Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Nghiên cứu và lý luận



CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT VỚI 
NỀN SỬ HỌC ĐỔI MỚI
Nguyễn San Hà*
Tóm Tắt:
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) là một chiến sĩ trung kiên của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ đất nước tiến hành đổi mới toàn diện sau Đại hội VI (1986). Đồng chí đã có những đóng góp mang tính chiến lược kể cả đối nội và đối ngoại, từng bước tạo đà cho Việt Nam phát triển đến hôm nay. Song nhận thấy, một lĩnh vực  mà Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm và cũng dành nhiều tâm huyết với nó chính là lịch sử. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tác giả mong muốn góp thêm những thông tin về quan điểm, tư tưởng và những đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với nền sử học đổi mới – trong thời kỳ đất nước cũng đang đẩy mạnh đổi mới.
I.ĐẶT VẤN ĐỀ
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 - 2008) tên khai sinh là Phan Văn Hòa – bí danh Sáu Dân là một trong những nhà lãnh đạo nòng cốt, xuất sắc của Việt Nam trong quá trình đổi mới. Khi nói đến ông chúng ta không thể quên: vị chủ  tịch thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm “bứt phá” tìm hướng đi cho sản xuất kinh doanh vào cuối những năm 1970; nhà lãnh đạo có công lớn thúc đẩy công cuộc đổi mới, đặc biệt là khi ông ở cương vị Thủ tướng 1991 – 1997 với các công trình ngọt hóa đồng bằng sông Cửu Long; đường dây 500KW Bắc - Nam; cũng như việc mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới…
Nhưng thật là thiếu sót  khi không nói đến những gắn bó thân thiết của vị nguyên thủ, của ông Cố vấn Sáu Dân đối với nền sử học đổi mới – trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ mong muốn chỉ ra được vị trí và những việc làm mang tính thúc đẩy việc đổi mới nền sử học Việt Nam. Một lĩnh vực mà ở bất cứ cương vị nào ngài Võ Văn Kiệt cũng quan tâm và tích cực tham gia.
II.NỘI DUNG
1.Giới chuyên môn đánh giá cao sự quan tâm của Ngài Võ Văn Kiệt đối với nền sử học
Những công lao của Ngài Võ Văn Kiệt đã đóng góp cho đất nước và nhân dân Việt Nam có thể đủ thể hiện ông là một “nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người chiến sĩ kiên trung, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân…”[1] như trong “Lời Điếu” của Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại lễ truy điệu Đồng chí Võ Văn Kiệt. Không dừng lại ở một lĩnh vực nào, ông đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều lĩnh vực để có thể kịp thời nghe được tâm tư và nguyện vọng của nhân dân rồi tìm hướng giải quyết.
Giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam), rất bàng hoàng và đau buồn khi nghe tin từ trần của Anh Sáu Dân. Theo giáo sư: “Anh (Sáu Dân) dành nhiều tâm sức cho những vấn đề lớn của quốc gia dân tộc trên bước đường vượt qua những “sức ỳ” của lịch sử, những quán tính của tư duy cũ, đẩy mạnh công cuộc đổi mới về mọi mặt, nhất là khi đất nước đi vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…”[2]. Bên cạnh đó,“Anh luôn nhắc nhở tôi và những người làm sử phải làm sao nhận thức cho đúng lịch sử như nó đã từng tồn tại, làm sao nhìn nhận và đánh giá cho công minh các nhân vật lịch sử”[3]. Từ đó, mà ông động viên Hội tổ chức nhiều cuộc hội thảo liên quan đến lịch sử hay nhân vật lịch sử để kịp thời tiếp cận những thông tin đúng.
Giáo sư Văn Tạo trong bài viết “Những ý kiến của Sáu Dân cần được coi trọng” đã nhấn mạnh rằng: “Tôi biết ơn và vô cùng thương tiếc đồng chí Võ Văn Kiệt – Một nhà lãnh đạo yêu khoa học, trọng trí thức”[4]. Vì ngài Võ Văn Kiệt không chỉ yêu và coi trọng trí thức mà ông còn đi theo sát với các nhà khoa học (cả tự nhiên và xã hội). Đặc biệt giáo sư Văn Tạo đánh giá cao: việc đồng chí Thủ tướng đã nghe và thực hiện việc không giải tán Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) để sát nhập vào các viện thuộc các trường Đại học. Sau cùng trong bài viết của mình giáo sư thấy rằng: “Những ý kiến của anh Sáu Dân gửi T.Ư. Đảng gần đây rất cần được coi trọng”[5].
Còn theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, sau những lần tiếp xúc với  ngài Võ Văn Kiệt thì đã nhìn nhận và coi ông là “Người cận vệ của lịch sử”. Nhà sử học viết: “Tôi không quên hình ảnh ông Sáu Dân, cùng với những người tâm giao của mình như thầy Trần Văn Giàu, ông Trần Bạch Đằng,…niềm tin chỉ có thể xác lập sự công bằng với những vấn đề của quá khứ thì mới có niềm tin và sức mạnh phấn đấu cho một tương lai công bằng phát triển…”[6]. Quan điểm đó, luôn tồn tại và thấy được ở ông Sáu Dân.
Như vậy, ngài Võ Văn Kiệt đã được giới sử học đánh giá cao về những đóng góp  tích cực và sự quan tâm đặc biệt đối với lịch sử. Vậy chúng ta cần phải làm rõ quan điểm và việc làm của ông đối với nền nền sử học đang trong thời kỳ đổi mới.

2. Người luôn ủng hộ cái đúng và đổi mới trong sử học
Ngay từ khi còn giữ những chức vụ quan trọng ở Trung ương, ngài Võ Văn Kiệt đã có sự quan tâm đặc biệt đến những vấn đề lịch sử. Rồi sau khi thôi giữ chức vụ Thủ tướng chính phủ, ông lại có điều kiện để tham gia nhiều hơn và ủng hộ những hoạt động liên quan đến sử học. Điều đó thể hiện cụ thể như:
Thứ nhất, ngài Võ Văn Kiệt là người luôn ủng hộ cái đúng, cái công bằng trong lịch sử. Ông cho rằng: “đánh giá, sử dụng những sự kiện lịch sử như thế nào là thuộc trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị, nhưng đối với các nhà sử học thì tính chân thực của lịch sử là quan trọng”[7], điều đó cho thấy một quan điểm tiến bộ và rất tích cực trong việc đẩy mạnh sự phát triển của nền sử học Việt Nam. Có lẻ vì điều đó, mà giáo sư Văn Tạo đánh giá cao đóng góp của Cố Thủ tướng hay chuyện ông đòi hỏi giáo sư Phan Huy Lê như ở trên đã trình bày.
Thứ hai, Võ Văn Kiệt luôn ủng hộ việc đẩy mạnh biên soạn lịch sử theo quan điểm mới. Trên cơ sở luôn “ủng hộ cái đúng và đòi hỏi công bằng trong lịch sử”, ông đã tham gia hay hỗ trợ cho công tác biên soạn các bộ sử lớn đặc biệt là lịch sử liên quan đến Nam bộ. Đồng thời, cũng chủ trương tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học để có thể cập nhật thêm nhiều thông tin quý báo về lịch sử (đặc biệt là lịch sử hiện đại Việt Nam). Theo Cố Thủ tướng “Không ít sự việc đã đi vào văn kiện chính thức với sự đánh giá cụ thể, song như vậy không có nghĩa là người sau phải chấp nhận như không có gì để bàn cãi – thực sự, vẫn là con người đánh giá các sự việc với cả mặt sáng suốt lẫn hạn chế của con người trong cuộc”[8] quan điểm này đã cho thấy đòi hỏi không nên cứng ngắc thiếu linh động trong nhận xét đánh giá vấn đề lịch sử, xem những gì đang có là “bất khả xâm phạm”. Do đó, nhiều công trình lịch sử đồ sộ ra đời tiêu biểu như: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (do Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch hội đồng chỉ đạo biên soạn). 
Thứ ba, Võ Văn Kiệt luôn luôn ủng hộ cho những hoạt động đổi mới nền sử học mang tính thiết thực cao. Trong bức thư được in ở bìa cuối cuốn “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”, Cố Thủ tướng viết: “Tôi rất hoan nghênh sáng kiến của tạp chí “Xưa và Nay” chủ trương làm tượng của các nhân vật lịch sử ở nước ta để vừa thể hiện tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, giáo dục đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”…”[9]. Bản thân ông cũng đã tham gia “một gọt đồng” (tương đương 2 triệu đồng) để đúc tượng đồng Liệt sĩ cách mạng Tạ Uyên. Không dừng lại ở đó, ông còn đề nghị với Nhà sử học Dương Trung Quốc làm sao để có thể đặt được tượng của những người nước ngoài có công với đất nước ta như: Alêchxăng đờ Rốt đóng góp vào sự phát triển chữ Quốc ngữ; chị Raymôngđiên lấy thân mình chặn đoàn tàu chở vũ khí của Pháp; thanh niên Mỹ Môrixơn tự thiêu để chống chiến tranh Việt Nam…tất cả ý tưởng đó có được vì “Ông bảo giờ đây hội nhập phải có cách bày tỏ lòng biết ơn bạn bè, thiên hạ đã giúp ta…”[10].Đây cũng là một điều mà các nhà quản lý văn hóa và nghiên cứu lịch sử cần phải quan tâm trong tương lai. Hay việc ông đặt vấn đề và ủng hộ giới khoa học lịch sử nghiên cứu đánh giá lại một số nhân vật lịch sử Nam bộ cũng cho thấy sự mong muốn đổi mới nền sử học.
3. Người luôn đặt vấn đề xét lại những nhân vật lịch sử phức tạp
Việc ngài Thủ tướng ủng hộ tích cực việc tổ chức các hội thảo khoa học, tọa đàm lịch sử để đánh giá lại các nhân vật lịch sử dân tộc trong các thời kỳ đầy biến động là một đặc điểm tiêu biểu thể hiện sự quan tâm và gắn bó với nền sử học. Trong lúc còn sống Võ Văn Kiệt là người tích cực đặt vấn đề này và tham gia việc “minh oan” cho 3 nhân vật tiêu biểu là: Tả quân Lê Văn Duyệt; Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký.
Thứ nhất, đối với Tả quân Lê Văn Duyệt từ lâu ông đã đặt vấn đề và nêu rằng: “Vì sao những cán bộ chính trị, trong đó có cả một số người cho mình là khoa học, lên án đủ điều nhân vật này trong lịch sử thì nhân vật lại ngưỡng vọng, tôn vinh thành một vị thành hoàng ?”[11]. Sau đó, được dự cuộc tọa đàm liên quan đến nhân vật này, ông đã đến dự sớm nhất (dù đang ở cương vị Cố vấn BCH Trung ương). Qua xem xét và lắng nghe các báo cáo, ông đã đi đến nhận định “tôi thấy tư duy và ứng xử của Lê Văn Duyệt có nhiều điểm ở tầm quốc  sách và có những mặt khá gần gũi so với một số chủ trương của chúng ta trong thời kỳ đổi mới”[12] điều này cũng đủ làm an lòng “Đức ông” và cũng mở đường cho các nhà nghiên cứu tiếp tục đánh giá theo tư tưởng mới.
Thứ hai, đối với nhân vật Phan Thanh Giản thì ngài Võ Văn Kiệt đặc biệt quan tâm và tìm hiểu hơn. Hầu như những tư liệu sách báo viết về nhân vật này ông đều tìm đọc hết. Ngay đến những bức thư của các cá nhân gửi đến các cơ quan xin “minh oan và trả lại sự công bằng” cho Phan Thanh Giản của Nguyễn Trung Sinh; hay thư của ông Huỳnh Long Vân (ở Sydney) kiến nghị về việc xin trả lại tên trường Phan Thanh Giản (hiện là trường Châu Văn Liêm) đều đến tay Võ Văn Kiệt và ông đã gửi đến các cơ  quan chức năng có thẩm quyền. Và tại Hội thảo “Thế kỷ XXI, nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” (2002) tại TP. Hồ Chí Minh. Ngài Võ Văn Kiệt đã phát biểu rất dứt khoát: “Theo tôi chúng ta không nên hẹp hòi với tiền nhân. Phan Thanh Giản xứng đáng được gọi là nhà yêu nước!”[13] và đã kiên định với quan điểm trên, dù sao Hội thảo vẫn còn nhiều ý kiến gây tranh cải.
Thứ ba, riêng về nhân vật Trương Vĩnh Ký, dù ít tìm hiểu hơn so với hai vị trên. Nhưng dù đang có việc bận, ông vẫn gửi thư cho ban tổ chức tọa đàm “Trương Vĩnh Ký với văn hóa”. Ngài Võ Văn Kiệt tán đồng ý kiến  với giáo sư Đinh Xuân Lâm  trong lời giới thiệu cuốn “Trương Vĩnh Ký – Bi kịch cuộc đời” của Hoàng Lại Giang rằng: “Sở dĩ có tình hình đáng tiếc đó chính vì nhận định, đánh giá một nhân vật lịch sử mà không gắn với thời đại lịch sử, trong đó người ấy sống và hành động, lại nặng nề suy diễn chủ quan một cách không thấu tình đạt lý ”[14]. Sau đó, ông nêu lên niềm tin vào các nhà chuyên môn sẽ cố gắng nghiên cứu để có những đánh giá đúng và trả nhân vật về đúng địa vị lịch sử, qua đó mà rút  cho hiện tại và tương lai những bài học quý giá và bổ ích.
Như vậy, bằng những đóng góp quý báo trong việ ủng hộ đánh giá lại các nhân vật lịch sử phức tạp của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giúp thổi thêm luồng khí mới vào nền sử học hiện tại của chúng ta.
III. KẾT LUẬN
Qua phần tìm hiểu những quan điểm, đóng góp và ủng hộ quý giá của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng ta thấy rõ hơn, ông không chỉ là một trong người góp phần xây dựng trang sử thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sau đổi mới 1986. Và giờ đây chúng ta còn biết đến ông như là một người đóng góp vào việc đổi mới nền sử học nước nhà. Đặc biệt là việc tham gia và ủng hộ công tác đánh gia lại các nhân vật lịch sử với tư tưởng chủ đạo là “lịch sử phải có tính công bằng đúng với những gì nó đã tồn tại”. Song song đó, tác giả cũng mong muốn có một vài đề xuất  tại Hội thảo lần này như:
Thứ nhất, phải tiến hành tổng kết, lưu giữ và tập hợp in ấn ngay những bài viết, phát biểu cũng như tư liệu lịch sử về Cố  Thủ tướng Võ Văn Kiệt để giới nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu và đóng góp thêm ý kiến đánh giá nhân vật này.
Thứ hai, các Viện khoa học, hội lịch sử và các cơ quan liên quan nên có các công trình ở cấp quốc gia hay đơn vị nghiên cứu một cách toàn diện hệ tư tưởng, lý luận và thực tiễn những đóng góp của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên nhiều lĩnh vực và công bố rộng rãi cho công chúng.
Thứ ba, các cơ quan chức năng cũng như Đảng và Nhà nước cũng cần phải xem xét lại hệ thống các kiến nghị của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước khi mất, để thông qua đó xem xét tính khả thi thực hiện và giải quyết các vấn đề trong xã hội. Đó cũng là một việc nên làm để dấu ấn Võ Văn Kiệt luôn tồn tại cùng sông núi. 

(THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO VÕ VĂN KIỆT VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM NĂM 2012)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nhiều tác giả, Dấu Ấn Võ Văn Kiệt, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Văn Hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2008.
2.Nhiều tác giả, Những Câu Chuyện Về Anh Sáu Dân (Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), NXB Thông tấn, Hà Nội, 2008.
3.Nhiều tác giả, Thế Kỷ XXI Nhìn Về Trương Vĩnh Ký, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2006.
4.Trần Văn Sung, Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Thời Đại, TP.HCM, 2012.
5.Tạp chí Xưa & Nay, số 378 tháng 4 năm 2011






*Giáo viên – Trường THCS Võ Trường Toản, Q1 – TP.HCM
[1] Nhiều tác giả, Những câu chuyện về anh Sáu Dân (Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2008. Tr 12.
[2] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Văn Hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2008. Tr 12.
[3] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd. Tr 12.
[4] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd. Tr 269.
[5]Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd. Tr 270.
[6] Nhiều tác giả, Những câu chuyện về anh Sáu Dân, sđd. Tr 211.
[7] Trần Văn Sung, Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Thời Đại, TP.HCM, 2012. Tr 184.
[8] Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trích từ Tạp chí Xưa & Nay, số 378 tháng 4 năm 2011. Tr 9.
[9] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd.
[10] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd. Tr 278.
[11] Nhiều tác giả, Những câu chuyện về anh Sáu Dân, sđd. Tr 211.
[12] Trần Văn Sung, Tả Quân Lê Văn Duyệt, sđd. Tr 185.
[13] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd. Tr 273.
[14] Nhiều tác giả, Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Văn Hóa Sài Gòn, TP.HCM 2006. Tr 9.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét