Nguyễn San Hà[1]
Tóm tắt
Nhà tù Côn
Đảo được thực dân Pháp dựng lên ngay sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam, nhằm
giam cầm những phần tử chống lại chính sách “bảo hộ” của chúng tại nước ta. Mặt
khác, việc đưa các nghĩa binh, chí sĩ ra lưu đày tại Côn Đảo cốt để tách họ
khỏi đồng bào, chết dần chết mòn dưới chế độ lao tù khổ sai, cuối cùng là đi
đến triệt tiêu tinh thần chống Pháp. Nhưng qua thực tế thì phong trào đấu tranh
của các chiến sĩ Nhà tù Côn Đảo thời kỳ 1862 – 1930 vẫn diễn ra sôi nổi với
những điểm đặc sắc. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ muốn tập trung
làm rõ về đặc điểm thành phần và hình thức đấu tranh các tù nhân Côn Đảo trong
68 năm đầu, như để thắp lên một nén nhang tưởng các chiến sĩ đã bỏ xác nơi “địa
ngục trần gian”.
I. Đặt vấn đề:
Hệ thống Nhà tù Côn Đảo từ khi hình thành đến lúc thực dân Pháp rút
quân về nước (1862 - 1954) đã tồn tại và hoạt động suốt 92 năm. Tại đây đã
chứng kiến biết bao nhiều lớp tù nhân yêu nước bị lưu đày để chịu đựng các cực
hình của chốn “Địa ngục trần gian”. Cũng chính nơi đây, tất cả bản chất và tội
ác của bọn thực dân xâm lược Việt Nam đã bộc lộ một cách rõ nhất và
đầy đủ nhất qua chế độ lao tù của chúng. Song các tù nhân yêu nước vào những
ngày đầu mới thành lập đến trước lúc có đường lối lãnh đạo chung của Đảng Cộng
sản (1862 - 1930) thì phòng trào đấu tranh chống lại bọn thực dân và tay sai
tại Côn Đảo vẫn diễn ra rất sôi nổi. Bài viết tập trung phân tích đặc điểm về
mặt thành phần và các hình thức đấu tranh của tù nhân trong giai đoạn 1862 –
1930. Qua đó, đánh giá đúng được vị trí của các hoạt động yêu nước ở Côn Đảo.
II. Nội dung:
2.1
Khái quát Nhà tù Côn Đảo và phong trào đấu tranh của tù nhân (1862 – 1930)
Côn Đảo là một quần đảo tiền tiêu nằm ở Đông Nam nước ta (gồm 16 đảo lớn nhỏ),
cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý. Côn Đảo là tên gọi hòn đảo lớn nhất thuộc
quần đảo này (còn gọi là Côn Lôn, Côn Sơn hay Côn Nôn, diện tích 51,520 km2,
chiếm 2/3 tổng diện tích quần đảo) [1,7-8]. Do nằm trên con đường hàng hải nối
liền Âu – Á, Côn Đảo đã được người phương Tây biết đến rất sớm.
Sau khi đánh chiếm được Gia Định (1859), Định Tường (1861) thì bọn chỉ
huy xâm lược Pháp đã nghĩ ngay đến vấn đề phải chiếm quần đảo tiền tiêu này.
10/11/1861, trong thư gửi đô đốc Bonard, Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa Pháp
có nhắc “Tôi vẫn lo sợ một quốc gia nào
đó sẽ đến chiếm cứ hải đảo này và biến nó thành một pháo đài quan sát rất nguy
hiểm cho chúng ta”[6,189-190] và yêu cầu phải cố chiếm để xây một ngọn hải
đăng. Trên tinh thần đó, 28/11/1861 tên trung úy Hải quân Pháp Lespès Sébastien
Nicolas Joachim đã đưa chiến hạm Norzagaray đến chiếm Côn Đảo với tuyên bố “tuân hành lệnh của Chính phủ, tuyên bố
quyền chiếm hữu quần đảo Poulo Condore, nhân danh Hoàng đế Pháp Napoléon III”[6,190]
trong “Biên bản về chủ quyền quần đảo Poulo Condore”, ngay sau đó thì các đoàn
khảo sát đã đến để tìm hiểu vùng đất vừa chiếm này. Đến 1/2/1862, Bonard ký
quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, chính thức biến nơi đây thành “Địa ngục
trần gian”.
Hệ thống nhà tù Côn Đảo thời Pháp chủ yếu được xây dựng trong khoảng từ
1862 – 1928 bao gồm các công trình chủ yếu là: Banh I (còn có các tên Lao I,
trại Cộng Hòa, Trại 2 và sau cùng là Phú Hải) được khởi xây năm 1892 và chỉnh
trang kiên cố 1896 với tổng diện tích 12.015 m2 trong đó diện tích
phòng giam là 2.915 m2; Banh II (có tên khác là Lao II, trại Nhân
Vị, Trại 3 và Phú Hải) xây dựng năm 1916, nằm cạnh Banh I với diện tích 13.228
m2 trong đó diện tích phòng giam chiếm 2.414 m2; Banh III
(tên gọi khác là Lao III, trại Bác Ái, Trại I và trại Phú Thọ) khởi xây năm
1928 cách hai Banh trước 1 km với tổng diện tích 12.700 m2 còn diện
tích giam là 1.200 m2. Bên cạnh đó còn Banh III phụ và các cơ sở
khác để phục vụ cho việc quản lý và sinh hoạt của tù nhân cũng như bọn cai ngục.
Về phong trào đấu tranh của các tù nhân Côn Đảo thời kỳ 1862 – 1930 có
thể tạm chia ra thành hai giai đoạn:
Giai đoạn 1862 – 1907, đây là lúc phong trào chống Pháp diễn ra sôi nổi
ở khắp nơi trong cả nước, nên nơi đây chủ yếu tiếp nhận những người tham gia
lãnh đạo hay chiến đấu trong các cuộc khởi nghĩa và phong trào Cần Vương vào
cuối Tk XIX.
Giai đoạn 1908 – 1930, thời gian này trong đất liền vẫn diễn ra các
phong trào đấu tranh yêu nước, nhưng có những hình thức mới mang tính “ôn hòa”,
chú ý đến văn hóa và cải thiện đời sống như: Đông Kinh Nghĩa Thục; phong trào
Đông Du; chống thuế ở Trung kỳ. Bên cạnh đó, các hình thức đấu tranh bằng bạo
lực cũng tiếp tục tiếp diễn như: khởi nghĩa Yên Thế; Hà Thành đầu độc; khởi
nghĩa Thái Phiên; hay các hoạt động của Quốc Dân Đảng…Thực dân Pháp đã thẳng
tay đàn áp và không ngừng lưu đày các lãnh tụ và người tham gia phong trào yêu
nước ra Côn Đảo.
Bọn thực dân Pháp xây dựng Nhà tù Côn Đảo và đưa hàng loạt tù nhân yêu
nước ra đó là nhằm cô lập họ với nhân dân, dùng đòn roi và lao động khổ sai để
đè bẹp ý chí chống Pháp ví như: “Nhốt chật mười năm cọp cũng lành”. Nổi lên
trong chế độ lao tù của Côn Đảo chính là việc lao động khổ sai như: nạn mò san
hô ở biển, người tù phải ở dưới biển mỗi ngày “lao động 12 tiếng, cộng với 3 tiếng đi về. Mỗi chuyến đi phải nộp 40
tảng san hô có kích thước bằng chiếc nón lá”[3,73]; hay đi phu xây dựng các
công trình quy mô ở trên đảo như cầu đường, nhà lao, hải đăng…làm chết không
biết bao nhiêu người tù vô tội và để lại những cái tên đến hôm nay (cầu Ma
Thiên Lãnh; cầu tàu 914). Mác đã không sai khi nói “sự giả dối thậm tệ và tính dã man vốn có của nền văn minh tư bản sẽ lộ
ra trần truồng trước mắt chúng ta, khi chúng ta không quan sát nền văn minh ấy
ở chính quốc…mà quan sát nó ở các thuộc địa, nơi mà nó lộ rõ một cách không che
đậy”[5,568] để chỉ bản chất của bọn thực dân tại các xứ thuộc địa mà Nhà tù
Côn Đảo là chứng tích.
Dù vậy, thực dân Pháp vẫn không thành công khi mà các cuộc đấu tranh
của tù nhân Côn Đảo trong thời kỳ này vẫn nối tiếp nhau diễn ra thể hiện những
đặc điểm tiêu biểu.
2.2 Dù ở giai đoạn nào thì Côn Đảo cũng vô tình trở
thành một nơi hội những con người yêu nước
Sau những phong trào chống Pháp sôi nổi trong đất liền thì ở Côn Đảo
lại đón nhận những người tù nhân mới mà thành phần chủ yếu là các nghĩa quân.
Họ ra đảo để đón nhận những cực hình và đòn roi của bọn cai ngục. Đến giai đoạn
1908 – 1930, các lớp tù nhân bị đưa ra mang nhiều thành phần mới như: các sĩ
phu, văn thân yêu nước cấp tiến thuộc hàng “vẫn
người trong khoa mục danh sắc, há không biết người bội quốc (Phan Bội Châu) là
không nên theo sao ?”[4, 28]. Nhưng dù ở giai đoạn nào, những người yêu
nước ấy vẫn giữ được cái chất anh hùng. Họ xem “chính nơi đây đã rèn đúc họ ý chí để họ tiếp tục bước lên con đường
đấu tranh đầy trong gai, bão táp, không sợ hy sinh”[3,72] như Lê Văn Huân
đã viết:
“Biển Đông có một đảo
Nổi tiếng rừng anh hùng
Ai lưu đày đến đó
Nhân phẩm cao ngàn vàng”
Hay cụ Phan Châu Trinh khi nghe các thân hữu (Huỳnh Thúc Kháng; Ngô Đức
Kế; Đặng Nguyên Cẩn…) cùng nhau đấu tranh vì “khai dân trí” một thời cũng bị
đày ra tới Côn Đảo, ông đã tranh thủ tìm hiểu và gửi đến các bạn mấy dòng tâm
quyết: “Thoạt nghe tin anh em ra đây, dậm
chân vang trời một tiếng! Đoạn, tự nghĩ rằng anh em vì quốc dân mà hi sinh đến
phải ra đây, chắc là có trăm đều vui mà không có chút gì buồn. Đây là một
trường học thiên nhiên, mùi cay đắng trong ấy, làm trai giữa thế kỷ 20 này,
không thể không nếm cho biết…”[4,50]. Qua đó cho thấy dù ở tù đã mấy năm
song nhà tù của bọn thực dân vẫn không thể bẻ cong được tinh thần của những
người anh hùng. Do đó, các tù nhân Côn Đảo vẫn không ngừng mưu tính và nổi dậy
để thoát cảnh lao tù.
2.3 Các chí sĩ yêu nước bị giam tại Nhà tù Côn Đảo
liên tục đấu tranh với nhiều hình thức.
Có thể thấy rằng trong suốt giai đoạn 1862 – 1930, do thành phần là các
nghĩa binh và lãnh tụ của các phong trào chống Pháp hay tổ chức yêu nước trong
đất liền, nên hình thức phổ biến xuyên suốt trong quá trình đấu tranh của các
tù nhân là giết cai ngục, phá nhà tù để vượt ngục nhằm thoát khỏi cảnh lao tù
và hành hạ của bọn thực dân. Khởi đầu là cuộc nổi dậy của thủ lĩnh Nguyệt
(28/6/1862) kết hợp với hàng trăm tù nhân cũ do nhà Nguyễn để lại cùng dân trên
đảo “nhanh chóng san phẳng Nhà tù Côn Đảo
vừa mới thành hình hài”[3,73]. Hay cuộc nổi dậy, ngày 27/8/1883 mà “báo chí Pháp mệnh danh là cuộc cách mạng ở
Côn Đảo”[3,77] của 150 tù nhân xây dựng ngọn hải đăng ở Bảy Cạnh, giết chết
5 lính gác và quản lý người Pháp (Cabilic, Dulong và đốc công Bidault) cướp
được nhiều súng và thuyền, canô để rời khỏi đảo. Bọn thực dân phải thú nhận
rằng “nguyên nhân trực tiếp chính là nạn
lao dịch khủng khiếp của tù nhân tại công trường hải đăng Bảy Cạnh”[6,223]. Bên cạnh hình thức nổi dậy thì việc
lập kế hoạch vượt ngục không qua việc nổi dậy cũng là một biện pháp được các
chí sĩ yêu nước chọn tiêu biểu là cuộc vượt ngục vào tháng 8/1917 của nhóm
Nguyễn Đình Kiên, Trần Hoành, Phạm Kim Đài cùng 3 tù thường phạm xứ Nam kỳ đã
trốn về đất liền. Nhưng sau họ bị bắt lại và đày ra Côn Đảo.
Một hình thức khác mang nét mới hơn của tù nhân là tổ chức “Thi đàn Côn
Đảo” mà khởi xướng là các nho sĩ cấp tiến. Vì tại Nhà tù Côn Đảo đầu Tk XX, vẫn
chưa có sự phân biệt chính trị phạm, quốc sự phạm với tù thường phạm, nên tất
cả vẫn giam chung ở Banh I. Với đặc điểm “ôn hòa” họ đã đấu tranh để được ở
riêng và đến 1910, quản đốc Cudenet đã “phải
đưa các chính trị phạm giam riêng ở Khám số 6 và Khám số 7 thuộc Banh I, cho
làm khổ sai nhẹ hơn như dệt chiếu, đan mây, làm rẫy”[3,102]. Theo cụ Huỳnh
Thúc Kháng, “Từ đó chúng tôi mới có thú
sống chút ít, mà trong khám B, trở thành trường học và thi đàn của chúng tôi.
Khóa học trong trường thiên nhiên bắt đầu từ đó”[4,78]. Các nhà yêu nước trong
Thi đàn đã cũng nhau làm và bình thơ văn, diễn tuồng hay dạy nhau học chữ Hán,
chữ Tây. Các hoạt động đó, cũng tạo ra điều kiện để các tù nhân có thể ra ngoài
giúp việc cho bọn quan sai và lợi dụng nắm bắt thêm nhiều thông tin ở trong đất
liền. Bên cạnh việc rèn luyện, bồi dưỡng chí khí, hoài bão, dưới hình thức Thi
đàn họ đã có “những buổi sinh hoạt chính
trị nhằm trình bày những điều mình suy ngẫm, đánh giá lại quá trình hoạt động, phác
thảo kế hoạch xúc tiến nhanh sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và đất nước”[3,105].
Cũng chính từ đây mà một tổ chức yêu nước đã được phôi thai với tư tưởng ban
đầu là Phục Hưng Việt Nam (gọi tắt là Phục Việt hay Hưng Nam) do các cụ Giải
Huân, Cử Ngò, Tú Kiên, Nghè Kế đồng sáng lập với mục tiêu “…khi nào ra tù sẽ thành lập Hội Phục Việt, tôn Phan Bội Châu làm minh
chủ, quyên góp thật nhiều tiền, lập chính phủ lưu vong ở Quảng Châu”[2,48]
cùng chủ trương “dùng võ lực mà lấy lại
Việt Nam”[2,48].
Bên cạnh đó, cũng cần thấy một yếu tố là chủ trương và tư tưởng của các
nhà yêu nước khi còn đấu tranh ở đất liền cũng phần nào quyết định đến phương
pháp đấu tranh tại Côn Đảo. Như các cụ thuộc các phong trào Đông Kinh hay chống
thuế ở Trung kỳ thì vẫn mượn việc thơ ca để giữ bầu nhiệt huyết đấu tranh và
tìm cơ hội thuận lợi vượt ngục về đất liền. Còn tư tưởng chủ trương bạo động
của các tù nhân thuộc Quốc Dân Đảng thì vẫn được tiếp tục duy trì lúc họ đã ở
trong nhà tù thực dân. Tiêu biểu là xu hướng của Phạm Tuấn Tài muốn tổ chức
chiếm nhà tù Côn Đảo rồi sẽ đoạt tàu rút về nơi khác. Song do việc tuyên truyền
lộ liễu và ngày 15/7/1930 toàn bộ kế hoạch đổ vỡ, nên toàn bộ số tù có dính líu
đến đều bị đưa sang đảo Hòn Cau. Điều đó cho thấy “tư tưởng thành nhân” của
thành viên Quốc Dân Đảng “nó chẳng những
chi phối những người tham gia khởi nghĩa Yên Bái mà cả những người hăng hái ở
nhà tù”[3,109].
III. Kết luận
Qua việc tìm hiểu về vài đặc điểm chính của phong trào đấu tranh của
các tù nhân Côn Đảo trong thời kỳ 1862 – 1930, ta thấy được chính ý chí đấu
tranh không biết mệt mỏi của các tù nhân nơi đây đã thật sự làm cho mục tiêu
ban đầu trong việc thiết lập nhà tù thực dân của Pháp hoàn toàn bị sụp đổ. Nó
chỉ có thể giam giữ được thể xác của các nhà yêu nước, nhưng tinh thần và ý chí
của họ thì luôn vượt qua những rào sắt, tường đá và biển cả để về với nhân dân.
Các cuộc nổi dậy diễn ra liên tiếp tại Côn Đảo dưới nhiều hình thức mà trong đó
có thể được xem là đỉnh cao của giai đoạn này là việc khai sinh ra được một tổ
chức yêu nước Hội Phục Việt.
Bên cạnh đó, cũng thấy được mặt hạn chế là việc các nhà trí thức đầu Tk
XX cũng như các thành viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng chưa tạo được một khối
liên kết, có tổ chức thống nhất để có thể vạch ra các nội dung đấu tranh và
vượt ngục thành công hơn. Họ vẫn còn những định kiến và phân biệt trong việc
thực hiện đấu tranh chống chế độ lao tù tại Côn Đảo. Tiêu biểu là trong giai
đoạn này, vẫn còn ranh giới giữa tù thường phạm với tù chính trị và quốc sự
(được gọi là bọn quan to), điều này dẫn đến việc thực dân Pháp dễ dàng phân hóa
và đàn áp các cuộc nổi dậy hay âm mưu bỏ trốn của các tù nhân.
Một điều cần thấy là đến ngày hôm nay trong việc biên soạn sách giáo
khoa cũng như việc dạy học lịch sử ở trường phổ thông, dường như chúng ta đã
quên việc đem hình ảnh đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước ở nhà tù Côn Đảo vào phần lịch sử dân tộc. Hay
việc đem những tác phẩm thơ ca văn học được sáng tác tại Côn Đảo mà tiêu biểu
là tác phẩm của cụ Huỳnh Thúc Kháng “Thi Tù Tùng Thoại” ghi chép và sưu tầm vào
giai đoạn (1908 - 1921) khá đồ sộ và công phu để phân tích và giáo dục cho học
sinh. Rất mong rằng, các nhà khoa học và các cấp lãnh đạo sau Hội thảo này, sẽ
có những nghiên cứu và kiến nghị thêm để tinh thần và hình ảnh đấu tranh bất
khuất của các người tù yêu nước tại Côn Đảo luôn sáng mãi trong sử sách và con
tim của thế hệ trẻ Việt Nam.
Tài liệu
tham khảo
1.Ban Quản
Lý Di Tích Côn Đảo (2011), Sơ lược về khu
di tích lịch sử Côn Đảo và những truyền thuyết, NXB Văn hóa – Văn nghệ, TP.
HCM. 2.Đinh Trần Dương (2006), Tân Việt Cách Mạng Đảng trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3.Học Viện Chính Trị - Hành Chính Quốc Gia HCM (2011), Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Nhà tù Côn Đảo (1862 - 1975), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4.Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng (2001), Thi tù tùng thoại, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
5.Mác – Ăng ghen (1981), Tuyển tập, tập II, NXB Sự thật, Hà Nội.
6.Nguyễn Phan Quang (1995), Việt Nam Cận đại những sử liệu mới, tập 1, NXB TP. Hồ Chí Minh.
THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO CÔN ĐẢO 150 NĂM ĐẤU TRANH, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1862 - 2012)
[1] Giáo
viên trường THCS Võ Trường Toản