Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC NHÌN TỪ CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN MÔNG – NGUYÊN CỦA TRIỀU TRẦN THẾ KỶ XIII



HỒ SƠN DIỆP[1] - NGUYỄN SAN HÀ[2]
Đầu thế kỷ XIII, Têmujin thủ lĩnh của một bộ sau khi tiến hành các cuộc chiến tranh chinh và thuần phục các bộ lạc Mông Cổ khác sống trên vung thảo nguyên châu Á rộng lớn, ông thành lập Đế quốc Mông Cổ và lên ngôi Hãn (Thành Cát Tư Hãn). Với biệt tài về thao lược quân sự, cộng với đội quân cung kiếm thiện chiến trên lưng ngựa, năm 1215, Thành Cát Tư Hãn bắt đầu cuộc chiến tranh chinh phạt khủng khiếp nhằm mở rộng cương vực đất nước. Hơn nửa thế kỷ sau, cương vực lãnh thổ đế quốc Mông Cổ được thiết lập rộng mênh mông từ bờ Hắc Hải đến đông Thái Bình Dương, thống lĩnh gần hết địa bàn cả hai châu lục Á - Âu. 
Năm 1253, Hốt Tất Liệt và Ngột Lương Hợp Thai đem quân đánh xuống phía tây nam tiêu diệt nước Đại Lý, năm 1256 đặt ách đô hộ lên toàn bộ vùng Vân Nam. Lúc bấy giờ, Đại Việt chính là “nút thắt” quan trọng trên con đường mở rộng cuộc chiến tranh thôn tính xuống phương Nam. Do vậy, năm 1257, Tướng Uryang Khadai được lệnh đánh thẳng vào Đại Việt, mở đầu cho các cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.
Trước sức mạnh hủy diệt của quân Mông -  Nguyên, nền độc lập dân tộc và cương vực nước Đại Việt bị đe đọa… Đứng trước tình hình đó, một số quan lại, quý tộc nhà Trần đã tỏ ra nao núng lo sợ, một bộ phận khác lộ rõ tư tưởng thỏa hiệp, đầu hàng, còn đối với người dân Đại Việt, họ vốn chỉ biết lam lũ làm ăn, lo toan nghéo khó, không quen cung, ngựa… làm sao chống lại được đội quân bách chiến, bách thắng Mông - Nguyên. Tuy nhiên, trong những trang lịch sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta đã ghi nhận, quân dân triều Trần đã ngăn chặn và đập tan ba cuộc chiến tranh xâm lược của đội quân Thành Cát Tư Hãn thiện chiến (1258, 1285, 1287 - 1288). Để có được những thắng lợi đó, chắc chắn vua tôi nhà Trần đã khéo léo quy động sức mạnh toàn dân, trên dưới một lòng, quyết tâm chống giặc cứu nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Vậy, vua tôi nhà Trần đã làm gì để đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh Phù Đổng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên ở thế kỷ XIII.
Trở về với lịch sử triều Trần, trong giai đoạn đầu mới thành lập, trong nội bộ hoàng tộc có nhiều mâu thuẫn xẩy ra, điển hình như chuyện vua Trần Thái Tông buộc phải lấy chị dâu nên mâu thuẫn với anh ruột là An Sinh vương Trần Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn); việc Trần Khánh Dư tư thông với  Thiên Thụy công chúa (con dâu của Trần Quốc Tuấn)… Nếu cá nhân mỗi người trong hoàng tộc không khéo léo giải quyết các mâu thuẫn này thì chắc chắn đây sẽ là mối hại lớn cho quốc gia. Do vậy, muốn phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, điều đầu tiên, trong nội bộ vua tôi nhà Trần phải xóa bỏ hiềm khích, mâu thuẫn cá nhân để xây dựng tình hòa hiếu làm nền tảng đoàn kết trong tầng lớp thống  trị.
Về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi nhận lại những hành động hòa giải các mâu thuẫn nội bộ trong hoàng tộc.  Như việc Trần Quốc Tuấn tự vất bỏ phần sắt bịt ở đầu gậy khi hầu cận vua. Hay việc Trần Quốc Tuấn đã thắng tay dứt tình máu mủ với Hưng Nhượng vương Quốc Tảng (con thứ) vì có ý ủng hộ việc cướp ngôi, dù rằng trước khi An Sinh vương Trần Liễu mất có nắm tay Trần Quốc Tuấn mà căn dặn: “Mày không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt”[3]. Hay việc Trần Quốc Tuấn trực tiếp tắm cho Thượng tướng Trần Quang Khải…Tất cả đều thể hiện tinh thần tận trung của Hưng Đạo vương đối với vua Trần, vì muốn xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong hoàng tộc. Chính vua Thánh tông cũng từng nói: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông nên cùng anh em trong họ cùng hưởng phú quý”[4]. Điều này cho thấy, vua Thánh tông cũng muốn gây dựng tình đoàn kết trong quý tộc họ Trần để trở thành hạt nhân cho sự đoàn kết dân tộc.
Sau khi đã giải quyết xong các mâu thuẫn nội bộ, vua Trần huy động sức mạnh từ tướng, quan trong triều đình đến cả giới quí tộc nhà Trần để cùng nhau lo cho việc nước, tất cả thống nhất thành một khối làm rường cột cho việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Điều này được thể hiện rõ qua hội nghị Bến Bình Than.
Khi quân của Trấn Nam vương Thoát Hoan (con của Hốt Tất Liệt) chuẩn bị đưa đại quân tiến vào lãnh thổ Đại Việt, lập tức tháng 10/1282, vua Trần đã tổ chức hội nghị các vương hầu tại bến Bình Than để bàn kế sách chống giặc Nguyên xâm lược. Tại hội nghị dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau để đối phó với giặc, nhưng cũng tại hội nghị, “Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư quyết xin đem quân đi phòng giữ các nơi hiểm yếu, không cho quân Mông – cổ sang nước Nam. Nhân tông ưng nghe lời ấy”[5].
Việc tổ chức hội nghị Bình Than đã minh chứng cho sự khéo léo của vua Trần trong việc tập trung huy động toàn bộ tướng lĩnh nhà Trần (vốn cũng là quý tộc Trần), những người chịu trách nhiệm trước vận mệnh quốc gia để cùng nhau tham gia, hoạch định chiến lược chống giặc cứu nước. Tinh thần quyết chiến của các quý tộc Trần chính là ngọn lửa thắp sáng thêm tinh thần quyết chiến của toàn dân nước Đại Việt. Tiếp đó, vua Trần lại tiến thêm một bước, phong cho Trần Quốc Tuấn chức Quốc công tiết chế (tổng chỉ huy quân đội), người mà trước sau như một vẫn kiên định với quyết tâm chống giặc đến cùng với câu nói bất hũ, khi được vua hỏi: “… nay quân giặc thế lực mạnh như thế, hay là ta xin hàng để cứu sống lấy muôn dân?”, Trần Quốc Tuấn đáp: “Bệ hạ nói lời ấy, thật là lời nói của bậc nhân, nhưng còn tôn miếu xã tắc thì sao? Thần xin trước hết hãy chém đầu thần đi trước đã rồi sau hãy hàng giặc. Đầu của thần còn trên cổ, xã tắc hãy còn, xin Bệ hạ đừng lo…[6].
Sau hội nghị Bình Than, vương triều Trần tỏ rõ quyết tâm phát động và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược. Với tư cách là tầng lớp lãnh đạo, triều Trần nhận thấy nước Đại Việt có đủ sức mạnh để đánh bại đạo quân Mông – Nguyên trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát động cuộc chiến tranh nhân dân chống giặc cứu nước. Do vậy, năm 1285, khi quân của Thoát Hoan đã áp sát biên giới nước Đại Việt, vua Trần liền tổ chức hội nghị Diên Hồng, mời các bô lão, những bậc cao niên được làng xã kính trọng, đại diện của nhân dân khắp nơi trong cả nước về triều để bàn hỏi về việc đánh giặc.
Tại hội nghị Diên Hồng, khi nhà vua hỏi nên hòa hay đánh?,“Các  phụ lão đều nói là nên đánh, muôn người cùng lời như một”[7]. Sử thần Ngô Sĩ Liên có viết:“Thánh tông muốn làm thế để xét lòng yêu nước của nhân dân và để nhân dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi”[8]. Giáo sư sử học Trần Văn Giàu nhận xét:Quyết tâm của bô lão“quyết chiến!” là lời hứa hẹn, lời thề quyết chiến của nhân dân đối với triều đình, cũng là lời của triều đình muốn qua các bô lão truyền vào nhân dân cả nước[9].  Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm  cũng khẳng định Hòa hay chiến? cùng tiếng trả lời Quyết chiến ! ở Hội nghị Diên Hồng ngày xưa chính là một trong những biểu hiện sơ khai của sự kết hợp giữa tinh thần cứu nước và ý thức dân chủ của nhân dân ta”, “không nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến tranh vệ quốc thế kỷ XIII là một cuộc kháng chiến toàn dân, một cuộc chiến tranh nhân dân theo cách nói của Engels, “một cuộc chiến tranh nhân dân để bảo tồn dân tộc [10]. Việc tổ chức hội nghị Diên Hồng một lần nữa minh chứng cho sự khéo léo đến tài tình của vua Trần trong việc tạo sự đồng thuận trong toàn dân, đồng thời phát động toàn dân quyết tâm cùng triều đình đánh giặc cứu nước.
Vận nước lâm nguy, nhà vua trực tiếp cầm quân ra trận, tướng sĩ “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt, chỉ giận không được ăn thịt, nằm da, nuốt gan, uống máu quân thù, “dầu trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm[11]; Thanh niên mãi suy nghĩ việc nước đến nỗi giáo đâm thủng cả chân mà không biết; thiếu niên thì bóp nát cả quả cam trong tay vì dận, do không được dự bàn việc nước…  Đất nước đứng trước nạn ngoại xâm, từ vua quan đến thần dân, từ tướng lĩnh đến quân sĩ, từ người già đến trẻ nhỏ… tất cả đồng lòng quyết tâm chống giặc cứu nước bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Để lãnh đạo toàn dân chống quân Mông – Nguyên, bên cạnh việc thực hiện chiến lược phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nhà Trần còn ban hành pháp lệnh mang tính bắt buộc, đưa tất cả vào khuôn phép nhằm phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết toàn dân trong việc giết giặc cứu nước. Đối với quân, Năm 1284, trong lần duyệt binh tại Đông Bộ Đầu, Hưng Đạo vương truyền lệnh rằng:“Bản chức phụng mệnh thống đốc quân sĩ ra phá giặc. Các vương hầu và các tướng sĩ, ai nấy phải cần giữ phép tắc, đi đâu không được sách nhiễu dân và phải đồng lòng hết sức đánh giặc, chớ thấy thua mà ngã lòng, chớ thấy được mà tự kêu, việc quân có pháp luật, phép nước không thân, các ngươi phải giữ”[12]. Đối với dân, Nguyên sử quyển 209 có ghi: vua Trần ra lệnh “Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng”[13].
Trước lúc xung trận, lời thề Sát Thát được khắc chạm vào những cách tay trần của người dân Đại Việt, khối đại đoàn kết của cả một dân tộc đã tạo nên một sức mạnh thần thoại, sức mạnh Phù Dổng có thể đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Và thực tế lịch sử đã chứng minh, vua tôi nước Dại Việt đã đập tan các cuộc chiến tranh xâm lược của đội quân Mông - Nguyên hùng mạnh.
(Bài được đăng trên báo Cựu Chiến Binh số Xuân 2013)

[1] TS ĐH XH&NV TP.HCM.
[2] GV Trường THCS Võ Trường Toản
[3] Ngô Sĩ Liên và các Sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư , tập I, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr 549.
[4] Ngô Sĩ Liên và các Sử thần triều Lê, sđd, tr 483.
[5] Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược, quyển I, NXB Bộ Giáo dục – Trung tâm học liệu, Sài gòn, tr 137
[6]. Dẫn theo Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập IV, Sđd, tr.405.
[7]Ngô Sĩ Liên và các Sử thần triều Lê, sđd, tr 501
[8] Ngô Sĩ Liên và các Sử thần triều Lê, sđd, tr 501.
[9]. Trần Văn Giàu (1993), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr.242.
[10]. Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm (1975), Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.322.
[11].Truyện ngôn tranh địa dĩ chiếu, sát nhân doanh dã! Kim tặc thế như thử, cô thả hàng, chi dĩ cứu vạn dân chi mệnh?”.
[12].Trần Trọng Kim, sđd, tr 137.
[13] Theo Hà Văn Tấn – Phạm Thanh Tâm (1975), Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, NXB KHXH, Hà Nội, tr178.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét