Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

VAI TRÒ CỦA BẢO TÀNG TRONG CÔNG TÁC TỰ HỌC VÀ NGHIÊN CỨU CỦA GIÁO VIÊN TẠI CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG




Nguyễn San Hà[1], Trần Thị Ngọc Lan[2]
Bảo tàng không chỉ là một địa chỉ quen thuộc với mọi lứa tuổi, mà còn  là nơi hội ngộ của đông đảo du khách trong và ngoài nước; là người bạn đồng hành với khách tham quan trong việc tìm hiểu lịch sử nước nhà. Nơi đây còn là một môi trường dành cho việc học tập thực tế và hỗ trợ cho công tác giáo dục cộng đồng, đặc biệt là đối với những người làm công tác sư phạm tại các trường phổ thông.
Đến với Hội thảo “Giải pháp nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho đội ngũ giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, chúng tôi xin được nêu lên mối quan hệ giữa Bảo tàng với giáo viên trong việc “tự học và tự nghiên cứu” khi giảng dạy ở các trường phổ thông (đặc biệt là đối với các ngành khoa học xã hội).
Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm và nhiệm vụ của bảo tàng. Theo định nghĩa của ICOM (The International Council of Museum) mới đây nhất được thông qua tại Stavanger 1995 thì: Bảo tàng là những thiết chế phi lợi nhuận, hoạt động thường xuyên mở cửa cho công chúng đến xem, phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, Bảo tàng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu thông tin và trưng bày các bằng chứng vật thể và phi vật thể về con người và môi trường sống của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức.
Như vậy từ nhận định trên ta thấy rằng: bảo tàng là “thiết chế phi lợi nhuận” nhằm vào việc phục vụ công chúng là chính. Tại đây bảo tàng có các nhiệm vụ chính là: sưu tầm cũng như bảo quản và trưng bày các hiện vật (kể cả giá trị vật thể và phi vật thể) trong nhiều lĩnh vực nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, giáo dục và chiêm ngưỡng. Từ đó cũng thấy được một trong những chức năng mà Bảo tàng đảm nhiệm đó là “giáo dục”, tuy nhiên, bản thân Bảo tàng không thể “giáo dục” hay “chấm điểm” cho người thưởng lãm mà những giá trị của hiện vật đã tự nói lên điều đó. Vì vậy, nhìn từ hai phía Bảo tàng và nhà trường rất cần sự phối hợp lẫn nhau nhằm phát huy những giá trị lịch sử và văn hóa của nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.
Nếu đứng ở góc độ giáo dục thì bảo tàng có một vai trò khá quan trọng được thể hiện cụ thể như:
Thứ nhất, xuất phát từ chức năng sưu tầm, bảo quản và trưng bày các hiện vật từng tồn tại theo dòng lịch sử thời gian, nên đây là nơi lý tưởng để thực hiện việc giảng dạy các môn học khoa học xã hội tại nhà trường phổ thông.
Thứ hai, tham quan học tập tại bảo  tàng  giúp học sinh có những cái nhìn thực tế sự kiện lịch sử qua các hiện vật trưng bày hoặc đồ phục chế về quá khứ. Từ đó, làm giàu cho các em những biểu tượng lịch sử cụ thể và làm chỗ dựa để hình thành các kết luận khái quát. Quan trọng hơn là việc tham quan học tập tại bảo tàng giúp liên hệ tốt kiến thức giữa lý luận và thực tiễn, cũng như giúp nhà trường phổ thông xây dựng mối quan hệ tốt với xã hội. Như Lê nin đã từng chỉ ra rằng: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý”[3], theo đó rõ ràng phía bảo tàng có lợi thế hơn trong việc hình thành các chân lý khoa học cho học sinh.
Thứ ba, tham quan và học tập tại bảo tàng có ý nghĩa lớn đối với việc giáo dục tư tưởng, tình cả và bồi dưỡng thẫm mỹ cho học sinh. Bởi vì chính ở đây học sinh được nhìn thấy tận mắt những gì đã đi vào quá khứ; được hiểu một cách có hệ thống dựa trên bố cục trưng bày của bảo tàng từ đó các em sẽ hiểu hơn về sự phát triển của nhân loại, của dân tộc.
Thứ tư, trong công cuộc đổi mới nền giáo dục và phương pháp dạy học ở trường phổ thông, thì việc học tập và tham quan tại bảo tàng là một sự đổi mới thích hợp về cả phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học. Giúp cho người giáo viên có  điều kiện “Chuyển từ  việc truyền đạt tri thức  thụ động, thầy giảng, trò ghi sang hướng dẫn người học chủ động tư duy trong quá trình tiếp cận tri thức; dạy cho người học phương pháp tự học; tự  thu nhận thông tin một cách  hệ thống và có tư duy phân tích, tổng hợp; phát triển được năng lực của mỗi cá nhân; tăng cường tính chủ động; tính tự chủ của học sinh, sinh viên”[4] như mục tiêu của “Chiến lược phát triển giáo dục” đã đề ra.
Trước những lợi thế kể trên, đòi hỏi người giáo viên dạy các môn khoa học xã hội không thể nào không quan tâm đến việc học tập và nghiên cứu tại bảo tàng để phục vụ cho giảng dạy. Trở lại với vai trò của người giáo viên, ngoài tâm huyết và trách nhiệm của người thầy cũng với những kiến thức đã được đào tạo từ ghế nhà trường (chủ yếu học từ sách vở), những chuyến tham quan thực tế, thực tập điền dã hay được thực tập giảng dạy… tất cả những điều này cũng chưa đủ. Nghiên cứu về lịch sử là cả một quá trình, trong đó có rất nhiều khía cạnh cần đề cập. Khi người giáo viên thuyết giảng về một giai đoạn lịch sử Việt Nam, buộc họ phải tự liên hệ nghiên cứu nhiều vấn đề khác có liên quan như kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… mà thời kỳ ấy đã đạt được, để làm tốt công tác này, giáo viên phải am hiểu về những ngành học xã hội khác (thể hiện khả năng tự học, tự nghiên cứu).
Đối với xu thế hiện đại hóa toàn cầu hiện nay, người giáo viên phải thường xuyên cập nhật những thông tin mới, tìm hiểu về những nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan như: sử học, dân tộc học, khảo cổ học…cả trong và ngoài nước (đặc biệt khả năng đọc được sách nước ngoài). Mặt khác, giáo viên nên tự viết bài nghiên cứu và tham gia các Hội thảo trong ngành hoặc ngoài ngành tổ chức, đây cũng là dịp học hỏi, giao lưu với những nhà khoa học cũng như với đồng nghiệp khác để bổ sung kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn. Để thực hiện được  những việc làm đó, rõ ràng bảo tàng cũng góp phần không nhỏ:
Thứ nhất, Khi đến với bảo tàng người giáo viên có thể tiếp xúc với các hiện vật (vốn là những thành quả nghiên cứu khoa học chuyên môn) được trình bày hệ thống theo thời gian và chủ đề cụ thể. Chính trong quá trình thiết kế và thực hiện các bài dạy tại bảo tàng người giáo viên phổ thông cũng đã được cập nhật nhiều thông tin có liên quan và mang tính hệ  thông, tính khoa học…
Thứ hai, do tính mới của bảo tàng và công tác phục vụ số công chúng nên người giáo viên dễ dàng và thuận tiên tự học và nghiên cứu tại bảo tàng, bên cạnh đó có thể liên hệ với các chuyên gia của bảo tàng để  tìm hiểu thêm về những giá trị hiện vật được trưng bày.
Thứ ba, chính việc học tập và  giảng dạy tại bảo tàng giúp cho người giáo viên có thêm động lực và sự tự tin trong công tác khoa học, mạnh dạng đổi mới phương pháp dạy học và giảng dạy cũng như học tập  tại bảo tàng cũng là một cách mới dễ nhân rộng ra nhiều nơi.
Nhằm đáp ứng những nhu cầu trên của giáo viên các trường phổ thông trong năm học 2011 – 2012, 2012 – 2013 Bảo tàng Lịch sử đã tổ chức và hưởng ứng các đợt vận động “Hành trình đến với Bảo tàng”, “Dân ta phải biết sử ta” của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đồng thời, nhằm tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và Bảo tàng trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc bằng việc phối hợp thực hiện tổ chức chương trình “Giờ học sử tại Bảo tàng” với các trường THCS
Đây là chương trình học lịch sử thực tế ngay tại Bảo tàng đã giúp cho học sinh nắm được kiến thức cơ bản của chương trình sử đang học tại nhà trường. Qua hiện vật, hình ảnh, tư liệu, tài liệu khoa học phụ trưng bày trong Bảo tàng, những câu chuyện kể về các danh nhân, danh tướng qua các thời kỳ, những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử dân tộc… đã tạo cho các em yêu thích môn lịch sử, thêm yêu dân tộc, yêu giống nòi để phấn đấu trở thành học sinh giỏi, công dân tốt của đất nước trong tương lai.
Có thể nói rằng đây là sự sáng tạo và thể nghiệm trong việc học sử, để vực dậy niềm tin nơi các em, học lịch sử rất thú vị và không đơn điệu. Chương trình này ra đời bước đầu mang lại hiệu quả cao đã tạo nên sự thích thú, hứng khởi cho cả phía nhà trường, giáo viên trong việc giảng dạy và học tập bằng những hiện vật “trực quan sinh động”, học sinh có điều kiện tiếp cận với hiện vật, tài liệu khoa học phụ mang tính khoa học, học theo cách “hiểu”, nắm bắt chứ không phải là học “thuộc bài”. Chương trình này đã góp nên cho sự thành công của giờ học bộ môn lịch sử .
Với kết quả đã đạt được rất khả quan trong 2 niên học vừa qua Bảo tàng đã đón tiếp 52,203 lượt thầy và trò của các trường trong khắp các tỉnh thành đến giảng dạy và học tập tại đây[5]. Là một tín hiệu đáng phấn khởi mà Bảo tàng đã phát huy được mặt công tác tuyên truyền trong đó có công tác giáo dục.
Qua những trình bày khoa học và thực tiễn trên, các tác giả muốn nhấn mạnh rằng: khả năng tự học và tự nghiên cứu của người giáo viên phổ thông có thể phát huy tốt thông qua việc tổ chức tham quan  ngoại khóa và giảng dạy tại bảo tàng cho học sinh tại các trường. Đặc biệt đối với các giáo viên chuyên môn khoa học xã hội thì lại càng có điều kiện hơn trong việc phát huy mô hình tổ chức học tập mới này trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vừa tốt cho hoạt động nhận thức của các em, vừa tự nâng cao trình độ chuyên môn của chính mình. Thông qua bài viết tác giả cũng muốn gửi đến những đề xuất nhỏ như:
Thứ nhất, tại các cơ sở đào tạo giáo viên cần phải tập trung hơn nữa việc bồi dưỡng khả năng tự học và tự nghiên cứu của sinh viên thông qua các học phần, các chuyến thực tế tại bảo tàng, khu di tích lịch sử - văn hóa…Để từ đó, các sinh viên có điều kiện tiếp xúc với công tác giảng dạy tại bảo tàng. Vì chính các sinh viên ấy sẽ là những người giáo viên trực tiếp thực hiện việc đổi mới dạy học ở các trường phổ thông sau  này. Điều đó, cần phải đòi hỏi lãnh đạo của cả 2 cơ sở giáo dục là trường Đại học sư phạm, trường phổ thông  phải phối hợp chặc chẽ về chương trình, nội dung, phương pháp bộ môn với đơn vị bảo tàng.
Thứ hai, trong quá trình giáo viên phổ thông thực hiện các chương trình học tập, tham quan tại bảo tàng, để đảm bảo chất lượng và kết quả đặt ra người giáo viên nên kết hợp với cán bộ hướng dẫn ở bảo tàng, di tích để việc trình bày, bổ sung kiến thức lịch sử phù hợp với yêu cầu và trình độ nhận thức của học sinh, trên cơ sở đó, gợi ý, dẫn dắt học sinh nắm vững những vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó cũng cần phân biệt và vận dụng tốt loại tham quan tường thuật để tạo biểu tượng lịch sử và loại tham quan dẫn chứng làm cơ sở cho việc nhận thức sâu sắc hơn. Sự phân  biệt hai loại tham quan này xuất phát  từ yêu cầu, mục đích sử dụng các hiện vật của bảo tàng, nhà truyền thống trong học tập lịch sử. [6]
Có thực hiện được như trên thì chất lượng học tập và tham quan bảo tàng của học sinh mới được  nâng cao và phục vụ tốt cho công tác tự học, tự nghiên cứu của giáo viên được hiệu quả hơn. 
THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO

“Giải pháp nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho đội ngũ giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” tổ chức tại ĐHSP.TP HCM - 29/11/2013

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Bộ giáo dục và đào tạo (2002), Ngành giáo dục và đào tạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, NXB Giáo dục, HN
2. Phan Ngọc Liên  (chủ biên), 2009, Phương Pháp dạy học lịch sử, tập II, NXB ĐHSP, HN.
3. V.I. Lê Nin (1976), Bút ký Triết  học, NXB Sự Thật, HN.


[1] GV trường THCS Võ Trường Toản – Q1 TP.HCM.
[2] Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM.
[3] V.I. Lê Nin (1976), Bút ký Triết  học, NXB Sự Thật, HN, tr 189
[4] Bộ giáo dục và đào tạo (2002), Ngành giáo dục và đào tạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, NXB Giáo dục, HN, tr 107.
[5] Theo số liệu thống kê của Tổ thuyết minh – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh.
[6] Phan Ngọc Liên  (chủ biên), 2009, Phương Pháp dạy học lịch sử, tập II, NXB ĐHSP, HN, tr 223.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét