Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Nghiên cứu và lý luận



CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT VỚI 
NỀN SỬ HỌC ĐỔI MỚI
Nguyễn San Hà*
Tóm Tắt:
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) là một chiến sĩ trung kiên của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ đất nước tiến hành đổi mới toàn diện sau Đại hội VI (1986). Đồng chí đã có những đóng góp mang tính chiến lược kể cả đối nội và đối ngoại, từng bước tạo đà cho Việt Nam phát triển đến hôm nay. Song nhận thấy, một lĩnh vực  mà Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm và cũng dành nhiều tâm huyết với nó chính là lịch sử. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tác giả mong muốn góp thêm những thông tin về quan điểm, tư tưởng và những đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với nền sử học đổi mới – trong thời kỳ đất nước cũng đang đẩy mạnh đổi mới.
I.ĐẶT VẤN ĐỀ
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 - 2008) tên khai sinh là Phan Văn Hòa – bí danh Sáu Dân là một trong những nhà lãnh đạo nòng cốt, xuất sắc của Việt Nam trong quá trình đổi mới. Khi nói đến ông chúng ta không thể quên: vị chủ  tịch thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm “bứt phá” tìm hướng đi cho sản xuất kinh doanh vào cuối những năm 1970; nhà lãnh đạo có công lớn thúc đẩy công cuộc đổi mới, đặc biệt là khi ông ở cương vị Thủ tướng 1991 – 1997 với các công trình ngọt hóa đồng bằng sông Cửu Long; đường dây 500KW Bắc - Nam; cũng như việc mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới…
Nhưng thật là thiếu sót  khi không nói đến những gắn bó thân thiết của vị nguyên thủ, của ông Cố vấn Sáu Dân đối với nền sử học đổi mới – trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ mong muốn chỉ ra được vị trí và những việc làm mang tính thúc đẩy việc đổi mới nền sử học Việt Nam. Một lĩnh vực mà ở bất cứ cương vị nào ngài Võ Văn Kiệt cũng quan tâm và tích cực tham gia.
II.NỘI DUNG
1.Giới chuyên môn đánh giá cao sự quan tâm của Ngài Võ Văn Kiệt đối với nền sử học
Những công lao của Ngài Võ Văn Kiệt đã đóng góp cho đất nước và nhân dân Việt Nam có thể đủ thể hiện ông là một “nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người chiến sĩ kiên trung, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân…”[1] như trong “Lời Điếu” của Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại lễ truy điệu Đồng chí Võ Văn Kiệt. Không dừng lại ở một lĩnh vực nào, ông đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều lĩnh vực để có thể kịp thời nghe được tâm tư và nguyện vọng của nhân dân rồi tìm hướng giải quyết.
Giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam), rất bàng hoàng và đau buồn khi nghe tin từ trần của Anh Sáu Dân. Theo giáo sư: “Anh (Sáu Dân) dành nhiều tâm sức cho những vấn đề lớn của quốc gia dân tộc trên bước đường vượt qua những “sức ỳ” của lịch sử, những quán tính của tư duy cũ, đẩy mạnh công cuộc đổi mới về mọi mặt, nhất là khi đất nước đi vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…”[2]. Bên cạnh đó,“Anh luôn nhắc nhở tôi và những người làm sử phải làm sao nhận thức cho đúng lịch sử như nó đã từng tồn tại, làm sao nhìn nhận và đánh giá cho công minh các nhân vật lịch sử”[3]. Từ đó, mà ông động viên Hội tổ chức nhiều cuộc hội thảo liên quan đến lịch sử hay nhân vật lịch sử để kịp thời tiếp cận những thông tin đúng.
Giáo sư Văn Tạo trong bài viết “Những ý kiến của Sáu Dân cần được coi trọng” đã nhấn mạnh rằng: “Tôi biết ơn và vô cùng thương tiếc đồng chí Võ Văn Kiệt – Một nhà lãnh đạo yêu khoa học, trọng trí thức”[4]. Vì ngài Võ Văn Kiệt không chỉ yêu và coi trọng trí thức mà ông còn đi theo sát với các nhà khoa học (cả tự nhiên và xã hội). Đặc biệt giáo sư Văn Tạo đánh giá cao: việc đồng chí Thủ tướng đã nghe và thực hiện việc không giải tán Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) để sát nhập vào các viện thuộc các trường Đại học. Sau cùng trong bài viết của mình giáo sư thấy rằng: “Những ý kiến của anh Sáu Dân gửi T.Ư. Đảng gần đây rất cần được coi trọng”[5].
Còn theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, sau những lần tiếp xúc với  ngài Võ Văn Kiệt thì đã nhìn nhận và coi ông là “Người cận vệ của lịch sử”. Nhà sử học viết: “Tôi không quên hình ảnh ông Sáu Dân, cùng với những người tâm giao của mình như thầy Trần Văn Giàu, ông Trần Bạch Đằng,…niềm tin chỉ có thể xác lập sự công bằng với những vấn đề của quá khứ thì mới có niềm tin và sức mạnh phấn đấu cho một tương lai công bằng phát triển…”[6]. Quan điểm đó, luôn tồn tại và thấy được ở ông Sáu Dân.
Như vậy, ngài Võ Văn Kiệt đã được giới sử học đánh giá cao về những đóng góp  tích cực và sự quan tâm đặc biệt đối với lịch sử. Vậy chúng ta cần phải làm rõ quan điểm và việc làm của ông đối với nền nền sử học đang trong thời kỳ đổi mới.

2. Người luôn ủng hộ cái đúng và đổi mới trong sử học
Ngay từ khi còn giữ những chức vụ quan trọng ở Trung ương, ngài Võ Văn Kiệt đã có sự quan tâm đặc biệt đến những vấn đề lịch sử. Rồi sau khi thôi giữ chức vụ Thủ tướng chính phủ, ông lại có điều kiện để tham gia nhiều hơn và ủng hộ những hoạt động liên quan đến sử học. Điều đó thể hiện cụ thể như:
Thứ nhất, ngài Võ Văn Kiệt là người luôn ủng hộ cái đúng, cái công bằng trong lịch sử. Ông cho rằng: “đánh giá, sử dụng những sự kiện lịch sử như thế nào là thuộc trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị, nhưng đối với các nhà sử học thì tính chân thực của lịch sử là quan trọng”[7], điều đó cho thấy một quan điểm tiến bộ và rất tích cực trong việc đẩy mạnh sự phát triển của nền sử học Việt Nam. Có lẻ vì điều đó, mà giáo sư Văn Tạo đánh giá cao đóng góp của Cố Thủ tướng hay chuyện ông đòi hỏi giáo sư Phan Huy Lê như ở trên đã trình bày.
Thứ hai, Võ Văn Kiệt luôn ủng hộ việc đẩy mạnh biên soạn lịch sử theo quan điểm mới. Trên cơ sở luôn “ủng hộ cái đúng và đòi hỏi công bằng trong lịch sử”, ông đã tham gia hay hỗ trợ cho công tác biên soạn các bộ sử lớn đặc biệt là lịch sử liên quan đến Nam bộ. Đồng thời, cũng chủ trương tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học để có thể cập nhật thêm nhiều thông tin quý báo về lịch sử (đặc biệt là lịch sử hiện đại Việt Nam). Theo Cố Thủ tướng “Không ít sự việc đã đi vào văn kiện chính thức với sự đánh giá cụ thể, song như vậy không có nghĩa là người sau phải chấp nhận như không có gì để bàn cãi – thực sự, vẫn là con người đánh giá các sự việc với cả mặt sáng suốt lẫn hạn chế của con người trong cuộc”[8] quan điểm này đã cho thấy đòi hỏi không nên cứng ngắc thiếu linh động trong nhận xét đánh giá vấn đề lịch sử, xem những gì đang có là “bất khả xâm phạm”. Do đó, nhiều công trình lịch sử đồ sộ ra đời tiêu biểu như: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (do Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch hội đồng chỉ đạo biên soạn). 
Thứ ba, Võ Văn Kiệt luôn luôn ủng hộ cho những hoạt động đổi mới nền sử học mang tính thiết thực cao. Trong bức thư được in ở bìa cuối cuốn “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”, Cố Thủ tướng viết: “Tôi rất hoan nghênh sáng kiến của tạp chí “Xưa và Nay” chủ trương làm tượng của các nhân vật lịch sử ở nước ta để vừa thể hiện tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, giáo dục đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”…”[9]. Bản thân ông cũng đã tham gia “một gọt đồng” (tương đương 2 triệu đồng) để đúc tượng đồng Liệt sĩ cách mạng Tạ Uyên. Không dừng lại ở đó, ông còn đề nghị với Nhà sử học Dương Trung Quốc làm sao để có thể đặt được tượng của những người nước ngoài có công với đất nước ta như: Alêchxăng đờ Rốt đóng góp vào sự phát triển chữ Quốc ngữ; chị Raymôngđiên lấy thân mình chặn đoàn tàu chở vũ khí của Pháp; thanh niên Mỹ Môrixơn tự thiêu để chống chiến tranh Việt Nam…tất cả ý tưởng đó có được vì “Ông bảo giờ đây hội nhập phải có cách bày tỏ lòng biết ơn bạn bè, thiên hạ đã giúp ta…”[10].Đây cũng là một điều mà các nhà quản lý văn hóa và nghiên cứu lịch sử cần phải quan tâm trong tương lai. Hay việc ông đặt vấn đề và ủng hộ giới khoa học lịch sử nghiên cứu đánh giá lại một số nhân vật lịch sử Nam bộ cũng cho thấy sự mong muốn đổi mới nền sử học.
3. Người luôn đặt vấn đề xét lại những nhân vật lịch sử phức tạp
Việc ngài Thủ tướng ủng hộ tích cực việc tổ chức các hội thảo khoa học, tọa đàm lịch sử để đánh giá lại các nhân vật lịch sử dân tộc trong các thời kỳ đầy biến động là một đặc điểm tiêu biểu thể hiện sự quan tâm và gắn bó với nền sử học. Trong lúc còn sống Võ Văn Kiệt là người tích cực đặt vấn đề này và tham gia việc “minh oan” cho 3 nhân vật tiêu biểu là: Tả quân Lê Văn Duyệt; Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký.
Thứ nhất, đối với Tả quân Lê Văn Duyệt từ lâu ông đã đặt vấn đề và nêu rằng: “Vì sao những cán bộ chính trị, trong đó có cả một số người cho mình là khoa học, lên án đủ điều nhân vật này trong lịch sử thì nhân vật lại ngưỡng vọng, tôn vinh thành một vị thành hoàng ?”[11]. Sau đó, được dự cuộc tọa đàm liên quan đến nhân vật này, ông đã đến dự sớm nhất (dù đang ở cương vị Cố vấn BCH Trung ương). Qua xem xét và lắng nghe các báo cáo, ông đã đi đến nhận định “tôi thấy tư duy và ứng xử của Lê Văn Duyệt có nhiều điểm ở tầm quốc  sách và có những mặt khá gần gũi so với một số chủ trương của chúng ta trong thời kỳ đổi mới”[12] điều này cũng đủ làm an lòng “Đức ông” và cũng mở đường cho các nhà nghiên cứu tiếp tục đánh giá theo tư tưởng mới.
Thứ hai, đối với nhân vật Phan Thanh Giản thì ngài Võ Văn Kiệt đặc biệt quan tâm và tìm hiểu hơn. Hầu như những tư liệu sách báo viết về nhân vật này ông đều tìm đọc hết. Ngay đến những bức thư của các cá nhân gửi đến các cơ quan xin “minh oan và trả lại sự công bằng” cho Phan Thanh Giản của Nguyễn Trung Sinh; hay thư của ông Huỳnh Long Vân (ở Sydney) kiến nghị về việc xin trả lại tên trường Phan Thanh Giản (hiện là trường Châu Văn Liêm) đều đến tay Võ Văn Kiệt và ông đã gửi đến các cơ  quan chức năng có thẩm quyền. Và tại Hội thảo “Thế kỷ XXI, nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” (2002) tại TP. Hồ Chí Minh. Ngài Võ Văn Kiệt đã phát biểu rất dứt khoát: “Theo tôi chúng ta không nên hẹp hòi với tiền nhân. Phan Thanh Giản xứng đáng được gọi là nhà yêu nước!”[13] và đã kiên định với quan điểm trên, dù sao Hội thảo vẫn còn nhiều ý kiến gây tranh cải.
Thứ ba, riêng về nhân vật Trương Vĩnh Ký, dù ít tìm hiểu hơn so với hai vị trên. Nhưng dù đang có việc bận, ông vẫn gửi thư cho ban tổ chức tọa đàm “Trương Vĩnh Ký với văn hóa”. Ngài Võ Văn Kiệt tán đồng ý kiến  với giáo sư Đinh Xuân Lâm  trong lời giới thiệu cuốn “Trương Vĩnh Ký – Bi kịch cuộc đời” của Hoàng Lại Giang rằng: “Sở dĩ có tình hình đáng tiếc đó chính vì nhận định, đánh giá một nhân vật lịch sử mà không gắn với thời đại lịch sử, trong đó người ấy sống và hành động, lại nặng nề suy diễn chủ quan một cách không thấu tình đạt lý ”[14]. Sau đó, ông nêu lên niềm tin vào các nhà chuyên môn sẽ cố gắng nghiên cứu để có những đánh giá đúng và trả nhân vật về đúng địa vị lịch sử, qua đó mà rút  cho hiện tại và tương lai những bài học quý giá và bổ ích.
Như vậy, bằng những đóng góp quý báo trong việ ủng hộ đánh giá lại các nhân vật lịch sử phức tạp của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giúp thổi thêm luồng khí mới vào nền sử học hiện tại của chúng ta.
III. KẾT LUẬN
Qua phần tìm hiểu những quan điểm, đóng góp và ủng hộ quý giá của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng ta thấy rõ hơn, ông không chỉ là một trong người góp phần xây dựng trang sử thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sau đổi mới 1986. Và giờ đây chúng ta còn biết đến ông như là một người đóng góp vào việc đổi mới nền sử học nước nhà. Đặc biệt là việc tham gia và ủng hộ công tác đánh gia lại các nhân vật lịch sử với tư tưởng chủ đạo là “lịch sử phải có tính công bằng đúng với những gì nó đã tồn tại”. Song song đó, tác giả cũng mong muốn có một vài đề xuất  tại Hội thảo lần này như:
Thứ nhất, phải tiến hành tổng kết, lưu giữ và tập hợp in ấn ngay những bài viết, phát biểu cũng như tư liệu lịch sử về Cố  Thủ tướng Võ Văn Kiệt để giới nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu và đóng góp thêm ý kiến đánh giá nhân vật này.
Thứ hai, các Viện khoa học, hội lịch sử và các cơ quan liên quan nên có các công trình ở cấp quốc gia hay đơn vị nghiên cứu một cách toàn diện hệ tư tưởng, lý luận và thực tiễn những đóng góp của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên nhiều lĩnh vực và công bố rộng rãi cho công chúng.
Thứ ba, các cơ quan chức năng cũng như Đảng và Nhà nước cũng cần phải xem xét lại hệ thống các kiến nghị của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước khi mất, để thông qua đó xem xét tính khả thi thực hiện và giải quyết các vấn đề trong xã hội. Đó cũng là một việc nên làm để dấu ấn Võ Văn Kiệt luôn tồn tại cùng sông núi. 

(THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO VÕ VĂN KIỆT VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM NĂM 2012)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nhiều tác giả, Dấu Ấn Võ Văn Kiệt, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Văn Hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2008.
2.Nhiều tác giả, Những Câu Chuyện Về Anh Sáu Dân (Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), NXB Thông tấn, Hà Nội, 2008.
3.Nhiều tác giả, Thế Kỷ XXI Nhìn Về Trương Vĩnh Ký, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2006.
4.Trần Văn Sung, Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Thời Đại, TP.HCM, 2012.
5.Tạp chí Xưa & Nay, số 378 tháng 4 năm 2011






*Giáo viên – Trường THCS Võ Trường Toản, Q1 – TP.HCM
[1] Nhiều tác giả, Những câu chuyện về anh Sáu Dân (Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2008. Tr 12.
[2] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Văn Hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2008. Tr 12.
[3] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd. Tr 12.
[4] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd. Tr 269.
[5]Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd. Tr 270.
[6] Nhiều tác giả, Những câu chuyện về anh Sáu Dân, sđd. Tr 211.
[7] Trần Văn Sung, Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Thời Đại, TP.HCM, 2012. Tr 184.
[8] Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trích từ Tạp chí Xưa & Nay, số 378 tháng 4 năm 2011. Tr 9.
[9] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd.
[10] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd. Tr 278.
[11] Nhiều tác giả, Những câu chuyện về anh Sáu Dân, sđd. Tr 211.
[12] Trần Văn Sung, Tả Quân Lê Văn Duyệt, sđd. Tr 185.
[13] Nhiều tác giả, Dấu ấn Võ Văn Kiệt, sđd. Tr 273.
[14] Nhiều tác giả, Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, Tạp chí Xưa & Nay – NXB Văn Hóa Sài Gòn, TP.HCM 2006. Tr 9.

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Cùng nhau sưu tầm và nghiên cứu



 NĂM 1783 NGUYỄN ÁNH CÓ CHẠY RA
CÔN ĐẢO HAY KHÔNG?
Nguyễn Đắc Xuân*
*Bài viết này của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã được đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (74). 2009. Sau được cụ Xuân gửi đến làm tham luận tại Hội thảo “Côn Đảo – 150 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển” diễn ra tại 17/8/2012 tại TP.Vũng Tàu. Tại Hội thảo này tác giả đã có những đánh giá và được PGS.TS Phạm Xanh ủng hộ. Bên cạnh đó, tác giả cũng tặng thêm cho Bảo tàng Côn Đảo một số tài liệu cung cấp về thông tin của bài viết. Nguyễn San Hà xin đăng lại toàn văn bài viết
Xin được bắt đầu bài viết bằng cách trích đăng câu hỏi của một nhóm hướng dẫn viên du lịch ở Bà Rịa-Vũng Tàu gởi cho tôi:

“Nhiều tài liệu viết về lịch sử huyện Côn Đảo, đặc biệt tại trang web www.baria-vungtau.gov.vn viết về “Những sự kiện lịch sử Côn Đảo” có đoạn: “Cách Vũng Tàu 97 hải lý, Côn Đảo [...] tọa độ 8o47’57” vĩ độ Bắc, 106o36’ kinh độ Đông, tổng diện tích là 76,71km2, quần đảo mang tên hòn đảo lớn nhất: đảo Côn Lôn với tên thường gọi là Côn Đảo.

[...] Tháng 6-1783: Nguyễn Ánh chạy ra đảo Côn Lôn, dự định kế hoạch lâu dài lập ra 3 làng: An Hải, An Hội, Cỏ Ống.”

Ông có tài liệu gì chứng minh tháng 6/1783 Nguyễn Ánh (tức Nguyễn Vương, sau này là vua Gia Long) chạy ra Côn Đảo ngày nay không? Đây là một sự kiện hết sức quan trọng đối với lịch sử Côn Đảo, nếu không có tài liệu chứng minh thì khó lòng thuyết minh với giới trẻ, đặc biệt đối với người nước ngoài đang định đến đầu tư ở Côn Đảo. Là một nhà nghiên cứu triều Nguyễn, đã có khi nào ông quan tâm đến vấn đề này chưa? Xin ông bình luận thông tin “Tháng 6/1783: Nguyễn Ánh chạy ra đảo Côn Lôn, dự định kế hoạch lâu dài lập ra 3 làng: An Hải, An Hội, Cỏ Ống” và cho biết đâu là sự thực!”.

Đây là một vấn đề có liên quan đến lịch sử huyện Côn Đảo nên ông Nguyễn Ph. Hoàng ở tại 44 Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vũng Tàu cũng đã nhiều lần trao đổi với tôi về vấn đề này. Nhân đây tôi trình bày lại những gì chúng tôi đã trao đổi với nhau.

1. Vài nghi vấn

Có lẽ các tác giả biên soạn thông tin lịch sử nêu trên đã căn cứ sách Đại Nam thực lục chính biên của Quốc Sử Quán triều Nguyễn như sau đây:

Tháng 6, Quý Mão (1783) vua đóng ở hòn Điệp Thạch [hòn Đá Chồng] thuộc Phú Quốc. Thống suất giặc (tức quân Tây Sơn) là Phan Tiến Thận thình lình đem quân đến. Cai cơ Lê Phúc Điển xin mặc áo ngự mà đứng ở đầu thuyền. Giặc tranh nhau đến bắt. Vua bèn đi thuyền khác ra đảo Côn Lôn” [...]

Mùa thu tháng 7, Nguyễn Văn Huệ nghe tin vua ở đảo Côn Lôn sai người đảng là Phò mã Trương Văn Đa đem hết thủy binh đến vây ba vòng, tình thế rất nguy cập. Bỗng mưa gió nổi lớn, bốn bề mây mù kín mít, người và thuyền cách nhau gang tấc cũng không thấy nhau. Sóng biển nổi lên dữ dội. Thuyền giặc tan vỡ chìm đắm không xiết kể. Thuyền vua bèn vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc. Quân tướng thiếu thốn, binh sĩ đến nỗi phải hái cỏ tìm củ mà ăn”.(1) (Sau đây tạm gọi tài liệu 1).

Sử gia Trần Trọng Kim tham khảo Đại Nam thực lục cũng viết trong Việt Nam sử lược như sau:

“... qua năm quí-mão (1783) vua Tây-sơn lại sai Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem binh vào đánh, Nguyễn-vương (tức Nguyễn Phúc Ánh) phải rước vương mẫu và cung quyến ra Phú-quốc. Đến tháng 6 năm ấy, Nguyễn Huệ ra đánh Phú-quốc, Nguyễn-vương chạy về Côn-nôn; quân Tây-sơn lại đem thuyền đến vây Côn-nôn, nhưng may nhờ có cơn bão đánh đắm cả thuyền của Tây-sơn, cho nên Nguyễn-vương mới ra khỏi trùng vi, chạy về đảo Cổ-cốt, rồi lại trở về Phú-quốc”. (Tạm gọi là tài liệu 2).

Trần Trọng Kim sửa Côn Lôn thành Côn-nôn.

Nếu các nhà soạn lịch sử cho huyện Côn Đảo sử dụng hai tài liệu trong Đại Nam thực lục Việt Nam sử lược nêu trên thì có hai vấn đề cần phải bình luận:

1.1. Theo cả hai tài liệu 1 và 2, tháng 6 năm Quý Mão (1783) Nguyễn Ánh chạy thoát thân đến Côn Lôn trong trường hợp cấp bách như vậy chưa chắc đã mang theo kịp vợ con, làm sao ông có thể đem được dân theo? Nguyễn Ánh cũng chỉ lánh nạn ở Côn Lôn chừng một tháng, vì đến tháng 7 năm Quý Mão, lại bị bao vây “ba vòng” may nhờ trận bão bất ngờ đánh đắm binh thuyền của Tây Sơn, Nguyễn Ánh mới chạy thoát một lần nữa đến đảo Cổ Cốt trước khi về lại Phú Quốc. Trong lúc loạn lạc ngoài biển Đông như vậy lấy dân ở đâu để lập ba làng An Hải, An Hội, Cỏ Ống?

1.2. Có đúng Côn Lôn (tài liệu 1) hay Côn Nôn (tài liệu 2) là Côn Đảo ngày nay không?

1.2.1. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, hòn đảo chính và lớn nhất Côn Đảo: “có diện tích 58km2 (chiếm 74,29% tổng diện tích quần đảo)”.

Như vậy, chu vi Côn Đảo (hòn đảo lớn) trên 30km. Tài liệu 1 viết, quân của “Trương Văn Đa vây ba vòng” tức gần hơn 90km (gần bằng đoạn đường quốc lộ Huế-Đà Nẵng). Muốn vây bắt Nguyễn Ánh ít nhất mỗi km có khoảng 10 thuyền chiến, tức đội thủy quân của Trương Văn Đa đã đưa ra đảo Côn Lôn tháng 7/1783 có đến 900 thuyền (90km x 10 thuyền chiến). Và 900 thuyền đó đã bị gió bão đánh đắm như thế sự thiệt hại của quân Tây Sơn quá kinh khủng. Trong lịch sử nhà Tây Sơn chưa thấy có bất cứ sách sử nào đề cập sự thất bại kinh khủng của Tây Sơn đến thế cả. Chuyện Nguyễn Ánh chạy đến lánh nạn ở đảo Côn Lôn là có thật, chuyện thủy quân Tây Sơn do Trương Văn Đa chỉ huy bao vây “ba vòng” hòn đảo được Thực lục viết là Côn Lôn có thực. Phải chăng hòn đảo được tài liệu 1 và 2 đề cập trên có tên là Côn Lôn hay Côn Nôn nhưng không phải là Côn Lôn được gọi là Côn Đảo mà là một hòn đảo nhỏ hơn nhiều lần so với Côn Đảo ngày nay?

1.2.2. Xem bản đồ Lục tỉnh (cũ), ta thấy đảo Phú Quốc ở phía tây nam, còn đảo Côn Đảo (Côn Lôn trước đây) ở phía đông nam, hai đảo nằm ở hai kinh tuyến xa nhau (kinh độ 104 và kinh độ 107), cách xa nhau khoảng 300km đường chim bay. Đi vòng theo đường thủy cũng phải từ 500 đến 600km. Nếu đi bằng thuyền chèo hay thuyền buồm, thuận chiều gió, ít nhất cũng phải đi mươi ngày mới đến. Hành trình xa và lâu như vậy đòi hỏi phải chuẩn bị lương thực và nước uống đầy đủ mới thực hiện được. Trong trường hợp Nguyễn Ánh bất ngờ chạy lánh nạn chắc không thể chuẩn bị đầy đủ, lại nữa vào khoảng tháng 6 là tháng có gió mùa đông nam thổi mạnh, quan quân Nguyễn Ánh không thể chạy ngược gió và xa xôi vậy được. Sau khi thủy quân Tây Sơn bị gió bão nhận chìm, Nguyễn Ánh lại còn phải trở về lại Phú Quốc. Với thực tế ấy, ta có thể đặt giả thuyết hồi tháng 6 năm Quý Mão (1783), Nguyễn Ánh chạy lánh nạn ở một hòn đảo nào đó (tạm gọi là đảo X) gần đảo Phú Quốc chứ không phải Côn Đảo ngày nay. 


1.2.3. Từ sau khi xưng vương (1780), Nguyễn Ánh đã có mối quan hệ với các nước Thái Lan và Campuchia. Do đó khi thoát ra khỏi Phú Quốc, theo lôgích Nguyễn Ánh phải chạy về vùng biển gần Thái Lan và Campuchia hơn để mong có sự giúp đỡ. Hơn nữa, ở vùng biển giữa Phú Quốc và các nước Thái Lan, Campuchia, rải rác còn có một số đảo nhỏ khả dĩ Nguyễn Ánh có thể dung thân được. Theo cách nghĩ thông thường ấy ta thấy có lý hơn là cho Nguyễn Ánh chạy lên Côn Lôn (Côn Đảo) xa xôi ở phía đông nam.

1.2.4. Cũng tài liệu 1 trên cho biết: “Thuyền giặc tan vỡ chìm đắm không xiết kể. Thuyền vua bèn vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc”. Theo nghĩa của câu sử thì “hòn Cổ Cốt” ở giữa đảo X và đảo Phú Quốc. Mà đảo Cổ Cốt thì ta có thể biết được đó là đảo Koh Kood, hay Ko Kut là một hải đảo rộng 129km², nằm sát hải phận Campuchia, trong vùng biển tranh chấp giữa chính quyền Pháp ở Đông Dương và Thái Lan trước đây. Đảo Cổ Cốt còn ghi trong sử nhà Nguyễn một sự kiện quan trọng khác nữa là năm 1787, Nguyễn Ánh trên đường từ Thái Lan trở về nước khi đi ngang qua đảo Cổ Cốt (Vịnh Thái Lan), một người Hoa tên Hà Hỷ Văn cùng nhiều người trong Thiên Địa Hội theo giúp chiếm lại Hà Tiên và Long Xuyên.(2) Như vậy đảo X nằm phía tây Phú Quốc chứ không phải X là Côn Đảo nằm ở phía đông.

Đảo Côn Lôn trong Đại Nam thực lục không phải là đảo Côn Lôn ngày nay có tên là Côn Đảo (ở đông nam) mà nằm ở phía tây nam gần đảo Cổ Cốt sát hải phận Campuchia.

Vậy, tháng 6 năm Quý Mão (1783) Nguyễn Ánh thoát thân ra khỏi Phú Quốc không ra Côn Lôn (Côn Đảo) ở hướng đông mà chạy đến đảo Côn Lôn nào ở phía tây?

2. Các học giả trả lời

2.1. Nhà sử học Pháp Charles H. Maybon, hồi đầu thế kỷ XX, tra cứu các nguồn tài liệu của Pháp, của các Thừa sai Thiên Chúa giáo và sử sách của triều Nguyễn đã viết nhiều tập sử Việt được giới sử học rất quan tâm như các cuốn Notion d’histoire d’Annam,(3) Lectures sur l’Histoire Moderne et Contemporaine de Pays D’Annam de 1428 à 1926.(4) Trong cuốn sách thứ hai này, Maybon đề cập đến sự kiện Nguyễn Ánh chạy thoát ra khỏi Phú Quốc tháng 6 năm Quý Mão (1783) như sau:

En effet, Huệ et Lữ, avec des forces importantes, se présentèrent au mois de Mars 1783 et brisèrent toute résistance. Alors commenca pour le prince une vie de fugitif; impitoyablement chassé par ses ennemis, il erre, pour leur échapper, dans le Golfe de Siam, il passe de Phú Quốc à Ko-rong,(5) à Kok-kut, revient à Phú Quốc”

(Tạm dịch: Thực vậy, vào tháng 3/1783, Huệ và Lữ, đã sử dụng một lực lượng rất hùng hậu, đánh tan hết mọi lực lượng kháng cự. Lúc bấy giờ ông hoàng (tức Nguyễn Ánh) buộc lòng phải thoát thân. Để tránh bị kẻ địch săn đuổi một cách khốc liệt, ông phiêu bạt trong vịnh Thái Lan. Từ Phú Quốc ông đến đảo Ko-rong, Kok-kut, rồi trở lại Phú Quốc).

Theo Maybon thì đảo X là đảo Ko-rong.

2.2. Hai cha con ông Quách Tấn và Quách Giao - những người cùng quê với những người đứng đầu phong trào Tây Sơn - có nhiều công trình nghiên cứu về Tây Sơn và Bình Định cũng viết:

Được tin Nguyễn Phúc Ánh chạy ra Phú Quốc, Nguyễn Huệ sai Phan Tiến Thận đi đánh bắt. Một số tướng lãnh bị bắt sống. Nguyễn Ánh thoát chết chạy ra đảo Cổ Long (KohRong). Trương Văn Đa được một lực lượng thủy quân lớn đến vây đánh. Nhưng rủi gặp ngày mưa gió lớn thuyền không thể dàn ra để bao vây mà phải dồn lại ghì chặt vào nhau để chống lại sóng gió. Nhờ vậy Nguyễn Phúc Ánh có cơ hội đem tàn quân chạy thoát, trốn sang đảo Cổ Cốt (Ko Kut) rồi chạy về Phú Quốc”.(6)

Theo Quách Tấn và Quách Giao, đảo X là đảo Cổ Long (KohRong). Có lẽ hai nhà nghiên cứu họ Quách đã tham khảo sách của Maybon và chấp nhận thông tin lịch sử của Maybon.

2.3. Nhà văn, nhà nghiên cứu Marcel Gaultier đã tham khảo những thư từ trao đổi giữa các vị Thừa sai Thiên Chúa giáo, những người Pháp hoạt động ở Đông Nam Á, với Pháp quốc và Giáo hội Thiên Chúa giáo ở chính quốc và tài liệu của Quốc Sử Quán triều Nguyễn viết nên bộ ba bút ký lịch sử Gia Long, Minh Mạng Hàm Nghi (Le Roi Proscrit- Ông vua bị đày) rất giá trị. Trong cuốn Gia Long do Toàn quyền Đông Dương P. Pasquier đề tựa, Marcel Gaultier đã đề cập đến sự kiện Nguyễn Ánh bị đánh bất ngờ phải tẩu thoát ra khỏi đảo Phú Quốc hồi tháng 6 năm Quý Mão (1783) như sau:

Ses pousuivants n’ayant pu l’atteindre, Nguyen-van-Lu et Nguyen-van- Hue retournent à Quinhon, laissant pour garder la Basse Cochinchine, le Pho-Ma, Truong-van-Da et le commandant de L’Avant, Bao. La parque qui transporte les fugitifs touche l’ile Chung, mais ne s’arrête qu’à celle de Poulo- Panjab après un dramatique voyage de six jours sur l’Océan déchainé”.(7)

(Tạm dịch: Quân truy kích không thể đuổi theo kịp Nguyễn Ánh, Nguyễn Văn Lữ và Nguyễn Văn Huệ trở về Quy Nhơn chỉ để lại ông Phò mã Trương Văn Đa và ông Tiền quân Bảo trấn giữ vùng Hậu Giang. Chiếc thuyền phò Nguyễn Ánh đi lánh nạn có ghé lại đảo Chung (?) nhưng chỉ tá túc ở đảo Poulo-Panjab sau một hành trình bi thảm 6 ngày giữa biển khơi sóng động).

Marcel Gaultier viết Nguyễn Ánh đã lánh nạn ở Poulo-Panjab. Đối với các nhà nghiên cứu Nam Bộ và nghiên cứu hải đảo Việt Nam, đảo Poulo- Panjab không lạ. Poulo-Panjab ngày nay có tên là đảo Thổ Chu hay còn gọi là Thổ Châu, là đảo lớn nhất của quần đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đảo Thổ Chu có diện tích hơn 1.300ha, hiện có hơn 400 hộ gia đình, gần 1.600 nhân khẩu.

M. Gaultier còn cho biết, khi đến Poulo-Panjab Nguyễn Ánh đã gặp một sự bất ngờ là Giám mục Bá Đa Lộc và đồ đệ của ông cũng vừa đến Poulo- Panjab trước đó mấy ngày: “Une surprise y attend Nguyen-Anh. L’évêque d’Adran et son collège ont abardé quelques jours plus tôt à Poulo-Panjab où une heureuse inspiration conduit le prétendant” (Gia Long, tr. 93). Và rồi, chính tại Poulo-Panjab, Nguyễn Ánh đã chấp nhận dự thảo Hiệp ước (sau nầy có tên là Versaille 1887) do L’évêque d’Adran đã chuẩn bị từ trước, trước khi ông ủy quyền cho ông Cố đạo nầy đem Hoàng tử Cảnh (sinh năm 1779 tại Biên Hòa) sang cầu viện vua Pháp Louis XVI. Trong dự thảo Hiệp ước có khoản Nguyễn Ánh nhường cho Pháp “quyền sở hữu và chủ quyền về đảo Côn Đảo” (que ledit prélat proposera aussi à la Cour de France la propriété de l’Ile de Poulo-Condor”. (Gia Long, tr. 95). Ngồi tại Poulo-Panjab duyệt dự thảo Hiệp ước Versailles có đề cập đến Poulo-Condor (Côn Đảo), chứng tỏ tác giả không thể nhầm Poulo-Panjab với Poulo-Condor được.

Tóm lại: Tháng 6 năm Quý Mão (1783) Nguyễn Ánh từ Phú Quốc không chạy ra Côn Đảo ở phía đông (đồng bằng Nam Bộ) mà chạy qua một hòn đảo phía tây gần với Thái Lan và Campuchia. Maybon và Quách Tấn, Quách Giao viết đó là đảo Cổ Long (KohRong), Marcel Gaultier viết là đảo Poulo- Panjab tức đảo Thổ Chu. Đường biển đi từ những hòn đảo nầy về đảo Phú Quốc đều chạy ngang qua đảo Cổ Cốt. Kết luận này được chứng minh bằng tài liệu lịch sử, đúng với tình hình thực tế các đảo nhỏ trên vùng biển phía nam đảo Phú Quốc và vịnh Thái Lan và cũng đúng với hoàn cảnh lịch sử của Nguyễn Ánh năm 1783. Ta có thể khẳng định tháng 6 năm Quý Mão (1783) Nguyễn Ánh không chạy ra Côn Lôn có tên là Côn Đảo ngày nay.

Gác Thọ Lộc, tháng 3/2009

N Đ X

CHÚ THÍCH

(1) Đại Nam thực lục, Quốc Sử Quán triều Nguyễn, tập Một, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr 217-218.

(2) Đại Nam thực lục, Sđd, tr 228.

(3) Sơ lược lịch sử nước Nam (viết chung với Russier, Hà Nội, IDEO, 1911).

(4) Bài đọc lịch sử cận và hiện đại nước Nam từ 1428 đến 1926 của Charles B.Maybon, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hà Nội, 1927.

(5) Bình luận của nhà sử học Phan Khoang: “Ông Maybon nghĩ rằng các sách nói rằng bấy giờ Nguyễn-vương bị đuổi bắt và phải nhiều lần từ Cônlôn chạy qua Phú-quốc và Phú-quốc về Cônlôn; lại nói khi Tây-sơn biết Ngài ở Cônlôn lại đem thuyền đến vây đảo nầy ba vòng. Nguyễn-vương bấy giờ đã mệt mỏi, không thể nào chạy được xa xuôi nhiều vòng từ Phú -quốc đến Cônlôn mà quân Tây-sơn cũng không đủ ghe thuyền mà bao bây Cônlôn đến ba vòng. Vậy Cônlôn đây có lẽ chỉ đảo Ko-Rong (Cao-mán) trong vịnh Tiêm-la, gần đảo Phú Quốc, nhỏ, quân Tây-sơn có thể vây ba vòng được”. Việt Pháp bang giao sử lược, Phan Khoang, Nhà in Nguyễn Văn Bửu, 1950, chú thích (1), tr 51; hoặc Việt sử xứ Đàng Trong, Phan Khoang, Nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr 647-648.

(6) Nhà Tây Sơn, Quách Tấn-Quách Giao, Sở Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình, Quy Nhơn, 1988.

(7) Gia-Long của Marcel Gaultier, tựa của Toàn quyền Pierre Pasquier, S.I.L.I. C Ardin, Saigon, 1933, tr 92-93.