Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

NHỮNG YẾU TỐ LÀM HẠN CHẾ KHẢ NĂNG TỰ HỌC VÀ TỰ NGHIÊN CỨU CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG




Nguyễn San Hà[1]
Trong dòng chảy của nền kinh tế thị trường, mọi người phải luôn chạy đua với dòng thời gian để kiếm sống và mưu sinh. Nhưng người giáo viên bao đời nay vẫn cứ miệt mài đến lớp suốt chín tháng của năm học để truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những tri thức khoa học, cho các em chuẩn bị hành trang vào đời. Để các thầy cô giáo có thể đứng trên bục giảng một cách tự tin, có những bài giảng hay và thiết thực thì mỗi người giáo viên điều phải nổ lực tự học tập và nghiên cứu bài dạy. Tuy vậy, thực trạng ngành giáo dục gần đây cho thấy số lượng giáo viên ở các  trường phổ thông rất ít tham gia nghiên cứu  khoa  học thuộc chuyên môn mình giảng dạy. Còn việc tự học tập thêm những kiến thức mới có thể phục vụ cho tiết dạy cũng rất hiếm hoi, từ đó dẫn đến chất lượng dạy và học vẫn còn hạn chế (đặc biệt đối với  các giáo viên giảng dạy các môn được  coi là môn phụ, hay các môn chỉ đánh giá không cho điểm…). Thông qua bài viết này, tác giả muốn nêu lên một vài yếu tố làm hạn chế khả năng  tự học và tự nghiên cứu của giáo viên khi đang giảng dạy ở các trường phổ thông và qua đó muốn đề  xuất một vài ý kiến trong việc giúp phát huy khả năng tự học và tự nghiên cứu của giáo viên ở trường phổ thông.
Theo tác  giả nhận thấy rằng những nội dung các bạn sinh viên học được ở các trường cao đẳng (đối với giáo viên dạy THCS, Tiểu học) và đại học (đối với giáo viên THPT) chỉ mới đáp ứng được một phần nào yêu cầu và nhiệm vụ khi họ về công tác tại các trường học phổ thông. Sau khi ra trường, thường các giáo viên tập sự vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và dẫn đến hai trường hợp: một là giảng dạy quá ôm đồm kiến thức mà thiếu nghiệp vụ sư phạm, chưa thực sự hiểu rằng giáo viên ở phổ thông cần “biết mười nhưng dạy một”; hai là họ lơ là trong việc đầu tư cho tiết học, xem thường học sinh và chỉ làm một việc là  đọc hoặc  trình bày lại nội dung SGK một cách sáo rỗng. Thấy được  những trường hợp trên chúng ta mới thấy được sự cần thiết của việc tự học và tự nghiên cứu của giáo viên ở các trường phổ thông. Song cũng chính trong quá trình các giáo viên làm nhiệm vụ giảng dạy dù ý thức được  vai trò và sự cần thiết của việc tự học và nghiên cứu nhưng lại bị những yếu tố  khác tác động làm hạn chế đi các khả năng trên.
Thứ nhất, tại các trường phổ thông các giáo viên không chỉ làm công tác giảng dạy các môn khoa học mà còn phải làm quá nhiều công tác ngoài chuyên môn. Thực trạng tại các trường học ngày nay, người giáo viên không chỉ đơn giản là đến trường để dạy học và làm công tác kiêm nhiệm như: giáo viên chủ nhiệm hay quản lý chuyên môn, mà người giáo viên còn phải giải quyết rất nhiều thủ tục, giấy tờ mang tính  chất hành chính, rất nhiều loại sổ sách được chỉ đạo giáo viên phải thực hiện và dẫn đến giáo viên phải dành không ít thời gian để hoàn thành. Từ đó, giáo viên không còn nhiều quỹ thời gian để tham gia tự học nâng cao chuyên môn hoặc nghiên cứu phục vụ cho giảng dạy. Trong một bài viết trên báo Sài Gòn giải phóng, có giáo viên đã chia sẽ rằng: “…GV chúng tôi còn phải làm đủ thứ việc và tham gia không biết bao nhiêu hoạt động trong trường. Từ việc soạn giáo án, tham gia các phong trào, các  cuộc thi, họp hành đến cả việc thu tiền BHYT của học sinh, GV cũng phải làm (không làm bị trừ điểm thi đua) thật sự khiến chúng tôi không còn thời gian…Có những việc nhỏ, không phải chuyên môn nhưng vì yêu cầu của hiệu trưởng, thành tích của nhà trường, chúng tôi cũng phải mang về nhà làm với nhiều áp lực và thời gian”[2]. Nên chính Đảng ta cũng đã nhận thấy được một trong số những nguyên nhân chủ quan dẫn đến  những hạn chế trong ngành giáo dục chính là  việc “quản lý giáo dục, đào tạo còn nặng về hành chính, chưa phát huy tính tự chủ và tự chịu tách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo, chưa tạo được động lực đổi mới từ bên trong của ngành giáo dục”[3]. Do đó, việc quản lý giáo dục nặng về hành chính sự nghiệp đã gây không ít áp lực cũng như khó khăn cho nhà trường nói chung và giáo viên nói riêng, làm ảnh hưởng không ít đến năng lực tự nghiên cứu, tự học của mỗi thầy cô tại trường phổ thông.
Thứ hai, việc tự học và nghiên cứu ở trường phổ thông cũng không được quan tâm đúng mức thể hiện ở chính việc cung cấp các tài liệu tham khảo và tài liệu hỗ trợ dạy học… Khi bước vào thư viện của một trường phổ thông hiện nay, ta thấy thường trang bị không nhiều sách và tài liệu tham khảo hay tạp chí khoa học chuyên ngành cho giáo viên. Chúng ta đều biết sách và tài liệu là một trong những công cụ cần thiết để giáo viên tự học, tự nghiên cứu hay để cập nhật thông tin kiến thức chuyên ngành. Còn trong công tác nghiên cứu thì sách và tài liệu nghiên cứu hay tạp chí là những yếu tố không thể thiếu được, đặc biệt là đối với giáo viên muốn cập nhật thông tin mới để phục vụ cho giảng dạy. Thế nhưng việc đầu tư bổ sung thêm sách, tài liệu mới hay tạp chí khoa học lại rất hạn chế. Lại càng không hay khi mà các môn chính như toán, văn, ngoại ngữ số lượng đầu sách tham khảo chiếm số nhiều hơn so với tài liệu tham khảo các môn như sử, địa, GDCD,…rõ ràng điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc tự học và tự nghiên cứu của giáo viên. Đến ngay cả khi giáo viên muốn cập nhật thêm kiến thức mới hay liên hệ thực tế từ bài giảng, thì tốt nhất vẫn là tự tìm kiếm tài liệu, tạp chí tại các nhà sách bằng tiền túi của chính mình, vì việc đề xuất mua sách và tài liệu tham khảo mới ở trường phổ thông cũng rất phức tạp.
Thứ ba, các phong trào thi đua nhằm giúp giáo viên ở các trường phổ thông  rèn luyện nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm và trao dồi kiến thức chuyên môn như: làm sáng kiến kinh nghiệm, thao giảng chuyên đề tại các trường, thi giáo viên dạy giỏi, làm đồ dùng dạy học diễn ra nhiều và thường xuyên trong các năm học, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ phong trào, chưa đi sâu và phản ánh được kết quả thực sự của người tham gia. Từ đó, làm cho nhiều sáng kiến kinh nghiệm hay các tài liệu đồ dùng dạy học thiếu đi sự đầu tư khoa học và khả năng nhân rộng thành quả ra cho các trường khác học tập. Đau lòng hơn là từ các phong trào thi đua trên, cũng có những kết quả là sự sao chép lại từ trên internet hoặc các tiết dạy còn mang nặng sự biểu diễn thiếu tính thực tế và phổ quát, làm cho các thế hệ giáo viên trẻ còn lửa cũng từ từ tắt đi. Bên cạnh đó, cũng cần phải nói đến  một vấn đề cũng gây khó khăn cho các giáo viên vốn say mê nghiên cứu và tự học ở phổ thông chính là thực trạng việc thanh tra dự giờ thăm lớp của các chuyên viên. Thường chuyên viên là người được các phòng giáo dục và sở tin tưởng  vào khả năng chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy để làm công tác thanh tra tại các trường phổ thông theo định kỳ. Song vẫn tồn tại một số chuyên viên trong quá trình đánh giá nhận xét thiên về cảm tính, thiếu khoa học và đi đến đánh giá hoặc chấm điểm các công trình thi đua dạy tốt chưa phù hợp làm mất đi tinh thần phấn đấu hăn say học hỏi và nghiên cứu của các giáo viên khi đang công tác tại cơ sở. Còn có cả trường hợp tại một số quận trong thành phố Hồ Chí  Minh, chuyên viên và phòng giáo dục đưa ra hẳn một nội dung bài ghi và yêu cầu giáo viên cho học sinh ghi đúng theo đó, dẫn đến sự triệt tiêu hoàn toàn sự sáng tạo và khả năng đầu tư nội dung giảng dạy của giáo viên.
Thứ tư, do áp lực mưu sinh của thời buổi kinh tế, vật giá leo thang và chế độ lương cũng như phụ cấp của nhà giáo còn nhiều bất cập, đặc biệt là đối với giáo viên mới ra trường. Dẫn đến nhiều trường hợp nếu không bỏ nghề thì buộc phải tìm thêm việc làm để tăng thu nhập trong cuộc sống. Đối với các giáo viên dạy các môn được xem là môn chính ở trường phổ thông như: toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ thì tìm kiếm học sinh để học thêm (do nhu cầu của phụ huynh học sinh), việc dạy thường kéo dài gần như hết ngày nên số giáo viên trên  cũng không còn thời gian để có thể tự bồi dưỡng thêm chuyên môn hay nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy. Còn đối với giáo viên các môn còn lại thường họ phải làm thêm các việc  trái chuyên môn hoặc không liên quan gì đến việc dạy học thì xem như không có điều kiện để tiếp tục bồi dưỡng và nghiên cứu dẫn đến việc không xem trọng chính cả môn mình đang giảng dạy. Thực trạng này là một điều không thể né tránh được ở trường phổ thông. Theo tác giả nguyên nhân sâu xa vẫn xuất phát từ chính chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với giáo viên (đặc biệt là giáo viên các môn không có học sinh học thêm hay không phải thi cử tốt nghiệp); từ chính quan niệm lạc hầu của một bộ phận phụ huynh học sinh trong việc định hướng sự nghiệp của con mình và cuối cùng chính là tác động của xã hội lên chính mỗi người giáo viên ở trong trường phổ thông.
Điểm qua các yếu tố làm hạn chế đến nặng lực tự học và tự nghiên cứu của người giáo viên ở trường phổ thông, để chúng ta có thể thấy rõ hơn những điều mà các nhà làm công tác quản lý giáo dục cần phải quan tâm hơn nữa để tạo được sự thông thoáng và thuận lợi cho mỗi người giáo viên. Theo tác giả để giải quyết được những vấn đề nêu lên ở trên cần đòi hỏi quy tụ và tập trung vào giải quyết những vấn đề cốt lỗi của giáo dục còn tồn động đến ngày hôm nay, và cũng xin gửi đến Hội thảo “Giải pháp nâng cao nâng lực tực học, tự nghiên cứu cho đội ngũ giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ” một vài đề xuất để việc tự học và tự nghiên cứu của giáo viên phổ thông được thuận lợi và chất lượng hơn
1.Trong công tác quản lý  giáo dục và quản lý nhà trường phổ thông, các nhà quản lý cần đẩy mạnh việc tháo gỡ những thủ tục hành chính, những quy định nặng về hình thức, làm cho  người giáo viên không thể toàn tâm, toàn ý vào  việc tự nâng cao trình độ  chuyên môn và nghiệp vụ để thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục trong trường phổ thông. Hồ Chủ tịch đã từng nhắc nhở chúng ta rằng: “một thiếu sót trong công tác giáo dục là ít kết hợp chủ trương và chính sách của Bộ với tình hình cụ thể và kinh nghiệm quý báu của các địa phương”[4] nên từ đó mới tạo ra sự nặng nề và thiếu thông thoáng cho các công tác chuyên môn của giáo viên như đã kể ở trên. Cần tận dụng thật tốt thời gian hè để tổ chức các công tác học tập và bồi dưỡng chuyên môn vào hằng năm để giáo viên có điều kiện và thời gian trao dồi và ứng dụng vào năm học mới. Nên tránh việc quá lạm dụng quyền hạn quản lý để tự tiện trừ cắt thi đua người giáo viên (vì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của họ) chỉ vì không hoàn thành các công tác trái chuyên môn, phát sinh thêm ở trường.
2.Cần quan tâm hơn nữa đến các phong trào, hội thi của giáo viên ở trường phổ thông mang nội dung “dạy tốt – học tốt” đặc biệt là về khâu đánh giá và chất lượng của nó. Để một mặt giải quyết triệt để những trường hợp làm cho có, làm để hưởng ứng phong trào mà nội dung thì xáo rỗng (chỉ vì áp lực thành tích thi đua của trường và cá nhân); mặt  khác là tạo điều kiện cho giáo viên còn khả năng hứng thú trong việc đầu tư cho nghiên cứu, tự học để có được những thành quả tốt và nhân rộng trong môi trường giáo dục.
3.Trong thời buổi kinh tế khó khăn, vật giá leo thang từng ngày, xét cho cùng người giáo viên nào cũng đã có sự cống hiến đúng mức độ của họ cho xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Nên việc phải quan tâm hơn nữa đời sống của giáo viên là một việc nên làm ngay, để luôn luôn mọi người trong và ngoài ngành luôn xem giáo dục là một ngành vẻ vang và vinh quan.Vì khi mà người giáo viên được quan tâm đúng mức cả về vật chất và tinh thần không bị nhiều áp lực thì người giáo viên sẽ không còn thái độ như Hồ Chủ tịch đã lên án là “không nên “đứng núi này trông núi nọ” muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị”[5], mà họ sẽ toàn tâm toàn ý hơn với công tác thông qua chất lượng, khả năng tự học và tự nghiên cứu của mỗi giáo viên.
Tham luận tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao nâng lực tực học, tự nghiên cứu cho đội ngũ giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ” do Viện nghiên cứu  giáo dục - ĐHSP TP.HCM tổ chức 29/11/2013.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Ban tuyên giáo Trung ương (2013), Tài liệu hỏi – đáp Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, NXB CTQG, HN.
2. Hồ Chí Minh (1972), Bàn về công tác giáo dục, NXB Sự Thật, HN.
3. Anh Tú, Áp lực của giáo viên, Báo Sài Gòn giải phóng ra ngày thứ hai 5/11/2012.


[1] GV trường THCS Võ Trường Toản – Q1 TP.HCM
[2] Anh Tú, Áp lực của giáo viên, Báo Sài Gòn giải phóng ra ngày thứ hai 5/11/2012, tr 3.
[3] Ban tuyên giáo Trung ương (2013), Tài liệu hỏi – đáp Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, NXB CTQG, HN, tr 51.
[4] Hồ Chí Minh (1972), Bàn về công tác giáo dục, NXB Sự Thật, HN, tr 49.
[5] Hồ Chí Minh (1972), Bàn về công tác giáo dục, NXB Sự Thật, HN, tr 52.