Nguyễn San Hà[1]
Sau thất bại Nam kỳ khởi nghĩa (23.11.1940), lực
lượng cách mạng của Xứ ủy Nam kỳ giai đoạn từ 1939 – 1940 gần như tan rã. Thực
dân Pháp ra sức khủng bố và đàn áp những người yêu nước trung kiên, đưa nhiều đồng
chí lãnh đạo cao cấp ở Nam kỳ ra pháp trường, dẫn đến các tổ chức và lực lượng
cách mạng bị tổn thất nặng nề. Mặc dù vậy, khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành
công ở Hà Nội (19.08.1945) và ở Huế (23.08.1945) thì vào tối 24 rạng
25.08.1945, Cách mạng Tháng Tám cũng lần
lượt thành công ở các tỉnh Nam kỳ. Từ
đó, chúng ta mới thấy được sự lãnh đạo tài tình và sáng tạo của Xứ ủy Nam kỳ (cả
Tiền Phong và Giải Phóng) đưa lực lượng cách mạng phương Nam vượt qua mọi khó
khăn cuối những năm 1940 – 1941, để xây tiến đến giành chính quyền thành công.
Và lực lượng Thanh niên Tiền Phong (TNTP) giữ một vai trò không thể thiếu trong
việc đưa khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam kỳ nói chung và Sài Gòn – Chợ Lớn,
Gia Định nói riêng đi đến thành công. Nhận thấy được điều đó, tác giả mong muốn thông qua bài viết có thể khắc
họa lại những chi tiết lịch sử cụ thể cho bạn đọc thấy được sự sáng tạo thành
công của Xứ ủy Tiền Phong trong việc xây
dựng và phát triển TNTP trong Cách mạng Tháng
Tám ở Nam kỳ (8.1945).
1.Tình hình khó khăn ở Nam kỳ sau Nam kỳ khởi nghĩa (23.11.1940)
Sau
thất bại khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), nhân dân Sài Gòn nói riêng và nhân dân Nam Kỳ
nói chung phải gánh chịu cuộc đàn áp dã man của chính quyền “Bảo hộ”. Các cảnh
hành hình khủng khiếp nhất đã được thực dân Pháp mang ra thực hiện với những
người đấu tranh cho sự độc lập tự do của dân tộc mình. Cuộc khủng bố của chính
quyền thực dân đã để lại nhiều đau
thương và mất mát cho nhân dân nơi đây. Theo báo cáo ngày 14.01.1941 của Thống
đốc Nam kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, trong vòng hơn 1 tháng (từ ngày 22/11/1940
đến 31/12/1940) ở các tỉnh Gia Định, Mỹ
Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, thực dân Pháp đã bắt tổng cộng 5.848 người, trong đó
Gia Định bắt 903 người; Mỹ Tho bắt 2.901 người; Cần Thơ bắt 1.729 người; Long
Xuyên bắt 315 người[2]. Với
số lượng người bị bắt như trên đã dẫn đến nhà tù của thực dân ngày càng trở nên
chật chội, đời sống cũng như sức khỏe của tù nhân rất kém. Song song đó, chúng
cũng tiến hành kết án nhiều người yêu, qua thống kê chưa đầy đủ từ tài liệu lưu
trữ, số người bị kết án từ tháng 01 đến
tháng 11 năm 1941 lên tới 40.416 người, trong đó, 1.446 người bị kết án tử hình[3].
Pháp và tay sai còn tiến hành thực hiện các hình thức tra tấn, hành hình dã man
thời trung cổ như: dùng dây kẽm xỏ xuyên lòng bàn tay hoặc bàn chân của những
người tù lại thành từng đoàn rồi dẫn đi, cho phơi nắng và nhốt tù ở các sà lan;
hay đưa các tù nhân ra Côn Đảo hoặc đổ xuống biển…
Sau
khi các cuộc hành hình của giặc Pháp vừa mới tạm lắng xuống, thì tình hình tại
Đông Dương lại có nhiều chuyển biến, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thế giới
lần thứ hai (1939 – 1945). Tháng 7.1941, 50.000 quân phát xít Nhật tiến vào
phía nam Đông Dương. Do quân Pháp thất bại quân phát xít Đức tại chính quốc (6.1940),
nên vào“11 giờ sáng ngày 29/7/1941 tại
Visi (Pháp), Đô đốc Đáclan (Darlan), Phó quốc trưởng của chính phủ Pêtanh
(Pétain) và Đại sứ Nhật tại Pháp Sôtômatsu Katô (Sotomastukato) đã ký kết văn bảng
Phòng thủ chung Đông Dương (Protocole concernant la Défense en commun de
l’Indochine Francaise)”[4].
Đến trưa cùng ngày, các đơn vị quân Nhật đã kéo vào Sài Gòn. Kể từ đó, nhân dân
ta phải chịu “cảnh một cổ hai tròng”.
Với
những sự kiện nổi bật trên, ta có thể nhận
thấy lực lượng cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam
kỳ đang gặp nhiều khó khăn.
Thứ
nhất, sau sự kiện Khởi nghĩa Nam kỳ (11/1940) thì lực lượng cách mạng tại
đây tổn thất nặng nề.
Các cơ sở Đảng từ cấp Xứ đến địa phương
gần như bị địch đánh phá dữ dội.
Hàng nghìn cán bộ, Đảng viên bị địch bắt, lớp đưa đi các nhà tù ở khắp Nam kỳ;
lớp thì bị kết án tử hình. Chỉ riêng năm
1941, trong vòng 5 thán đã có 333 người bị đưa ra trường bắn, trong đó có các đồng
chí Xứ ủy như: Hà Huy Tập, Võ Văn Tần;
Nguyễn Thị Minh Khai; Nguyễn Hữu Tiến; Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Văn Huân…Cũng sau sự kiện Nam Kỳ, Pháp đã cho xây
dựng các trại tập trung (gọi là căng) ở Tà Lài và Bà Rá (đều thuộc tỉnh Biên
Hòa) đưa lên đó khoảng chừng 800 tù Cộng sản
không kêu án và cũng không biết ngày ra. Tất cả đã làm tổn hại đến sự chỉ
đạo và lực lượng cách mạng tại Nam kỳ. Bên cạnh đó, có một
số chiến sĩ Cộng sản trốn thoát khỏi sự truy lùng của địch thì phải đành cố giữ
mình, ẩn đi về miền Tây đợi bắt liên lạc
với các đồng chí khác.
Thứ
hai, việc tái lập lại cơ sở Đảng bộ tại các địa phương cũng như là Xứ ủy gặp nhiều khó khăn.
Nhiều đồng chí cách mạng sau một thời gian “im hơi lặng tiếng” đã cố gắng ra sức
gây dựng lại các tổ chức những sau đó lại bị mật thám của địch tìm cách đánh phá và bắt các đồng chí lãnh đạo. Cụ thể
như trường hợp sau Hội nghị Cần Giuộc – Chợ Lớn (21 đến 22.01.1941) để tái lập
Xứ ủy và tiến hành ra báo Giải Phóng thì
chỉ sau khi ra được 3 số thì đồng chí phụ trách bị bắt; rồi tháng 8.1941 thì
các đồng chí Xứ ủy bị bắt. Sau đó, với nhiều cố gắng nhưng tờ Giải Phóng vẫn phải
lập đi lập lại nhiều lần. Có thể nói rằng, tình hình hoạt động của tổ chức cách
mạng trước năm 1943 tại Sài Gòn đầy nguy hiểm và khó khăn bởi: “Cuối năm 1942, do sự bể bạc của Liên tỉnh ủy miền Đông và các nhóm Đảng ở Sài
Gòn, Chợ Lớn – cơ sở binh vận cũng bị xáo trộn tan vỡ, phong trào đấu tranh của
binh lính địch nằm im”[5].
Từ đó, công tác tái lập Xứ ủy gặp phải khó khăn trong việc thống nhất
các tổ chức Đảng riêng lẻ. Nên đến
tháng 4/1945, ở Nam kỳ tồn tại hai Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải Phòng
cùng lãnh đạo cách mạng[6]. Bên
cạnh đó, việc bắt được liên lạc với lại Trung ương cũng vô vàn khó khăn, nên
các Nghị quyết và Chỉ thị cho tình hình cách mạng mới vào đến trong Nam rất chậm.
Buộc các Xứ ủy phải khéo léo, linh động lãnh đạo phong trào quần chúng trong
giai đoạn tiền khởi nghĩa.
Thứ
ba, tính từ sau
khi Nhật vào Đông Dương đến trước khởi
nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn
– Chợ Lớn và Gia Định, thì tại Nam kỳ tồn
tại nhiều lực lượng chính trị theo nhiều hướng khác nhau đối lập
với Đảng Cộng sản.
Đánh giá về vấn đề này, chính GS. Trần
Văn Giàu (nguyên Bí thư Xứ Ủy Tiền Phong) đã ghi nhận lực lượng cách mạng tại
Sài Gòn chỉ: “Non 100đảng viên và 10.000
đoàn viên công đoàn ở thành phố 80 vạn dân như SàiGòn, có thể ví như nắm muối bỏ
vào ao nước”[7].
Trong khi đó, Nhật và Pháp đều tạo cơ hội cho các tổ chức thân chúng nổi lên
như “nấm gặp mưa rào”. Có thể kể như các
tổ chức: Đảng Phục Quốc (dựa trên tín đồ các giáo phái Cao Đài Tây Ninh của Trần
Quang Vinh và Hòa Hảo của Huỳnh Phú Sổ), Đảng Quốc Gia (dựa trên
tín đồ Tịnh độ cư sĩ), Đảng Quốc gia độc lập (do Nguyễn Văn Sâm và Hồ
Văn Ngà đứng đầu), Thanh niên ái quốc
đoàn (của Đinh Khắc Thiệt), Võ sĩ đoàn của Đỗ Như Ánh, Cựu binh sĩ của
Lương Văn Tương, bọn tơtrốtky….Sau khi Nhật lật đổ Pháp độc chiếm Đông Dương (9.3.1945), bọn phát xít còn dựng
chính phủ Trần Trọng Kim để mị dân với
giọng điệu “trao trả độc lập cho Việt Nam”. Nhận định về tương quan lực lượng
giữa Cộng sản và các thế lực thân phát xít Nhật GS. Trần Văn Giàu đã nói: “so với Mặt trận quốc gia thì tổ chức củahọ
là 10 còn tổ chức của ta chỉ được vài ba mà thôi”[8].
Qua
những phân tích trên, chúng ta thấy được
rằng sau Nam kỳ khởi nghĩa 11.1940, tình cảnh nhân dân Nam kỳ nói chung
và lực lượng cách mạng ở đây nói riêng là gặp nhiều khó khăn và liên tục chịu sự
phá hoại của kẻ thù từ nhiều phía. Từ đó, cũng đặt ra cho Xứ ủy Tiền Phong tại Sài Gòn nhiệm vụ phải làm
sao nhau chóng phục hội tổ chức, xây dựng
lực lượng để không phải vắng mặt trong ngày Tổng khởi nghĩa của dân tộc.
2. Sự thành lập Xứ ủy
Tiền Phong và việc giải quyết khó khăn về
lực lượng cách mạng
Như
trên đã trình bày, sau Khởi nghĩa ở Nam kỳ lực lượng cách mạng tại đây gặp nhiều
khó khăn phải giải quyết. Trong đó, việc nhanh chóng tái lập tổ chức và xây dựng
lực lượng cách mạng để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền là một
việc hệ trọng của cách mạng nước ta bấy
giờ.
Tháng
5.1941, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội
nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng tại Pắc
Bó (Cao Bằng). Hội nghị đã nhận định tình hình chiến tranh
thế giới lan rộng sẽ làm cho các nước đế
quốc suy yếu, Liên xô sẽ nhất định thắng lợi và phong trào cách mạng
thế giới sẽ phát triển nhanh chóng, cách mạng ở nhiều nước xã thành công
và một loạt nước xã hội chủ nghĩa xã ra
đời. Tại Hội nghị đã đề ra những nội dung chủ yếu như:
1.Trọng
tâm của cách mạng nước ta là giải phóng dân tộc, nên vẫn tiếp tục tạm gác khẩu
hiệu cách mạng ruộng đất và nêu thêm khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng
công tiến tới người cày có ruộng.
2.Theo
sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị tiến hành thành lập mặt trận
Việt Nam độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh – 19.5.1941) nhằm tập hợp các
đoàn thể quần chúng yêu nước vào mặt trận.
3.Hội
nghị cũng đề ra việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, và tùy vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương có thể
tiến hành khởi nghĩa vũ trang từng phần.
Hội
nghị Trung ương lần thứ 8 đánh dấu sự hoàn chỉnh về chiến lược cũng như sách lược của Đảng về cách mạng Việt Nam, chuẩn bị chờ thời cơ đến.
Tuy nhiên do những khó khăn đặc biệt, nên ở Nam kỳ không tiếp cận được với tại
liệu và thông tin cụ thể về Hội nghị này. Do đó, các đảng viên phải tùy cơ ứng
biến để khắc phục những khó khăn đặt ra. Trong đó, việc thành lập Xứ ủy Tiền
Phong là một minh chứng.
20/3/1941,
các đồng chí Dương Quang Đông, Trần Văn
Giàu, Trần Văn Kiệt, Trương Văn Nhâm, Tô Ký, Nguyễn Tấn Đức, Nguyễn Công Trung,
Châu Văn Giác, vượt ngục Tà Lài thành công về gây dựng lại cơ sở ở Sài Gòn, Chợ
Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Cần Thơ. Do nhiều
đồng chí hoạt động không đồng quan điểm
với nhau nên đồng chí Trần Văn Giàu và Nguyễn Văn Trân lui về U Minh hoạt động, tích cực gây dựng
cơ sở và mở rộng địa bàn. Về sau liên lạc
được với các đồng chí Nguyễn Oanh, Nguyễn
Văn Lượng hoạt động ở nội thành Sài Gòn và xúc
tiến việc xây dựng lại Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Đến cuối 1944, đồng
chí Giàu về hoạt động tại Phú Lạc (Chợ Lớn),
tích cực
liên lạc với một số đảng viên hoạt động ở nội thành Sài Gòn để chuẩn bị
cho việc xây dựng lại Xứ ủy Nam Kỳ theo
quan điểm và chủ trương mới.
Từ
13 đến 15/10/1943, tại nhà ông Hương trưởng Trần Vinh Hoài ở xã Tân Thuận Bình,
huyện Chợ Gạo (Tỉnh Mỹ Tho), 11 đảng viên dự
họp gồm: Dương Quang Đông, Nguyễn Oanh, Châu Văn Giác, Nguyễn Văn Trân
và một số đồng chí đại diện cho Tỉnh ủy lâm thời, Ban cán sự Đảng các tỉnh Tân
An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Vĩnh Long. Hội nghị bàn bạc và nhất trí thành lập Xứ ủy Nam Kỳ mới gồm 7 đồng chí[9].
Dù không có mặt trong buổi họp, song Hội nghị đã thống nhất bầu đồng chí
Trần Văn Giàu làm Bí thư Xứ ủy,
như tạm thời do đồng chí Dương Quang Đông phụ trách (4/1945, đồng chí Giàu mới
chính thức nhận chức Bí thư) và cơ quan
ngôn luận là tờ báo Tiền Phong. Do không liên lạc được với Trung ương ngoài Bắc
nên Xứ ủy Tiền Phong không biết Nguyễn Ái Quốc đã về nước và triệu tập Hội nghị
Trung ương lần thứ 8 (1941). Bí thư Trần
Văn Giàu kể: “Không đành chịu ngồi chờ, bất
đắt dĩ bọn tôi phải tự vạch ra một đường lối cách mạng[10]”.
Xứ
ủy Tiền Phong chủ trương dựa vào đường lối Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 của
Đảng, lấy mục tiêu giải phóng dân tộc
làm nhiệm vụ hàng đầu, lấy việc tập hợp quần chúng các giới các ngành, kể cả thành thị và nông thôn làm
cơ sở để hành động cách mạng. Nên khi quan sát tình hình thực tế sau
Nhật đảo chính Pháp, Xứ ủy Tiền Phong đã
chủ trương lợi dụng phát xít Nhật để tập hợp lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa
sắp tới, góp phần làm phân hóa kẻ thù ở Nam Kỳ. Điều đó, cho thấy quan điểm của
Xứ ủy cũng phù hợp với tình hình cụ thể ở Nam kỳ, dù công tác liên lạc giữa Nam
kỳ với Trung ương giai đoạn này còn nhiều khó khăn (ở trong Nam vẫn chưa nhận
được bản Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của ta 12.3.1945), cho thấy được sự nhạy
bén nắm bắt tình hình và chủ động chờ đợi thời cơ đến để miền Nam không thể thiếu mặt trong ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về cho nhân dân. GS. Giàu khi ấy đã cho
rằng: Nhật là kẻ thù số một vì: 1. Hiện tại chỉ có Nhật mới thật sự làm chủ Đông Dương sau 9.3.1945; 2.
Riêng tại Nam kỳ thì lực lượng thân Nhật
trong các đảng phái và tôn giáo khá đông; 3. Pháp đô hộ ta gần trăm
năm nên ai cũng thấy được sự xấu
xa của nó, nhưng phát xít Nhật và các lực
lượng thân Nhật thì đang lừa bịp nhân
dân với chiêu bài “Đại Đông Á”; “Đồng chủng đồng văn” và tiến đến “trao trả độc
lập” giả tạo; 4. Ở Nam kỳ ngoài số bọn
Pháp phản động (phe Decoux), còn những người Pháp tiến bộ, chống phát xít mà ta có thể liên
minh với điều kiện họ cũng muốn Đông Dương độc
lập.
Xứ
ủy Tiền Phong ngày càng phát triển về
các tỉnh thành như: Sài Gòn, Chợ Lớn,
Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Rạch
Giá, Bến Tre, Bạc Liêu, Bà Rịa, Vĩnh
Long. Để tăng cường lãnh đạo hệ thống Tỉnh
ủy ở 19 tỉnh, thành, Xứ ủy đã bổ xung thêm các đồng chí Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn
Kỉnh, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tạo,
Nguyễn Văn Nguyễn, Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn
Tây, Nguyễn Văn Trấn, Dương Bạch Mai, Lý Chính Thắng, Đào Duy Kỳ, Nguyễn
Văn Hoành, Dương Khuy, Nguyễn Thành A…[11]
Đầu
1945, Xứ ủy Tiền Phong đã cử đồng chí Lý Chính Thắng ra Bắc xin ý
kiến của Trung ương về tình hình Đảng bộ Nam Kỳ. Trung ương Đảng cũng đã
cử đồng chí Nguyễn Thị Kỳ vào Nam nắm bắt
tình hình để tăng cường sự chỉ đạo thống
nhất cách mạng Nam Kỳ. Nhờ đó mà
Xứ ủy Tiền Phong đã nắm bắt được chỉ thị
của Trung ương và kịp thời họp để kiểm điểm tình hình, đề ra 3 yêu cầu cụ thể:
- Nam kỳ phải khởi
nghĩa kịp thời với tổng khởi nghĩa ở Bắc
Kỳ và Trung Kỳ.
- Khởi nghĩa ở Nam kỳ
phải bắt đầu từ Sài Gòn (Sài Gòn có về tay
cách mạng thì cách mạng ở phương
Nam mới gọi là thành công).
- Cuộc khởi nghĩa ở Sài
Gòn và toàn Nam Kỳ nổ ra bằng phong trào đấu tranh của nhân dân với hình thức bạo lực chính trị là chủ yếu, có kết
hợp chừng mực nào đó với bạo lực vũ
trang.[12]
Như
vậy Xứ ủy Tiền Phong đã nhận định cần chuẩn bị lực lượng cách mạng hùng mạnh
bao gồm đông đảo quần chúng nhân dân (đặc biệt tại Sài Gòn – Chợ Lớn và Gia Định)
để khi tương quan lực lượng thay đổi có lợi cho cách mạng trong vài tháng tới
thì chớp thờ cơ giành chính quyền.
3. Thanh niên Tiền
Phong – sự sáng tạo về lực lượng của Xứ ủy
Nam kỳ.
Như ở phần trên đã trình bày, chúng ta thấy chỉ
trong vòng hơn một năm (từ khi thành lập Xứ ủy đến trước Nhật đảo chính Pháp
3.9.1945), Xứ ủy Tiền Phong đã khắc phục được những khó khăn từ sau Khởi nghĩa Nam
kỳ để lại như:
Thứ nhất, Khôi phục lại được tổ chức Đảng ở các cấp,
vạch ra được đường lối lãnh đạo cho phù hợp với tình hình cách mạng Nam kỳ.
Đặc biệt Xứ ủy Tiền Phong đã kế thừa được kinh nghiệm hoạt động đấu tranh ở các đô thị lớn như Sài Gòn – Chợ Lớn và Gia Định
để chuẩn bị lực lượng tiền khởi nghĩa.
Thứ
hai, tổ chức công đoàn cũng được phục hồi lại sau những khó khăn giặc địch khủng
bố. tháng 4.1944, 20 đại biểu công đoàn họp
tại hãng thuốc lá MIC lập ra ra Tổng
công đoàn Nam kỳ và bầu ban chấp hành. Từ
đó, lực lượng công đoàn ở Nam kỳ liên tục phát triển: “từ vài chục
công đoàn cơ sở với 15.000 đoàn viên hồi
cuối 3. 1945, đến tháng 8.1945 đã tăng lên đến 324 công đoàn cơ sở với 120.000
đoàn viên”[13].
Thứ
ba, Xứ ủy Tiền Phong đã tập hợp được một lực lượng đông đảo gồm
trí thức, sinh viên, nhà công
thương vào một tổ chức như
Tân dân chủ đoàn, Hội truyền bá Quốc ngữ (thành lập 18.8.1944), nhóm
Thanh Niên…
Thứ
tư, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Tiền
Phong, tờ báo Tiền Phong được xuất bản
với nhiều bài viết của tác giả Trần Văn Giàu (lấy bút danh là Xuyên Vân Nhạn) trình
bày những quan điểm và chủ trương cách mạng
ở Nam kỳ, vạch trần sự lừa bịp của bọn phát xít Nhật và thực dân Pháp. Bên cạnh
đó, Xứ ủy còn mở nhiều lớp huấn luyện chính trị cho đông đảo trí thức sinh viên
ngoài Đảng, giảng viên là chính Bí thứ
Giàu người về sau được mệnh danh
là “thầy giáo đỏ”.
Đến
cuối 1944 – đầu 1945, nhiều sự kiện trong nước và trên thế giới làm cho quan hệ
Pháp - Nhật ở Đông Dương ngày càng xấu
đi. Sau khi Pháp giành lại được độc lập
cho chính mình (25.8.1945), chính phủ
lưu vong De Gaulle từ Alger (Algérie) về
lại Pháp và tuyên bố “giải phóng Đông Dương”. Nhưng thật chất là tái chiếm
lại Đông Dương làm thuộc địa (vốn đã được
Hội nghị Yalta thiết lập 1941). Kế đến
là 25.2.1945, Mỹ đã chiếm lại Manila (thủ đô Philippines). Thấy được
nguy cơ lực lượng Pháp làm tay sai cho
Nhật trước đây có thể sẽ chuyển hướng bắt tay với Mỹ để bội phản Nhật. Nên quân
Nhật ở Đông Dương quyết định làm cuộc đảo chính Pháp
vào ngày 9.3.1945 để dễ bề hành xử.
Tình
hình đã được Trung ương Đảng ngoài Bắc nắm bắt và ra chỉ thị
Nhật Pháp bắn nhau và hành động của ta 12.3.1945. Do vẫn chưa bắt được
liên lạc với Trung ương nên Xứ ủy phải tự
vạch ra đường đi cho cách mạng Nam bộ. Nhận thấy được sau cuộc Nhật đảo chính Pháp về thực chất ở Nam kỳ nói riêng và
toàn cõi Đông Dương nói chung chỉ là sự thay đổi bọn cai trị. Chính phủ Trần Trọng
Kim cũng chỉ là một chiêu bài được Nhật dùng để lợi dụng những trí thức dân tộc
những không có thái độ quyết liệt trong đấu tranh giành độc lập. Nên Xứ ủy Tiền
Phong vẫn xác định: tiếp tục chống Nhật và tay sai của Nhật. Kế đến GS.Giàu khi ấy đã thấy được lực lượng Đồng Minh thế nào cũng sẽ chiến thắng
Nhật và rất cần thiết phải xây dựng một lực lượng đủ mạnh để giành chính quyền khi Nhật đầu hàng, kịp thời lập vào khoảng trống
chính quyền khi ấy. Nên ông nhận định:
“Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân; riêng lực lượng của Đảng không làm nổi
cách mạn; phải có sự tham gia, sự nổi dậy của hàng triệu đồng bào”[14].
Và vấn đề làm sao để có lực lượng đủ mạnh ? và sau đó Nhật vô tình đã trả lời
cho ta.
Trước
việc liên tiếp thất bại, Nhật muốn tập hợp lực lượng để chống lại Đồng Minh,
nên Iđa đã đến gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nhờ ông đứng ra tập hợp thanh niên
Nam Kỳ, dĩ nhiên để lợi dụng là chính. Chớp lấy thời cơ đó, Xứ ủy (Tiền Phong)
đã chấp nhận cho Bác sĩ Ngọc Thạch giúp Nhật lập tổ chức Thanh niên, để ta có
thêm cơ hội hoạt động công khai và lôi kéo quần chúng về phía cách mạng, vì bác
sĩ Ngọc Thạch là ân nhân của Iđa và người Nhật không nghĩ được rằng ông đã gia
nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (trong khi
được nhiều đặt ân từ công việc, có vợ đầm). Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, Phạm Ngọc Thạch cùng luật
sư Thái Văn Lung, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, sinh viên Huỳnh Văn Tiểng
đã thành lập tổ chức thanh niên , lấy
tên là Thanh niên Tiền Phong (đó là cái tên mà Xứ ủy lựa chọn và gợi ý).
Quá
trình chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức
Thanh niên Tiền Phong rất khẩn trương.
Vì nó là một tổ chức hợp pháp do chính
phủ Nhật tài trợ thông qua Sở Thể dục – Thể thao Nam kỳ. Người Nhật định hướng cho nó hoạt động về chính trị nhiều hơn là Hướng đạo,
có cờ riêng là (cờ vàng sao đỏ)[15],
được treo băng rôn ngang đường nội dung “giải phóng dân tộc” và hô hào công
khai “Cải tổ lại xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân”[16].
Bài ca Lên Đàng của Lưu Hữu Phước được chọn làm Đoàn ca; trang phục là quần soọc
xanh hay màu sậm, áo sơ mi trắng cộc tay, dép cao su quai tréo, mũ bành vành rộng;
trụ sở đóng tại Nhà số 14 Charner (nay
là Nguyễn Huệ) và có Trung tâm huấn luyện:
Cơ sở của Jeunes Campeurs ở đường Pellerin (nay là Pasteur). Hội đồng Quản trị
do Đảng đoàn làm nòng cốt gồm nhiều trí thức nhân sĩ yêu nước: Dược sĩ Trần Kim
Quan, Kỹ sư Kha Vạng Cân, Bác sĩ Hồ Văn Nhựt, Họa sĩ Hồ Văn Lái, Giáo sư Lê Văn
Huấn, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát…Trong đó, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch Hội đồng quản trị; Tráng
trưởng phụ trách Thanh niên là Huỳnh Văn Tiểng;
Tráng trưởng phụ trách Thể thao
là Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ.
Tổ chức này thành lập dựa trên kinh nghiệm của
công tác Hướng đạo sinh. Hoạt động TNTP do các
ban chuyên môn phụ trách như: Ban Tuyên truyền cổ động tổ chức; Ban Hoạt
động xã hội; Ban Phát thanh; Ban Biên tập
báo Tiến[17];
Ban Huấn luyện quân sự; Ban Văn nghệ. Phong trào đã nhanh chóng tổ chức các hoạt
động cứu trợ nạn nhân chiến tranh do các
cuộc oanh tạc của Đồng minh và cứu nạn
đói ở miền Bắc. Dần dần về sau, phong
trào TNTP có đối tượng bao gồm sự tham gia rộng rãi của nhân dân, không phân biệt chính trị, dân
tộc, tôn giáo. TNTP cũng đã tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ nhất vào
1.7.19.45 ở Sài Gòn. 5.7.1954 làm lễ tuyên thệ tại vườn Ông Thượng (nay là Công
viên văn hóa Tao Đàn) với 30.000 đoàn viên tham dự. Lễ tuyên thệ lần thứ hai tổ
chứ vào ngày 19.8.1945, cũng tại vườn
Ông Thượng với 50.00 đoàn viên tham dự. Tất cả các buổi tuyên thệ, lực lượng
TNTP đã thể hiện được sự lớn mạnh của lực lượng mình. Dù về chính trị vẫn còn
mơ hồ, nhưng: “Thanh niên Tiền Phong thực
sự trở thành một mặt trận dân tộc thống nhất lôi cuốn hầu hết các tầng lớp nhân
dân, các tôn giáo vào một cao trào cách mạng toàn dân”[18].
Bên cạnh họ, còn có cả các tổ chức Phụ nữ
Tiền Phong, Phụ lão Tiền Phong, Thiếu niên Tiền Phong.
Một
vấn đề cũng cần phải nhấn mạnh là đầu năm 1945, Tổng công đoàn Nam kỳ vẫn còn
hoạt động bí mật, số đoàn viên chưa đông. Sau khi Thanh niên Tiền phong ra đời,
Xứ ủy cho Tổng công đoàn mang tên Tiền Phong – Ban xí nghiệp, mượn danh nghĩa tổ
chức thành viên Than niên Tiền Phong để hoạt động công khai hợp pháp, nhưng vẫn
giữ nguyên hệ thống tổ chức của mình. Dẫn đến lực lượng cách mạng ngày càng được
bổ xung và so với các thế lực thân Nhật thì lực lượng Cộng sản chiếm ưu thế. Theo một thống kê của Viện sử học cho biết,
riêng ở Sài Gòn, lực lượng của hai tổ chức Thanh niên Tiền Phong và Công đoàn
đã chiếm 200.000 người, trong khi dân số của Sài Gòn cũng chỉ 800.000 dân[19]
Khoảng
giữa tháng 4.1945, Lý Chiến Thắng cùng Cái Thị Tám (tức Nguyễn Thị Kỳ - giao
liên của Trung ương Đảng) về tới Sài Gòn, mang theo tài liệu và thư của Trung
ương gửi Xứ ủy. Đây là lần đầu tiên Xứ ủy Tiền Phong biết được nội dung Nghị
quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5.1941) và Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn
nhau và hành động của chúng ta” (12.3.1945). Lập tức Xứ ủy thành lập Mặt trận
Việt Minh Nam bộ. Tối 19.8.1945, tại rạp Nguyễn Văn Hảo (rạp Công Nhân ngày
nay)Việt Minh tổ chức mít tinh trình bày chương trình hành động, quy tụ mấy vạn
người tham dự. Đến 20.8, tại Sài Gòn, Mặt trận Việt Minh Nam bộ tuyên bố ra hoạt
động công khai, thì ngày 22.8 TNTP chính thức tuyên bố gia nhập Việt Minh và trở
thành một thành viên của Ủy ban Khởi nghĩa Nam bộ. Kể từ đây, đường lối chính
trị của TNTP đã được hoàn chỉnh và không
còn phải giấu dưới lớp một tổ chức hoạt động trong khuôn khổ cho phép của chính
phủ phát xít Nhật. Ngay sau khi gia nhập Mặt trận, lãnh đạo TNTP đã lập ra các
đội “Thanh niên Tiền Phong xung kích” để đi đầu trong khởi nghĩa giành chình
quyền; Thanh niên Tiền Phong – Ban xí nghiệp (thuộc Tổng Công hội) cũng lấy lại
tên Tổng công đoàn Nam bộ (cũng là thành viên của Việt Minh). Bên cạnh đó, từng bước Mặt trận
Việt Minh Nam bộ cũng đã kêu gọi được
các tổ chức, đảng phái, tôn giáo có tinh thần mong muốn Việt Nam độc lập
gia nhập Mặt trận để cùng tiền hành đánh
đuổi phát xít Nhật và bọn tay sai trước khi quân Đông minh vào giải giáp Nhật ở
Đông Dương. Và sau khi khởi nghĩa ở Tân An thành công vào ngày 23.8.1945, lập tức
lệnh khởi nghĩa ở Sài Gòn – Chợ Lớn và Gia Định đã chính thức được phát động vào tối 24 rạng sáng 25.8.1945. Cách mạng
Tháng Tám thắng lợi ở Sài Gòn – Chợ Lớn
bằng một cuôc tuần hành mít tinh huy động đồng bào từ các vùng ngoại
thành và các tỉnh lân cận lên về tham gia lên đến con số 1.200.000 người.
Từ
những thông tin về tổ chức TNTP, chúng ta có thể đưa ra một số nhận định sau:
Thứ
nhất, rõ ràng sự hình thành và phát triển TNTP trong cách mạng Tháng Tám ở Nam
kỳ là dựa trên sự sáng tạo tài tình của Xứ ủy Tiền Phong.
Sau thời gian phục hồi lại được các tổ
chức Đảng hơn một năm, Xứ ủy vẫn cảm thấy rằng lực lượng cách mạng ở Nam kỳ còn yếu và non so với các tổ chức
chính trị, đảng phái thân phát xít Nhật và bọn cơ hội chủ nghĩa. Song bằng sự
chỉ đạo tài tình và đặc biệt là kịp lúc nắm bắt cơ hội khi chính phủ phát xít
muốn lập một tổ chức nhằm tập hợp thanh niên ở trong Nam để cứu vãn những thất
bại không thể chối cải của quân Nhật trên các chiến trường Trung Quốc, Triều
Tiên và có lẻ để chuẩn bị đối phó khi
quân Đông minh vào Đông Dương. Xứ ủy đã nắm được tổ chức đó ngay từ khi
thành lập và hoàn toàn không cho Nhật can dự được vấn đề nào (như ban lãnh quản
trị, chọn cơ, nội dung huấn luyện,…). Nên đã có nhận định rằng: “Tổ chức Thanh niên Tiền phong, được Nhật
cho phép thành lập, được Đảng khéo léo biến thành một trong những công cụ huy động
quần chúng lợi hại của Đảng”[20].
Điều đó về sau này, khi có điều kiện đối chiếu chúng ta thấy nó cũng tương đồng
với quan điểm của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp “khi
phong trào chính trị của nhân dân chưa lên mạnh, nền thống trị của địch còn ổn
định, việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang càng phải lấy công tác vận động chính
trị trong quần chúng làm chính”[21].
Thứ
hai, TNTP là một mặt trận huy động lực lượng cách mạng trong suốt giai đoạn chuẩn bị tiến đến
khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam kỳ. Điều
đó đã được làm rõ, vì gọi là TNTP nhưng
tổ chức này không kén thành phần tham gia và đã chập nhận hầu hết các lực lượng,
không phân biệt về giai cấp, về tôn giáo, thành phần xã hội miễn là yêu nước,
quyết tâm chống phát xít thực dân. Cũng chính nhờ Mặt trận TNTP này, mà nhiều
hoạt động của Xứ ủy được triển khai thuận lợi như: như việc thiết lập TNTP –
Ban xí nghiệp (vốn là Tổng Công Hội); ra báo chí để tuyên truyền vạch trần đường
lối mị dân của kẻ thù và thông báo thời cơ đã đến gần với dân tộc; mở các lớp
huấn luyện các lực lượng phi Cộng sản nhưng có lòng yêu nước và định hình con
đường cách mạng cho họ…
Thứ
ba, chính việc lực lượng TNTP ngày càng lớn mạnh đã giúp cho Cách mạng tháng
Tám ở Nam kỳ có những đặc điểm khác nhiều
so với ở ngoài Bắc và Trung kỳ.
Với việc “chỉ trong vòng 3 tháng, do Đảng
lãnh đạo và các tổ chức quần chúng của Đảng vừa giúp, Thanh niên Tiền Phong
phát triển rất mau, số đoàn viên lên đến 1.200.000 trong 21tỉnh thành Nam bộ,
riêng Sài Gòn có hơn 200.000”[22].
Đã tạo nên điều kiện cho người của Xứ ủy cài vào trong nội bộ các cơ quan, xí
nghiệp, tổ chức chính quyền của địch. Lực lượng cách mạng to lớn ấy chỉ còn đợi
thời cơ chính mùi là lập tức tiến lấy chính quyền mà không phải tốn kém nhiều
thời gian và xương máu (dù quân đội Nhật ở Nam kỳ sau 9.3.1945 khá đông và còn
nguyên vẹn sau khi chính phủ Nhật đầu hàng Đồng Minh). Nên GS. Trần Văn Giàu đã
nhận xét: “Ở Sài Gòn không có cảnh tiến
chiếm các công sở của chính quyền cũ như ngoài Bắc (như cảnh chiếm Bắc bộ phủ ở
Hà Nội); ngược lại toàn bộ công tư sở ở Sài Gòn đã được lực lượng cách mạng hay
thân cáchmạng… chiếm ngay từ bên trong”[23][10,5;6].
Chính
sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Nam kỳ mà tiêu biểu là tại Sài Gòn – Chợ
Lớn và Gia Định đã chứng minh thật hùng hồn cho sự sáng tạo và linh động trong
việc vạch ra đường lối cách mạng của Xứ ủy
Tiền Phong. Kết quả của sự sáng tạo trong xây dựng và phát triển lực lượng cách
mạng chính là TNTP một tổ chức công khai hợp pháp nhưng lại mang lại thành công
to lớn. Từ đó cũng góp thêm vào bài học công tác tổ chức Đảng trong chiến tranh
là: “không phải chỉ có hoạt động bất hợp pháp, bí mật mới là cách mạng,
còn hoạt động công khai, hợp pháp là cải lương”[24].
Trong
không khí cả nước phấn khởi chuẩn bị kỷ niệm 86 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (1945 - 2013). Nhắc
lại về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam bộ đặc biệt là tại Sài Gòn – Chợ
Lớn và Gia Định là một điều vô cùng ý nghĩa. Vì chính nhờ sự chỉ đạo tài tình của
Xứ ủy Tiền Phong với thế mạnh là lực lượng TNTP đã giúp cho Sài Gòn nói riêng
và Nam kỳ nói chung không phải vắng mặt trong một ngày hội lớn, quyết định vận mệnh của non sông. Dù hiện tại vẫn tồn tại nhiều nghi
kỵ về tổ chức Xứ ủy Tiền Phong và TNTP
song những đánh giá và bài học rút ra đó, không thể phủ nhận được sự thành
công, sáng tạo và linh động trong lãnh đạo cách mạng ở Nam kỳ trong tình cảnh
đường liên lạc với Trung ương bị cắt đứt. Ngược lại, chúng ta còn học được một
bài học quý giá về việc phải linh động
và triển khai những tư tưởng sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh của từng thời
kỳ, từng địa phương trong việc thực hiện các đường lối chủ trương của Đảng trong thời kỳ Hội nhập và phát triển.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1.Phạm Ngọc Bích (chủ biên), 2008, Cách mạng tháng tám 1945 ở Sài Gòn – Chợ Lớn và
Gia Định, NXB Tổng hợp TP.HCM.
2.Nguyễn Thị Thùy Dung, (2009), “Cách mạng Tháng Tám – kết quả của 15 năm
chuẩn bị trực tiếp của toàn Đảng, toàn dân ta”, trích Những khía cạnh lịch
sử - văn hóa Việt Nam và Thế giới, NXB Chính trị Quốc gia, HN.
3.Trần
Bạch Đằng, (2005), “Cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ và Nam bộ kháng chiến năm mươi năm
nhìn lại”, trích Cách mạng Tháng Tám một sự kiện vĩ đại của thế kỷ XX, NXB
Chính trị Quốc gia, HN.
4.
Phạm Thị Huệ, (2013), Phong trào Dân tộc dân chủ ở Nam kỳ 1930 – 1945 nghiên cứu
qua tài liệu lưu trữ, NXB CTQG, HN.
5.
Trần Văn Giàu, (2005), “Mấy đặc điểm của
Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn”, trích Sài Gòn mùa thu 1945, NXB CAND.
6.
Trần Văn Giàu (1995), Hồi ký 1940 – 1945
(bản đánh máy), TP.Hồ Chí Minh.
7.
Trần Văn Giàu, (2005), Sài Gòn mùa thu 1945, NXB CAND.
8. Trần Văn Giàu (chủ biên),
(1987), Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí
Minh, NXB TP. HCM,
9. Võ Nguyên Giáp, (1975), Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước,
NXB Quân đội nhân dân, HN.
10. Nhiều tác giả (2010), Kỷ yếu Hội
thảo Cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ, NXB ĐH SP TP.HCM
11.
Dương Trung Quốc, (2005), Việt Nam những
sự kiện lịch sử (1919 – 1945), NXB Giáo dục, HN.
12. Huỳnh Văn Tiểng – Bùi Đức Tịnh (1985), Thanh niên Tiền Phong và các
phong trào học sinh sinh viên, trí thức Sài Gòn
1939 – 1945, NXB Trẻ.
13. Viện Sử học (2000), Cách mạng
Tháng Tám 1945 – Những sự kiện lịch sử, NXB KHXH, HN
[1]GV Trường THCS Võ Trường
Toản – Q1 TP.HCM.
[2]Phạm Thị Huệ, (2013),
Phong trào Dân tộc dân chủ ở Nam kỳ 1930 – 1945 nghiên cứu qua tài liệu lưu trữ,
NXB CTQG, HN, tr 190.
[3]Phạm Thị Huệ, (2013),
Phong trào Dân tộc dân chủ ở Nam kỳ 1930 – 1945 nghiên cứu qua tài liệu lưu trữ,
NXB CTQG, HN, tr 192.
[4]
Dương Trung Quốc, (2005), Việt Nam những
sự kiện lịch sử (1919 – 1945), NXB Giáo dục, HN, tr335
[5]Triệu Vũ – Hoàng Văn Lễ,
Vai trò của Xứ ủy Giải Phóng và Xứ ủy Tiền
Phong trong Cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ, trích kỷ yếu Hội thảo Cách mạng
Tháng Tám ở Nam bộ, NXB ĐH SP TP.HCM, tr197.
[6]Cả hai Xứ ủy cũng từng
gặp nhau tại các Hội nghị và các tháng 4,5 và 6.1945 để bàn việc thống nhất tổ
chức và lãnh đạo nhưng điều không thành công.
[7]Trần
Văn Giàu, (2005), “Mấy đặc điểm của Cách
mạng Tháng Tám ở Sài Gòn”, trích Sài Gòn mùa thu 1945, NXB CAND, tr 29-30.
[8]Trần Văn Giàu, (2005),
“Mấy đặc điểm của Cách mạng Tháng Tám ở
Sài Gòn”, sđd, tr 32.
[9]7 đồng chí gồm: Trần
Văn Giàu, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Oanh, Dương
Khuy, Dương Quang Đông, Nguyễn Tấn Đức,
Nguyễn Côn.
[10]Trần Văn Giàu (1995), Hồi ký 1940 – 1945 (bản đánh
máy), TP.Hồ Chí Minh, tr 67.
[11]Phạm Ngọc Bích (chủ
biên), 2008, Cách mạng tháng tám 1945 ở
Sài Gòn – Chợ Lớn và Gia Định, NXB Tổng
hợp TP.HCM, tr54.
[12]Phạm Ngọc Bích (chủ
biên), sđd, tr55.
[13]Viện Sử học (2000),
Cách mạng Tháng Tám 1945 – Những sự kiện lịch sử, NXB KHXH, HN, tr 386.
[14]Trần Văn Giàu (1995), Hồi ký 1940 – 1945 (bản đánh
máy), TP.Hồ Chí Minh, tr 123.
[15]Vốn xuất phát từ việc
đổ ngược cờ Việt Minh lại để cho tiện
khi khởi nghĩa giành chính quyền thì lật
lại mà địch thì không phát hiện được.
[16]Phạm Ngọc Bích (chủ
biên), sđd, tr 87.
[17]Chủ bút Mai Văn Bộ, thư ký tòa soạn Quách Vũ (Quách Vĩnh Chương).
[18]Huỳnh Văn Tiểng – Bùi
Đức Tịnh (1985), Thanh niên Tiền Phong
và các phong trào học sinh sinh viên, trí thức Sài Gòn 1939 – 1945, NXB Trẻ, tr 25.
[19]Viện Sử học, sđd, tr
387.
[20]Trần
Bạch Đằng, (2005), “Cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ và Nam bộ kháng chiến năm mươi năm
nhìn lại”, trích Cách mạng Tháng Tám một sự kiện vĩ đại của thế kỷ XX, NXB
Chính trị Quốc gia, HN, tr 381.
[21]Võ Nguyên Giáp,
(1975), Chiến tranh giải phóng và chiến
tranh giữ nước, NXB Quân đội nhân dân, HN, tr25.
[22]Trần Văn Giàu (chủ
biên), (1987), Địa chí văn hóa Thành phố
Hồ Chí Minh, NXB TP. HCM, tr 340.
[24]Nguyễn
Thị Thùy Dung, (2009), “Cách mạng Tháng
Tám – kết quả của 15 năm chuẩn bị trực tiếp của toàn Đảng, toàn dân ta”,
trích Những khía cạnh lịch sử - văn hóa Việt Nam và Thế giới, NXB Chính trị Quốc
gia, HN, tr 226.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét