Nguyễn
San Hà
I.
Đặt vấn đề:
Ngày 5/6/1911, người thanh
niên tên Văn Ba đã xuống tàu Amiran Latúsơ Tơrêvin rời bến cảng Nhà Rồng đi
Mácxây. Sự kiện đó, đánh dấu bước khởi đầu con đường bôn ba trời Tây của Người,
nhằm tìm hiểu văn hóa thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước. Nhận thấy cần
phải tiếp cận và tìm ra những yếu tố quan trọng đã tác động đến toàn bộ hành
trình tìm đường cứu nước của Người, từ lúc còn ở trong nước rồi khi Người đến với
chủ nghĩa cộng sản. Nội dung của bài viết xin đề cập đến những yếu tố mà tác giả
thấy có tác động lớn lao đến người thanh niên Nguyễn Tất Thành
hay Nguyễn Ái Quốc trên con đường tìm kiếm phương pháp giải phóng dân tộc
mình.
II.
Nội dung:
1.
Quá trình ở quê hương đến khi tìm đường ra nước ngoài:
1.1
Tác động từ
quê hương và gia đình:
Nguyễn Sinh Cung, tên thời thơ ấu của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, sinh ngày 19/5/1890, tại làng Hoàng Trù là quê ngoại của Bác,
nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cách đó 2 km là làng Kim Liên
vốn là quê nội của Bác. Đặc điểm chung cả
quê nội và ngoại của Nguyễn Sinh Cung là những vùng đất xấu, người dân nghèo,
thời tiết “nắng lên là hạn, mưa to mấy ngày là lụt”; nhưng con người ở đây thì
cần mẫn, chăm chỉ lao động, bên cạnh làm ruộng còn phải làm thêm nhiều nghề
khác; nên hai làng Hoàng Trù và Kim Liên còn là “đất hát phường vải”[1]. Nơi
đây cũng là đất của nhiều sĩ phu văn thân từng tham gia chống Pháp như: Vương
Thúc Mậu, Nguyễn Sinh Quyến, Hoàng Xuân Hành; Hoàng Phan Thái,…
Xuất thân từ trong gia đình khoa bảng,
thân phụ của Người là ông Nguyễn Sinh Sắc (sinh năm 1862 – sau lấy tên là Nguyễn
Sinh Huy) cũng đỗ phó bảng vào kỳ thi hội năm Tân Sửu đời Thành Thái 13 (tức
năm 1901)[2].
Nhưng ông lại thích sống thanh bạch, không thích cậy quyền. Do đó, ông thường dạy
các con khi ấy là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành (theo tục làm lễ vào làng,
các con trai được đổi tên khác): “Vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng” (nghĩa là:
đừng lấy phong cách nhà quan làm phong
cách nhà ta); không được xa rời lao động chân tay[3]. Năm
1906, ông được bổ nhiệm làm thừa biện bộ Lễ, vẫn nói thường nói với các học
trò: “Quan trường thị nô lệ trung thị nô lệ, hựu nô lệ” (nghĩa là: làm quan là
nô lệ trong đám nô lệ, lại càng nô lệ hơn)[4].
Không dừng lại ở đó, Cụ Sinh Sắc rất
quan tâm đến việc học và chọn thầy cho con mình. Chính vì lẻ đó, nên Bác thường
được theo học chữ Hán với nhiều nhà nho có tiếng trong vùng như: Vương Thúc
Quý, Trần Thân vốn là những người thanh bạch, khảng khái, trọng nghĩa khinh
tài. Đặc biệt là thầy Quý “không hề ngần ngại dạy cho học trò tư tưởng yêu nước
thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời”[5].
Bên cạnh đó, thân phụ của Người thường
hay dẫn các con đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ để có thể hiểu biết thêm về tình cảnh
đất nước. Chính nhờ vậy, mà cậu Thành đã thấu hiểu được tình cảnh của nhân dân
trong nước dưới thời Pháp thuộc. Nguyễn Sinh Cung
cũng thấy ở Huế có nhiều lớp người, những người Pháp thống trị nghênh ngang,
hách dịch và tàn ác; những ông quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm,
hài nhung, mũ cánh chuồn, nhưng khúm núm rụt rè; còn phần đông người lao động
thì chịu chung số phận đau khổ và tủi nhục. Qua các chuyến đi, còn giúp Người
tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước. Tiêu biểu
trong đó có cụ Phan Bội Châu, thường đến nhà trao đổi về thời cuộc. Mỗi khi uống
say, cụ Phan thường ngâm 2 câu thơ:
“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch,
Lập thân tối hạ thị văn chương”.
Nghĩ là:
“Mỗi bữa (ăn) không quên ghi sử sách,
Lập thân hèn nhất ấy (là) văn chương”.
Câu thơ đã có tác động nhiều đến Nguyễn Tất Thành và góp phần
định chí hướng cho người thiếu niên sớm có hoài bão lớn[6].
Như vậy, điểm qua những nét chính về quê
hương và gia đình của Bác Hồ, ta thấy được ngay từ thời thơ ấu cho đến lúc niên
thiếu, Người đã được tiếp thu những tinh hoa của vùng đất anh hùng xứ Nghệ An.
Cũng như những đức tính của người cha đầy tinh thần yêu nước và có mối quan hệ
rất rộng với nhiều văn thân sĩ phu yêu nước miền Trung. Nguyễn Tất Thành sinh
ra và lớn lên vào lúc thực dân Pháp đang thực hiện công cuộc “khai hóa” bằng phương pháp “vắt sữa” xứ thuộc địa, đẩy;
triều đình phong kiến đã mất đi vai trò quản lý đất nước, nên những tác động
trên đã hình thành nên trong người một lòng yêu quê hương đất nước cùng với những
tư tưởng tiến về: cái học, cái tình và nhận thức sơ lược về vận mệnh của nước
nhà.
1.2
Tác động
trong quá trình học tập ở các trường Pháp – bản xứ:
Sau đó, ông nghè Nguyễn Quý Song góp ý,
ông Sắc cho con theo học trường tiểu học Vinh (từ tháng 9/1905 – 4/1906), tại
đây Nguyễn Tất Thành đã chú ý đến ba từ
tiếng Pháp được sơn vào gỗ và gắn trên bảng đen chính là: Tự do – Bình đẳng
– Bác ái. Qua tìm hiểu Thành đã biết được đó là khẩu hiệu của cuộc Đại cách mạng
tư sản Pháp 1789 và có ý định “tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”[7].
Đến cuối tháng 4/1906, Thành theo cha
vào Huế và được học dự bị tại trường tiểu
học Pháp – Việt Đông Ba, niên khóa 1906 -1907 và tiếp theo học lớp sơ đẳng vào
năm 1907 – 1908 với tên là Nguyễn Sinh Côn[8]. Đến
tháng 4/1908, lúc Thành học gần cuối lớp sơ đẳng, thì kinh thành Huế xôn xao,
náo động về sự kiện: bị mất mùa liên tiếp ba năm, nông dân sáu huyện của tỉnh
Thừa Thiên kéo nhau rầm rập về kinh thàn. Bà con vây quanh tòa Khâm sứ ở cầu Tràng Tiền để dòi giảm sưu, giảm thuế.
Nguyễn Tất Thành đã tham gia những cuộc biểu tình này,
khởi đầu cho cuộc tranh đấu suốt đời Người vì
quyền lợi của nhân dân lao động. Vì những hoạt động yêu nước, tham gia cuộc đấu
tranh của nông dân, Nguyễn Tất Thành bị thực dân Pháp để ý theo dõi. Bon quan
cai trị thực dân khiển trách Nguyễn Sinh Huy về việc con trai phát ngôn bài
Pháp.[9]
Năm 1908 – 1909, Nguyễn Tất
Đạt và Nguyễn Tất Thành chuyển sang học trường Quốc học Huế. Vốn là một trường
lập ra nhằm mục đích đào tạo một lớp công chức mới, nên các thầy giáo ở đây có
cả người Pháp và người Việt. Trong số những thầy giáo người Việt, cũng có những
người yêu nước, có ý thức giáo dục học trò không quên giang sơn, Tổ quốc, như
thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Miến,…Qua những giờ học của thầy Miến, cậu học
trò Thành được học hỏi nhiều về những thành tựu dân chủ và dân minh của phương
Tây, kích thích được lòng hiểu biết của học sinh.
Năm Thành vào trường Quốc học,
cũng là năm mà sách Tân thư của Trung Quốc được lưu hành ở nhiều nơi, đặc biệt
là trong giới sĩ phu yêu nước. Những tư tưởng cải cách của Khang – Lương đã thức
tỉnh những người có chút ít kiến thức. Đất Thừa Thiên khi ấy cũng đang dấy lên
phong trào đòi cải cách thông qua nhiều hình thức vận động. Nguyễn Tất Thành đã
tham gia vào phong trào cắt tóc ngắn[10].
Tháng 5/1909, ông Sinh Huy
nhận chức tri huyện Bình Khê, nên đến cuối năm học Thành cũng phải vào Bình Định.
Giai đoạn này, ông Huy hiểu khả năng và chí hướng người con trai thứ của mình,
nên đã tạo điều kiện cho học tiếp tại trường Tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn với
thầy Phạm Ngọc Thọ. Nhưng đến tháng 1/1910, Thành được tin thân phụ bị “triệt hồi”
chức tri huyện Bình Khê và bị gọi về kinh. Trước biến cố mới của gia đình, sau
khi hoàn tất chương trình tiểu học vào 6/1910, Thành “không theo cha trở về Huế
mà quyết định đi tiếp xuống phía Nam”[11].
Qua những năm tháng học ở
các trường Pháp – Việt, Nguyễn Tất Thành đã được tiếp cận với những tư tưởng và
thành tựu mới của nền văn mình phương Tây. Cũng trong giai đoạn này, 1908 –
1909, đế quốc Nhật đã cấu kết với Pháp lần lượt trục xuất các thanh niên và cụ
Phan Bội Châu, Cường Để ra khỏi nước Nhật, đánh dấu chấm hết của phong trào
Đông Du; phong trào chống thuế ở Trung kỳ (1908) có Người tham gia cũng bị Pháp
đàn áp dã man. Tất cả những biến cố của đất nước đó: đã giúp Nguyễn Tất Thành
nhận ra được những sai lầm cũng như hạn chế các phong trào yêu nước giai đoạn
này. Từ đó, thôi thúc người thanh niên đầy nhiệt quyết này chia tay gia đình để
tìm đường sang phương Tây.
1.3
Những
tác động trong thời gian tìm đường ra nước ngoài:
Trên đường từ Quy Nhơn vào
Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành dừng chân lại Phan Thiết vào cuối tháng 8/1910. Nhờ
người quen với thân phụ, anh được giới thiệu làm trợ giáo môn thể dục tại trường
Dục Thanh, đúng vào dịp trường mới khai giảng. Trường được đặt trong khuôn viên
nhà cụ Nguyễn Thông (là một nhà nho yêu nước), do ông Nguyễn Quỳnh Anh (con
trai cụ Thông) làm hiệu trưởng. Thầy Thành được giao làm trợ giáo môn thể dục
và đảm nhận các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.
Ngoài giờ lên lớp, thầy
Thanh rất say mê đọc sách. Đặc biệt trong khu vườn của gia đình cụ Nguyễn
Thông, có một ngôi nhà được đặt tên là Ngọa du sào (nghĩa là: nơi đọc sách mà
như được du ngoạn trong thế giới hiểu biết)[12].
Tại đây thầy đã tìm được nhiều sách Tân thư dịch ra chữ Hán nên được tiếp cận với
tư tưởng của Lư Thoa (J.J Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), Phục Nhĩ
Thái (Fr. Voltaire),…những văn hào Pháp khởi xướng thuyết nhân quyền, dân quyền,
tự do, bình đẳng, bác ái,…Ngoài ra thầy còn tiếp xúc với các ngư dân ở bến cá Cồn
Chà để học hỏi về: cách định hướng đi biển, chống say sóng, nhận biết các dấu
hiệu báo bão…
Đầu tháng 2/1911, thầy Thành
rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Anh ở tạm tại trụ sở các chi nhánh của Liên Thành
công ty đặt tại Sài Gòn, như số 3, đường
Tổng đốc Phương (nay là số 5, đường Châu Văn Liêm); nhà 128, Khánh Hội[13],…tại
đây, anh thường đi vào các xóm thợ nghèo, làm quen với những thanh niên cùng lứa
tuổi. ở đâu anh cũng thấy nhân dân lao động bị đọa đày, khổ nhục. Nguyễn Tất
Thành cũng hay đến những cửa hàng ở gần cảng Sài Gòn, nơi chuyên nhận giặt là
quần áo cho các thủy thủ trên tàu Pháp, để tìm cách xin việc làm trên tàu, thực
hiện ước mơ có những chuyến đi xa.
Năm 1911, tại bến cảng Sài
Gòn, có một chiếc tàu lớn của hảng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis) đậu gần cột
cờ Thủ Ngữ, nổi lên dòng chữ Amiran Latúsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville).
Tàu này cập bến Sài Gòn ngày 17/5/1911 sau
đó đi Hải Phòng, đến 2/6/1911, tàu trở lại cảng Sài Gòn. Đến ngày
3/6/1911, nhờ một người thủy thủ, Nguyễn Tất Thành khi này với tên Văn Ba lên tàu
gặp thuyền trưởng Maixen (Maisen) xin làm phụ bếp và được nhận. Đến 5/6/1911,
con tàu rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille), mang theo một người thanh
niên yêu nước đang muốn tìm hiểu thế giới phương Tây.
Qua những sự khiện được
trình bày trên, ta thấy được bằng một lòng yêu nước và quyết tâm tìm một chân
lý để giải phóng dân tộc, mà lúc đây mục đích chính là “Tây du”, Nguyễn Tất
Thành đã thực hiện quyết tâm của mình bằng việc không ngừng tìm hiểu những kiến
thức cần thiết để chuẩn bị cho chuyến đi xa đầy gian khổ của mình. Bên cạnh đó,
giai đoạn này, Nguyễn Tất Thành đã được tiếp cận thêm về những tư tưởng tiến bộ
của các nhà triết học cách mạng Pháp tạo cơ sở dễ dàng thấu hiểu được các cuộc
cách mạng và nhà nước ở các nước phương Tây sau này.
2. Quá
trình đến với chủ nghĩa Mác – Lênin
2.1
Những
nhận thức về số phận người lao động trên thế giới:
Với chân phụ bếp trên tàu, anh Ba phải làm
việc rất vất vả từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối. Thế nhưng mỗi tháng, bọn chủ trả
cho anh được 45 phrăng là hạng tiền công rẻ mạt[14].
Nhưng bằng một thái độ thân mật, lễ độ, anh được nhiều người trên tàu yêu mên,
trong đó có hai người lính Pháp được giải
ngũ từ Đông Dương về còn trẻ. Quan hệ với
hai người linh Pháp đã nảy sinh trong anh nhận xét: cũng có những người Pháp tốt[15].
6/7/1911, tàu cập bến Mácxây là một trung
tâm đầu mối giao thông quan trọng của Pháp với các nước; cũng là trung tâm công
nghiệp lớn của Pháp. Tại đây, Người ngạc nhiên khi thấy ở Pháp cũng có người
nghèo như bên nước mình, có gái điếm đến làm tiền trên tàu[16].
Rồi Người tự hỏi: “sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi
khai hóa chúng ta ?”. Sau đó, anh đã viết thư gửi Tổng thống và Bộ trưởng Bộ
thuộc địa Pháp, ký tến Nguyễn Tất Thành, xin được vào học trường Thuộc địa
(15/9/1911), nhưng không được chấp nhận.
Không dừng lại ở Pháp, năm
1912, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni đi
vòng quanh châu Phi, đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi,
Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông… Đến đâu anh cũng thấy cảnh khổ cực
của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị.
Rồi Thành liên tưởng một cách tự nhiên đến số phận của người dân Việt Nam, đồng bào
khốn khổ của anh: họ cũng là nạn nhân của sự hung ác, vô nhân đạo do bọn thực
dân da trắng gây nên. Những sự việc như vậy diễn ra khắp nơi trên đường anh đi
qua, tạo nên ở anh mối đồng cảm sâu sắc với số phận chung của nhân dân các nước
thuộc địa.
Nguyễn Tất Thành theo
con tàu tiếp tục đi qua Máctiních (Martinique)
(Trung Mỹ), Urugoay và áchentina (Nam Mỹ) và dừng lại ở nước Mỹ cuối năm 1912.
Tại đây, anh có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản
Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trong lịch sử. Anh vừa đi làm thuê để kiếm
sống vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ. Anh đã đến thăm quận
Brúclin (Brooklin) của thành phố Niu Oóc (New York). Anh đi xe điện ngầm đến khu
Háclem (Harlem) để tìm hiểu đời sống và cuộc đấu
tranh chống phân biệt chủng tộc của những người da đen.
Khoảng giữa năm 1913, Nguyễn Tất Thành
theo con tàu rời Mỹ trở về Lơ Havơrơ đi Anh. Đến nước Anh, để kiếm tiền sinh sống,
anh nhận cào tuyết cho một trường học, rồi làm thợ đốt lò. Công việc hết sức nặng
nhọc, nhưng sau mỗi ngày anh đều tranh thủ thời gian học tiếng Anh. Cuối năm
1913, sau hai tuần nghỉ việc vì bị cảm, Nguyễn Tất Thành đến làm thuê ở khách sạn
Cáclơtơn (Carlton) ở London. Tại đây Người được đầu bếp Excôpphiê
(Escoffier) là một người Pháp, có tư tưởng tiến bộ rất cảm mến. vì cảm mến Người.
Ông đầu bếp chuyển anh vào chỗ làm bánh, tiền lương cao hơn và nhất là có nhiều
thời giờ hơn để học tiến Anh[17].
Như vậy trong quá trình đi nhiều nước ở
các châu Âu, Phi, Mỹ, Nguyễn Tất Thành đã thêm thấu hiểu được đời sống của nhân
dân lao động thế giới trước sự bóc lột của chủ nghĩa tử bản. Đặc biệt Người đã
đồng cảm với nổi thống khổ của nhân dân các nước thuộc địa. Đồng thời, Người
cũng nhận biết: Đằng sau khẩu hiệu "cộng hòa dân chủ" của giai cấp tư
sản Mỹ là những thủ đoạn bóc lột nhân dân lao động rất tàn bạo. Anh cảm thông
sâu sắc với đời sống của người dân lao động da đen và rất căm giận bọn phân biệt
chủng tộc, hành hình người da đen một cách man rợ, mà sau này anh đã viết lại
trong bài báo Hành hình kiểu Linsơ.
Cần nhận thấy rằng, sự kiện Nguyễn Tất
Thành làm việc ở khách sạn Cáclơtơn (Carlton) ở London, nước Anh đã cho
chúng ta thấy, mục đích của Người là tìm đường cứu nước chứ không phải là tìm
đường mưu sinh. Vì nếu, để kiếm tiền và cải thiện cuộc sống Nguyễn Tất Thành đã
có thể dừng chân tại Anh với đồng lương khá cao.
2.2
Những
yếu tố tác động trong giai đoạn hoạt động tại Pháp:
Tháng 8/1914, Đệ nhất thế chiến bùng nổ,
Nguyễn Tất Thành đã viết thư cho Phan
Châu Trinh lên án thảm họa chiến tranh. Nhưng vào giai đoạn 9/1914, Phan Văn Tường
và Phan Châu Trinh đều bị nhà cầu quyền Pháp bắt ( vì nghi ngờ có mật giao với
kẻ thù của Pháp – tức Đức). Nên việc liên lạc qua lại giữa Thành và Cụ Phan bị
gián đoạn.
Trong lúc này ở Anh, Thành lao động, học tập
và tham gia Hội những người lao động hải ngoại ở Luân Đôn. Đây là tổ chức bí mật
của những người lao động châu Á, có xu hướng tiến bộ, ủng hộ phong trào đấu
tranh yêu nước ở các xứ thuộc địa. Anh theo dõi tình hình chiến sự hằng ngày. Rất
tiếc là báo chí Anh đưa tin rất ít về thuộc địa, đặc biệt là tin tức Đông
Dương.
Những năm tháng ở Anh, Nguyễn Tất Thành đã
tích lũy được thêm những hiểu biết về chế độ chính trị xã hội tư bản, về đấu
tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa của
một nước tư bản chủ nghĩa sớm phát triển, nhất là trang bị cho mình một trình độ
kiến thức khá vững vàng về tiếng Anh – một công cụ giao tiếp rất quan trọng
trong sinh hoạt và đấu tranh chính trị[18].
Nhưng ở nước Anh, rất cách biệt với tình
hình trong nước; không có liên hệ với đời sống của đồng bào mình nơi đất khách
quê người; xa những nhà yêu nước lưu vong; khó khăn trong việc đi sâu tìm hiểu
kẻ thù trực tiếp áp bức, bóc lột dân tộc mình để có thể lựa con đường cứu nước
đúng đắn mà anh từng mong muốn. Từ những nhận định đó, từ cuối năm 1917, Nguyễn
Tất Thành trở lại Pháp và cư trú ở
Paris. Trong giai đoạn đầu khi chưa có giấy tờ hợp pháp, Người được các đồng
chí trong Ban đón tiếp những người lao động nhập cư của Đảng Xã hội Pháp đón tiếp,
nhưng phải sống ẩn náu, hạn chế đi lại một thời gian đợi có giấy tờ hợp pháp.
Cũng trong giai đoạn ở Pháp, Người phải liên tiếp thay đổi chỗ ở nhhiều lần.
Tình hình Đảng Xã hội Pháp giai đoạn Đệ nhất
thế chiến khá phức tạp, do có nhiều quan
điểm đối lập cùng tồn tại trong nội bộ Đảng. Đặc biệt là bọn chủ nghĩa cơ hội lại chiếm đa số
trong Đảng. Nguyễn Tất Thành sau một thời gian làm quen với xã hội Paris cũng
đã nhanh chóng đến được với phái tả của cách màn Pháp, và không lâu sau đóm gia
nhập Đảng Xã hội Pháp, một chính Đảng duy nhất của nước Pháp bênh vực các dân tộc
thuộc địa. Trong khi đó, số người Việt Nam ở Pháp lên đến hàng vạn. Nhưng đến
năm 1918, người Việt Nam ở Pháp chưa được tổ chức lại[19].
Trong quá trình tham gia hoạt động trong Đảng
Xã hội Pháp, Nguyễn Tất Thành đã có những hoạt động chính trị to lớn đấu tranh
trước quân thù như: việc Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường
thay mặt cho “nhóm người yêu nước An Nam”, cùng thảo ra Bản yêu sách của nhân
dân An Nam gửi đến Hội nghị với tên ký bên dưới là Nguyễn Ái Quốc[20];
tiến hành viết những bài báo đầu tiên chống chủ nghĩa thực dân theo xu hướng
XHCN: “vấn đề dân bản xứ” đăng trên báo L’ Humannité ngày 2/8/1919, “Đông Dương
và Triều Tiên” đăng trên báo Le Populaire ngày 4/9/1919,…
Trước tình hình phức tạp của phong trào
cách mạng thế giới và sự chia rẻ trong nội bộ Đảng Xã hội Pháp về việc tiếp tục
theo Quốc tế II hay là gia nhập Quốc tế III, thì ngày 15/6/1920, L.O Phrốtxa
cùng với Casanh đại diên cho Đảng Xã hội đến Mátxcơva tham khảo ý kiến Lênin và
dự Đại hội II của Quốc tế III. Lập tức trên báo L’ Humannité số ngày 16 và
17/7/1920, đăng “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn
đề thuộc địa” của Lênin. Với đầu đề có tên thuộc địa, lập tức tác động đến tư
tưởng của Nguyễn Ái Quốc, lúc này luôn khao khát tìm một “cái Quốc tế nào bênh
vực nhân dân các nước thuộc địa ?”[21].
Tác phẩn Luận cương của Lênin đã làm cho
Nguyễn Ái Quốc vô cùng vui mừng, tin tưởng đến rơi lệ, Người hô to: “Hỡi đồng
bào bị đòa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải
phóng chúng ta”[22]. Từ đó,
người đứng hẳn về lập trường của những người chủ trương gia nhập Quốc tế III
trong Đảng Xã hội Pháp. Cuối tháng 12/1920, Người được cử đi dự Đại Hội Đảng Xã
hội lần thứ XVIII họp tại Tours. Ngày 26/12/1920, trong phiên họp buổi chiều
Nguyễn Ái Quốc đọc phát biểu rồi sau đó bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế
III.
Tóm lại, qua những hoạt động sôi nổi trong
phong trào vô sản Pháp của Nguyễn Tất Thành và sau đó là Nguyễn Ái Quốc đã cho
thấy đây là thời gian có nhiều tác động nhất đến việc xác định con đường giải
phóng dân tộc của Người.
Thứ
nhất, sự im lặng của Hội
nghị Vécxây đã đánh dấu sự đoạn tuyệt trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ
Chí Mình về việc muốn giải phóng dân tộc phải dựa vào một nước đế quốc khác, đặc
biệt Người nhận biết rõ hơn “đề nghị 14 điều” của Wilson là trò lừa bịp. Sự kiện
đưa yêu sách còn là “đấu hiệu của một bước chuyển biến lịch sử của phong trào
giải phóng dân tộc Việt Nam từ nay gắn liền với tên tuổi nguyễn Ái Quốc…”[23].
Thứ
hai, Qua các bài báo của
Người viết trong giai đoạn trước khi đọc Luận cương của Lênin đã cho thấy, tư
tưởng đấu tranh trực diện với chủ nghĩa thực dân theo kiểu mới – thông qua các
phương tiện thông tin, đặc biệt nội dung các bài báo còn cho thấy Nguyễn Ái Quốc
là một nhà yêu nước tiến bộ, hết sức căm thù chủ nghĩa thực dân, chưa ai tỏ
thái độ đấu tranh gay gắt, dứt khoát với chủ nghĩa thực dân như thế.
Thứ
ba, bằng việc đọc Luận
cương của Lênin, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra được con đường đi đến giải
phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ thực dân; chính bằng hành động bỏ phiếu tán
thành gia nhập Quốc tế III tại Đại Hội Đảng Xã hội Pháp và tham gia thành lập Đảng
Cộng sản Pháp (1920), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã thực sự chuyển từ một người
theo chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản.
III.
Kết luận:
Qua việc tìm hiểu hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành khi còn ở trong nước cho đến Nguyễn Ái Quốc khi bôn ba hải ngoại.
Với sự kiện đọc được Luận cương của
Lênin và bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, người thanh niên yêu nước ra đi năm
1911 đã tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn. Điều đó, cho thấy Nguyễn
Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã có một cách tiếp
cận và đi đến những quyết định quan trọng là do:
Thứ
nhất, Nguyễn Ái Quốc – Hồ
Chí Minh đã đi sâu vào đời sống của giai
cấp vô sản, thấu hiểu và đồng cảm với những sự khổ đau của họ. Từ đó, hình
thành nên tư tưởng liên minh quốc tế, các dân tộc bị áp bức.
Thứ
hai, Nguyễn Ái Quốc – Hồ
Chí Minh đã tiếp cận và đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, bằng con đường thực tiễn
trải nghiệm và kiểm nghiệm lại với lý luận. Đây là một đặc điểm quan trọng tác
động đến hành trình cứu nước của Người.
Thứ
ba, Nguyễn Ái Quốc – Hồ
Chí Minh tuy có những cách tiếp cận và phương pháp khác với các nhà yêu nước tiền
bối trong quá trình tìm đường cứu nước. Nhưng người và các vị lãnh tụ cách mạng
tiền bối đều có một điểm chung giữa họ, là “sự ngưỡng mộ một thần tượng và lòng
tin chắc vào một mẫu hình thành công đã có”[24].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Hồ
Chí Minh (1970), Mãi Mãi Đi Theo Con Đường Của Lê – Nin Vĩ Đại, NXB Sự thật,
HN.
2.
Hà Minh Hồng,
“Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: cách tiếp cận của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”,
trích Kỷ yếu Hội thảo khoa học Kỷ niệm 150 năm Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản,
tháng 2/1998, DDHQG TP. HCM – trường ĐH KHXHNV, TP.HCM.
3.
Nguyễn Tấn Hưng
(2007), “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của
V.I.Lênin và ảnh hưởng của nó đối với sự hình thành tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về
con đường cách mạng Việt Nam”, trích Tạp chí Triết học, số 9 (196).
4.
Viện sử học
(2007), Lịch sử Việt Nam,
tập VIII 1919 – 1930, NXB KHXH, HN.
5.
Song Thành – chủ
biên (2010), Hồ Chí Minh tiểu sử, NXB CTQG, HN.
[1] Song Thành – Chủ biên (2010), Hồ Chí Minh tiểu sử, NXB
Chính trị quốc gia, HN, tr 22.
[2] Song Thành, sđd, tr 32.
[3] Song Thành, sđd, tr 34.
[4] Song Thành, sđd, tr 41.
[5] Song Thành, sđd, tr 34.
[6] Song Thành, sđd, tr 35.
[7] Song Thành, sđd, tr 40 – 41.
[8] Song Thành, sđd, tr 42.
[9] Song Thành, sđd, tr
46.
[10] Song Thành, sđd, tr 45.
[11] Song Thành, sđd, tr 47.
[12] Song Thành, sđd, tr 49.
[13] Song Thành, sđd, tr 50.
[14] Song Thành, sđd, tr 55.
[15] Song Thành, sđd, tr 55.
[16] Song Thành, sđd, tr 56.
[17] Song Thành, sđd, tr 63.
[18] Song Thành, sđd, tr 65.
[19] Song Thành, sđd, tr 70.
[20]
Song Thành, sđd, tr 74
[21] Hồ Chí Minh (1970), Mãi mãi đi theo con đường của
Lênin vĩ đại, NXB Sự thật, HN, tr 55.
[22] Hồ Chí Minh, sđd, tr 55 – 56.
[23] Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam , tập VIII 1919 –
1930, NXB KHXH, HN, tr 409.
[24] Hà Minh Hồng, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: cách tiếp
cận của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trích Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Kỷ niệm
150 năm Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản”, tháng 2/1998, DDHQG TP. HCM – trường ĐH
KHXHNV, tr 106.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét