Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018


TIẾP CẬN CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG TẾT MẬU THÂN 1968
QUA LÁT CẮT VĂN HÓA
NGUYỄN SAN HÀ[1]
Tóm tắt
Cuộc “Tổng tiến công Tết Mậu Thân” diễn ra vào năm 1968 đến nay đã tròn 50 năm. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm và nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước Việt Nam, với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau trong suốt thời gian qua. Dù có những đánh giá và nhận định gây tranh cải, song các nhà khoa học đều giành cho sự kiện lịch sử này một vị trí đặc biệt trong tiến trình lịch sử của hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tác giả không tham vọng “lật lại” câu chuyện thắng - thua  của  cuộc “Tổng tiến công Tết Mậu Thân”, mà chỉ tiếp cận cuộc nó qua một lát cắt văn hóa trong tổng thể những vấn đề nổi lên quanh sự kiện lịch sử này. Để từ đó, người đọc có thêm nhiều suy nghĩ về một sự kiện lịch sử vốn rất quen thuộc với cả nhân dân hai đất nước là Việt Nam và Hoa Kỳ.
***
Sự kiện “Tổng tiến công Tết Mậu Thân” năm 1968 đã diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt đối với chính trường Hoa Kỳ. Tiếp cận sự kiện lịch sử này qua lát cắt văn hóa chính là việc tác giả đi vào tìm hiểu và trả lời những nghi vấn mà đã có nhiều người đặt ra xoay quanh sự kiện vốn được đánh giá là “tiếng sét phá tan màn đêm tại thủ đô Washington” của cường quốc Hoa Kỳ.
1. Chiến lược “chiến tranh cục bộ”  đã mang lại gì cho chính phủ Hoa Kỳ ?
Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta hãy thử quay lại cuộc chiến tranh tại Việt Nam vào thời điểm đầu năm 1965 khi mà chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của chính phủ Hoa Kỳ bày ra đang trong giai đoạn nguy kịch ! Để tiếp tục thực hiện cam kết cứu nguy cho chính quyền Sài Gòn đang trên đà khủng hoảng, chính phủ Hoa Kỳ đã tiến thêm một bước trên nấc thang chiến tranh, bằng việc triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Gắn liền với chiến lược chiến tranh mới này là tên tuổi của những người nổi ở đất nước cờ hoa trong những thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX như: Tổng thống Johnson, Bộ trưởng quốc phòng Mc Namara, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam tướng Westmoreland… Họ đã cùng nhau nghiên cứu một cách bài bản về chiến trường Việt Nam cũng như đặc biệt quan tâm đến những phân tích thái độ phản ứng của các nước lớn trong khối xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc.
Mục tiêu của chính phủ Hoa Kỳ trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” là mong muốn đánh bại cuộc cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (tức từ giữa 1965 đến 1967)[2]. Xét về lực lượng là một sự phối hợp giữa hai lực lượng chiến lược gồm: quân viễn chinh Hoa Kỳ  và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trong đó, quân Hoa Kỳ phát huy sức mạnh cơ động của các binh sĩ được đào tạo bài bản thực hiện chủ yểu vai trò “tìm diệt” bộ đội chủ lực của ta; còn quân đội Việt Nam Cộng hòa giữ nhiệm vụ chiếm đóng, kìm kẹp nhân dân tại miền Nam Việt Nam. Biện pháp được triển khai trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” được xem là “cố gắng quân sự lớn nhất, bước leo thang chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ ở miền Nam, cũng là lần đầu Hoa Kỳ đưa nhiều quân nhất đi xâm lược, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai”[3]. Đặc biệt trong lần này, ngoài việc đưa quân Mỹ và đồng minh[4] ồ ạt vào miền Nam để mở các cuộc tiến công “tìm  diệt” lớn[5]; Hoa Kỳ còn tiến hành dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc hòng ngăn cản sự chi viện từ Bắc vào Nam.
Song dù các tướng lĩnh Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam Cộng Hoa chuẩn bị thật chu đáo, nhưng với quyết tâm đánh bại kẻ thù của quân và dân miền Nam Việt Nam đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Hoa Kỳ. Từ những trận đánh đầu tiên như Núi Thành (26/5/1965), Vạn Tường (18/8/1965) đã giúp cho quân và dân miền Nam tìm ra lời giải về cách đánh thắng quân đội viễn chinh Hoa Kỳ. Tiếp nối tinh thần của trận Vạn Tường, quân và dân miền Nam tiếp tục đánh bại quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1967)[6] một cách oanh liệt. Tất cả những chiến thắng đó đối với quân đội viễn chính Hoa Kỳ được xem như “mũi dao” đâm thủng mọi mục tiêu chiến lược “tìm diệt” và “bình định” mà chính phủ nước này đặt ra cho hai cuộc phản công.
Cũng từ tình thế đó, các nhà hoạch định và triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ” tại miền Nam Việt Nam đã bắt đầu phải đối diện với vô số khó khăn, trước khi quân Giảng phóng miền Nam tổ chức cuộc “Tổng tiến công Tết Mậu Thân” năm 1968.
Trước tiên, với những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam Việt Nam đã gây nên một sự chia rẻ sâu sắc trong nội bộ chính phủ Hoa Kỳ. Vào giai đoạn đầu, khi chính phủ Hoa Kỳ tiến hành triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” thì đa số những quan chức cấp cao ở Nhà Trắng và Ngũ giác đài vẫn còn rất hoan nghênh việc làm đó. Họ rất mạnh dạng trong việc không ngừng ủng hộ mọi biện pháp mạnh để chừng trị miền Bắc Việt Nam (tức chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa) trong việc tăng cường hỗ trợ cho lực lượng Việt cộng (tức chỉ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam[7]) tại miền Nam Việt Nam. Tác giả H.Y.Schandler trong cuốn sách “Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam” đã ghi nhận rằng: các nhà lãnh đạo quân sự tán thành biện pháp mạnh, dùng đến vũ lực một cách sôi động và hùng hậu vì chỉ có cách ấy mới có thể gây sức ép đáng kể đối với Bắc Việt Nam[8]. Để lý giải cho hành động đó, chính phủ của Johnson và quốc hội cho rằng: Hoa Kỳ coi việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế tại Đông Nam Á rất thiết yếu cho quyền lợi quốc gia của họ và cho hòa bình thế giới ? Một khi tính chất thiết yếu của nhiệm vụ chúng ta đã được xác nhận đầy uy tín như thế không một quan chức cấp cao nào đó có thể đang tâm nuôi dưỡng ý nghĩ rút lui”[9]. Vì đa số những người ở Washington “đều nhất trí rằng mất Nam Việt Nam thì tất cả Đông Nam Á sẽ mất”[10].
Thế nhưng sự nhất chí ấy đã liên tục chuyển biến, sau một thời gian thử thách tại chiến trường miền Nam Việt Nam của quân đội Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo về cơ bản đã có sự phân liệt. Một nhóm đánh giá việc thực hiện ném bom miền Bắc và đổ quân “tìm diệt” và “bình định” tại miền Nam còn quá hạn chế và cần phải “mở rộng” hơn sự hạn chế đó. Tư tưởng này nằm chủ yếu trong giớ quân nhân chóp bu của chính quyền. Tiêu biểu như phát biểu của Thượng nghị sĩ Stennis Chủ tịch Ủy ban Quân lực tuyên bố rằng: Các vị tư lệnh quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam không được cung ứng đầy đủ quân lính cần thiết và việc ném bom miền Bắc lại bị hạn chế quán đáng[11] hay như của Chủ tịch Menden Rivers của Ủy ban Quân lực Hạ nghị viện còn kêu gọi Hoa Kỳ nên đánh tan Hà Nội nếu cần, bất chấp dư luận thế giới[12]. Tất cả thể hiện một lối văn hóa giải quyết vấn đề của những người đang dựa vào tiềm năng quân sự và sức mạnh kinh tế sẵn có của Hoa Kỳ trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX.
Ngược lại với trên, thì có những nhân vật cảm thấy cần phải có một giải pháp tăng quân hiệu quả và tiến hành một cuộc chiến tranh “vô hạn định” để đối phó với lực lượng cách mạng tại miền Nam Việt Nam và sự chi viện của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc. Tiêu biểu cho cánh tư tưởng này chính là bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mc Namara. Ông đề nghị nên thay đổi trọng tâm của chiến lược Hoa Kỳ: “Thay vì đánh bại địch quân bằng các hoạt động tiến công như các vị tư lệnh quân sự thường kiên trì đề nghị...chủ trương giải pháp nên trở về một tư thế có phần là thế thủ, bằng cách thu xếp cho chúng ta vào một tư thế quân sự có thể tin rằng chúng ta có thể duy trì vô hạn định - một tư thế có thể làm cho Bắc Việt  Nam/ Việt Cộng thấy việc ngồi chờ cho chúng ta chán và bỏ đi không còn hấp dẫn nữa”[13]. Hoặc sau khi trình bày chương trình 5 điểm[14] của mình, Mc Namara đã nhận định: “chỉ có cách là chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến tranh lâu dài hơn nhằm chứng minh rõ ràng rằng đối với nhân dân Hoa Kỳ các phí tổn và nguy cơ kéo dài vẫn còn trong giới hạn chấp nhận được, đã có giải pháp để thắng lợi và việc kết thúc chiến tranh chỉ là một vấn đề thời gian mà thôi”[15]. Rõ ràng, chính việc quân đội viễn chính Hoa Kỳ và các nước đồng mình bị sa lầy sâu hơn trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm cho mọi sự nhất trí của giới chức cấp cao trong vấn đề giải pháp chiến trường trở nên viễn vong và khó mà thực hiện. Nhà báo Don Oberdoifer ghi nhận rằng: “Một số muốn tăng cường ném bom, một số muốn một sự giải quyết bằng thương lượng và rút quân từng bước còn nhiều người thì ủng hộ bất cứ cách nào xem ra có thể kết thúc được chiến tranh...”[16]  Điều đó, lại chính là nhát dao oan nghiệt đâm vào tìm một cường quốc thừa tiền, lắm của như Hoa Kỳ, hệ quả là sự thông minh và tỉnh táo đã bị hạn chế.
Kế đến, xuất hiện một sự chia rẽ có phần sâu sắc hơn giữa người dân Hoa Kỳ và chính phủ của họ. Nhà báo Don Oberdoifer đã viết rằng: “Hàng triệu người Mỹ những người có khuynh hướng giao phó chiến cuộc cho Tổng thống và các tướng lĩnh, bây giờ càng ngày càng thất vọng, nhức nhối và hoài nghi về cuộc xung đột ở bán đảo Đông Dương. Nhiều người trong số họ đã chấp nhận chiến tranh như là một cuộc phiêu lưu chống cộng đáng mong muốn chừng nào mà hành động đó tỏ ra thắng lợi và tương đối ít đau đớn, nhưng rồi thắng lợi đã trở thành điều có thể bàn cãi và mơ hồ còn sự đau đớn thì ngày càng tăng”[17] để miêu tả về tâm trạng người dân Hoa Kỳ thất vọng trong đưa quân sang tham chiến tại Việt Nam. Hoàn cảnh ở Việt Nam trong giai đoạn từ 1965-1967, thật sự đã tạo ra một sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức của người Mỹ về cuộc chiến như Don Oberdoifer ghi nhận: Những cuộc tranh cải của họ không phải về mục đích của cuộc chiến tranh mà là về khả năng thất bại. Rõ ràng là trong mùa thu năm 1967 những thay đổi lập trường này phản ánh sự xâm nhập vào thái độ trung gian của phần lớn dư luận Mỹ, và điều này là nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những cuộc đi bộ hòa bình hay những cuộc khẩu chiến chống chiến tranh. “Không chúng tôi sẽ không đi” ! trên miệng của những thanh niên phản đối chiến tranh không phải là vấn đề lớn lao về mặt chính trị đối với chính quyền Giôn xơn. “Chẳng ăn nhằm gì” trên miệng của các nghị sĩ thuộc phái lưng chừng và các cử tri của họ lại là một vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề này  lại càng nghiêm trọng gấp nhiều lần nếu chiến cuộc ở châu Á lại không tiến triển thuận lợi đối với họ[18]. Sự chuyển biến tư tưởng ấy tỏ ra mạnh hơn như nhà báo kể: Hầu như tất cả những người được cử đến Sài Gòn vào năm 1966 và năm 1967 mất hết ý nghĩ rằng đây là một cuộc chiến tranh khá tốt đẹp ở một vị trí khá tốt đẹp, và hầu hết những người này sớm hay  muộn cũng thay đổi quan niệm của mình[19]. Thật sự lòng tin và sự chia rẽ trong xã hội Hoa Kỳ xoay quanh cuộc chiến tranh Việt Nam đã trở thành vấn đề nan giải cho chính quyền Tổng thống Johnson.
Cuối cùng, một trong những di sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” tính cho đến trước sự kiện “Tổng tiến công Tết Mậu Thân” năm 1968 diễn ra, chính là sự lên án và cô lập đến khó thở của cộng đồng thế giới tiến bộ đối với chính phủ Johnson. Trong khi tổ chức Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam không ngừng được chào đón và ủng hộ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, thì đối Hoa Kỳ việc lên án và cô lập lại có chiều hướng gia tăng. Tiêu biểu của việc lên án cường quốc Hoa Kỳ sự kiện tòa án Bertrand Russell[20] xét xử tội ác chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam vào giữa năm 1967 và tội ác chính phủ đã được phanh phui trong hai phiên tòa tổ chức sau đó. Đây cũng được coi như là một bằng chứng về sự cô lập đó của Mỹ[21]. Bên cạnh đó còn có Hội nghị Quốc tế lên án chiến tranh hóa học của Hoa Kỳ ở Pháp và Bắc Âu (1970); hoặc các công tác tăng cường  giao lưu hoạt động đối ngoài giữa Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với nhân dân tiến bộ thế giới, đặc biệt là nhân dân Hoa Kỳ để qua đó lên án tội ác của chính quyền Johnson trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
2.Sự kiện “Tổng tiến công Tết Mậu Thân” năm 1968 tạo ra điều gì cho chính quyền Johnson ?
Trên cơ sở đánh giá và rút kinh nghiệm chiến thắng trong hai cuộc phản công mùa khô (1965-1967) trước quân viễn chinh Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, cũng như những thắng lợi khác trên mặt trận chính trị và ngoại giao, tại Hội nghị Bộ Chính trị (12/1967) và Hội nghị toàn thể Ban chấp hành lần thứ 14 (1/1968), thì Trung ương Đảng đã đi đến quyết định lịch sử: “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới – thời kỳ giành thắng lợi quyết định” và chỉ rõ trong đó: Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.
Toàn quân dân miền Nam tiến hành cao độ công tác chuẩn bị cho cuộc “Tổng tiến công Tết Mậu Thân” một cách nghiêm túc với tinh thần ý thức cao độ. Đến 20/1/1968, quân giải phóng đánh đòn nghi binh ở Khe Sanh  nhằm thu hút lực lượng quân viễn chinh Hoa Kỳ. Sau đòn nghi binh chiến lược tại Khe Sanh, thì vào đêm giao thừa  tết Mậu Thân (31/1/1968)[22], quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy ở hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn và vùng nông thôn do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Toàn bộ cuộc “Tổng tiến công Tết Mậu Thân” được diễn ra trong vòng 3 đợt[23] và thu được những thắng lợi quan trọng.
Về phía Hoa Kỳ, do bị ảnh hưởng của tình hình nội bộ đất nước có sự chia rẽ sâu sắc giữa các quan chức cấp cao chính quyền Johnson, đã làm cho công cuộc chuẩn bị đối phó với một đòn tiến công mới của lực lượng quân giảng phóng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Thứ nhất, các tướng lĩnh và quan chức Hoa Kỳ đã “loay hoay” trong việc đối phó với sự kiện “Tổng tiến công Tết Mậu Thân” năm 1968. Vì trong thực tế một cuộc “Tổng tiến công” chiến lược vào một vùng chiến đấu không phải sở trường của một đội quân cách mạng, thì họ phải nghĩ đến việc tranh thủ cho bằng được yếu tố “bất ngờ” trong cuộc chiến đó. Rõ ràng, trước sự chuẩn bị về vật chất và con người cho cuộc Tổng tiến công của quân giải phóng miền Nam, đã tạo ra những kẻ hở để các lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam Cộng hòa phát hiện được. Theo H.Y.Schandler cho biết kế hoạch của quân Việt cộng và Bắc Việt Nam đã bị lộ cụ thể là: sẽ có một cuộc tổng phản công và tổng nổi dậy, nhằm dụ các đơn vị đồng minh ra các vùng biên giới để cho cộng sản chi phối quân lực và chính quyền của nước này đồng thời buộc Hoa Kỳ phải rút quân khỏi Nam Việt Nam trong thời gian ngắn. Quả thật chỉ thị tấn công ban hành cho lực lượng cộng sản đã lọt vào tay quân đội Hoa Kỳ ngày 19/11/1967 [24]. Hay như chính tướng Westmoreland (Tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại miền Nam) cũng viết rằng: người phụ tá của tôi ở Sài Gòn tướng Abrams đã điện cho tôi biết nội dung một tài liệu địch bắt được ở gần Dak To kêu gọi có “một nổ lực tấn công tập trung phối hợp với các đơn vị khác ở các chiến trường khắp Nam Việt Nam”[25]. Còn theo tác giả Gabriel Kolko trong cuốn sách “Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại” đã nhấn mạnh rằng: Đầu tháng mười hai, tất cả mọi người của Oa-sinh- tơn chính thức, hoàn toàn biết về một “cuộc tiến công tổng lực” sắp xảy ra[26]. Thế nhưng vì họ chưa hiểu về “đối thủ” của mình, nên đã có những cách đối phó không hiệu quả và dẫn đến việc bị động trong cuộc chiến.
Theo tướng Westmoreland cho biết : tôi không có ý định cứ ngồi chờ hành động của địch. Tốt hơn hết là đi vào chiến đấu, với hy vọng giành các cuộc tấn công của chúng để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào mà địch đã dự định và ít ra cũng ngăn không cho địch đẩy các căn cứ của họ ra khỏi các vùng biên giới[27]. Nên vì thế mà vị tướng này cũng sẵn sàng lao vào chiếc bẫy nghi binh mà quân giải phóng miền Nam bày ra để lôi kéo sự chú ý của giới chức quân sự Hoa Kỳ[28]. Còn Gabriel Kolko thì ghi nhận rằng: Oét-mo-len khao khát cuộc chiến đấu cổ điển và bất chấp sự suy xét tốt hơn của nhiều sĩ quan Mỹ, đã tìm cách kéo 20.000 quân đội nhân dân vào đối đầu với 6.000 quân của mình và sử dụng 100.000 tấn đạn dược chống lại họ...Vào cuối tháng 2, với một nửa các tiểu đoàn cơ động tập trung vào vùng chiến thuật, Oét-mo-len đã rơi vào một chiếc bẫy rõ rệt[29]. Nhận xét cuối cùng của tác giả người Nhật nghe có vẻ rất mỉa mai viên tướng nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Thật trớ trêu cho các lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, một sự kiện được biết trước, nhưng lại không ai đưa ra những quyết định đối phó có giá trị về việc này. Tướng Westmoreland thì chủ quan nhận định rằng: Trước sức mạnh của Mỹ và Nam Việt Nam, nếu Việt cộng và Bắc Việt Nam từ những nơi ẩn náu xuất hiện khắp cả nước thì chỉ chốt lấy tổn thất bi thảm và thất bại chắc chắn.Việc cộng sản tăng cường binh lực lớn ở khu phi quân sự và ở Khe Sanh đã là một thực tế, rất hợp logích và có nhiều hứa hẹn cộng sản mở các cuộc tấn công nghi binh ở các nơi khác trong khi đó tập trung lực lượng để tạo ra một cái giống như Điện Biên Phủ ở Khe Sanh và chiếm lấy hai tỉnh phía Bắc[30]. Hay ngay cả việc một bản kế hoạch về một cuộc Tổng tiến công sẽ diễn ra của Việt cộng được công bố trên các phương tiện truyền thông thì: báo chí của Hoa Kỳ đã dè dặt lưu ý rằng đừng nên xem đấy là bằng chứng quả thực đã có chỉ thị  ấy và có thể đây chính là một văn kiện tuyên truyền nội bộ nhằm kích động các bộ đội chiến đấu[31]. Cũng có những người thì nhận ra được tầm ảnh hưởng nhưng lại xác định sai thời gian như Đô đốc Shap Tư lệnh Thái Bình Dương báo cho Washington (vào 26/12/1967) biết rằng: đa số những bằng chứng của chúng ta có được đều cho thấy sắp đến một giai đoạn quan trọng chứ chưa hẳn đã là chung cuộc của hoạt động địch. Có thể là địch đang nghĩ đến việc thay đổi nhiều hơn nữa lối tiến hành chiến tranh trong tương lai. Không loại bỏ hẳn khả năng một cố gắng quyết liệt trong trận tấn công Đông Xuân một ngày nào đó sau Tết nhưng vẫn phải kể là còn xa vời[32]. Sự đánh giá này, cũng tương đồng với tướng Westmoreland khi cho rằng: Chúng tôi cũng thực tình cho rằng họ sẽ không dám liều đi ngược lại tâm lý quần chúng tấn công ngay trong những ngày Tết. Cho nên tôi nghĩ rằng họ sẽ đánh hoặc trước hoặc sau Tết. Tôi cũng không dự kiến là họ sẽ đánh tại các đô thị và lấy đây là mục tiêu tấn công[33]. Đến đây, chúng ta đã hiểu vì sau yếu tố “bất ngờ” trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân vào năm 1968 của quân dân miền Nam vẫn phát huy được tác dụng tích cực trong đợt I.
Thứ hai, quân đội Hoa Kỳ dù có thật sự tinh nhuệ như vẫn buộc phải “phối hợp” với quân đội Việt Nam Cộng hòa trong một cuộc chiến đầy mâu thuẫn. Đây là một vấn đề được rất nhiều sử gia cũng như giới chuyên gia quân sự quan tâm và đánh giá. Vì thực tế trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” thì quân đội Việt Nam Cộng hòa là một lực lượng giữ vai trò không kém phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách “bình định” và “kiềm kẹp” quần chúng nhân dân tại Nam Việt Nam. Các thanh niên Hoa Kỳ dù có được huấn luyện kỹ càng như thế nào đi nữa, thì vẫn bị chính sự xa lạ về không gian, địa hình, khí hậu, con người tại Việt Nam làm cho hạn chế khả năng tác chiến. Tác giả Gabriel Kolko phân tích rằng: Học thuyết chiến tranh hạn chế của Mỹ vào năm 1967 bị núi rừng bao la của Việt Nam chặn đứng lại và tại đây chủ lực của Cách mạng kéo số lượng lớn lính Mỹ vào trò chơi đuổi bắt[34]. Chiến trường Việt Nam đúng là một “địa ngục” với những người quân nhân trẻ từ Hoa Kỳ hay Australia, New Zealand sang chiến đấu, có lẽ với đất nước Việt Nam họ chỉ có thể thấy được “ bầu trời” là quen thuộc!
Còn về lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa, thì điểm yếu nhất của họ là khó thể tách ra tác chiến độc lập và chủ động trên chiến trường mà mình có lợi thế nhất. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân cốt yếu nhất vẫn là do sự yếu kém của hệ thống các tướng lĩnh chỉ đạo. Tác giả Gabriel Kolko đã nhận định rằng: Việt Nam cộng hòa không thể trở thành một cơ cấu thay thế được cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng và vai trò lãnh đạo của họ phản ánh cuộc khủng hoảng xã hội Việt Nam trong thế kỷ này và cho thấy không có một cơ sở vững chắc cho giai cấp thống trị địa phương[35]. Tệ hơn thế nữa, Quân đội của họ là một bộ máy chính trị dựa vào sự tham nhũng được thể chế hóa ở cấp cao, và bị đói ăn, mất tinh thần ở dưới dáy[36]. Rõ ràng một sự mâu thẫu to lớn vốn ràng buộc vào số phận của chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ những ngày đầu khi “chọn lấy vĩ tuyến 17 làm đường biên giới quốc” cho đến khi đêm trước của cuộc Tổng tiến công nổ ra, Sài Gòn luôn trong khủng hoảng về chính trị. Chính Westmoreland đã viết về hàng tướng lĩnh của Việt Nam Cộng hòa rằng: Tác động chỉ ở cấp lãnh đạo bên trên – các tư lệnh quân đoàn và sư đoàn – những người không muốn liều mạng hoặc hành động một cách quyết định[37] và hình như vị tướng Hoa Kỳ này khá chua chát trước hành động cá nhân của một viên tướng  khi: cuộc tấn công mà người ta chờ đợi từ lâu vào Pleiku đã diễn ra khiến tướng Vĩnh Lộc vội vã từ Sài Gòn trở về, hình như lo cho biệt thư của ông hơn là cho trận đánh nói chung[38]. Tất cả những yếu tố nội bật vừa nêu, đã nói lên được sự thất bại của quân đội viễn chính Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa chỉ là một vấn đề thời gian. Vì sự “kết hợp” tưởng chừng như “hoàn hảo” của giới quan chức chóp bu trong chính quyền Johnson đã thật sự thiếu quá nhiều nhân tố tạo nên sự vững chắc mang đến một chiến thắng chung cuộc cho hai đồng minh này!
Thứ ba, chính phủ Johnson đã bị chính nền truyền thông phát triển của đất nước “tố cáo” trước quần chúng nhân dân Hoa Kỳ. Như đã trình bày ở chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, người dân của Tổng thống Johnson đã từ từ nghiêng hẳn về phe chống lại chiến tranh Việt Nam, bởi họ đã dần dần nhận ra rằng cuộc chiến này vốn không thể chiến thắng. Nhà báo Don Oberdoifer trong cuốn “Tết” đã cho thấy diễn biến của người dân Hoa Kỳ ngày càng diễn biến phức tạp khi cuộc Tổng tiến công diễn ra vào đúng tết cổ truyền Việt Nam: Tại Mỹ, sự bất ngờ và cơn giận dữ trong những ngày đầu sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã nhường bước cho sự thất vọng và tiếp đó trở thành cảm giác chán chường. Trước cuộc chiến đấu ác liệt và đẫm máu mà thắng lợi lớn của quân đồng minh chẳng thấy ở đâu, nhiều người Mỹ bắt đầu bác bỏ toàn bộ sự việc, quay lưng đi và từ bỏ chiến tranh. Lòng tin cậy mỏng manh vào thắng lợi của Mỹ hồi tháng 11 đã bị đợt tấn công đầu tiên đánh tan tành và đến nay, ngay cả hi vọng hình như cũng ngày càng mờ nhạt[39]. Vốn là một trong những nhà báo đã có mặt tại miền Nam Việt Nam đúng vào lúc sự kiện “Tết” diễn ra, nên ông đã hiểu sự thật của cái gọi là “khả năng cơ động” mà quân viễn chinh đất nước mình đã tự hào. Ngoài nhà báo Oberdoifer, thì trên chiến trường miền Nam Việt Nam khi cuộc tiến công của Việt cộng xảy ra còn có khá nhiều các nhân viên báo đài khác cùng đồng loạt săn tin và đưa tin về tình hình chiến sự. Điều đó thật sự trở thành “thảm họa” đối với chính quyền Johnson và các tướng lĩnh của ông, như mô tả của H.Y.Schandler: Quá nhiều chương trình truyền hình trình bày về cuộc tấn công đã làm cho trong các gia đình người Mỹ thấy ngay quan cảnh máu lửa chết chóc và tàn phá của chiến trường và đã là nhân tố chính yếu làm cho dân chúng hình dung được những gì đã thực sự xảy ra tại  chiến trường trong cuộc tấn công của Việt Cộng. Cảnh tấn công vào tòa đại sứ Hoa Kỳ và cảnh tướng Loan, Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia Việt Nam công khai xử tử một phần tử khủng bố Việt cộng, đặc biệt đã làm cho người ta phải hoang mang[40]. Nhận định có phần chua cay nhất vẫn là ở tướng Westmoreland khi cho rằng: Thái độ của các nhà báo Mỹ chắc chắn đã góp phần vào thắng lợi tâm lý mà địch đã giành được ở Mỹ. Liệu người ta còn nghe tôi nữa không khi họ nói rằng các bứt tường đều đổ trong khi tôi biết rằng tường không đổ ? Rằng địch đang thắng khi tôi biết rằng địch đang trên bờ vực của một thất bại quân sự thảm hại ? Tuy có ghi nhận ý kiến của tôi nói rằng địch không vào được sứ quán,  một nhà báo có viết thêm rằng căn cứ vào các nguồn khác – nghĩa là tin đồn, nhưng không được xác định – thì lại khác[41] hay đại loại như một chỉ trích về cách khai thác thông tin của truyền thông Hoa Kỳ nhằm để phục vụ cho thị hiếu quan tâm của người đọc trong nước qua nhận định: Trong cuộc chạy đua để thu lượm mọi chi tiết giật gân của câu chuyện sứ quán, các nhà báo rõ ràng ít chịu kiểm tra thực tế mà chỉ lo được lời khen của tòa báo ở nước nhà do đưa tin nhanh hơn người khác mà thôi...Thử hỏi những lối đoán mò đó có đúng không ? có phải nỗ lực lâu dài và tốn kém của Mỹ ở Việt Nam có bị hy sinh đi vì những bọn tôn sùng cái giật gân và sự cạnh tranh không ?[42]. Có lẽ đó là một sự đổ lỗi khôi hài của một viên tướng cấp cao trước sự tấn công của dự luận Hoa Kỳ về những sai lầm trong chính sách can thiệp vũ trang tại Nam Việt Nam của nước nay. Sự thật cuộc “Tổng tấn công Tết Mậu Thân” đã để lại cho nền quân sự Hoa Kỳ nhiều bài học lớn trong việc triển khai các cuộc chiến tranh, như nhận định của một tác giả người Nhật khi thấy được: Những thắng lợi của những số nhỏ chiến sĩ như vậy mà chủ yếu là thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng và một số Quân đội nhân dân Việt Nam chắc chắn là một trong những bài học cay đắng nhất trong chiến đấu với Mỹ[43].
Còn tác động về xã hội của cuộc tiến công thì thật là to lớn, vì từ sau đó, liên tục có sự đão hướng trong tư tưởng của người dân Hoa Kỳ, cũng như hàng quan chức cao cấp tại Quốc hội và Nhà Trắng. Nhà báo Don Oberdoifer cho biết: Đầu tháng 1, phái diều hâu ban đầu còn nhiều, đến cuối tháng 2 đã nổi lên một làn sóng bi quan về vị thế quân Mỹ. Đến giữa tháng 3, phái diều hâu đã sụt xuống dưới mức thấp hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đây và số người Mỹ đòi giảm bớt cam kết của Mỹ ở Việt Nam đã tăng lên. Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên mà phái diều hâu trong quần chúng ít hơn phái bồ cầu[44]. Từ đó, ta cũng thấy được sức mạnh của một nền báo chí truyền hình thuộc loại hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, đã giúp đưa những hình ảnh, thông tin thật của cuộc tổng tiến công đến tận mọi nơi trên thế giới. Đặc biệt, ngay chính tại thủ đô Washington đã nổ ra một cuộc chiến mạnh mẽ hơn bao giờ hết liên quan đến việc người dân đòi chính quyền Johnson phải “rút quân” để tránh bị thương vong cho chồng và con em nhân dân đất nước họ.
3. Sự kiện “Tổng tiến công Tết Mậu Thân” năm 1968 cho ta thấy được gì về nhân dân Việt Nam ?
Thứ nhất, sự độc lập và thống nhất lãnh thổ là mục tiêu hàng đầu để mọi người dân Việt Nam đứng lên chống lại kẻ thù. Biểu hiện cụ thể nhất cho vấn đề độc lập và thống nhất lãnh thổ là mọi người dân Việt Nam đều có một lòng yêu nước mãnh liệt. Lòng yêu nước đó đã trở thành tinh thần dân tộc Việt có xuyên suốt trong chiều dài lịch sử. GS Trần Văn Giàu đã đúng khi nhận định lòng yêu nước còn là một tiêu chuẩn cho sự xác định tốt xấu, đúng sai, chính nghĩa hay phi nghĩa, nên hư…mà cái tinh thần ấy không phải mới sinh ra con người Việt Nam đã có. Nó phải được hun đúc trong mấy nghìn năm văn hiến mới có được. Bởi vì trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt cổ định cư trên một khu vực vừa phì nhiêu trù phú, lại án ngữ trên con đường giao thông phương Bắc với phương Nam nên sớm là đối tượng để các thế lực phương Bắc xâm lược độc chiếm. Kẻ thù ấy lại thường mạnh hơn ta rất nhiều lần như: đế chế Tần từng gồm thu lục quốc; hay các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh…đến thời cận hiện đại thì Pháp, Nhật, Mỹ cũng đều tham gia chiếm giữ cái “nút thắc” của Đông Dương này. Điều đó đã khiến cho cư dân Việt từ rất sớm phải đứng lên lại để chống giặc ngoại xâm theo cái lý:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt  trước lo trừ bạo”
Trong cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam, họ thường nói với nhau câu “Nước mất nhà tan”, để cho thấy sự gắn kết hữu cơ giữa lợi ích đất nước (độc lập dân tộc) với lợi ích gia đình (tự do cá nhân). Mọi sự hiềm khích vì lợi ích các nhân dường như bị xóa mờ, trước nhiệm vụ chung là đuổi giặc. Vì nếu để cho dân tộc bị mất độc lập thì cái lợi ích của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi gia đình, mỗi cá nhân cũng không còn. Hệ trọng hơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là sự nghiệp “thống nhất đất nước”, vì trong nhận thức của người Việt “Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Sau 50 nhìn lại một sự kiện lịch sử, chúng ta thật sự phải thán phục những người con ưu tú của dân tộc đã sẵn sàn hy sinh tất cả cho độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Tổn thất sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968 là to lớn[45] và để lại nhiều kinh nghiệm sâu sắc cho cách mạng miền Nam như đã có nhận định rằng: Tư tưởng “tích cực tiến công”, “kiên quyết và liên tục tiến công”, “càng đánh càng mạnh”, “đợt sau cao hơn đợt trước”, “tiến lên giành thắng lợi quyết định” trong Tổng công kích – tổng khởi nghĩa Mậu Thân đợt II, đợt III khi yếu tố bí mật bất ngờ không còn đã làm cho Quân giải phóng càng đánh càng suy kiệt, yếu đi trước đội quân xâm lược nhà nghề thiện chiến mạnh hơn nhiều lần về lực lượng, vũ khí và trang thiết bị quân sự. Sự suy yếu của Quân giải phóng từ sau Tổng công kích – tổng khởi nghĩa Mậu Thân đợt II, đợt III đã tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương tập trung toàn lực đánh phá toàn diện lực lượng kháng chiến trên mọi mặt trận[46]. Nhưng phải thừa nhận không thể chối cãi, các chiến sĩ quân giải phóng của cách mạng Việt Nam đã sẵn sàng hy sinh tất cả cho cuộc chiến, cho một lý tưởng cao đẹp vì dân tộc, mà tác giả Gabriel Kolko đã ghi nhận cụ thể rằng: Vì mục đích tinh thần, cuộc tổng tiến công và khởi nghĩa được mô tả là có tính chất quyết định làm cho so sánh lực lượng chuyển biến có lợi cho thắng lợi cuối cùng của Cách mạng. Để làm cho Tết trở thành điểm ngoặt của chiến tranh và là điều kiện tiên quyết thiết yếu cho thắng lợi hoàn toàn cuối cùng, những người sắp bước vào chiến đấu được kêu gọi hy sinh tối đa và làm tất cả để tạo ra thắng lợi càng lớn càng tốt[47].
Một vấn đề khác cũng cần phải thừa nhận rằng, tình thần yêu nước và đấu tranh cho dân tộc còn được thể hiện trong chính những người lĩnh Việt Nam Cộng hòa. Dù chúng ta biết họ đã xác định chưa chính xác thế nào là “quốc gia” và “dân tộc”, nhưng khi xem vĩ tuyến 17 là đường biên giới của quốc gia Việt Nam Cộng hòa họ cũng đã chiến đấu một cách oanh liệt mà những người lình này có thể chiến đấu được. Chính tướng Westmoreland đã ghi nhận rằng: Một số cá nhân riêng lẻ đã không làm tròn nhiệm vụ, một chỉ huy nào đó đã tỏ ra kém cỏi, nhưng trên đại thể, khi đứng trước sự thử thách gian nguy, không một đơn vị nào của quân đội Nam Việt Nam là bỏ cuộc hoặc đào ngũ. Quân Nam Việt Nam đã hoàn toàn đáp ứng lòng tin cậy của tôi[48], dù ở một nhận định khác thì ông ta cho rằng: Vì thiếu phương tiện giao thông, những người khác thấy không trở lại đơn vị được dù có cố gắng đến mấy đi nữa. Những người khác thấy trong lúc lâm nguy họ cần ở nhà để bảo vệ gia đình. Lực lượng thực tế ở hầu hết các đồn bót cảu quân đôi Nam Việt Nam chỉ có 50 phần trăm hoặc ít hơn[49]. Điều này cũng dễ hiểu, như đã trình bày ở phần trên người lính Việt Nam Cộng hòa đang chiến đấu cho một chính quyền liên tục bị khủng hoảng về chính trị và đặc biệt là khó có thể tồn tại độc lập trước một loạt các phong trào chống chính quyền ở đô thị. Chính Gabriel Kolko nhận định: vấn đề đô thị cũng bộc lộ một chỗ yếu cơ bản của cố gắng Mỹ. Nếu có nhiều người trong vùng đô thị vì lý do này hoặc lý do khác đã không đi với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, thì họ cũng không ủng hộ Việt Nam cộng hòa, vì Việt Nam cộng hòa không tranh thủ được sự trung thành chính trị của nhân dân[50]. Song sự chiến đấu vì lý tưởng của những người lĩnh cộng hòa cũng không nằm ngoài phạm vị những tính cách văn hóa vốn có của con người Việt Nam.
Thứ hai, người Việt Nam sẽ rất mạnh khi biết đoàn kết. Lịch sử dân tộc Việt Nam xuyên suốt trong mấy ngàn năm là một minh chứng hùng hồn cho vấn đề này. Cũng chính trong cái gốc “kẻ thù” của chúng ta thường mạnh hơn mình rất nhiều lần, ông cha ta đã phải chọn con đường đoàn kết lại để đánh giặc. Từ rất sớm, trước sự xâm lược của nhà Tần hai tộc người Lạc Việt và Tây Âu phải cùng nhau liên kết lại chống giặc; khi quân Mông – Nguyên 3 lần sang đánh Đại Việt thì cả 3 lần triều Trần vận động toàn dân kết nối từ miền xuôi đến miền ngược, từ người già đến người trẻ cùng đoàn kết “sát thát” kẻ thù chung. Đến cuộc kháng chiến chống Pháp thì chủ trương của Đảng ta là “Toàn dân toàn diện” đó là một sự kết thừa phát huy cái tinh thần yêu nước của toàn dân tộc trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân cực kỳ hiệu quả. Rồi đến khi Hoa Kỳ đưa quân vào miền Nam Việt Nam cũng bị mắc vào chính cái thế của một đội quân đi xâm lược một dân tộc khác thì không thể nào có được cái  sức bắt nguồn từ “lòng dân”.
Các tướng lĩnh cấp cao của Mỹ luôn chủ quan và cho rằng có thể đánh dẹp được lực lượng quân cách  mạng như tác giả H.Y.Schandler trình bày: Các giới cầm quân nói rằng các hoạt động quân sự tiến công và trường kỳ sẽ giúp cho Hoa Kỳ nắm được thế chủ động tại cả Bắc lẫn Nam Việt Nam. Khả năng yểm trợ chiến tranh của Bắc Việt Nam sẽ dần dần bị tiêu diệt và Việt Cộng sẽ bị đánh bại[51]. Hay chính tướng Westmoreland đã nhận định trước khi cuộc tiến công diễn ra rằng: Tôi tin rằng dù địch có mưu toan gì, các lực lượng của Mỹ và Nam Việt Nam cuối cùng có thể đánh bại được[52] hay đại loại như: Còn về cuộc tấn công lớn khắp cả nước, địch khi đã xuất hiện công khai tức là đã tự mình phơi trần ra. Hoàn thành ý thức được sức mạnh và khả năng của Mỹ và Nam Việt Nam, tôi không do dự gì mà nói rằng địch đang chuốc lấy thất bại[53]. Thế nhưng có lẽ một lần nữa kể từ khi người Pháp bị đánh bại tại Điện Biên Phủ, thì các tướng lĩnh và quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cũng mắc phải căn bệnh xem thường đối phương hay có thể là “không hiểu gì về người Việt Nam”. Dân tộc Việt Nam tuy đất không rộng, quân không đông và trang bị kém hiện đại hơn quân đội Hoa Kỳ và đồng minh nhiều, sức mạnh đoàn kết và chiến đấu vì lý tưởng mới chính là “đòn xeo” quan trọng để tạo ra mọi thắng lợi trên chiến trường. Một khi đã xác định được kẻ thù thì dù gian nguy đến mấy quân dân toàn miền Nam cũng đều nhất tề đứng lên diệt giặc. Tiêu biểu như câu ca trên miệng người dân Củ Chi thời chống Mỹ:
Là dân Củ Chi, diệt thù ta cứ đi
Vượt qua lửa đạn, hiểm nguy ta không ngại gì
Diệt giặc Mỹ  bằng pháo bom của Mỹ
Đất lửa hoa hồng, là đất anh hùng Củ Chi.[54]
Như đánh giá của tác giả Gabriel Kolko: Bấy giờ người Mỹ tiết lộ rằng họ đã không hiểu chiến lược và khả năng của kẻ thù cũng như không hiểu cả chính mình. Tết đã đưa Oa-sinh-tơn đến thực tế rằng Mỹ không nắm được một cách cơ bản tính chất cuộc chiến tranh mà họ đã cam kết nửa triệu quân nhân[55]hoặc như nhà báo: Thực ra, phía Mỹ chưa bao giờ biết thực sự lực lượng tấn công của Bắc Việt Nam và Việt cộng và thương vong của họ là bao nhiêu trong Tết Mậu Thân[56]. Tất cả đã cho thấy sự kỳ diệu trong cuộc Tổng tiến công Tết chính là ở chỗ bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Người Hoa Kỳ đã không thể hiện được rằng: muốn chiến thắng lực lượng cách mạng Việt Nam không phải chỉ qua súng đạn hay xe tăng máy bay là đủ. Vì toàn dân tộc Việt Nam luôn kề vai sát cánh để đánh đuổi kẻ thù chung. Mọi quy ước về chiến tranh hiện đại đều là vô nghĩa trước cuộc chiến tranh của dân tộc Việt Nam nhỏ bé này. Có lẽ trong số ít những quan chức cấp cao trong chính quyền Johnson thì nguyên bộ trưởng quốc phòng Robert S.Mc Namara đã hiểu ra được vấn đề và đã ghi lại rằng: Khi đó chúng ta không nhận ra được những hạn chế của  các  thiết bị quân sự kỹ thuật cao và hiện đại, lực  lượng quân sự và học thuyết quân sự trong khi đối đầu với những phong trào nhân dân được thúc đẩy cao và không bình thường. Chúng ta cũng đã không điều chỉnh được chiến thuật quân sự của chúng ta cho phù hợp với nhiệm vụ chinh phục trái tim và khối óc của người dân thuộc một nền văn hóa hoàn toàn khác[57]. Chính cái không hiểu “một nên văn hóa hoàn toàn khác” so với văn hóa đất nước Hoa Kỳ, đã khiến quân viễn chinh của họ sa lầy một cách đau thưởng tại Việt Nam.
Tóm lại, qua việc điểm lại những đặc điểm chính trong một lát cắt văn hóa của dân tộc và xã hội Hoa Kỳ, chúng ta thấy được những điểm yếu không thể khắc phục trong toàn bộ chiến lược chiến tranh của chính phủ Johnson từ khi mới bắt đầu cuộc chiến cho đến khi kết thúc cuộc “Tổng tiến công Tết Mậu Thân” năm 1968. Tất cả  những điều được trình bày ở trên, cũng phần nào lý giải những giá trị xuyên suốt trong văn hóa của con người Việt Nam, thông qua việc nhìn nhận diễn tiến của sự kiện lịch sử quan trọng này. Từ đó, trong mỗi chúng ta nên thấy phải tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp, những tinh thần cao quý trong thời kỳ kháng chiến. 50 để nhìn lại một sự kiện lịch sử như cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 đã cho chúng ta thấy được: bản thân sự kiện này còn chất chứa nhiền vấn đề lý thú đang thách thức các nhà khoa học tiếp tục cần làm sáng tỏa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh (1995), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi và bài học, NXB CTQG, HN.
2. Bộ tư lệnh Quân khu 7(2016), Lịch sử quân giải phóng miền Nam Việt Nam trên chiến  trường B2 1961-1976, NXB CTQG, HN.
3. Don Oberdoifer (1988), Tết, dịch Hà Nguyễn, NXB Tổng hợp An Giang.
4. Nguyễn Đức Hòa (2016), Giáo trình lịch sử Việt Nam 1945-1975, NXB GD, HN.
5. H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM.
6. Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, người dịch Nguyễn Tấn Cưu, NXB QĐND.
7. Nhiều tác giả (1978), Truyện và ký về Củ Chi, NXB TP.HCM.
8. Nguyễn Đình Thống (chủ biên) – Dương Thành Thông – Nguyễn San Hà (2015),  Củ Chi xưa và nay, NXB Văn hóa – Văn nghệ, TP.HCM.
9.Robert S.Mc Namara (1995), Nhìn lại quá khứ tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam, NXB CTQG, HN.
10. Viện sử học (2014), Lịch sử Việt Nam tập 13, từ năm 1965 đến năm 1975, NXB KHXH, HN.
11. William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ.

THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 
"50 CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN (1968-2918): 
GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN"
TẠI ĐH THỦ DẦU MỘT 



[1] GV Trường THTH Sài Gòn (thuộc Đại Học Sài Gòn) Q5 - TP.Hồ Chí Minh.
[2] Kế hoạch có 3 giai đoạn: 1. Phá hoại kế hoạch mùa mưa của ta, ngăn chặn chiều hướng thua bằng việc bảo đảm triển khai nhanh lực lượng quân viễn chinh Mỹ; 2. Mở các cuộc phản công chiến lược tìm diệt chủ lực ta và kiểm soát vùng nông thôn; 3. Hoàn thành việc tiêu diệt khối chủ lực của ta  và tiếp tục bình định miền  Nam, trước khi rút quân về nước vào cuối năm 1967.
[3] Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh (1995), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi và bài học, NXB TCQG, HN, tr 59.
[4]Năm nước đồng minh của Mỹ có đưa quân sang miền Nam Việt Nam gồm: Nam Triều Tiên, Thái Lan, Philippines, New Zealand, Australia.
[5] Lính Hoa Kỳ có mặt ở miền Nam Việt Nam cuối năm 1964 là 26.000 quân, cuối năm 1965 tăng lên 200.000 quân và đến cuối  năm 1967 lên tới 537.000 quân, chưa kể đến 70.000 lính hải quân, không quân của Hạm đội 7 và các căn cứ quân sự trong khu vực Đông Nam Á.
[6] Trong mùa khô 1965-1966, quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến đấu 104.000 quân giặc, bắn rơi và phá hủy 1.430 máy bay, diệt 600 xe tăng và thiết giáp… Đến mùa khô 1966-1967, quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến 151.000 quân giặc (chủ yếu là quân Hoa Kỳ), bắn rơi và phá hủy 1.213 máy bay, phá hủy  1.627 xe tăng và thiết giáp…
[7] Tổ chức tiền thân của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969).
[8] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 36.
[9] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 35.
[10] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 35.
[11] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 97
[12] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 97.
[13] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 89-90.
[14] Vốn khác hẳn kế hoạch chiến tranh do các vị tư lệnh quân sự, Mc. Namara đề ra: 1) Loại trừ trường hợp chiến tranh đột biến,...thôi đừng vượt quá tổng số quân 470.000 quân ; 2) Nên lập một hàng rào chống xâm lược ngang vùng eo biển Nam Việt Nam gần vĩ độ 17 và chặn ngang các đường mòn xâm nhập ở Lào; 3) Giữ nguyên chương trình Sấm Rền đánh miền Bắc ở mức độ hiện tại; 4) Xúc tiến các chương trình bình định tích cực; 5) gia tăng các triển vọng đàm phán chấm dứt chiến tranh.
[15] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 90-91
[16] Don Oberdoifer (1988), Tết, dịch Hà Nguyễn, NXB Tổng hợp An Giang, tr 44.
[17] Don Oberdoifer (1988), Tết, dịch Hà Nguyễn, NXB Tổng hợp An Giang, tr 39.
[18] Don Oberdoifer (1988), Tết, dịch Hà Nguyễn, NXB Tổng hợp An Giang, tr 46.
[19] Don Oberdoifer (1988), Tết, dịch Hà Nguyễn, NXB Tổng hợp An Giang, tr 49
[20] Từ Ủy ban Điều tra tội ác của chính phủ Hoa Kỳ ở Việt Nam được thành lập  22/7/1966, đã kết hợp tác chặt chẽ với 4 đoàn nghiên cứu của tòa án Bertrand Russell thu thập tư liệu, bằng chứng sử dụng các loại vũ khí hóa học, chất cháy của Mỹ để tố cáo những tội ác này trước công luận thế giới.
[21] Viện sử học (2014), Lịch sử Việt Nam tập 13, từ năm 1965 đến năm 1975, NXB KHXH, HN, tr 195
[22] Về vấn đề: Giờ nổ súng quy định chung trên toàn miền Nam là 2 giờ đêm giao thừa, nhưng theo lịch miền Bắc, Tết Mậu Thân đến sớm hơn một ngày so với lịch miền Nam. Do vậy, có sự sai lệch trong việc chấp hành ngày N, giờ G theo quy định.
-Lịch miền Bắc, đêm giao thừa tức đêm 29 rạng sáng ngày 30/1/1968, nên các tỉnh Quy Nhơn, Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk, Nha Trang, Đà Nẵng tiến hành chiến dịch Mậu Thân theo kế hoạch.
-Theo lịch miền Nam, đêm giao thừa chính là đêm 30 rạng sáng 31/1/1968, do vật các tỉnh Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Tín, Bình Thuận, Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, Cần Thơ, Vĩnh Long và một số tỉnh miền Trung nổ súng chậm hơn một ngày so với các tỉnh miền Bắc.
-Riêng các tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre), Định Tường (Tiền Giang), Gò Công, Kiên Giang, Vĩnh Bình (Trà Vinh), Bình Dương, Biên Hòa, Tuyên Đức (Đà Lạt) đến 31/1 rạng sáng 1/2/1968 mới quyết định nổ súng.
[23] Ba đợt diễn ra theo thứ tự: Đợt I từ 30/1/1968 đến 25/2/1968; Đợt II trong tháng 5 và tháng 6; Đợt III trong tháng 8 và tháng 9.
[24] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 131.
[25] William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ, tr 106.
[26] Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, người dịch Nguyễn Tấn Cưu, NXB QĐND, tr 340.
[27] William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ, tr 107.
[28] Cuối năm 1967, Tổng thống Johnson và gần như cả nước Hoa Kỳ chú ý về Khe Sanh nơi, mà theo nhiều người cho rằng đó là một trận Điện Biên Phủ ở miền Nam Việt Nam. Theo một số tài liệu thì trận Khe Sanh thật sự đã thu hút và kìm chân được 4.500 binh sĩ tinh nhuệ của đất nước Hoa Kỳ.
[29] Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, người dịch Nguyễn Tấn Cưu, NXB QĐND, tr 342.
[30] William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ, tr 109.
[31] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 131.
[32] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 131-132.
[33] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 144.
[34] Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, người dịch Nguyễn Tấn Cưu, NXB QĐND, tr 335.
[35] Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, người dịch Nguyễn Tấn Cưu, NXB QĐND, tr 334.
[36] Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, người dịch Nguyễn Tấn Cưu, NXB QĐND, tr 334.
[37] William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ, tr 7.
[38] William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ, tr 116.
[39] Don Oberdoifer (1988), Tết, dịch Hà Nguyễn, NXB Tổng hợp An Giang, tr 127.
[40] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 149.
[41] William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ, tr 121.
[42] William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ, tr 122.
[43] Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, người dịch Nguyễn Tấn Cưu, NXB QĐND, tr 345.
[44] Don Oberdoifer (1988), Tết, dịch Hà Nguyễn, NXB Tổng hợp An Giang, tr 128.
[45] Theo tướng Westmoreland:  Trong các cuộc tấn công trước thời hạn, các cuộc tấn công chính hoặc các cuộc tấn công thêm sang ngày thứ ba, có khoảng 84.000 quân địch, chủ yếu là Việt cộng có kết hợp với quân thay thế của Bắc Việt Nam.
[46] Bộ tư lệnh Quân khu 7 (2016), Lịch sử quân giải phóng miền Nam Việt Nam trên chiến  trường B2 1961-1976, NXB CTQG, HN, tr171.
[47] Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, người dịch Nguyễn Tấn Cưu, NXB QĐND, tr 339-340.
[48] William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ, tr 126.
[49] William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ, tr 117.
[50] Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, người dịch Nguyễn Tấn Cưu, NXB QĐND, tr 332.
[51] H.Y.Schandler (1999), Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Johnson và Việt Nam, người dịch Nguyễn Mạnh Hà, NXB TP.HCM, tr 77
[52] William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ, tr 108.
[53] William. C. Westmoreland (1988), Tường trình của một quân nhân, Trích bản dịch của của Phòng khoa học Quân khu 9, NXB Trẻ, tr 121.
[54] Nhiều tác giả, Truyện và ký về Củ Chi, NXB TP.HCM, 1978, tr 89.
[55] Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, người dịch Nguyễn Tấn Cưu, NXB QĐND, tr 342.
[56] Don Oberdoifer (1988), Tết, dịch Hà Nguyễn, NXB Tổng hợp An Giang, tr 136.
[57] Robert S.Mc Namara (1995), Nhìn lại quá khứ tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam, NXB CTQG, HN, tr 316 -317.