Nguyễn San Hà
I.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trước cảnh sống ở đô thị nhộn
nhịp với bao công việc và lo toan. Mỗi người trong chúng ta khó mà biết thời
gian trôi đi như thế nào ? Thế nhưng mọi việc như dừng lại, mọi người đều thấy
ngạc nhiên khi cảm nhận tiết trời thay đổi và phát hiện ra đã sắp hết năm. Tết
đã đến rồi! Ai ai cũng bắt tay vào chuẩn bị cho một cái tết cổ truyền.
Tết cổ truyền ở Việt Nam có
một ý nghĩa thật thiêng liêng với tất cả mọi người. Vậy cái gì đã làm cho tết
có ý nghĩa thiêng liêng đó ? Bằng những nét tiêu biểu trong văn hóa Việt Nam về
lễ tết, tôi mong muốn sẽ giúp các bạn trả lời được câu hỏi trên, qua bài viết
này.
II.
NỘI DUNG
Theo tiến sĩ Lê Văn Chưởng
nhận định: “Tết Nguyên Đán biểu hiện mối
quan hệ của người Việt với thiên nhiên
trong tinh thần văn hóa nông nghiệp, với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng
dân tộc, với niềm tin thiêng liêng cao cả trong đời sống tâm linh”[1]. Như vậy thấy được
tết cổ truyền của dân tộc những yếu tố văn hóa thật độc đáo thể hiện mối quan hệ
của con người với thiên nhiên, con người với cộng đồng và tín ngưỡng tâm linh. Các
mối quan hệ ấy được khắc họa rất rõ trong phong tục lễ tết của dân tộc.
2.1 Biểu hiện mối quan hệ của người Việt với thiên nhiên:
Tết cổ truyền còn được gọi
là Tết Nguyên Đán (Nguyên là bắt đầu. Đán là buổi sớm mai) với nghĩa là “tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới với
tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang”[2]. Tết được tính
theo âm lịch, bắt đầu vào tháng giêng (hay tháng Dần theo lịch can chi của
Trung Hoa). Thời gian này vào đúng dịp sản xuất nông nghiệp đã kết thúc, mọi
người được nghĩ ngơi. Trước bị “Bắc thuộc”, “năm
mới ở phương Nam
bắt đầu từ tháng tý”[3], về sau chịu ảnh
hưởng của người Hoa mới lấy tháng Dân. Nhưng theo Toan Ánh, tết vào tháng Dần là phải, “vì lúc đó mùa đông vừa qua, tiết lạnh vừa hết, ngày xuân ấm áp tới,
hoa cỏ đua tươi khiến cho con người cũng hầu như biến đổi cả tâm hồn sau một
năm làm ăn vất vả”[4].
Điều này cho thấy, ngay trong việc chọn thời gian để tổ chức lễ tết lớn nhất
trong năm (tết cả), ông cha ta cũng dựa trên tinh thần văn hóa nông nghiệp bao
đời.
Khoảng thời gian nông nhàn,
mọi nơi đều tập trung vào việc chuẩn bị tết. Nên mọi người quen gọi nhau rằng:
“đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Cho thấy tục tổng vệ sinh từ nhà ra vườn
để đón tết. Việt Nam
ta lại là xứ nhiệt đới, nên mỗi mùa đều có cây trái đặc trưng, mỗi vùng đều có
những hoa quả đặc sản. Nhưng chỉ đến mùa xuân thì không khí ấm áp, nên cây trái
cũng đua nhau mà tươi tốt. Nên trong mỗi gia đình người Việt đều có tục trưng
mâm ngũ quả (ngũ là 5, nhưng con số này chỉ có tính ước lệ) trên bàn thờ tổ
tiên. Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên xung quanh được thể hiện rõ
qua các loại trái cây được trưng bày trong mâm ngũ quả.
Với khí trời ngày tết vẫn
“nghe rét mướt luồn trong gió”, nên mâm ngũ quả miền Bắc thường có: chuối xanh,
bưởi vàng, quýt hoặc cam đỏ, phật thủ xanh ngọc, hồng xiêm nâu,…Tất cả đều là
trái còn xanh, và chín dần trong ba ngày tết, bên cạnh cành đào hồng, để cầu
mong an khang thịnh vượng.
Với một khí trời ấm áp hơn
miền Bắc và tư duy thực tế từ thời mở cõi. Mâm ngũ quả miền Nam theo tiêu chí “cầu, dừa, đủ,
xoài” hoặc có thêm “sung túc” với nghĩa là năm mới cầu mong tài lộc được đầy đủ,
sung sướng.
Tóm lại, những phong tục
trên, tuy có sự khác biệt theo vùng miền. Nhưng tất cả đều biểu hiện mối quan hệ
của người Việt với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp.
2.2 Biểu hiện mối quan hệ của người Việt với mọi người
trong cộng đồng
Việt Nam trước vốn là một nước
thuần nông, nên trong cư xử giữa con người với con người trong cộng đồng vẫn đặt
nặng chữ “tình” (văn hóa trọng tình). Thể hiện rõ hơn, khi không khí tết tràn về
mọi ngõ hẽm, góc phố, thì mối quan hệ con người với gia đình, làng xóm hiện ra
rõ hơn khi nào hết.
Cứ khoảng 27 tháng chạp
(tháng 12 âm lịch) mọi nơi đều có tổ chức chợ tết, và để mọi người mua sắm đồ
dùng trong ngày tết. Nhưng việc đi chợ tết “không
những chỉ để mua bán, vui chơi, thưởng ngoạn mà còn tìm đến tọa độ tình cảm cộng
đồng, rủ nhau đi chợ Tết”[5]. Thể hiện một ý
nguyện thắt chặt thêm mối quan hệ cộng đồng. Đặc biệt Trần Ngọc Thêm còn nhận định:
“Chợ tết
là thước đo sự ấm no của cộng đồng trong năm”[6], đã cho thấy chợ tết
thật sự là biểu tượng của sự thịnh vượng, an bình và sung túc ở các cụm dân cư.
Nét đặc biệt của tết xưa là
sum họp. Ai đi đâu thì tết đến cũng về sum họp gia đình, thăm họ hàng, quê
hương. Trong gia đình người Việt không chỉ có cha mẹ mong con, anh chị em mong
nhau, đến cả hàng xóm cũng hỏi thăm, nếu có người về thì cũng chia sẽ niềm vui ấy.
Dù cuộc sống hiện nay đã làm
thay đổi đi nhiều phong tục tết cổ truyền. Song “một trong những những điều làm ngày tết có ý nghĩa, khiến cho ai cũng
đẹp lòng, vui tươi, phấn khởi là những lời chúc tết”[7]. Từ đêm Giao thừa,
gia chủ có tục kiêng người lạ đến chơi, chỉ đón người nhẹ vía, hợp tuổi để xông
nhà (đạp đất) đầu năm. Người được chọn ấy khi bước vào nhà cũng mang đến những
lời chúc mừng gia chủ như: vạn sự như ý; tấn tài tấn lộc; phúc như Đông Hải, Thọ
tỷ Nam Sơn;…Dân gian ta tin rằng, được như thế thì gia đình sẽ được điều hên đến
viếng cả năm.
Sáng mùng một sau khi các cụ
làm lễ tổ tiên xong, ngồi ở nhà thờ thì con cháu đến lạy mừng chúc tết. Những lời
chúc ý nghĩa mang theo những cầu mong cho sức khỏe, điều hên đến với ông bà,
cha mẹ được thể hiện một cách đậm đà tình cảm. Bên cạnh đó, con cháu thường dân
lên các cụ một món quà tết như bánh trái, hoặc một món tiền đặt trong một bao
giấy hồng. Tiền này gọi là tiền mở hàng đem lại may mắn cho các cụ. Dĩ nhiên
các cụ cũng mở hàng lại cho con cháu bằng tiền mừng tuổi. Điều đặc biệt là tiền
mừng tuổi “bao giờ cũng có tiền lẻ, có ý
là tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều”[8] và “người ta thường
giữ cất đi, ít khi lấy ra tiêu dùng trừ trường hợp bất đắc dĩ”[9]. Sau
đó, mọi người trong nhà lại “rồng rắn” từng đoàn đi khắp nơi để chúc mừng họ
hàng, bà con thân tộc, người quen,…
Như vậy, những nét đẹp trong
sinh hoạt chợ tết, sum họp gia đình và tục chúc nhau đầu năm đã làm cho lễ tết
cổ truyền Việt Nam
có một ý nghĩa quan trọng với mọi người. Qua đó, cũng thể hiện phong phú và đặc
sắc mối quan hệ của người Việt với gia tộc, xóm làng, cộng đồng,…
2.3 Biểu hiện niềm tin thiêng liêng cao cả trong đời sống
tâm linh người Việt.
Tết đến cũng là lúc con người
có thời gian hướng về với cuộc sống tâm linh, những niềm tin tín ngưỡng của người
Á Đông. Thời gian lễ tết diễn ra có thể tính từ lúc đưa ông Táo về trời (23
tháng chạp) đến lễ đốt vàng (hay hóa vàng – mùng 4 tháng giêng). Trong khoảng
thời gian này nhất nhiều hoạt động tâm linh và tín ngưỡng mang tính đa thần được
diễn ra.
Tiểu biểu là trong đêm Giao
thừa (vì Tết Nguyên Đán bắt đầu từ lúc Giao thừa) có nghĩa là cũ giao lại, mới
tiếp lấy. Chính vì ý nghĩa ấy nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ mới
này, có lễ “trừ tịch”.
Theo Toan Ánh, lễ “trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp
bắt qua năm mới, giữa giờ Hợi ngày 30 hoặc nếu tháng thiếu, thì ngày 29 tháng
chạp năm trước và giờ Tý ngày mồng một tháng giêng năm sau”[10]. Ý nghĩa của lễ
này là “đem bỏ đi hết những điều xấu dở
cũ kỹ của năm sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp đến…Lễ trừ
tịch theo người Tàu, còn là lễ khu trừ ma quỷ”[11]. Do theo quan niệm
mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao
công việc cho thần kia. Nên lễ trên còn có ý nghĩa là “tống cựu nghinh tân”.
Bên cạnh đó người ta còn tin giúp việc cho quan hành khiển là vị một vị phán
quan chuyên việc ghi chép, nên trong phần lễ cũng không được quên người này.
Sau đó là gia chủ khấn Thổ công, tức vị thần cai quản trong nhà (thường gọi là
Đệ nhất gia chi chủ), để cầu xin điều may mắn.
Đặc biệt khi vào bất cứ gia
đình Việt Nam nào, dù Bắc
hay Nam
đều có một vật thiêng liêng đặt nơi quan trọng nhất. Đó là chiếc bàn thờ. Do
quan niệm tín ngưỡng thời tổ tiên đã có từ lâu đời, đến nay đã trở thành khuôn
mẫu của gia đình Việt Nam.
Nên dù theo tôn giáo nào, trong gia đình người Việt đều có thể lập bàn thờ để
phụng thờ tổ tiên đã quá cố. Đến tết thì bàn thờ tổ tiên được xem là trọng tâm
mọi diễn biến lễ tết. Trước ngày Giao thừa,
“đồ đồng được đem đánh bóng. Đồ gỗ thì lau chùi cẩn thận. Tro trong bát nhang
được thay sớm, chân nhang được tỉa bớt, bỏ xuống giêng hay ra sông chứ không được
vứt bừa bãi”[12].
Điều đó cho thấy bàn thờ tổ tiên được chuẩn bị rất kỷ lưỡng.
Đến trưa tất niên thì làm lễ
đón ông bà tổ tiên về ngự và từ đó nhang khói được dâng lên liên tục để cho thấy
sự hiện diện của ông bà về chung vui tết với con cháu. Miền Bắc còn có tục “mua hai cây mía tươi buộc hai bên cột, gọi
là “gậy ông vải” để tổ tiên lấy cái mà chống trên đường từ cõi xa xăm về và sẽ
trở lại chốn xa xăm ấy khi hết Tết”[13]. Từ mùng một đến
mùng ba các cụ phải lễ tổ tiên trước rồi mới đi chúc tết các nơi. Đến mùng bốn
làm lễ đốt vàng (hay hóa vàng) thì mang hết tiền vàng mã ra đốt để tiễn đưa tổ
tiên về trời. Bên cạnh đó, dân gian ta vẫn không quên cúng các vị gia thần như:
thần tài, thổ địa; phù hộ cho nam chủ có Quan thánh đế, Ngũ công vương Phật,
cho nữ chủ có Cửu thiên quyền nữ, Quán thế âm bồ tát; hay các vị tổ nghề,…Ngoài
ra các thiện nam, tín nữ còn đi hành hương ở các đình, chùa, miếu, mạo để cầu
sinh tài lộc, điều may và tiêu trừ việc xấu.
Như vậy, nếu như lễ hội được
diễn ra theo không gian, trọng tính trần tục. Thì lễ tết cổ truyền diễn ra theo
thời gian, trọng tính thiêng liêng. Và tất cả mọi phong tục kiêng trong lễ tết
điều mong muốn một năm mới được yên vui, may mắn đến với gia đình. Đặc biệt là
mọi người cảm thấy được hạnh phúc vui tết trong sự che trở của thần linh, tổ
tiên ông bà trong những ngày đầu năm.
III.
KẾT LUẬN
Như vậy, qua phần trình bày
trên chúng ta thấy được rằng: tết cổ truyền của dân tộc là một hoạt động văn
hóa đậm đà bản sắc văn tộc. Tết diễn ra không chỉ đơn giản là đánh dấu một chu
kỳ thời tiết trở lại, mà đó còn là một tổ hợp những mối quan hệ đời thường của
người Việt Nam
với xã hội.
Đặc biệt ta thấy thời gian mọi
người vui tết cổ truyền cũng là lúc lòng mọi người vui tươi nhất. Ai ai cũng dẹp
bỏ mọi buồn phiền để đón một năm mới và mong muốn những gì mình làm đầu năm sẽ
được tái diễn lại trong cả năm đó. Tết cũng là lúc con người ở mọi nơi có thể
hướng về với quê hương, tổ tiên ông bà và nhìn thấy những nét đẹp văn hóa bao đời
được diễn ra một cách sôi nổi: tục nấu bánh trưng, bánh tét cúng tết; mừng tuổi
nhau; tục lì xì,…
Từ những ý nghĩa thiêng liêng
được phân tích ở trên. Chúng ta thấy rằng cần phải nhận thức rõ đâu là cái đẹp
của văn hóa mà tiếp tục lưu giữ và phát huy. Những yếu tố nào mang tính hữu tục,
mê tính dị đoan thì cần loại bỏ. Có như thế thì thế hệ trẻ sau này mới thấy được
một cái Tết Nguyên Đán đúng nghĩa như ông bà ta đã cố gìn giữ mấy ngàn năm nay.
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
1.
Toan Ánh, 2001, Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt
Nam,
NXB Văn hóa dân tộc, HN.
2.
Lê Văn Chưởng,
2005, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Trẻ,
Tp. HCM.
3.
Phạm Trường
Khang, 2008, Hỏi đáp nghi lễ phong tục
dân gian, NXB Văn hóa thông tin, Tp. HCM.
4.
Băng Sơn, 2010, Văn hóa lễ tết của người Việt, NXB Thanh
Niên, HN.
5.
Trần Ngọc Thêm,
2000, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB
Giáo dục, Tp. HCM.
[1]Lê Văn Chưởng, 2005, Cơ sở văn
hóa Việt Nam,
NXB Trẻ, Tp. HCM, 183.
[2] Toan Ánh, 2001, Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia
đình Việt Nam,
NXB Văn hóa dân tộc, HN, tr 101.
[3] Trần Ngọc Thêm, 2000, Cơ sở văn hóa Việt Nam,
NXB Giáo dục, Tp. HCM, tr 150.
[4] Toan Ánh, sđd, tr 102.
[5] Lê Văn Chưởng, sđd, tr 182.
[6] Trần Ngọc Thêm, sđd, tr 151.
[7] Băng Sơn, 2010, Văn hóa lễ tết của người Việt, NXB
Thanh niên, HN, tr 207.
[8] Toan Ánh, sđd, tr 130.
[9] Toan Ánh, sđd, tr 131.
[10] Toan Ánh, sđd, tr 103.
[11] Toan Ánh, sđd, tr 103
[12] Băng Sơn, sđd, tr 45.
[13] Băng Sơn, sđd, tr 45
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét