỳ, bãi bỏ phép viết ám tả cổ văn. Kỳ đệ nhất thi một bài kinh nghĩa, có các đoạn phá  đề, tiếp ngữ, tiểu giảng, nguyên  đề,  đại giảng, kết luận, từ 500  chữ trở lên; kỳ thứ hai thi một bài thơ Đường luật, một bài thơ phú cổ thể, hoặc thể Ly tao, thể Văn tuyển, cũng từ 500 chữ trở lên; kỳ thứ ba thi một bài chiếu theo thể Hán, một bài chế, một bài biểu dùng thể tứ lục đời Đường; kỳ thứ tư thi một bài văn sách, lấy kinh, sử hay thời vụ mà ra đề, từ 1000 chữ trở lên. Cứ năm trước thi hương thì năm sau thi hội, ai đỗ thì vua thi một bài văn sách để định cao thấp”[18] về sau trên tinh thần của cha  mình Hồ Hán Thương  lại một lần  nữa điều  chỉnh cho hoàn bị “Phép thi bắt chước lối văn thể ba trường của nhà Nguyên, nhưng chia làm bốn kỳ, lại có kỳ thi viết chữ và tính, thành ra năm kỳ”[19]. Nội dung cải cách  của Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương thể hiện được những điểm nổi bậc sau: thứ  nhất, đề cao thi cử cốt yếu  bỏ lối thi ám tả cổ văn (tránh việc cóp  nhặt kinh điển) mà buộc người học phải có óc tư duy thực  tiễn hơn; thứ hai, đặt thêm nội dung thi làm toán thể hiện một điểm tiến bộ, mà các thời sau triều Hồ không làm được; thứ ba,  kẻ sĩ bấy giờ rất được ưu đãi, vì ở địa phương được cấp “học điền” để bảo dưỡng người học và hằng năm quan viên phải tiến cử người tài, ai đỗ kỳ thi Hương  thì  được miễn lao dịch, đỗ kỳ thi ở bộ Lễ miễn tuyển lính …Tất cả  đã cho thấy, Hồ Quý Ly cùng vương triều Hồ đã  thật sự muốn  thực thi cái nghiệp giáo hóa mà Khổng Tử vốn đề cao và cần thiết  trong việc trị nước. Nên chính  Phan Huy Chú khi nhận định về khoa cử giai  đoạn này đã viết: “Phép khoa cử đời Trần đến đây mới  đủ  văn tự 4 trường, đến nay còn theo không thay đổi được. Chọn nhân tài bằng văn học không gì hơn phép ấy”[20]
Từ các điều trên, ta thấy cái chính quyền của họ Hồ đang gây dựng nên  đã hợp với quan điểm  luân thường của Nho giáo như Khổng Tử từng đề cập: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử - nghĩa là: vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con (Luận ngữ)”[21]. Nhưng do thời gian tồn tại không lâu thì gặp phải sự xâm lược của nhà Minh, nên việc phát triển triều đình quân chủ  quan liêu đề cao Nho giáo phải đợi đến thời vua Lê Thánh Tông rồi Minh Mạng.
2.3 Toàn bộ nội dung cải cách  giáo dục thể hiện rõ tính dân tộc hợp lẻ trời
Theo một lẻ  tự nhiên, vào buổi ban sơ của dân tộc khi các hệ thống  học thuật tư tương tưởng  của Trung Hoa đã phát triển và đi đến đỉnh cao, thì dân tộc ta đang trong vòng Bắc thuộc. Nên lần lượt các  chính quyền  cai trị phương  Bắc đã cố tình truyền  bá Nho giáo để đồng hóa dân tộc Việt. Song mục tiêu nô dịch nước ta của các vương triều phong kiến Trung Hoa không thành hiện thực, nhưng dân tộc ta vẫn tiếp thu và kế thừa các giá trị tốt đẹp của  Nho giáo trên con đường phong kiến hóa của các vương triều độc lập. Cho nên tác giả  nhận thấy, đến một lúc nào  đó thì các giáo lý được  xem là “khuôn vàng  thước ngọc” của Nho giáo Trung Hoa phải được chắt lọc lại cho hợp với đặc điểm  của dân tộc,  của đất nước vốn không hoàn toàn phụ thuộc vào hệ tư tưởng phương  Bắc. cho nên xét  thấy, bên cạnh việc từng bước xác lập hệ thống triều đình phong kiến quân chủ quan liêu xuất thần từ khoa cử, Hồ Quý  Ly đã mạnh dạn lên tiếng phê phán sự cố chấp trong việc chỉ quen thuộc lòng  kinh điển Nho gia mà không có tư duy độc lập. Điều đó  thể hiện ở một loạt các chính sách  văn hóa, giáo dục đã được Đại Việt sử ký  toàn thư ghi nhận lại (vốn dùng để làm cơ  sở phê phán vương triều Hồ).
Đến tháng 12 năm 1392, ông cho làm sách Minh đạo gồm 14 thiên dâng lên Nghệ Tông và được khen ngợi. Về nội dung thì sử cũ chỉ  ghi vài dòng khái lược: “cho Chu Công là tiên thánh, Khổng tử là tiên sư; ở Văn miếu đặt tượng Chu Công ở chính giữa, ngoảnh về phương nam, Khổng tử ở phía bên, ngoảnh về phương Tây. Cho sách Luận ngữ có bốn chỗ ngờ, như Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử, ở nước Trần hết lương, Công Sơn, Phật Hất gọi, mà Khổng Tử đều muốn đến,…cho Hàn Dũ là đạo Nho, cho bọn Chu Mậu Thúc, Trình Hiệu, Trình Di, Dương Thì, La Trọng Tố, Lý Diên Niên, Chu Tử đều là học thì rộng nhưng tài thì kém, không quan thiết đến sự tình, chỉ chuyên  làm nghề lấy cắp văn chương của người xưa”[22]. Sau đó, lại cho soạn sách Thi Nghĩa (nghĩa của Kinh Thi) bằng quốc âm dùng để dạy hậu phi và cung nhân. Điều đáng lưu ý là ông không dùng lời tựa của Chu Tử mà tự tại soạn bài tựa khác có lẽ để thể hiện ý kiến của mình. Đến năm 1395, Quý Ly lại cho chép thiên Vô dật và dịch ra chữ quốc âm  dùng để dạy vua.
Việc bình luận các sự kiện này của Hồ Quý Ly đã được  nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và đưa ra nhiều quan điểm khác nhau (đôi khi là đối lập nhau). Song người viết nhận thấy rằng các  việc làm trên của ông, thể hiện sự tinh tường về lý thuyết Nho giáo và muốn làm việc tách dòng để dân tộc không phải chịu sự nô dịch trong vòng tư tưởng của phương Bắc. Bởi Khổng Tử cũng từng dạy rằng: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi – nghĩa là: học mà không nghĩ thì mờ tối  chẳng hiểu gì, nghĩa mà không học thì khó nhọc, mất công  không”[23], nên trong hoàn cảnh thực tế của cuối thời Trần, cái suy nghĩ của ông đã đi đến việc đánh giá lại hệ thống giá trị thực tế của Nho gia đối với dân tộc. Nên đã có hành động phê phán các người  đời sau Khổng Tử cố tình tô điểm thêm  ý mình hay luôn mượn dẫn kinh điển mà thiếu tính thực hành. Sự kiện An Phủ sứ lộ Thanh Hóa là Nguyễn Cảnh Chân dâng thư xin học theo việc làm cũ của đời Hán, Đường Trung Hoa để cải tạo đất nước, Quý  Ly khi ấy đã phê rằng: “Biết  được mấy chữ mà nói chuyện Hán Đường, thế  gọi là người câm hay nói, chỉ tổ người cười thôi”[24], đã cho thấy cái thiên kiến không ưa việc trích dẫn tích  xưa mà dùng cho việc ngày nay, hay  lấy kế sách phương  Bắc mà dùng cho nước Nam thì thật còn nhiều bất cập.
Việc sử dụng chữ viết quốc âm để chép sách kinh điển, diễn giảng ý kiến của mình rồi dạy cho các lực lượng quý tộc trong triều đình đã thể hiện tinh thần muốn thoát khỏi hệ tư tưởng Tống Nho, nhưng vẫn giữ được những giá trị kinh điển của của  Nho giáo thời khởi thủy (vốn chưa bị biến hóa để đi đến huyền diệu). Điều đó thể hiện thứ nhất, ở việc không xem trọng các tôn giáo Đạo và Phật mà vẫn đề cao Nho giáo (hoàn thiện hệ thống thi cử và dịch kinh sách Nho gia);  thứ hai, muốn quay về  đầu nguồn tư tưởng nên mới đề cao  Chu Công (tức Chu Công Đáng, con thứ tư của Chu Văn Vương) vốn là người được Khổng Tử kính trọng cảm thán rằng: “Ta suy sụp lắm thay! Từ đây rồi ta không còn nằm mộng thấy Chu Công”[25] “Chu Công phân phong cho các chư hầu xong rồi lập tức chế ra lễ nhạc, đấy là một sự kiện lớn được các Nho gia ca tụng”[26]. Nên tác giả Nguyễn Đăng Thục đã đánh giá cao việc làm trên của Hồ Quý Ly vì: “lấy Khổng Tử là bắt đầu của dòng Nho học thì tức phản với chính tinh thần truyền thống của nó rồi vậy”[27].
Bên cạnh đó, cũng thấy rằng Quý Ly cũng thể hiện rõ bị ảnh hưởng của tinh thần luân thường Nho giáo trong việc tích cực chế tác lễ nhạc cho triều đình phong kiến dân tộc như việc Chu Công đã làm mà Khổng Tử ngưỡng mộ và tiếp nối. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì dưới  triều Hồ đã: “Đặt nhã nhạc, lấy con các quan văn làm Kinh vĩ lang, con các quan võ làm Chỉnh đốn lang, học tập điệu múa văn và võ”[28] hay “Tháng 8, Hán Thương đắp đàn Giao ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao; đại xá cho thiên hạ”[29] về sau lại cho dựng thêm Thái  miếu: “ở các lăng Thiên Xương, để thờ cúng tổ khảo, sớm chiều cúng tế. Lại dựng miếu ở các lăng Bào Đột, Linh Nguyên để thờ cúng tiên tổ. Ở kinh thành dựng Đông thái miếu  để thờ cúng tôn thái họ Hồ, Tây thái miếu  để thờ họ ngoại là Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông”[30]. Tất cả cho thấy họ Hồ rất coi trọng lễ và nhạc vì đó được xem là một trong những yêu  cầu của bậc  quân vương và hợp với luân thường đạo lý. Khổng Tử  từng nói: “Lễ tiết dân tâm, nhạc hòa dân thanh, chính dĩ hành chi, hình dĩ phòng chi, lễ nhạc hình chính, tứ đạt nhi bất bội, tắc vương đạo bị hỹ - nghĩa là:  lễ để tiết  chế lòng dân, nhạc để hòa thanh âm của dân, chính trị để định việc làm, hình pháp để ngăn cấm điều bậy. Lễ nhạc hình chính, bốn việc ấy đạt cả, không trái điều nào thì vương đạo đủ vậy (Nhạc ký)”[31] hay để đề cao  lễ nhạc ngài nhấn mạnh: “Lễ nhạc quan hệ đến luân lý, phong tục và chính trị rất mật thiết lắm, cho nên các nho giả tìm cái căn nguyên ở trong đạo tự nhiên của trời đất, cho lễ là cái trật tự của trời đất, nhạc là cái điều hòa của trời đất: Nhạc giả thiên địa chi hòa giã, lễ giả thiên địa  chi tự giã (Lễ Ký)”[32].
Như vậy với những luận chứng trên đã cho thấy, yếu tố luân thường Nho giáo đã có tác  động sâu sắc đến  cái nhìn của Hồ Quý Lý, dẫn đến những  nội dung cải cách về mặt  tư tưởng, văn  hóa, giáo dục hay việc buộc phải  “thoán đoạt” ngôi vua Trần là nhằm giải quyết khó  khăn của đất nước và từng bước khẳng định cái  riêng của dân tộc, hướng đến  cái luân thường phù hợp với dân tộc. Chỉ có những người không đứng trên cái nhìn của  dân tộc để soi rọi về luân thường mới đánh giá Hồ Quý Ly và vương triều của  ông làm những việc trái với luân thường Nho giáo.
III.KẾT LUẬN
Qua toàn bộ nội dung của bài viết trên, chúng ta nhìn thấy được rằng: công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly vào cuối thế kỷ XIV đến những năm đầu thế kỷ XV cũng chịu sự tác động không nhỏ của yếu tố luân thường Nho giáo. Nhưng sự tác động đó không hoàn toàn sáo rỗng, giáo điều, mà có tính chọn lọc, biết dựa vào sự vận động và phát triển tự nhiên của dân tộc. Từ đó, chúng ta có thể thấy được điểm mới và điểm tích cực của cuộc cải cách này.
Về điểm mới, tư tưởng luân thường đã làm cho Hồ Quý Ly thấy được cần phải xây dựng một nhà nước quân chủ quan liêu, chủ yếu dựa vào hệ thống quan lại từ khoa cử. Vì đến cuối thế kỷ XIV, thì vai trò của một triều đình phong kiến tông tộc, cụ thể là lực lượng quý tộc họ Trần đã mất vai trò lịch sử. Nên triều Hồ thành lập là dựa trên quan điểm “tam cương” với quan hệ vua tôi, cha con, chồng vợ có trật tự và chú trọng đào tạo  rồi sử dụng nhân tài.
Về điểm tích cực, được thể hiện rõ qua việc dười lúc còn làm quan thời Trần, đến khi hoàn thành việc “chính danh” lên ngôi vua triều Hồ, Hồ Quý Ly đã cố gắng hoàn thiện chế độ thi cử tiến bộ, làm nền tang cho các vương triều độc lập về sau như các nhà, Lê, Mạc, Nguyễn. Tiếp đến, Quý Ly còn mạnh dạng hướng dòng tư tưởng Nho gia của Đại Việt lúc bấy giờ đi theo sự phát triển nặng tính dân tộc và có óc phê phán các giá trị kinh điển của Nho giáo. Cái sự học có dựa vào “làm tính”. Biết khen chê các nội dung của người xưa, biết quay về với cái gốc của đạo Nho, không chịu phụ thuộc hoàn toàn vào tư tưởng của Trung Hoa là một điểm tiến bộ vượt bậc. Từ đó, cũng xin đưa ra một số ý kiến để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Thứ nhất, cần  phải tiếp tục  nghiên cứu và phân tích tiếp nội dung tư tưởng của Hồ Quý Ly về tính Nho giáo và tính dân tộc, để  qua đó  đi đến sự đánh giá về nhân vật lịch sử này đúng hơn, chân thực.
Thứ hai, Nho giáo dưới  thời kỳ cuộc cải cách  của họ Hồ đã phát  triển đến mức độ nào ? đặc điểm là gì và cần làm rõ cái nhìn về những giá trị Nho giáo thời kỳ đó tác  động  như  thế nào đến các giai đoạn sau.
Cho nên, trong tương  lai, cần phải có thêm các  cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học nghiêm túc và chuyên sâu để đem vấn đề Nho giáo Việt Nam dưới  thời Hồ ra tiếp tục nghiên cứu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh (2010), Hán Việt từ điển, NXB Văn hóa thông tin, HN
2. Doãn Chính (2009), Tự điển triết học Trung Quốc, NXB CTQG, HN.
3. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí – Khoa mục chí, tập 2, NXB KHXH.
4. Trần Trọng Kim (1971), Nho giáo, quyển thượng, NXB Bộ giáo dục – trung tâm học hiệu, Sài Gòn.
5. Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
6. Hồ Danh Phiệt (1997), Hồ Quý Lý, NXB Văn hóa – thông tin, HN.
7. Nguyễn Tôn Nhan (1998),  100 Nhân vật nổi tiếng nhất văn hóa Trung Hoa, NXB Văn học, HN.
8. Nguyễn Đăng Thục (1992), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 5, NXB TP.HCM.
9. Nguyễn Q.Thắng – Nguyễn Bá Thế (2006), Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Bộ mới), NXb Tổng hợp TP.HCM.
10. Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam  tập III,  Thế kỷ XV – XVI, NXB KHXH, HN.
Tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế "Luân Thường Nho Giáo Dưới Góc Nhìn Xuyên Văn Hóa" tổ chức vào 1/6/2013

[1] Trường THCS Võ Trường Toản  Q1 TP.HCM
[2] Trường THCS Võ Trường Toản  Q1 TP.HCM
[3] Doãn Chính (2009), Tự điển triết học Trung Quốc, NXB CTQG, HN, tr 347.
[4] Đào Duy Anh (2010), Hán Việt từ điển, NXB Văn hóa thông tin, HN, tr 420.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập I, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr 625.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), sđd, tập I, tr 641.
[7] Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam  tập III,  Thế kỷ XV – XVI, NXB KHXH, HN, tr24.
[8] Viện sử học (2007), sđd, tr25-26.
[9] Viện sử học (2007), sđd, tr25.
[10] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập I, sđd, tr 721.
[11] Hồ Danh Phiệt (1997), Hồ Quý Lý, NXB Văn hóa – thông tin, HN, tr 112.
[12] Trần Trọng Kim (1971), Nho giáo, quyển thượng, NXB Bộ giáo dục – trung tâm học hiệu, Sài Gòn, tr 128.
[13] Trần Trọng Kim (1971), sđd, tr 130.
[14] Trần Trọng Kim (1971), sđd, tr 130
[15] Trần Trọng Kim (1971), sđd, tr 84
[16] Trần Trọng Kim (1971), sđd, tr 138.
[17] Hồ Danh Phiệt (1997), sđd, HN, tr 188.
[18] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập I, sđd, tr 713.
[19] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập I, sđd, tr 740.
[20] Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí – Khoa mục chí, tập 2, NXB KHXH, tr154.
[21] Trần Trọng Kim (1971), sđd, tr 129.
[22] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập I, sđd, tr 707.
[23] Trần Trọng Kim (1971), sđd, tr 85
[24] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập I, sđd, tr 733.
[25] Nguyễn Tôn Nhan (1998),  100 nhân vật nổi tiếng nhất văn hóa Trung Hoa, NXB Văn học, HN, tr15.
[26] Nguyễn Tôn Nhan, sđd, tr13.
[27] Nguyễn Đăng Thục (1992), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 5, NXB TP.HCM, tr63.
[28] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập I, sđd, tr 733
[29] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập I, sđd, tr 733.
[30] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập I, sđd, tr 736.
[31] Trần Trọng Kim (1971), sđd, tr 124.
[32] Trần Trọng Kim (1971), sđd, tr 110.