Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Nghiên cứu và lý luận



KINH NGHIỆM TUYÊN TRUYỀN LÝ LUẬN CÁCH MẠNG  TRONG TÁC PHẨM “ĐƯỜNG CÁCH MỆNH” CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC 

NGUYỄN SAN HÀ

TÓM TẮT:
Tác phẩm Đường Cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc được in thành sách đầu tiên năm 1927, đã góp phần quan trọng trong công tác truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin cho các thanh niên ưu tú trong Hội Cách mạng Thanh niên Việt Nam. Bên cạnh những giá trị quan trong trong việc tố cáo và vạch ra đường lối cách mạng giành độc lập cho dân tộc về sau. Tác phẩm còn là một cẩm nang rất có ý nghĩa cho cán bộ, giảng viên tham gia công tác tuyên truyền lý luận cách mạng trong giai đoạn mới. Đây cũng là một nội dung cần học tập theo tấm gương làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Đầu năm 1927, các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên yêu nước đã được tập hợp và in thành sách với tựa đề Đường Cách mệnh xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tác phẩm đã góp phần quan trọng trong công tác truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin đến với thanh niên yêu nước đang hoạt động tại hải ngoại và Việt Nam. Có thể thấy rằng tiếp theo tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, cuốn Đường Cách mệnh là “cơ sở lý luận cho cuộc vận động cách mạng ở nước ta cuối những năm 20, giáng một đòn nặng nề vào chủ nghĩa cải lương, tư tưởng “Pháp Việt nhất gia”  của giai cấp địa chủ, tư sản lúc đó, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoạch định đường lối chiến lược, cũng như phương pháp cách mạng của giai cấp công nhân”[1]. Sau 85 năm xem lại tác phẩm, tác giả thấy bên cạnh những giá trị mang tính “kim chỉ nam” cho cách mạng Việt Nam, nó còn là một cẩm nang quan trọng hướng dẫn cho các cán bộ, giảng viên trong công tác tuyên truyền lý luận cách mạng Việt Nam hiện nay mà chúng ta cần tiếp tục học tập từ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Thông qua phân tích những nét đặc sắc từ tác phẩm Đường Cách mệnh, chúng ta sẽ thấy được cả một nghệ thuật tuyên truyền lý luận cách mạng thật phù hợp với hoàn cảnh đất nước, vừa thấu đáo nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc đã khá thành công trong việc xác định đối tượng và làm rõ mục đích tác phẩm cần hướng đến ngay từ những trang đầu tiên: “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) vì sau chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sau cách mệnh là việc chung của dân chúng chứ không phải việc của một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta ? Ai là thù ta ? (6) Cách mạng thì phải làm thế nào”[2]. Qua đó, chúng ta đã thấy được bằng giọng văn ngắn gọn, súc tích và từ ngữ giản dị Nguyễn Ái Quốc khi ấy đã dễ dàng truyền tải đến người đọc những nội dung cơ bản về cách mạng, mà đối tượng chủ yếu là “quảng đại quần chúng”. Vì thực sự dưới sự áp bức, bóc lột của bọn thực dân Pháp thì phần lớn người dân Việt Nam lúc ấy chưa thể nào đủ nhận thức mà hiểu được những ngôn từ chính trị hàm lâm và quá xa với cuộc sống đời thường của họ.
Khi bàn đến khái niệm của “cách mệnh” Người đã khéo léo phân tích một cách đơn giản: “cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”[3] rồi lấy nhiều ví dụ cho người đọc dễ liên hệ. Với cách diễn giải này thì quả thật đến những người không biết gì về cách mạng cũng dễ dàng tiếp nhận và nhớ lâu. Song cách lý giải đó, vẫn giữ nguyên được ý nghĩa của thuật ngữ “cách mệnh”.Ví như đối với lúc dân tộc còn đang bị ách nô lệ của bè lũ thực dân và tay sai thì cách mạng khi ấy là đánh tan quân xâm lược và làm cách mạng giai cấp. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, việc chống lại quốc nạn tham ô, lãng phí và quan liêu cũng là cách mạng như Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng các tật xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn  thành công…”[4]. Từ những minh chứng trên chúng ta thấy rõ hơn sự sâu sắc trong công tác tuyên truyền lý luận cách mạng của Người.
Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc đã rất thành công trong việc vận dụng lịch sử thế giới để tuyên truyền cách mạng trong nhân dân. Bằng những kiến thức lịch sử thế giới sâu sắc, trong tác phẩm Đường Cách mệnh Người đã điểm qua những cuộc cách mạng tư sản chưa triệt để như: cách mạng Mỹ; cách mạng Pháp rồi cảnh báo mọi người: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư sản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục (tước  đoạt) công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[5]. Rồi Người dừng lại khá lâu để phân tích đất nước và cách mạng tại Nga, đặc biệt là cuộc cách mạng Tháng 10 năm 1917 và đi đến nhận định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên Việt Nam”[6]. Từ những phân tích tình hình lịch sử thế giới trên, Người mới dễ dàng chỉ cho nhân dân Việt Nam đang bị đọa đày biết được con đường cách mạng Việt Nam phải tiến hành trong tương lai.
Nghệ thuật dùng lịch sử thế giới để chỉ ra được con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam mà Người vận dụng phải kết hợp nhuần nhuẫn giữa lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin với việc liên hệ với chính bản thân Việt Nam lúc bấy giờ. Nên ở mỗi cuộc cách mạng hay mỗi vấn đề thế giới đề cập trong tác phẩm đều có những mục gắn với Việt Nam như: Ý nghĩa cách mệnh Mỹ với cách mệnh Việt Nam thế nào ?; Cách mệnh Pháp làm gương cho chúng ta về những việc gì ? hay Cách mệnh Nga đối với cách mệnh Việt Nam thế nào ?...Chính những đều này làm cho tác phẩm dễ đi vào lòng người đọc hơn (đặc biệt là những nhà yêu nước trẻ tuổi đầu những 20 của thế kỷ XX). Nên rất có lý khi GS Vũ Dương Ninh nói rằng: “Đường kách mệnh là công trình sử học đầu tiên ở nước ta được phân tích theo quan điểm mácxít; và nhờ đó, có thể coi Đường kách mệnh là viên đá tảng đầu tiên xây dựng nền khoa học lịch sử mácxít Việt Nam”[7]. Đây cũng là một yêu cầu cần phải lưu ý khi biên soạn các tài liệu lý luận chính trị trong tương lai.
Thứ ba, Điều quan trọng nhất là tác phẩm Đường Cách mệnh đã thể hiện được tinh thần sáng tạo về lý luận và tránh việc rập khuôn giáo điều trong tư tưởng cách mạng. Rõ ràng đến hôm nay, chúng ta đều biết trong suốt quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc cũng không ngừng phát triển và đóng góp thêm vào kho tàng lý luận cách mạng vô sản thế giới. Cũng như phải đương đầu với nhiều tư tưởng “tả khuynh” và “giáo điều” trong Đệ tam Quốc tế Cộng sản. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh đã thể hiện khá sâu sắc những quan điểm sáng tạo của Người.
Như trong vấn đề xác định lực lượng cách mạng Việt Nam Người nêu rõ: “công nông là người chủ cách mênh. (1) Là vì công nông bị áp bức nặng hơn, (2) là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết, (3) là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc”[8]. Nhận định trên đã cho thấy Nguyễn Ái Quốc đã kế thừa và diễn giải vấn đề lực lượng một cách sắc bén như Mác từng khẳng định trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mấy gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Trong cuộc cách mạng ấy, họ giành được cả một thế giới cho mình”[9].Không dừng lại ở đó, từ việc xác định đúng kẻ thù chính của dân tộc là đế quốc thực dân và bè lũ tay sai. Người đi đến phân tích sâu sắc, toàn diện lực lượng cách mạng và chỉ rõ thêm: “còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”[10] điều này cho thấy người đã nắm rõ sự vận động của các giai cấp ở Việt Nam nói riêng và các nước thuộc địa nói chung. Quan điểm đó, về sau lại tiếp tục được phát triển trong tiến trình cách mạng Việt Nam.
Cũng chính trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người viết: “Việt Nam dân tộc cách  mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ. Và nếu công nông Pháp cách mệnh thành công, thì dân tộc Việt Nam sẽ được  tự do”[11].Điểm này chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc đã thấy được trước: “cách  mạng giải phóng dân tộc ở  các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc. Nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có thể “chủ động đứng lên, đem sức ta mà giải phóng cho ta” giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc”[12]. Dù rằng, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam có liên hệ mật thiết với cách mạng vô sản Pháp. Quan điểm nay đã được  chứng minh khá hùng hồn khi Việt Nam đánh bại Pháp và can thiệp Mỹ tại Điện Biên Phủ (7/5/1954).
Từ những hai dẫn chứng trên, đòi hỏi các cán bộ, giảng viên khi tham gia làm công tác tuyên truyền lý luận cách mạng cần phải nắm vững quan điểm Mác – Lênin và tư  tưởng  Hồ Chí Minh. nhưng cũng cần phải linh hoạt và “xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể.”[13] Như Người đã dạy trong phần  “Tư cách một người Cách mệnh” (mục: Làm việc phải). Cũng cần nhấn mạnh rằng sự vật hiện tượng đều vận động theo thời gian, nên việc quyết đoán và phục tùng đoàn thể (số đông) là một vấn đề quan trọng trong công tác tuyên truyền lý luận cách mạng ở hoàn cảnh hiện nay. Điều đó đòi hỏi bản lĩnh phán xét của mỗi cá nhân trực tiếp tham gia.
Tóm lại, trên tinh thần của Lênin đã dạy: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[14]. Chúng ta cần phải tiếp tục như Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không ngừng bổ sung và kho tàng lý luận cách mạng mà quan trọng ở đây là công tác tuyên truyền thông qua học tập từ tác phẩm Đường Cách mệnh của Người. Qua tìm hiểu tổng quát ở trên có thể rút ra một vài kết luận như sau:
1.Trong công tác tuyên truyền lý luận cách mạng của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện tại và tương lai rất cần thiết phải hướng đến đối tượng là “quảng đại quần chúng” đặc biệt là sinh viên, Đảng viên trẻ. Vì họ là tinh túy của quốc gia.
2.Việc biên soạn và trình bày các nội dung lý luận cách mạng hay quan điểm, chủ trưởng của Đảng và Nhà nước không nên quá tô vẻ, nặng về câu từ hàm lâm khó tiếp thu. Khi trình bày cần phải vận dụng thật tốt việc so sánh, đối chiếu cũng như liên hệ giữa lý luận và thực tiễn đất nước ta. Hay giữa tình hình thế giới và liên hệ với Việt Nam.
3.Văn phong, ngôn từ và các diễn giảng của cán bộ, giảng viên làm công tác tuyên truyền cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc bồi dưỡng và tuyên truyền đến người nghe. Cần phải rèn luyện và học tập không ngừng như Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã làm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Hồ Chí Minh (1980), Đường Cách mệnh, trích từ “Hồ Chí Minh Tuyển tập, tập 1”, NXB Sự thật, Hà Nội.
2.      Lênin (1974), Toàn tập, tập 4, NXB Tiến bộ, Mát – xcơ – va.
3.      Mác – Ăngghen (1980), Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, trích từ “Tuyển tập Mác – Ăngghen tập I”, NXB Sự thật, Hà Nội
4.      Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập VIII, 1919 – 1930, NXB KHXH, Hà Nội.
5.      Võ Nguyên Giáp (1997), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường Cách mạng Việt Nam, NXB CTQG, Hà Nội.
6.      Vũ Dương Ninh (2007), Từ kinh nghiệm lịch sử thế giới đến thực tiễn cách mạng Việt Nam qua tác phẩm Đường Kách mệnh, trích từ “Việt Nam – Thế giới và Hội nhập (một số công trình tuyển trọn)”, NXB Giáo dục, Hà Nội.
(Trích từ Tài liệu Hội thảo khoa học "Tác phẩm Đường Kách mệnh với cách mạng Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiển" tổ chức tháng 12/2012)

[1] Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập VIII, 1919 – 1930, NXB KHXH, Hà Nội. tr 498-499.
[2] Hồ Chí Minh (1980), Đường Cách mệnh, trích từ Hồ Chí Minh Tuyển tập, tập 1, NXB Sự thật, Hà Nội. tr233.
[3] Hồ Chí Minh, sđd, tr234.
[4] Hồ Chí Minh, sđd, tr515.
[5] Hồ Chí Minh, sđd, tr247.
[6] Hồ Chí Minh, sđd, tr254.
[7] Vũ Dương Ninh (2007), Từ kinh nghiệm lịch sử thế giới đến thực tiễn cách mạng Việt Nam qua tác phẩm Đường Kách mệnh, trích từ “Việt Nam – Thế giới và Hội nhập (một số công trình tuyển trọn)”, NXB Giáo dục, Hà Nội. tr55 -56.
[8] Hồ Chí Minh, sđd, tr238.
[9] Mác – Ăngghen (1980), Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, trích từ “Tuyển tập Mác – Ăngghen”, NXB Sự thật, Hà Nội. tr586.
[10]Hồ Chí Minh, sđd, tr238.
[11]Hồ Chí Minh, sđd, tr238.
[12] Võ Nguyên Giáp (1997), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường Cách mạng Việt Nam, NXB CTQG, Hà Nội. tr68.
[13] Hồ Chí Minh, sđd, tr231.
[14] Lênin (1974), Toàn tập, tập 4, NXB Tiến bộ, Mát – xcơ – va. Tr 232.